Giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

PGS.TS. Hoàng Văn Thành (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Kinh tế trang trại là mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, hiện đại và chính sách xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, nên đã bước đầu phát triển tại các địa phương trong thời gian gần đây. Thông qua các dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp từ phỏng vấn chủ trang trại trên địa bàn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, bài viết tập trung phân tích đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế trang trại tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển kinh tế trang trại của địa phương này trong thời gian tới.

Từ khóa: phát triển, kinh tế trang trại, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 738 trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, giảm 175 trang trại với năm 2016 (do thay đổi bộ tiêu chí đánh giá), trong đó: có 491 trang trại chăn nuôi (chiếm 66,5% tổng số trang trại), 83 trang trại trồng trọt (chiếm 11,3%), 26 trang trại lâm nghiệp (chiếm 3,5%), 79 trang trại nuôi trồng thủy sản (chiếm 10,7%) và 59 trang trại tổng hợp (chiếm 8%). Các địa phương có số lượng lớn trang trại hiện nay là huyện Yên Định 110 trang trại, huyện Hậu Lộc 103 trang trại, huyện Hoằng Hóa 85 trang trại, huyện Vĩnh Lộc 76 trang trại, huyện Thọ Xuân 59 trang trại, huyện Thạch Thành 46 trang trại, huyện Nga Sơn 45 trang trại,…

Yên Định là huyện đồng bằng, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Đất nông nghiệp có diện tích 14.142,62 ha, chiếm 62,01% diện tích của huyện và đang có xu hướng giảm do nhu cầu phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư mới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, như: giao thông, thủy lợi, công trình văn hóa, thể thao… Xu hướng diện tích đất nông nghiệp giảm, đồng thời lực lượng lao động tăng, dẫn đến tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp/lao động giảm dần qua các năm, kéo theo phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc như thất nghiệp, đói nghèo, nông dân bỏ ruộng đi làm ăn ở nơi khác,… Thực trạng này đặt ra yêu cầu đối với Huyện phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.

Để khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, hàng năm, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt cho các chủ trang trại. Đồng thời, làm tốt vai trò cầu nối giữa ngân hàng với hội viên, nông dân, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến hết tháng 10/2021, toàn Huyện đã phát triển được gần 900 trang trại, gia trại. Phần lớn các trang trại do nông dân làm chủ trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, như: Trang trại trồng bưởi diễn plus, trồng dưa công nghệ cao, chăn nuôi gà, chim bồ câu Pháp,… Thực tế cho thấy, việc phát triển trang trại trên địa bàn huyện Yên Định đã sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

2. Thực trạng phát triển kinh tế trang trại tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Yên Định đang chỉ đạo nhân dân khai thác tiềm năng kinh tế trang trại phục vụyêu cầu phát triển nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung, cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực trạng phát triển trang trại về số lượng theo các lĩnh vực trong nông nghiệp.

Bảng 1 cho thấy số lượng các loại trang trại gia tăng trong giai đoạn gần đây, tốc độ tăng khá nhanh, so với năm 2019, tăng 528 trang trại các loại, đặc biệt trang trại chăn nuôi tăng lên khá nhiều. Xét về lượng trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27, số lượng trang trại đạt chuẩn trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cũng như tại huyện Yên Định bị giảm xuống, mặc dù tổng số lượng trang trại của Huyện tăng lên khá nhiều, do thay đổi tiêu chí đánh giá.

Bảng 1. Số lượng các loại trang trại tại huyện Yên Định giai đoạn 2019 - 2021

 

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Chênh lệch

 

