TÓM TẮT:

Công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước, được thể hiện qua nhiều nghị quyết, chương trình thiết thực cho công tác này. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Bài viết phân tích các chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện để giảm nghèo trong đồng bào Khmer của tỉnh.

Từ khóa: Giảm nghèo bền vững, đồng bào Khmer, Sóc Trăng.

 1. Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách và trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.

Đại hội lần thứ XI của Đảng, khẳng định: “Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững”; “Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” [2].

Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã khẳng định: “Ðẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo”… “thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững” [1].

Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016) bên cạnh việc khẳng định “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử”, Đảng ta đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, trong đó có cả vấn đề về xã hội, vấn đề giảm nghèo: “Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới” [3].

hanh tim
Để thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 6 lần điều chỉnh chuẩn nghèo

Để thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 6 lần điều chỉnh chuẩn nghèo: Ngày 19/5/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020, với mục tiêu tổng quát: Giảm nghèo bền vững là một trong những trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

Gần đây nhất, ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành các nghị quyết, quyết định,... về xóa đói giảm nghèo, phát triển kết cấu hạ tầng, tín dụng, bảo hiểm y tế, giáo dục,... tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tiếp cận với các dịch vụ xã hội góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo.

Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 7 đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. 

Các chính sách xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong giai đoạn hiện nay tập trung ở một số lĩnh vực như sau: Chính sách ưu đãi tín dụng cho người nghèo; Chính sách hỗ trợ sản xuất, cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; Chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; Chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế; Chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục - đào tạo; Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù (Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất cả nước);... nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. Thực trạng công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Sóc Trăng có 397.014 người Khmer, chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh. Mặc dù trong những năm qua, bà con Khmer đã thụ hưởng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho công tác xóa đói, giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác, nhưng tình trạng nghèo của đồng bào Khmer khá nghiêm trọng, tỷ lệ hộ Khmer nghèo khá cao, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Vì vậy, giảm nghèo nói chung và trong đồng bào Khmer nói riêng là vấn đề quan trọng và cấp bách đang đặt ra hiện nay.

Nghèo là tình trạng bị thiếu thốn về nhiều phương diện, như thu nhập thấp do bị thiếu cơ hội tạo thu nhập, thiếu những nhu cầu cơ bản hàng ngày của cuộc sống, thiếu tài sản để tiêu dùng lúc bất trắc xảy ra và dễ bị tổn thương trước mất mát do thiên tai, bệnh tật, tai nạn [5]. Là một trong 28 tỉnh ven biển của nước ta, Sóc Trăng có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng đối với cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

tran de
Bà con Khmer sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp

Từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, Sóc Trăng đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,3%, khu vực I tăng 4,8%, khu vực II tăng 10,82%, khu vực III tăng 8,14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, GRDP bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm; tỷ trọng khu vực I-II-III tương ứng là 37,77% - 17,82% - 44,41% [6]. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, hiện nay Sóc Trăng vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo, nhất là tập trung cho đồng bào Khmer và đạt nhiều thành tích trong việc giảm nghèo. Nhưng hộ nghèo vẫn còn khá cao với 15.890 hộ, chiếm 4,91%; trong đó, hộ Khmer có 7.694 hộ, chiếm 48,42% số hộ nghèo của tỉnh và 14.747 hộ cận nghèo (năm 2019) [7]. Do bà con đồng bào Khmer sống chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh; nơi có điều kiện hạ tầng thiết yếu còn kém phát triển, điều kiện đi lại, mua bán, sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn,…

Mặt khác, bà con Khmer sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu đất đai, vốn, trình độ học vấn, chuyên môn thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, điều kiện ăn ở thiếu thốn, khó khăn, ý thức tự vươn lên kém [8]. Vì thế, tình trạng nghèo trong đồng bào Khmer khá nghiêm trọng, làm cho công tác giảm nghèo của tỉnh Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn, vừa thoát nghèo lại tái nghèo diễn ra thường xuyên. Vì vậy, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần phải có những giải pháp hữu hiệu, lâu dài và tích cực trong công tác giảm nghèo nói chung và cho đồng bào Khmer Sóc Trăng hiện nay nói riêng là cần thiết.

