Giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn mức trung bình toàn cầu

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 45%, khiến giá bán lẻ xăng dầu trên toàn cầu chạm mức cao kỷ lục. Hiện giá xăng Việt Nam đang có mức giá thấp thứ 78 trên toàn cầu và thấp hơn đáng kể nhiều quốc gia trong khu vực.

Giá xăng tại Việt Nam thấp hơn nhiều nơi trong khu vực

giá bán lẻ xăng dầu
Mức giá bán lẻ bình quân xăng tại Việt Nam đang thấp hơn mức trung bình toàn cầu và thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác trong khu vực (Nguồn: Global Petrol Prices)

Theo dữ liệu của website giá xăng dầu thế giới Global Petrol Prices, mức giá bán lẻ bình quân xăng các loại tại Việt Nam đạt 1,324 USD/lít (tính đến 15h00 ngày 23/5/2022). Đây là mức giá thấp thứ 78 trên tổng số 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu được website này theo dõi về biến động giá nhiên liệu. Mức giá này cũng thấp hơn khoảng 2,7% so với mức giá bán lẻ xăng trung bình trên toàn cầu (1,36 USD/lít). 

Hiện giá bán lẻ xăng trong nước đang được quy định không cao hơn 29.633 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 và không cao hơn 30.657 đồng/lít đối với xăng RON95-III.

So với ba quốc gia có chung đường biền giới đất liền thì mức giá bán lẻ bình quân xăng các loại tại Việt Nam đang thấp hơn đáng kể so với Lào (thấp hơn 26,8%), Campuchia (5,1%) và Trung Quốc (3,9%). Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực thì giá bán lẻ xăng tại nước ta cũng đang thấp hơn nhiều so với Singapore (thấp hơn 67,6%), Philippines (13,1%) và Thái Lan (8,4%).

Với mức giá như hiện nay thì mỗi lít xăng đang chiếm khoảng 17% thu nhập bình quân mỗi ngày của người Việt, mức này nhỉnh hơn một ít so với người dân Philippines (chiếm 16,57%) nhưng thấp hơn nhiều so với Campuchia (32,9%), Lào (23,31%), Myanmar (28,58%) hoặc Ấn Độ (27,5%).

Giá dầu thô thế giới neo cao

giá dầu thô
 Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 45% kể từ đầu năm nay và hiện giao dịch quanh mức 113 USD/thùng (Đồ hoạ: Oil Price)

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh hơn 45%, lên mức 113 USD/thùng, khi thị trường rơi vào tình trạng căng thẳng nguồn cung dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Giá dầu thô Brent được xem là giá tham khảo chuẩn cho các loại dầu thô khác trên toàn cầu. Giá dầu thô tăng cao đã và đang gây áp lực lớn lên giá bán lẻ nhiên liệu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nhiều tổ chức kinh tế nhận định giá dầu thô đang có xu hướng neo trên ngưỡng 100 USD/thùng và thế giới sẽ dần phải làm quen với việc giá dầu thô không còn rẻ như trước đây trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine khó có thể sớm chấm dứt.

Dòng chảy năng lượng trên toàn cầu còn có thể bị xáo trộn mạnh trong thời gian tới nếu như Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận việc cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu thô từ Nga. EU hiện chịu sức ép lớn trong việc ngưng giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga nhưng một số quốc gia trong khối như Hungary và Slovakia lo ngại khó có thể tìm kiếm nguồn năng lượng ổn định, giá rẻ ngoài Nga.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác. Sản lượng khai thác của tổ chức này trong tháng 4/2022 thấp hơn tới 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra. Một số quốc gia thành viên như Nigeria và Angola gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật để nâng duy trì sản lượng khai thác, tình trạng bất ổn chính trị tại Libya khiến hoạt động xuất khẩu dầu của nước này bị đình trệ, và một số quốc gia khác đã cạn kiệt phần công suất dự phòng để gia tăng sản lượng trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên thế giới có thể tăng lên trong thời gian tới khi Trung Quốc đang dần kiểm soát hiệu quả làn sóng lây nhiễm Covid-19 và các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước này sẽ sớm được tái triển khai trở lại sau thời gian dài bị ngưng trệ vừa qua. Tất cả những nhân tố trên có thể khiến giá dầu thô tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới, kéo theo đó là giá các loại nhiên liệu trên toàn cầu.

Quỳnh Trang