+/-

%

Tổng số trang trại

358

670

886

528

147.49

-  Trang trại trồng trọt

9

17

31

22

244.44

-  Trang trại chăn nuôi

99

185

245

146

147.47

-  Trang trại thủy sản

26

49

64

38

146.15

-  Trang trại lâm nghiệp

0

-

-

-

-

-  Trang trại tổng hợp

224

419

546

322

143.75

Nguồn: Số liệu thu thập từ Phòng Kinh tế, huyện Yên Định

Về trang trại trồng trọt, các sản phẩm cây trồng chủ yếu là cây ăn quả, còn lại một số trang trại trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu, hoa, cây cảnh. Trang trại lâm nghiệp chủ yếu là các trang trại trồng cây luồng, cây keo để khai thác gỗ nguyên liệu, giá trị kinh tế thấp, tập trung chủ yếu ở các huyện Như Xuân, Bá Thước; còn tại Yên Định, loại hình trang trại này không phát triển. Trang trại nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nuôi tôm, tập trung chủ yếu ở các huyện Hoằng Hóa, Nông Cống và Quảng  Xương, tại Yên Định không có nhiều trang trại nuôi trồng quy mô lớn. Các trang trại tổng hợp chủ yếu phát triển, mở rộng từ mô hình VAC của các hộ gia đình, trong đó phát triển nhất là mô hình trồng trọt kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các loại hình trang trại chăn nuôi phổ biến và phát triển mạnh với các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu là lợn, bò, gia cầm; sản xuất chủ yếu dưới hình thức chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Điều này giúp cho các chủ trang trại yên tâm về đầu ra của sản phẩm, tuy nhiên lợi nhuận mang lại không cao. Ngoài phát triển các trang trại chăn nuôi riêng lẻ, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có 34 khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như việc áp dụng mô hình chăn nuôi theo quy trình tự động, bán tự động tại một số địa phương, trong đó có 4 khu trang trại chăn nuôi tập trung tại các xã Định Hòa, Yên Lâm, Quý Lộc, Yên Phú (huyện Yên Định).

Nhìn chung, quy mô tổ chức hoạt động sản xuất của các trang trại ngày một lớn, chuyển dần từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tại các địa phương. Tuy nhiên, giá trị sản xuất hàng hóa bán ra của các trang trại còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế; vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải trang trại vẫn còn xảy ra; lực lượng lao động của các trang trại phần lớn chưa được đào tạo nghề cơ bản.

Thứ hai, xét về nguồn đất đai và chính sách đất đai để hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại.

Đất đai là nguồn lực tiên quyết để hình thành và phát triển kinh tế trang trại. Các trang trại tại huyện Yên Định chủ yếu ở vùng đồng bằng và vùng trung du, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai phù hợp để trồng các loại cây, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích đất trang trại tính đến hết năm 2021 của huyện Yên Định là 3.063.969 m2 tăng 651.890 m2 so với năm 2019. Nhìn chung, cùng với sự phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn Huyện, diện tích đất trang trại cũng tăng dần lên.

Từ năm 2015 đến năm 2019, tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Yên Định nói riêng đã có những chính sách áp dụng hỗ trợ cho các trang trại, thể hiện qua các văn bản như: Quyết định số 2326/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang loại cây trồng khác và kết hợp thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 4833/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Quyết định số 271/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm; Nghị quyết Đảng bộ huyện Yên Định lần thứ XXV nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết 02-NQ/HU năm 2016 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững.

Đất đai cho kinh tế trang trại bao gồm: Đất được Nhà nước chuyển giao không thu tiền sử dụng đất, đất do thuê, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, đất cho tặng, khuyến khích các hộ gia đình cá nhận thuê đất thùng vũng, đất xấu, đất xa, diện tích đất công 5% để phát triển kinh tế trang trại. Các chủ trang trại được làm nhà tạm trên diện tích đất sử dụng của trang trại, diện tích nhà tạm không được vượt quá 36m2, không được xây dựng nhà ở kiên cố trên đất làm trang trại. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp phải đúng mục đích, nếu chuyển đổi mục đích phải lập dự án sản xuất - kinh doanh khác và trình lên UBND Huyện. Kết quả khảo sát các chủ trang trại về chính sách đất đai trên địa bàn huyện Yên Định năm 2020 cho thấy, chính sách ưu đãi về giá thuê đất trang trại được chủ trang trại đánh giá thấp nhất (mức 3,4/5 điểm), các chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng thuận lợi và giao thông được đánh giá cao hơn (mức điểm từ 3,8 đến 3,9 điểm).

Thứ ba, về vốn để phát triển kinh tế trang trại.

Vốn là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế trang trại. Trên toàn tỉnh Thanh Hóa, tính đến năm 2021, tổng số vốn của trang trại ước đạt khoảng 3.811 tỷ đồng (trung bình mỗi trang trại là hơn 5,16 tỷ đồng); trung bình giá trị sản xuất mỗi trang trại là hơn 4,28 tỷ đồng/năm, tăng gần 164% so với năm 2016.

