Giải pháp chống thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử

Nghiên cứu "Giải pháp chống thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử" do Th.S Trần Thị Quyên (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật - Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, có thể gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Bài viết phân tích và làm rõ hơn về thực trạng thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử hiện nay, qua đó đề xuất những giải pháp nhằm góp phần thực hiện hiệu quả hơn cho thu thuế loại hình kinh doanh thương mại điện tử.

Từ khóa: thuế, thất thu thuế, kinh doanh thương mại điện tử, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Hiện nay, có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm (từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021). Các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng.

Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng, trong đó số thu từ một số tập đoàn lớn như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng. Riêng số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube, Apple... tính đến hết tháng 10/2021 là 498 tỷ đồng.

Như vậy, số thuế thu từ lĩnh vực này tuy cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, có thể gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Thực tiễn này đòi hỏi cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử; đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

2. Thực trạng thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử

Thứ nhất, tình trạng thất thu thuế vẫn diễn ra.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế từ năm 2018 đến nay đạt 5.432 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 29/6/2022), tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Từ 2018 đến nay, năm 2021 là năm có số thu lớn nhất với 1.591 tỷ đồng (năm 2018 là 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.167 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 số thu đạt gần 760 tỷ đồng). Thống kê cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước tháng 7/2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng, bằng 9,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tại hội nghị Sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2020, đại diện Cục thuế TP. Hà Nội cho biết đã có dữ liệu của hơn 1.190 cá nhân cung cấp sản phẩm ứng dụng, nội dung, dịch vụ quảng cáo trên các trang mạng phân phối ứng dụng, chia sẻ nội dung (Google Play, Apple Store, YouTube...). Với tổng doanh thu 3.614 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 253 tỷ đồng (5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân); 36.000 cửa hàng, 77 cá nhân bán hàng trên mạng xã hội có sử dụng trung gian vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng, với tổng doanh thu 14.976 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 224 tỷ đồng (1% thuế giá trị gia tăng, 0,5% thuế thu nhập cá nhân); cho thuê nhà thông qua các ứng dụng (Agoda, Booking, Airbnb,...) với tổng doanh thu 350 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 35 tỷ đồng (5% thuế giá trị gia tăng, 5% thuế thu nhập cá nhân). Tuy nhiên, tổng số thuế thu được lại không nhiều so với số thuế dự tính thu. Vẫn còn nhiều tình trạng người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, mặt khác vẫn còn tồn đọng các hành vi như không khai báo hoặc khai báo sai giá trị giao dịch, thu nhập nhận được từ các giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là với thu nhập phát sinh từ các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến như Google, Facebook, YouTube, Grab,... Theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh này có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên thì thuộc trường hợp phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế. Gần đây, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành rà soát và phát hiện một số cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông qua Google, Facebook... và quyết định truy thu, phạt 4,1 tỷ đồng với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng trên mạng trong 2 năm 2016 và 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế

Có thể thấy, trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử xảy ra liên tục, phần lớn việc cấp phép đăng ký kinh doanh còn gặp vướng mắc do một số hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh, dù theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chẳng hạn, như kinh doanh “tiền ảo”, “tài sản kỹ thuật số”... đã gây khó khăn cho quản lý thuế.

Thứ hai, công tác xác minh người nộp thuế còn nhiều bất cập.

Kinh doanh trên nền tảng điện tử đang bùng nổ, nhất là việc xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân có thu nhập “khủng” từ hoạt động này. Mới đây, một cá nhân 28 tuổi tại Cầu Giấy vừa tự nguyện đóng 23 tỷ tiền thuế từ viết phần mềm sau khi có thu nhập năm lên đến 330 tỷ. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15 nghìn kênh YouTube đã bật nút kiếm tiền, trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu lớn và từ 1 triệu người đăng ký theo dõi trở lên. Tuy nhiên, ngành Thuế chỉ nắm được thông tin của 5 nghìn kênh trên tổng số 15 nghìn kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc cá nhân tự chủ động đóng thuế. Như vậy, tổng số thuế mà các cá nhân có thu nhập đã nộp thấp hơn nhiều so với nghĩa vụ phải nộp. Đáng chú ý, tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, tính đến tháng 12/2020, hệ thống dữ liệu của ngành Thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook, YouTube... với tổng doanh thu của các cá nhân nhận được là 2.200 tỷ đồng. Đến nay, 333 cá nhân đã nộp thuế, với số thuế đã nộp là 148 tỷ đồng. Tương tự, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát 14.951 trang web, từ đó, xác định 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế.

Trong quá trình làm việc đã có 56 cá nhân tự giác kê khai với số thuế khai bổ sung và tiền chậm nộp là 1,83 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu cá nhân người nộp thuế còn gặp nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, một số ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển từ chối cung cấp với lý do hệ thống công nghệ thông tin không đủ khả năng hỗ trợ, cung cấp; bảo mật thông tin khách hàng. Bên cạnh đó, trong công tác xác minh, cá nhân người nộp thuế do dữ liệu của các ngân hàng thương mại đa phần là dữ liệu cũ dẫn đến nhiều trường hợp các cá nhân không còn cư trú tại địa điểm theo dữ liệu của các ngân hàng và các dữ liệu điện chuyển tiền. Do vậy, công tác xác minh thông tin cá nhân, các tài khoản tại các ngân hàng, tại các đơn vị vận chuyển gặp nhiều khó khăn hoặc không xác minh được.

