Giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam

Thượng tướng, PGS. TS. NGUYỄN VĂN THÀNH (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an)

TÓM TẮT:

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index- viết tắt là GCI) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum-WEF) sử dụng như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia, những điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh như hiện nay, nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề được hầu hết các quốc gia quan tâm. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua nhiều giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện nhằm cải thiện từng chỉ số của GCI. Bài viết bàn về giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, năng lực cạnh tranh, kinh tế.

1. Tổng quan về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index - viết tắt là GCI) lần đầu tiên được công bố trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2004-2005 và được Diễn đàn Kinh tế Thế giới sử dụng làm chỉ số để chính đo lường, đánh giá năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trong tương quan so sánh toàn cầu. Theo đó, chỉ số GCI đánh giá năng lực cạnh tranh thông qua 12 chỉ số trụ cột được phân vào 3 nhóm.

Nhóm 1 - Các chỉ số phản ánh các yêu cầu căn bản của một nền kinh tế, gồm: (1) thể chế, (2) cơ sở hạ tầng, (3) môi trường kinh tế vĩ mô, (4) y tế và giáo dục tiểu học.

Nhóm 2 - Các chỉ số để nền kinh tế phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả gồm: (5) giáo dục và đào tạo sau tiểu học, (6) hiệu quả thị trường hàng hóa, (7) hiệu quả thị trường lao động, (8) trình độ phát triển của thị trường tài chính; (9) sẵn sàng công nghệ và (10) quy mô thị trường.

Nhóm 3 - Các chỉ số phản ánh trình độ của doanh nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo gồm: (11) trình độ kinh doanh, (12) năng lực đổi mới sáng tạo.

Mặc dù 12 chỉ số trụ cột được đo lường riêng biệt, nhưng trên thực tế, các trụ cột này và các chỉ số thành phần đều liên quan đến nhau và tương tác, hỗ trợ cho nhau. Ba đột phá chiến lược của Việt Nam gồm: Hạ tầng cơ sở, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực hiện đã phản ánh tới 9 trong số 12 chỉ số trụ cột. Với 3 trụ cột còn lại (mức độ sẵn sàng công nghệ, trình độ kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo) phụ thuộc vào chính sách khoa học công nghệ và chính sách phát triển doanh nghiệp.

Một số nội dung được đánh giá trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu có sự tương đồng về nội hàm với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đang áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề thể chế và mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, giữa GCI, PCI và PAPI có quy mô đánh giá và cách tiếp cận khác nhau về các vấn đề này. PCI đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh và thành phố trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp dân doanh. PAPI là chỉ số dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương về năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công.

Cả hai chỉ số này đều nhằm đánh giá hiệu quả quản lý và điều hành của cùng một đối tượng là chính quyền cấp tỉnh bởi một bên là người dân, một bên là doanh nghiệp dân doanh. Trong khi đó, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu dựa trên số liệu kinh tế được chính các nước tham gia khảo sát công bố (hard data) và kết quả từ khảo sát ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế (soft data).

Bên cạnh đó, cả PAPI và PCI đều có mục tiêu đánh giá chính quyền cấp tỉnh dựa trên tính hiệu quả của quản lý và điều hành nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh. Điểm chung của các chỉ số này là đều liên quan đến nội dung về cải cách hành chính với các tiêu chí tính công khai, minh bạch, bình đẳng, kiểm soát tham nhũng hay chi phí không chính thức, chi phí thời gian, đơn giản hóa thủ tục,... PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh thông qua trải nghiệm của doanh nghiệp trong quá trình tương tác và làm việc với lãnh đạo và cơ quan chính quyền. Còn PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công thông qua những đánh giá về những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người dân ở cấp cơ sở.

Trong khi đó, GCI lại đánh giá định lượng ảnh hưởng của các yếu tố này trong việc tạo điều kiện cho thúc đẩy tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của một quốc gia nói chung, không phải chỉ ở phạm vi cấp tỉnh. Cách tính điểm của GCI cũng được xếp hạng từ 0 đến 100 (tốt nhất, điểm tới hạn). Cách tính điểm này nhấn mạnh rằng năng lực cạnh tranh không phải là cuộc chơi bằng không mà có thể được cải thiện ở tất cả các nền kinh tế.

2. Thực trạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam qua các chỉ số

Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu” (Global Competitiveness Report-GCR), trong đó xếp hạng 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới) qua 103 chỉ số được nhóm thành 12 trụ cột (GCI 2018 bao gồm 98 chỉ số). Các trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những báo cáo quốc tế uy tín cung cấp cái nhìn sâu sắc, khá toàn diện phản ánh khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế trên thế giới.

Qua các chỉ số của Bảng xếp hạng năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã cải thiện vượt trội, song vẫn còn nhiều thách thức. Năm 2019, Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế)[1].

Kết quả này có thể coi là một trong những thành tựu mà Việt Nam đạt được qua xếp hạng của thế giới. Đáng lưu ý, trong số 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Việt Nam đã cải thiện 8/12 trụ cột tăng điểm, tăng bậc[2], cụ thể:

(1) Trụ cột Ứng dụng công nghệ thông tin: tăng từ 43,3 lên 69,0 điểm và tăng vị trí từ 95 lên 41. Tất cả các chỉ số thành phần trong trụ cột này đều tăng điểm, tăng hạng như: Thuê bao di động, Thuê bao di động băng thông rộng, Thuê bao internet băng thông rộng cố định, Thuê bao internet cáp quang, Số người sử dụng internet. Đây là chỉ số quan trọng đánh giá sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin cũng như triển vọng ngành sản xuất phần mềm và ứng dụng phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh.

(2) Trụ cột Thị trường hàng hóa: tăng 23 bậc (từ 102 lên 79) với 54 điểm. Các chỉ số về cạnh tranh trong nước đều tăng điểm và tăng hạng, độ mở thương mại được ghi nhận tích cực với việc giảm bớt các rào cản phi thuế quan. Chỉ số này được tăng lên chủ yếu là nhờ cải thiện của các tiêu chí về tính méo mó do thuế và trợ cấp, mức độ thống trị thị trường ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh, cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ và mức độ rào cản phi thuế quan. 

(3) Trụ cột Mức độ năng động trong kinh doanh: tăng 12 bậc (từ 101 lên 89) với 57 điểm. Trụ cột này được cải thiện mạnh mẽ trên hầu hết các chỉ số thành phần (ngoại trừ phá sản doanh nghiệp), nhất là những chỉ số thể hiện tăng trưởng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có ý tưởng đột phá.

(4) Trụ cột Thị trường lao động: tăng 7 bậc (từ 90 lên 83) với 58 điểm. Sự cải thiện về di cư lao động trong nước (tăng 27 bậc); Mức độ dễ dàng trong tuyển dụng lao động nước ngoài (tăng 22 bậc); Mức độ linh hoạt của tiền lương (tăng 15 bậc); Quan hệ giữa người lao động - người sử dụng lao động và Thực tiễn tuyển dụng và sa thải lao động (đều tăng 10 bậc). Sự cải thiện này chủ yếu là nhờ mức độ linh động hơn trong chính sách tuyển dụng và sa thải lao động, quan hệ giữa người lao động-người sử dụng lao động được đánh giá hợp tác hơn, mức độ linh hoạt trong tiền lương tăng lên, chính sách lao động đã mang tính hỗ trợ hơn trong việc giúp người thất nghiệp đào tạo lại kỹ năng và tìm được việc làm mới, mức độ dễ dàng trong tuyển dụng lao động nước ngoài và di cư lao động trong nước được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quyền của người lao động chưa được đảm bảo, giảm 4 điểm và giảm 11 bậc (từ 82 xuống 93).

(5) Trụ cột Năng lực đổi mới sáng tạo: tăng 6 bậc (từ 82 lên 76) với 37 điểm. Điều này có được là nhờ sự tiến bộ của các chỉ tiêu về tính đa dạng của lực lượng lao động (tăng 16 bậc), mức độ phát triển các cụm ngành (tăng 33 bậc); hợp tác đa phương giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các trường đại học (tăng 17 bậc); mức độ tinh thông của khách hàng trong việc nhận thức, đánh giá về sản phẩm tăng lên (tăng 46 bậc); Chi phí nghiên cứu và phát triển tăng 6 bậc.