Qua phân tích số lượng và cơ cấu vốn của các loại hình trang trại trong năm 2019 cho thấy: Tổng số vốn đầu tư cho trang trại chưa cao, còn khá khiêm tốn, chưa ngang tầm với tiềm năng sẵn có của địa phương; Phần lớn vốn của trang trại là vốn tự có. Điều này có thuận lợi là trang trại chịu ít chi phí vốn vay, tuy nhiên cũng phản ánh phần nào quá trình hoạt động của các trang trại chưa thật sự diễn ra mạnh, chưa có những đầu tư lớn nhằm phát triển trang trại huyện Yên Định.

Theo thống kê, năm 2021, cơ cấu vốn của các trang trại trên địa bàn huyện Yên Định như sau: vốn chủ trang trại 96,93%, vốn vay 2,31%, vốn khác 0,76%. Hiện nay, các tổ chức ngân hàng, tín dụng đã tạo điều kiện cho chủ trang trại vay vốn với thời gian lâu dài, tuy nhiên mức cho vay vẫn còn rất hạn chế. Vì thế, vốn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, dẫn đến số lượng và quy mô các trang trại có tăng hàng năm, nhưng tốc độ tăng chưa cao.  

Thứ tư, về tình hình nhân lực trong phát triển kinh tế trang trại.

Lao động trong các trang trại là một trong những yếu tố phản ảnh quy mô sản xuất kinh doanh và có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động của các trang trại trên địa bàn. Các loại hình trang trại tại huyện Yên Định được hình thành chủ yếu từ hộ gia đình nông dân và gia đình cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu, sử dụng lao động chủ yếu là lao động của gia đình và một lượng nhỏ lao động thuê ngoài thường xuyên. Thực tế, tổng số lao động của các trang trại tại huyện Yên Định năm 2021 được thể hiện trong Bảng 2.

Bảng 2. Tổng số lao động của các trang trại phân theo loại hình trang trại tại huyện Yên Định, năm 2021

ĐVT: Người

Loại hình trang trại

Trồng trọt

Chăn nuôi

 Thủy sản

Tổng hợp

Tổng số lao động

1.338

46

273

135

884

1. Lao động thường xuyên của trang trại

1.191

36

252

101

802

- Lao động của hộ chủ trang trại

864

31

176

93

564

- Lao động thuê ngoài thường xuyên

327

5

76

8

238

2. Lao động thuê ngoài theo thời vụ

147

10

21

34

82

Nguồn: Số liệu thu thập từ Phòng Kinh tế, huyện Yên Định

Để thấy rõ hơn quy mô trang trại có thể xem số liệu về số lượng và cơ cấu lao động bình quân của một trang trại trong Bảng 3.

Bảng 3. Số lượng lao động bình quân của 1 trang trại phân theo loại hình trang trại tại huyện Yên Định, năm 2021

ĐVT: Người/1 trang trại

Loại hình trang trại

Trồng trọt

Chăn nuôi

Thuỷ sản

Tổng hợp

 
 

Số lao động bình quân

5,11

2,76

5,19

3,95

 

1. Lao động thường xuyên của trang trại

4,00

2,55

3,88

3,58

 

- Lao động của hộ chủ trang trại

3,44

1,78

3,58

2,52

 

- Lao động thuê ngoài thường xuyên

0,56

0,77

1.31

0,30

 

2. Lao động thuê ngoài theo thời vụ

1,11

0,21

1,31

0,37

 

Nguồn: Số liệu thu thập từ Phòng Kinh tế, huyện Yên Định

Các Bảng minh họa số liệu ở trên cho thấy số lượng lao động bình quân rất ít, chủ yếu là lao động của gia đình chủ trang trại, phù hợp với quy mô trang trại nhỏ và vừa. Loại hình trang trại trồng trọt và thủy sản có tỷ lệ lao động thuê ngoài theo thời vụ cao, do nhu cầu sử dụng lao động tăng trong mùa thu hoạch. Về chất lượng, lao động làm việc trong các trang trại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, đa số chỉ cỏ khả năng đảm nhiệm những công việc đơn giản, thủ công như làm đất, trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm,... rất ít lao động đảm nhiệm được các công việc kỹ thuật như chọn giống, chăm sóc, chữa bệnh cho cây trồng, vật nuôi,...

3. Định hướng giải pháp

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại theo hướng hiện đại, quy mô lớn và hiệu quả hơn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu triển khai theo các định hướng giải pháp chủ yếu sau:

3.1. Nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển các loại hình trang trại

Huyện Yên Định cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển các loại hình trang trại trên các vùng địa hình khác nhau, đặc biệt chú trọng các loại hình trang trại chưa phát triển như: trang trại lâm nghiệp, trang trại trồng trọt, trang trại thủy sản. Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định lâu dài, đảm bảo sự phù hợp của vật nuôi, cây trồng với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết hợp lập quy hoạch với xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chủ trang trại tích tụ ruộng đất, khai thác đất chưa sử dụng, đồi núi trọc, đất rừng sản xuất, đất công ích, đất sông, ngòi, mặt nước,… để mở rộng trang trại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại.