3. Một số giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng thời gian tới

Để góp phần xóa bỏ tình trạng khó khăn, đẩy lùi tình trạng đói nghèo, giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư để phát triển kinh tế bền vững, cần thực hiện đồng bộ, lâu dài và tích cực một số giải pháp hữu hiệu sau:

thuy hai san
 Sóc Trăng rất thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển

Thứ nhất, cần tập trung phát triển tổng hợp kinh tế biển. Sóc Trăng với 72 km bờ biển và 03 cửa sông chính là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, Sóc Trăng rất thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển, tạo công ăn, việc làm cho lao động làm thuê, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển và góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo [9]. Để phát triển kinh tế biển, Sóc Trăng cần phải:

(1) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, hạn, mặn, tăng cường hệ thống tưới tiêu, nạo vét kênh rạch tích trữ nước ngọt cho mùa khô và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt. Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, từng bước khôi phục hệ thống sinh thái;

(2) Đẩy mạnh khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng các đối tượng, phát triển mô hình nuôi công nghệ cao nhằm tạo sản phẩm sạch, phục vụ chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, mở rộng, nâng cấp và khai thác hiệu quả cảng cá Trần Đề;

(3) Phát triển các ngành công nghiệp phải gắn với lợi thế vùng biển và ven biển, phát triển mạnh các dịch vụ vận tải biển, dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái…;

(4) Kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư xây cảng nước sâu Trần Đề, phát triển cảng biển phục vụ cho xuất, nhập khẩu nông sản, vật tư nông nghiệp, đánh bắt thủy, hải sản;

(5) Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư các tuyến giao thông đối ngoại, giao thông ven biển, ở các tuyến vận tải hàng hóa ven biển, tiến tới vận tải biển đến các nước trong khu vực. Phát triển giao thông đường thủy đồng bộ giữa cảng, tuyến - luồng và đội tàu vận tải. Đầu tư hệ thống đê sông, đê biển phục vụ phát triển kinh tế, kết hợp quốc phòng - an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Với lợi thế có 03 cửa sông lớn đổ ra biển, có hệ sinh thái vùng ngập mặn vừa có giá trị kinh tế lớn, vừa là tiềm năng phát triển du lịch. Sóc Trăng có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhều vườn cây ăn trái nhiệt đới và không khí trong lành,…

cu lao dung
Cù Lao Dung - Sóc Trăng

Đây là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Dọc bờ biển cũng có nhiều bãi tắm đẹp, có thể là nơi nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái như Hồ Bể (Vĩnh Châu), An Thạnh Nam (Cù Lao Dung),... Sóc Trăng hiện mở tuyến du lịch ra Côn Đảo bằng tàu cao tốc. Từ Sóc Trăng đi Phú Quốc khá gần bằng đường biển, nên khả năng mở tuyến đưa du khách từ Sóc Trăng ra Phú Quốc rất thuận lợi.

Đặc biệt, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh với đặc trưng 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa. Với lợi thế vùng đất có 3 dân tộc chính, Sóc Trăng vốn rất nổi tiếng với nhiều địa danh (chùa Dơi, Đất Sét, Hồ Nước ngọt,…), đa dạng trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội (Ooc om boc - Đua ghe Ngo, Lễ hội sông nước miệt vườn mùng 5/5 Âm lịch,…) và nét ẩm thực độc đáo qua từng đặc sản của tỉnh (bánh Pía, bánh Cống, bún Nước lèo,…).

Tiềm năng du lịch rất đa dạng, trong đó du lịch lễ hội, ẩm thực và du lịch tham quan chùa chiền là thế mạnh, nếu tỉnh phát huy tối đa tiềm năng này sẽ góp phần vào giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho địa phương.

chua doi
Sóc Trăng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh 

Thứ ba, tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Hộ nghèo, cận nghèo đồng bào Khmer Sóc Trăng tập trung chủ yếu ở nông thôn, làm nông nghiệp và là nông dân. Vì vậy, đồng bào Khmer là những người dễ bị tổn thương nhất trước những biến động về thị trường, giá cả và biến đổi khí hậu.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển toàn diện ở khu vực nông thôn và đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hàng năm có giảm, nhưng hiện nay vẫn còn khá cao, đặc biệt là đối với những xã chưa đạt chuẩn Nông thôn mới, xã có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Do đó, trong thời gian tới, cần quyết tâm thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2020 về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dụng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhằm xây dựng và phát triển toàn diện trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội.

Hỗ trợ học sinh nghèo: Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, đạo tạo nguồn nhân lực và góp phần giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, cần phải xây dựng chính sách toàn diện hỗ trợ cho trẻ em nghèo nói chung và trẻ em nghèo Khmer nói riêng, để trẻ em có điều kiện đến trường, được học tập, mở mang kiến thức, nâng cao trình độ. Cho nên, cần tiếp tục cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ giáo dục cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học. Đặc biệt, tiếp tục mở rộng dạy học song ngữ cho đồng bào Khmer.

Hỗ trợ y tế: Trong thời gian tới, để góp phần vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, cần phải thực hiện tốt chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là đối với hộ Khmer nghèo để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khi khám, chữa bệnh,... giảm gánh nặng chi phí y tế; Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các tuyến, nhất là trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa; Phát triển mô hình đội y tế lưu động để triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh tại vùng sâu, vùng xa; Xây dựng và áp dụng chế độ, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế cho vùng đồng bào Khmer; Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ bản cho người nghèo trong đồng bào Khmer;...

Hỗ trợ nhà ở: Mức hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg hiện nay rất thấp, vì vậy cần phải điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách về nhà ở cho hộ nghèo để đảm bảo có được căn nhà chất lượng đảm bảo, kiên cố. Cấp thiết phải xem xét hỗ trợ cho những hộ nghèo đang sống trên các kênh, rạch, thuyền, người không có đất ở di dời đến các khu, cụm tái định cư; gắn hỗ trợ nhà ở với công tác di dân để đưa người dân ra khỏi những địa bàn có nhiều rủi ro về thiên tai có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Hỗ trợ nước sạch: Cần đẩy mạnh xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cấp nước sạch, nhất là đối với nông thôn. Phải có những chính sách hỗ trợ chi phí cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn nước sạch từ nước máy, nước cây tự khoan. Bên cạnh đó, cần phải có chính sách hỗ trợ hộ nghèo Khmer các vật dụng dự trữ nước nhằm ứng phó với mùa khô; Từng bước tiêu chuẩn hóa các điểm cấp nước tập trung cho địa bàn đồng bào Khmer nghèo; Đáng chú ý, cần điều chỉnh mức hỗ trợ cho hộ nghèo Khmer ở những vùng khó khăn tiếp cận nguồn nước sạch.

Về hỗ trợ điện: Ngành Điện đã góp phần rất lớn vào công tác xóa đói giảm nghèo, nhưng việc sử dụng điện ở một số hộ hiện nay có nhiều vấn đề xảy ra, như cháy, nổ. Do đó, trong thời gian tới, ngành chức năng cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng điện, nhất là đầu tư lưới điện trong đồng bào Khmer để bà con ứng dụng điện vào sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con Khmer sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ hộ nghèo Khmer về điện sinh hoạt.

Về tiếp cận thông tin: Để người dân, nhất là bà con Khmer ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước cần phải có chính sách, dự án hỗ trợ cho các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào Khmer, hộ nghèo, hộ khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện tiếp cận thông tin, thông qua các kênh truyền hình, phát thanh, báo, tờ rơi, pano,...

dao tao nghe
Nhờ được đào tạo nghề, nhiều bà con Khmer ở Thạnh Trị đã có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm: Đối với người nghèo Khmer Sóc Trăng vì học vấn thấp nên không tìm được việc làm, hoặc làm công việc lao động nặng nhọc, thường xảy ra tai nạn lao động mà thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. Vì thế cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho các hộ nghèo, để người lao động Khmer có một trình độ, tay nghề, năng lực, thái độ nhất định có thể tìm được công việc ổn định. Công tác đào tạo nghề phải gắn với thị trường lao động, đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu của thị trường. Mặt khác, cần phải đẩy mạnh công tác giới thiệu, giao dịch việc làm. Khi đồng bào Khmer có việc làm, thu nhập của gia đình ổn định, chắc chắn gánh nặng về an sinh xã hội sẽ giảm đi.

Nâng cao ý thức tự lực phấn đấu vươn lên cho hộ nghèo, cận nghèo: Để thực hiện thành công giảm nghèo bền vững, tiến tới no đủ, giàu có, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cần phải tuyên truyền đồng bào Khmer nâng cao ý thức, tinh thần phấn đấu, tự vươn lên, ý chí tự lực, tự cường để cho bà con Khmer không trông chờ, ỷ lại vào Đảng và Nhà nước. Đồng thời, phải thực hành tiết kiệm, từ đó đồng bào có thể tự vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo.

Mặc dù thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quan tâm và thực hiện tốt chính sách dân tộc nên tình hình kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào Khmer có bước phát triển vững chắc, đời sống từng bước được cải thiện; công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng được đầu tư, đã góp phần giải quyết được nhu cầu cơ bản về nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, việc làm,… đã góp phần vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer.

Tuy nhiên, đồng bào Khmer hiện nay còn không ít khó khăn, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo khá lớn; chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo còn thấp; công tác chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế; phong tục, tập quán sản xuất và đời sống còn lạc hậu; hạ tầng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ; năng lực, trình độ của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế;...

Để thực tốt công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó có công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer nói riêng, các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh Sóc Trăng cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt cần quan tâm nhất là công tác giáo dục - đào tạo và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, N Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, N Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Tạp chí Cộng sản (2014). Xóa đói, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc các tỉnh, thành phía Nam, Kỷ yếu hội thảo, tỉnh Trà Vinh.
  5. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Quyết định số 1614 (15/9/2015) của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”.
  6. UBND tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo Kinh tế - Xã hội năm 2019 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
  7. UBND dân tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo Tổng kết công tác Dân tộc năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2020.
  8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ 2020.
  9. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2020). Báo cáo Tổng kết tình hình công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.