(6) Trụ cột Thể chế: tăng 5 bậc (từ 94 lên 89) với 50 điểm. Trong đó, đáng kể nhất là nhóm các chỉ số thể hiện Mức độ định hướng tương lai của Chính phủ tăng mạnh. Nhóm chỉ số này trong GCI 2019 được phát triển và thể hiện cụ thể hơn so với đánh giá trong GCI 2018, do đó thứ hạng của Việt Nam ở chỉ số này được ghi nhận cải thiện tích cực (vị trí 40 năm 2019 so với thứ hạng 75 năm 2018). Tuy vậy, chỉ số về Quy định pháp lý thích ứng linh hoạt với mô hình kinh doanh số còn thấp điểm và thấp hạng (43,1 điểm và ở vị trí 71); chỉ số Ổn định chính sách chỉ đạt 50,3 điểm và thứ hạng 67.

(7) Trụ cột Kỹ năng: tăng 4 bậc (từ 97 lên 93) với 57 điểm. Trụ cột này ghi nhận sự cải thiện tích cực trên tất cả các chỉ số thành phần. Đáng chú ý là: Chất lượng đào tạo nghề (tăng 13 bậc); Kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp (tăng 12 bậc); Mức độ đào tạo nhân viên và Mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề (cùng tăng 8 bậc); Tư duy phản biện trong giảng dạy (tăng 7 bậc);…

(8) Trụ cột Quy mô thị trường: tăng 3 bậc (từ 29 lên 26) với 72 điểm[3]. Đây là thứ hạng cao nhất trong tất cả 12 nhóm tiêu chí. Sự cải thiện nhẹ này chủ yếu là do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP tăng nhẹ (xếp thứ 6 năm 2019 so với thứ 7 năm 2018). Điều này cũng chứng tỏ sức cầu với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 6,5%/năm trong vòng 5 năm và dự kiến tăng trưởng 6,8-7% năm 2019), có thị trường tiêu thụ nội địa lớn với tổng dân số hơn 96 triệu người và thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng.

Những kết quả trên cũng cho thấy, Việt Nam đang có những cải thiện mạnh mẽ hướng tới một nền kinh tế sản xuất trong tương lai.

Bảng. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam,

giai đoạn 2018-2019 xep_hang_nang_luc_canh_tranh_toan_cauNguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp từ Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, 2019)

Việt Nam có những trụ cột tăng điểm mạnh chẳng hạn như về hạ tầng công nghệ thông tin, đó là những trụ cột giúp Việt Nam tăng điểm tốt. 8 trụ cột này có thể kể đến là hạ tầng thông tin, ổn định về thị trường sản phẩm, quy mô thị trường hay thể chế cũng góp phần đưa chỉ số này tăng điểm. Tăng điểm có nghĩa là Việt Nam đã cải cách và nhờ đó tăng điểm và tăng hạng, tăng 2,5 điểm và 10 bậc trong năm 2019.

Có được những chuyển biến tích cực đó là do những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh với việc ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chính sách có liên quan, trong đó nổi bật nhất là cải cách về điều kiện kinh doanh. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành đã rà soát và có phương án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định để cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Giai đoạn 2017-2019, các Bộ, ngành đã nỗ lực rà soát, đề xuất cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh để giảm gánh nặng quy định, thủ tục. Bên cạnh đó, một thủ tục quan trọng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh là hoạt động quản lý chuyên ngành cũng được chú trọng cải cách. Những cải cách theo hướng thông lệ quốc tế quản lý rủi ro đã được áp dụng trong một số lĩnh vực quản lý, giúp môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn.

Như vậy, có thể nhận thấy, cho đến nay, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện rất nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khách quan nhìn nhận cũng phải thấy rằng, so với thế giới và kể cả khu vực, ASEAN vẫn còn ở mức thấp và còn những hạn chế về các chỉ tiêu cần tiếp tục được cải thiện.

Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, bên cạnh việc có 8 chỉ số vừa tăng điểm vừa tăng bậc, nhưng Việt Nam cũng có 4 chỉ số bị giảm điểm hoặc giảm bậc hoặc giữ nguyên. Trong 4 chỉ số, có chỉ số giữ được nguyên điểm số và thứ hạng là ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, có 2 chỉ số tuy tăng điểm nhưng không tăng bậc là chỉ số về thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng. Việt Nam có cải thiện nhẹ về điểm số những cải cách được ghi nhận, song lại giảm bậc bởi các quốc gia khác có những thay đổi nhanh và mạnh hơn so với Việt Nam về những trụ cột đó. Trong 2 trụ cột đó, Việt Nam giảm bậc dù vẫn tăng điểm và một chỉ số vừa giảm điểm, giảm bậc là chỉ số về y tế.

Còn đối với chỉ số về môi trường kinh doanh năm 2019 trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam giảm một bậc, đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giảm bậc. Việt Nam đang có xu hướng đi chậm hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, nhìn vào điểm số, giá trị tuyệt đối, những ghi nhận cải cách, Việt Nam vẫn tăng điểm nhưng giảm bậc. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang chậm cải cách hơn so với các quốc gia. Đơn cử trong ASEAN, các nước Thái Lan, Indonesia hay Brunei có những cải cách đi theo cách thức Việt Nam đã làm nhưng lại tiến nhanh hơn. Chỉ trong một năm, các nước này đi được 19 bậc, thậm chí có nước đi được 20 bậc[4].

Trong chỉ số về môi trường kinh doanh, có những chỉ số, thủ tục nhiều năm Việt Nam không có sự cải thiện, như về thủ tục đăng ký tài sản nhiều năm không có cải cách nào được ghi nhận. 5 năm liền, Việt Nam không có cải cách nào trong thủ tục về đăng ký tài sản được ghi nhận. Hay chỉ số về phá sản doanh nghiệp cũng liên tục giảm bậc, thậm chí đứng cuối bảng xếp hạng, sau Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, thủ tục về khởi sự kinh doanh cũng là một trong những rào cản cần tiếp tục khắc phục để có thể cải thiện chỉ số về môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính phủ điện tử, mặc dù bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn trong lộ trình xây dựng và phát triển. Nhìn chung, việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước. Vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc vẫn ở mức trung bình. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp quốc, 2 năm qua, Việt Nam tăng 1 bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6[5].

3. Giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam

Một là, cải cách nền hành chính trên cơ sở thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số nhằm đảm bảo các yêu cầu về tính công khai, minh bạch và giảm chi phí hành chính.

Năng lực cạnh tranh toàn cầu là khái niệm mang tính tổng quát với nhiều chỉ số đa dạng và chịu tác động của nhiều yếu tố. Do vậy, để cải thiện và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, cần có nhiều giải pháp mang tính toàn diện, trong đó thúc đẩy cải cách hành chính nhà nước được coi là một trong những giải pháp tổng thể, có vai trò quyết định tương đối nhiều chỉ số của năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong số các yếu tố của cải cách hành chính nhà nước, cải cách thể chế hành chính nhà nước là nội dung cốt lõi và luôn được coi là khâu đột phá trong tổng thể nội dung của cải cách nền hành chính nhà nước.

Để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, trong thời gian tới, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần tiếp tục cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa.

Ở các địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, vận hành của nền hành chính nhằm nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước cũng như tối ưu hóa hiệu quả giao dịch giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp. Theo đó, cần tập trung hoàn thiện việc xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai… để đảm bảo dữ liệu, thông tin được thống nhất, thông suốt giữa Chính phủ và chính quyền các cấp. Đồng thời, thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ.

Cải cách các yếu tố của nền hành chính nhà nước sẽ trực tiếp góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng thành công chính phủ điện tử hiện đại, tinh gọn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực khu vực công và minh bạch hóa nền tài chính quốc gia... Từ đó, góp phần đắc lực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Giải pháp này sẽ trực tiếp góp phần cải thiện các chỉ số phản ánh các yêu cầu căn bản của nền kinh tế như: thể chế; môi trường kinh tế vĩ mô và các chỉ số góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành nghề và nền kinh tế.