3.2. Nhóm giải pháp về chính sách phát triển kinh tế trang trại

Chính sách về sử dụng đất đai

Chính sách sử dụng đất đai của huyện cần khuyến khích các hoạt động chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa, liên doanh liên kết theo hình thức chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất,… để phát triển quỹ đất; tạo thuận lợi cho các trang trại được giao đất, cho thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư.

Chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ vốn tín dụng

Để tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế trang trại, huyện cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, như: giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện, hệ thống chợ nông thôn; phát triển các vùng nuôi, trồng tập trung, gắn với phát triển công nghiệp chế biến chất lượng cao,…

Trên thực tế vốn của chủ trang trại vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư. Vì vậy, bản thân các chủ trang trại cần phải chủ động giải quyết vấn đề về vốn theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” như trồng xen cây ngắn ngày, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi ong lấy mật,... từ đó tích lũy vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Các tổ chức ngân hàng, tín dụng trên địa bàn cần tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trang trại được vay vốn theo lãi suất ưu đãi, cho phép trang trại thế chấp bằng các tài sản hiện có trên đất như giá trị vườn cây, đàn gia súc, gia cầm, ao cá,… để có thể vay vốn với mức lớn hơn, đáp ứng nhu cầu đầu tư.

3.3. Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Để kinh tế trang trại phát triển và mang lại hiệu quả cao, huyện Yên Định cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nâng cao năng lực quản lý cho chủ trang trại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Tăng cường liên kết với các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của tỉnh, các trường dạy nghề,... để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh cho các chủ trang trại, kiến thức khoa học kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật. Tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới cho các chủ trang trại và người lao động.

4. Kết luận

Kinh tế trang trại tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã có sự phát triển đáng khích lệ, theo hướng sản xuất hàng hóa và đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội đối với các xã, thị trấn trong Huyện. Mặc dù là một trong những huyện có kinh tế trang trại phát triển nhất tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên, nhìn tổng thể, các trang trại tại Huyện vẫn còn một số hạn chế cả về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh doanh. Nguyên nhân là do các điều kiện phát triển chưa thuận lợi, sự hỗ trợ của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống chưa thật sự hiệu quả, nguồn lực trong dân chưa được khai thác triệt để, hoạt động bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập,… Việc định hướng phát triển kinh tế trang trại trong thời gian tới theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả và bền vững là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chính sách phát triển nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Chữ (2020), Mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển kinh tế trang trại và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông nghiệp ở Đồng Nai hiện nay, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
  2. Chính phủ (2000), Nghị quyết số 03/2000/QĐ-CP ngày 02/02/2000 về Kinh tế trang trại.
  3. Trương Thị Minh Sâm (2017), Kinh tế trang trại ở khu vực Nam Bộ thực trạng và giải pháp, Khoa học xã hội.
  4. Lê Trọng (2000), Phát triển và quản lý trang trại trong kinh tế thị trường, Tài liệu tái bản lần thứ hai, NXB/ Nông nghiệp, Hà Nội.
  5. Phòng Kinh tế huyện Yên Định (2018), Kết quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 201
  6. Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa (2021), Tình hình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa, https://thanhhoa.dcs.vn/tinhuy/pages/2021-9-8/Tinh-hinh-phat-trien-kinh-te-trang-trai-tren-dia-beoof7xdfniqx.aspx

Solutions to facilitate the development of farm economy model in Yen Dinh district, Thanh Hoa province

Assoc.Prof.Ph.D Hoang Van Thanh

Thuongmai University

Abstract:

The farm economy is an effective economic model and it is consistent with the policy of restructuring the agricultural economy towards large-scale, modern commodity production and the new rural construction policy of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. The farm economy has been initially developed in some localities. By analyzing secondary and primary data from interviews with farm owners in Yen Dinh district, Thanh Hoa province, this study evaluates the current situation and  problems posed in the development of farm economy model in Yen Dinh district, Thanh Hoa province. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to facilitate the development of farm economy model in this locality in the coming time.

Keywords: development, farm economy, Yen Dinh district, Thanh Hoa province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]