Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào ngành dệt may được triển khai khá chậm. Bên cạnh những nguyên nhân về nhận thức, vốn…thì một trong những nguyên nhân chủ yếu và cũng là rào cản lớn nhất
Thực trạng nhân lực dệt may xét dưới góc độ tiếp cận với công nghiệp 4.0

Để có thể tiếp cận với công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực dệt may cần được đào tạo một cách có hệ thống ở trình độ đại học và cao đẳng, đặc biệt là cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, lao động có trình độ đại học,cao đẳng trong ngành Dêt May tính đến năm 2016 khoảng 119.671 người trong đó khoảng 57.183 người là đại học

Hiện tỷ trọng các doanh nghiệp dệt may ở các phương thức sản xuất chủ yếu là: 70% CMT, 20% OEM, 9% ODM và chỉ có 1% doanh nghiệp tham gia phương thức sản xuất OBM cho thị trường nội địa hoặc một số thị trường dễ tính trong khu vực như Lào, Campuchia; phần lớn doanh nghiệp còn lại chỉ sản xuất theo phương thức gia công thuần túy CMT hoặc thực hiện phương thức sản xuất OEM. Qua phỏng vấn chuyên gia tại các doanh nghiệp, trong số 9% doanh nghiệp sản xuất theo phương thức ODM thì chỉ có 1% doanh nghiệp sản xuất để bán ra thị trường quốc tế.Chính vì các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất theo phương thức gia công nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, quy mô vốn nhỏ và rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho công nghiệp 4.0.

Do nhu cầu nhân lực cho công nghiệp 4.0 tại doanh nghiệp dệt may không lớn nên các cơ sở đào tạo cũng không chú trọng đào tạo nhân lực cho công nghiệp 4.0 vì thứ nhất là phải chi phí nhiều nguồn lực để đào tạo đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng học liệu; hơn nữa, sinh viên tốt nghiệp rất khó tìm được việc làm đúng chuyên môn tại doanh nghiệp.Chính vì vậy mà nguồn nhân lực dệt may có thể tiếp cận với công nghiệp 4.0, đặc biệt là nhân lực trình độ đại học và cao đẳng vừa thiếu lại vừa yếu.

Nhu cầu nhân lực dệt may cho cách mạng công nghiệp 4.0

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi ứng dụng những thành tựu của công nghiệp 4.0 vào sản xuất, sẽ có khoảng 50% công việc hiện tại bị mất đi và sẽ có 50% công việc mới xuất hiện. Những năng lực phát sinh mới đòi hỏi nguồn nhân lực dệt may cần phải có để đáp ứng công nghiệp 4.0 bao gồm: Đổi mới sản phẩm; Nâng cao kỹ năng thiết kế sản phẩm sử dụng công nghệ 3D; nâng cao trình độ sản xuất; quản lý chuyên ngành và trình độ Maketing trên Iternet...

Để có thể ứng dụng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực dệt may, trước hết cần chuẩn bị đủ số lượng nhân lực cho các doanh nghiệp dệt may phù hợp với những lĩnh vực có khả năng ứng dụng công nghệ 4.0. Đối với nhân lực quản lý và kỹ thuật, cần được đào tạo cơ bản ở trình độ đại học và cao đẳng với năng lực thực hiện. Mặt khác cần phải đào tạo lại số lượng nhân lực trực tiếp tại các nhà máy sản xuất để tiếp cận với công nghệ vận hành robot và các dây chuyền có tính tự động hóa cao. Việc cập nhật kiến thức cho nhân lực trực tiếp để đáp ứng công nghệ 4.0 thường sẽ do các hãng thiết bị thực hiện trong quá trình chuyển giao công nghệ, tuy vậy nhân lực ở trình độ đại học và cao đẳng cho công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực dệt may cần được dự báo để triển khai đào tạo một cách có hệ thống cho sự phát triển của ngành dệt may trong 10-15 năm tới.

Để chuẩn bị nhân lực cho sự phát triển của công nghiệp 4.0 trong ngành dệt may thì so với số nhân lực trình độ đại học và cao đẳng hiện tại, vào năm 2025, ngành dệt may Việt Nam dự báo sẽ cần thêm trên 130.000 so với năm 2016; vào năm 2030, ngành dệt may cần thêm trên 210.000 nhân lực trình độ đại học, cao đẳng so với năm 2016. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may nếu Việt Nam muốn chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực để không bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

Việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào ngành dệt may là tất yếu, để đáp ứng nhu cầu nhân lực dệt may cho công nghiệp 4.0, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải được thực hiện một cách có hệ thống tại tất cả các trường có đào tạo đại học và cao đẳng cho ngành dệt may, đặc biệt là tại trường đại học chuyên ngành dệt may như Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Bên cạnh các giải pháp đào tạo nguồn nhân thì các cơ sở đào tạo cũng như các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng thực hiện cả các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cho phương thức sản xuất ODM và OBM. Đây là hai phương thức chủ yếu sản xuất hàng thời trang, rất khó có thể tự động hóa và vẫn giữ được lợi thế tương đối của Việt Nam về sự khéo léo của người lao động cũng như giảm thiểu được yêu cầu phải sử dụng nguồn vốn quá lớn để đầu tư cho công nghiệp 4.0, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ.

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong thời gian tới:

- Chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng cập nhật với công nghệ 4.0 trong cả lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và lĩnh vực quản lý.

- Mở thêm các chuyên ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận với công nghệ 4.0 như: kỹ thuật cơ điện tử trong thiết bị dệt may, tin học ứng dụng trong lĩnh vực dệt may, thương mại điện tử, thiết kế thời trang bằng công nghệ 3D.

- Đào tạo đội ngũ giảng viên theo hướng nghiên cứu, cập nhật với công nghệ 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, quản lý...

- Đầu tư thiết bị đào tạo theo hướng cập nhật với công nghệ 4.0 như thiết bị tự động, robot công nghiệp.

- Tổ chức cho sinh viên đi thực tập ở nước ngoài nhằm tiếp cận với môi trường làm việc có công nghệ tự động hóa, kết nối thực-ảo cao theo công nghệ 4.0.

- Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường theo hướng đánh giá tác động của công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, từ đó đề xuất giải pháp để đào tạo được nguồn nhân lực làm việc trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

- Duy trì quy mô đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và cao đẳngcho ngành dệt may với mức khoảng 6000-8000 sinh viên tuyển mới/năm như hiện nay nhằm đảm bảo đủ nhân lực phục vụ cho chiến lược áp dụng công nghiệp 4.0 vào ngành dệt may.