Triển khai tốt giải pháp này sẽ trực tiếp thúc đẩy việc cải thiện nhóm các chỉ số phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế và của doanh nghiệp trong bộ chỉ số GCI, như: trình độ kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo; hiệu quả thị trường hàng hóa; hiệu quả thị trường lao động; trình độ phát triển của thị trường tài chính; mức độ sẵn sàng về công nghệ và quy mô thị trường.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, trước mắt, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần chủ động tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh ứng phó với dịch Covid-19 và khôi phục đầu tư, sản xuất, kinh doanh sau khi hết dịch. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để ứng phó với dịch. Tạo động lực để tăng cường thu hút đầu tư, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA),… Sở Kế hoạch và Ðầu tư các tỉnh cần chủ trì tham mưu, triển khai các giải pháp để duy trì và phát huy kết quả chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện chỉ số Gia nhập thị trường trong bộ chỉ số PCI,…

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo không gian thử nghiệm đi đôi với khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp công nghệ tiên phong đi đầu và tạo được thương hiệu cũng như tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Có được những thành tựu đó, các thương hiệu này luôn có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ với tư duy quản lí thông thoáng, tạo cơ chế ưu tiên cho sáng tạo, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các sáng kiến đang ngày càng dựa vào công nghệ số và có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội nếu được triển khai một cách hợp lí.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo đó, cần xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho giai đoạn cạnh tranh mới dựa vào năng suất và hiệu quả. Từ đó, mới tạo ra được nguồn nhân lực có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu nhân lực và năng lực, phẩm chất đủ sức cạnh tranh với nguồn nhân lực của các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đào tạo nguồn nhân lực nói chung, việc chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng cần được quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, đây là đội ngũ đông đảo và có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Cán bộ, công chức trong thời đại số ngoài việc trang bị trình độ chuyên môn, ngoại ngữ là đương nhiên, cũng cần thiết phải được trang bị các kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin để có thể tham gia được vào các giao dịch và quan hệ xã hội của thời đại công nghệ số. Qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc xử lý các giao dịch điện tử, đảm bảo nhanh chóng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để hình thành đội ngũ chuyên ngành thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông,... nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm trên môi trường internet. Đây cũng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của nền kinh tế số đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đây cũng là giải pháp giúp thúc đẩy việc cải thiện đối với nhóm các tiêu chí về giáo dục và nhóm tiêu chí Kỹ năng, Thị trường lao động và các nhóm chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), đồng thời hỗ trợ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành nghề và nền kinh tế.

Bốn là, tiếp tục phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá chiến cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp cải thiện chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng thuộc nhóm các chỉ số chỉ số phản ánh các yêu cầu căn bản của nền kinh tế của GCI.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành mức đầu tư cao cho phát triển cơ sở hạ tầng. Khoảng 9-10% GDP hằng năm đã được đầu tư vào ngành giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh[6]… Việt Nam đã tận dụng rất nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, nguồn lực xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, mạch máu của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ bé, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế. So với một số nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Theo đó, hạ tầng đường bộ đang là điểm nghẽn, cần tập trung ưu tiên giải quyết; trong đó, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, đường sắt, sân bay, cầu cảng cần ưu tiên quy hoạch và nâng cấp, phát triển đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn gắn với liên kết vùng, tạo động lực, lan tỏa phát triển.

Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các đối tác phát triển cùng trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Năm là, nâng cao hiệu quả của các chỉ số PAPI và PCI, đặc biệt là các chỉ số tương đồng với các chỉ số của GCI.

Như trên đã phân tích, mặc dù có những khác biệt nhất định về quy mô và cách tiếp cận trong đánh giá, song giữa các chỉ số của GCI, PAPI và PCI có nhiều chỉ số tương đồng, đặc biệt là về thể chế và mô hình tăng trưởng. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả của các chỉ số PAPI và PCI cũng góp phần cải thiện chỉ số GCI.

Chính quyền các địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch, chủ động trong cung cấp thông tin cho nhân dân, trong các hoạt động tiếp xúc đối thoại giữa chính quyền với nhân dân và giải quyết những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương, bảo đảm công bằng trong đền bù thu hồi đất cho tất cả các nhóm dân cư. Cùng với đó, cần đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng. Các địa phương cần có kế hoạch hành động cụ thể trong phòng, chống tham nhũng bên cạnh các cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia ngăn ngừa và tố giác tham nhũng ở tất cả các cấp.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp theo hướng phù hợp với quy mô và đặc điểm của đô thị loại đặc biệt; nâng cao chất lượng hoạt động; bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện chính sách trong phạm vi được phân cấp. Quan tâm công tác tổng kết, kịp thời khắc phục hạn chế và chỉ ra các kinh nghiệm cần được phát huy; để tránh lặp lại những khuyết điểm, yếu kém còn tồn đọng. Đặc biệt, cần chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý công chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực. Có như vậy, mới góp phần tích cực trong việc cải thiện được các chỉ số của GCI.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguyễn Minh Thảo (2019). Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam qua từng chỉ số. <http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nang-luc-canh-tranh-toan-cau-40-cua-Viet-Nam-qua-tung-chi-so/377006.vgp>

[2] Ngọc An (2019), Việt Nam tăng 10 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, https://tuoitre.vn, ngày 10/10/2019.

[3] Nguyễn Viết Nam (2019). Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019: Việt Nam đạt quán quân trong tăng điểm và tăng hạng. <https://vjst.vn/vn/tin-tuc/1394/xep-hang-nang-luc-canh-tranh-toan-cau-2019--viet-nam-dat-quan-quan-trong-tang-diem-va-tang-hang.aspx>

[4] Thùy Linh (2019), Nâng hạng năng lực cạnh tranh: Tiếp tục đột phá cải cách, https://bnews.vn, ngày 15/12/2019.

[5] Thanh Minh (2018), Chính phủ điện tử Việt Nam xếp hàng 88 trên thế giới, http://tapchitaichinh.vn, ngày 06/11/2018.

[6] Tuấn Dũng (2018). Phát triển cơ sở hạ tầng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. <http://baochinhphu.vn/Hoi-nghi-Thuong-dinh-GMS-6-va-Hoi-nghi-Cap-cao-CLV-10/Phat-trien-co-so-ha-tang-tao-dong-luc-thuc-day-tang-truong-kinh-te/333134.vgp>

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
  2. Nguyễn Văn Thành (2020), Xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Cộng sản, số 944 (6/2020)
  3. Vũ Tiến Lộc (2020). Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp, Đề tài nghiên cứu, mã số KX.04.11/16-20.
  4. Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia năm 2019: Cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, NXB Tài chính, 2019.
  5. Đinh Văn Sơn (2019). Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các điều kiện về sản phẩm xuất khẩu theo hướng thân thiện với môi trường, NXB Thống kê.
  6. Nguyễn Hồng Minh (Chủ biên) (2018), Phát triển kỹ năng nghề nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, NXB Thế giới.
  7. Nguyễn Viết Nam 920190, Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019: Việt Nam đạt quán quân trong tăng điểm và tăng hạng, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam điện tử, https://vjst.vn, ngày 10/11/2019.
  8. Nguyễn Quý Quyền, Phạm Thị Hồng Yến (2017), Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia trong hội nhập FTA, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  9. Lý Hoàng Ánh (2016), Thể chế và năng lực cạnh tranh quốc gia, Tạp chí Ngân hàng, Số 7/2016, tr. 2-7.
  10. Đỗ Văn Đức (2013), Tháo gỡ "nút thắt" kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 11 (547), tr. 15-17.
  11. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh trong các năm tới?, http://tapchitaichinh.vn, ngày 18/10/2019.

 

SOLUTIONS FOR IMPROVING THE GLOBAL COMPETITIVENESS INDEX OF VIETNAM

Colonel General, Assoc. Prof. Ph.D NGUYEN VAN THANH

Member of the Central Committee of the Commuist Party of Vietnam

Deputy Minister Ministry of Public Security

ABSTRACT:

The Global Competitiveness Index (GCI) is used by the World Economic Forum (WEF) as a tool to measure micro- and macroeconomic factors which affect each country’s national competitiveness, economic strengths and weaknesses. In the current context of integration and competition, improving competitiveness is one of most concerned issues of countries. The national competitiveness can be strengthened by adopting a variety of holistic and comprehensive solutions to improve each of the GCI indicators. This paper presents solutions for improving Vietnam’s GCI.

Keywords: Global Competitiveness Index, competitiveness, economy.