Thứ ba, công tác quản lý thuế còn yếu kém.

Vừa qua tại Đà Nẵng, một cá nhân tự nguyên nộp số tiền hơn 23,5 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là ngay từ năm 2015, khi nhận được khoản tiền đầu tiên 10.000 USD trong lĩnh vực xuất bản phần mềm và game cho máy tính, cá nhân đó đã tìm hiểu về việc đóng thuế, phải nhiều lần đi đến Chi cục Thuế quận, rồi Cục Thuế Đà Nẵng hỏi tìm cách nộp thuế, nhưng cơ quan quản lý thuế không giải quyết được. Điều này cho thấy công tác quản lý thuế thương mại điện tử còn nhiều lỗ hổng, cơ quan thuế chưa thể kiểm soát lượng hàng hóa, dịch vụ và doanh thu phát sinh của các hoạt động thương mại điện tử một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, hệ thống dữ liệu còn chưa hoàn thiện, chưa có sự liên kết với các cơ quan ban ngành, quản lý thị trường...

Trước tình trạng thất thu thuế, Tổng cục Thuế đã đề xuất nhiều giải pháp như sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nhằm đảm bảo bao quát các đối tượng và các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát sinh tại Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng phối hợp với các bộ, ngành, để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử…

Theo quy định của Luật Quản lý thuế đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 (Luật số 38/2019/QH14), các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ các trang mạng này phải kê khai và nộp thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Nếu cá nhân kinh doanh phải nộp thuế, mà không kê khai và nộp tiền, cơ quan thuế có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Đặc biệt, nếu trong quá trình thanh tra, kiểm tra và đủ cơ sở xác định tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố những cá nhân mà cơ quan thuế đã gửi thông báo, nhưng cố tình không kê khai và nộp thuế bởi đây được xác định là hành vi trốn thuế.

Để thực sự quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, liên quan. Theo đó, Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong quản lý thuế.

Ngoài các văn bản pháp luật kể trên, ngày 12/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định 2146/QĐ-BTC phê duyệt đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan Thuế để triển khai thực hiện từ năm 2025 nhằm tăng cường, mở rộng chức năng cho ngành Thuế. Theo các chuyên gia, với dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD vào năm 2025, việc cơ quan thuế có thêm chức năng điều tra là cần thiết.

3. Giải pháp chống thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử

Một là, thay đổi công cụ quản lý thuế. Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ngành Thuế đã triển khai các biện pháp như: tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn thương mại điện tử,...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Đối với bộ máy quản lý thuế, thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan thuế địa phương có bộ phận thu thập thông tin cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử, phân loại dữ liệu, xác định rủi ro thuế để thực hiện quản lý thu thuế cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử hiệu lực, hiệu quả; xây dựng tài liệu tuyên truyền về thuế đối với cá nhân kinh doanh đặc biệt là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số bao gồm nghĩa vụ thuế, xử lý vi phạm về thuế

Hai là tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm, đặc biệt hướng dẫn người nộp thuế là các nhà cung cấp nước ngoài có thể kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý thuế.

Ba là tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. 

Bốn là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có quy định bổ sung về việc cá nhân kinh doanh đăng ký thuế, kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương phải xuất trình tài liệu, hồ sơ chứng minh phần doanh thu, thuế của các cá nhân đã nộp cho từng sàn giao dịch. Đồng thời, bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm, quyền lợi ngân hàng, tổ chức tài chính chuyên trách chuyển tiền cung cấp thông tin thu thập của cá nhân nhận tiền từ các nguồn chi trả là các nền tảng, web, Google, Facebook, Zalo, Youtube,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thuế (2013). Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2014.
  2. Tổng cục Thuế (2013), Đề tài nghiên cứu khoa học “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”.
  3. Quốc hội (2019). Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019.
  4. Chính phủ (20200. Nghị định số 126/2020/NĐ-CPngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
  5. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 80/2021/TT-BTCngày 29/09/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CPngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
  6. Bộ trưởng Bộ Tài chính (2021). Quyết định số 2146/QĐ-BTC phê duyệt đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”.

Solutions for the tax evasion of e-commerce businesses in Vietnam

Master. Tran Thi Quyen

Faculty of Economics, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

In recent years, Vietnam’s tax policies on e-commerce have been gradually strengthened in line with e-commerce business trends. However, according to experts, the tax revenue from the e-commerce sector is not commensurate with the revenue of domestic and cross-border e-commerce platforms in Vietnam. It can cause losses to the state budget, create inequality among business entities. This study analyzes and clarifies the current tax evasion of e-commerce businesses in Vietnam. Based on the study’ analysis, some solutions are proposed to improve the tax collection for e-commerce businesses in Vietnam.

Keywords: tax, tax evasion, e-commerce business, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương