Giai đoạn “cất cánh” của hệ thống các trường đào tạo ngành Công Thương

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước trở đi được coi đây là giai đoạn “cất cánh” của hệ thống các trường đào tạo thuộc ngành Công Thương.
ngành Công Thương
Hội nghị tổng kết Đổi mới đào tạo và khoa học công nghệ (năm 2000) Trường Đại học Thương mại

Tăng quy mô và chất lượng

Các trường đào tạo ngành Công Thương đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển nhà trường cả về quy mô, ngành nghề và chất lượng đào tạo. Nhiều trường đủ điều kiện để nâng cấp lên thành các trường cao đẳng, đại học.

Một số ví dụ tiêu biểu:

- Năm 1999, Trường Trung cấp Công nghiệp IV được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Công nghiệp IV;

- Năm 2004, Trường Cao đẳng Công nghiệp IV nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh;

- Năm 1998, Trường Kỹ nghệ thực hành Huế được nâng cấp đào tạo và đổi tên thành TrườngTrung học Công nghiệp Huế;

- Năm 2005, Trường Trung học Công nghiệp Huế được nâng cấp đào tạo và đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế;

- Năm 1997, hợp nhất và nâng cấp 2 trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội, Trường Công nhân Kỹ thuật I thành Trường Trung học Công nghiệp I;

- Năm 1999, nâng cấp đào tạo Trường Trung học Công nghiệp I thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội;

- Năm 2005, tiếp tục nâng cấp đào tạo Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội thành Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội;

- Năm 1996, Trường Kinh tế-Kỹ thuật Công nghiệp Nhẹ Nam Định được nâng cấp đào tạo và đổi tên thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Nhẹ Nam Định;

- Năm 1998 Trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp I;

- Năm 2007 Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp I tiếp tục được nâng cấp đào tạo thành Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp;

- Năm 1997, Trường Kinh tế Đối ngoại Trung ương được nâng cấp lên Cao đẳng với tên là Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại;

- Năm 1998, Trường Trung học Thương mại Trung ương I được nâng cấp đào tạo thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại;

- Năm 2006, Trường Trung học Thương mại Trung ương II được nâng cấp đào tạo thành Trường Cao đẳng Thương mại v.v…

Hệ thống đào tạo ngành Công Thương mang tính liên thông

Hệ thống đào tạo ngành Công Thương cũng hết sức linh hoạt. Chương trình đào tạo của nhiều trường cao đẳng nghề có tính liên thông giữa các bậc học, giúp học sinh, sinh viên có nhiều lựa chọn thuận lợi trong học tập nâng cao từ dạy nghề lên trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học, như các Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại, Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, Cao đẳng Thương mại…

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại liên kết đào tạo với nhiều trường đại học lớn như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Long Hoa, Wenzao (Đài Loan-Trung Quốc)… đào tạo hoàn chỉnh, liên thông cấp bằng đại học chính quy cho hàng nghìn sinh viên.

Trường Cao đẳng Công nghệ Giấy và Cơ điện cũng liên kết với nhiều trường đại học mở các lớp đại học hệ vừa học vừa làm các chuyên ngành: Công nghệ Giấy, Điện - Tự động hóa, Cơ khí chế tạo máy, Kế toán doanh nghiệp, Quản lý kinh tế… Trường Cao đẳng Thương mại liên kết với các trường đại học để đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học với hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo ngành Công Thương không ngừng mở rộng, ngày càng đa dạng và hướng tới phù hợp với nhu cầu của người học, của doanh nghiệp và thị trường lao động. Gần như tất cả các trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học ngành Công Thương ngoài các ngành đào tạo chính đều có các ngành bổ trợ mà mỗi một doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đều có nhu cầu như quản trị kinh doanh, kế toán doanh nghiệp, tài chính-ngân hàng, tiếng Anh, công nghệ thông tin, tin học văn phòng…

Cũng từ nhu cầu của thị trường, các trường đào tạo ngành Công Thương đã chú trọng hơn đến liên kết đào tạo với doanh nghiệp, với các tổ chức đào tạo nước ngoài. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giảng dạy tại các nhà máy và địa phương như Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, các Điện lực Đồng Tháp, Lâm Đồng, Sóc Trăng. Trường Cao đẳng nghề Dầu khí có nhiều mối liên hệ với các công ty trong và ngoài nước về dịch vụ lặn, khảo sát công trình ngầm, cung cấp và bảo dưỡng thiết bị tự động hóa…

Trong Quyết định 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đã ghi nhận: Tính đến năm 2010, nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 10,8 triệu người (bằng 22% tổng nhân lực toàn nền kinh tế), trong đó, tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo đạt 69%. Đối với khu vực dịch vụ, số nhân lực trên 13 triệu người (bằng 26,8% tổng nhân lực toàn nền kinh tế), trong đó, tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo 67%. Trong những con số này, có sự đóng góp rất lớn của hệ thống các trường đào tạo ngành Công Thương. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo ngành Công Thương cũng góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Đào Mạnh Đức