Giải pháp hoàn thiện mô hình mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong Trường Đại học Luật, Đại học Huế

ThS. PHAN ĐÌNH MINH (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã triển khai xây dựng mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đạt được những kết quả nhất định. Bài viết phân tích thực trạng hoạt động mạng lưới Khởi nghiệp tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong giai đoạn 2018 - 2020. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới khởi nghiệp và xây dựng được kế hoạch tổ chức hoạt động của mạng lưới khởi nghiệp tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế có tính thống nhất và triển khai đồng bộ, thường xuyên, có hiệu quả trong thời gian tới.

Từ khóa: mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mô hình mạng lưới, Trường Đại học Luật.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, Đại học Huế nói chung và Trường Đại học Luật nói riêng đã cụ thể hóa tinh thần đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ bằng việc thành lập Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế năm 2018. Cuối năm 2018, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã quyết định đổi tên Trung tâm Thực hành Luật và Quan hệ doanh nghiệp thành Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu trong nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

2. Thực trạng hoạt động mạng lưới Khởi nghiệp tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong giai đoạn 2018 - 2020

Trong thời gian từ năm 2018 đến nay, Nhà trường đã xác định rõ vai trò của mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp để huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân, tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong Trường phát triển nhanh và hiệu quả. Sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp không chỉ tham gia mang tính thời điểm, mà đó phải thật sự là một phong trào mang tính xuyên suốt, lâu dài, đồng thời là một trong những trải nghiệm giúp người học rèn luyện và tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, đặc biệt là kỹ năng từ hoạt động này, như: kỹ năng quản trị nhân sự, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng gọi vốn đầu tư, kỹ năng hoạch định chiến lược kinh doanh, kỹ năng nắm bắt thông tin thị trường,… Trường Đại học Luật đã cụ thể hóa Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025[1] và Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”[2] trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường bằng những hoạt động cụ thể.

Thứ nhất, về xây dựng và hình thành mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế cũng đã ký văn bản Danh sách cán bộ giảng viên, sinh viên tham gia xây dựng hoạt động mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Luật, Đại học Huế vào ngày 14/9/2020. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành và phát triển mạng lưới khởi nghiệp trong tương lai và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt được kết quả tốt trong thời gian tới[3]. Hiện nay, mô hình mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế được vận hành thông qua đầu mối là Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp kết nối với trợ lý Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các Khoa chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp có sự hỗ trợ từ phía đội ngũ cộng tác viên là các bạn sinh viên đang học tập tại Trường niềm đam mê khởi nghiệp cùng tham gia hoạt động này. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, một trong những mô hình phổ biến và hiệu quả hiện nay là thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Chẳng hạn, ở Mỹ có rất nhiều trường đại học thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, như: Đại học Ohio, Đại học Michigan, Đại học Texas,… Ở nước Anh có Trường Đại học Manchester thành lập Công ty Đổi mới sáng tạo thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng thông qua 2 đơn vị trực thuộc là Trung tâm đổi mới sáng tạo cung cấp hạ tầng (văn phòng, phòng lab) để hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp dựa trên công nghệ và bộ phận dịch vụ thương mại hóa tài sản trí tuệ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường thông qua việc bán, chuyển giao tài sản trí tuệ,... [4] Bên cạnh đó, Trường Đại học Tiền Giang đã hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức, như: kết nối các nhóm sinh viên có dự án khởi nghiệp cần sự hỗ trợ hoặc tư vấn với các doanh nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tài chính và chia sẻ kinh nghiệm cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên,....[5] 

Thứ hai, liên quan đến việc triển khai các chương trình rèn luyện kỹ năng, khuyến khích người học đề xuất các ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình hỗ trợ sinh viên Khởi nghiệp, Nhà trường đã giao nhiệm vụ đầu mối cho Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp tổ chức các chương trình ngoại khóa, như: tuyên truyền, giảng dạy kiến thức về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sinh viên Luật[6], tổ chức talkshow Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên K43[7],… nhằm giúp các bạn sinh viên dễ dàng nắm bắt được những kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cơ bản, góp phần trong việc định hướng học tập, rèn luyện tại Trường trong tương lai. Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đại học Huế tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp với tên gọi “HUL BUSINESS INNOVATION HACKATHON 2020”[8]. Trong thời gian qua, hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã có được những tín hiệu khả quan trong việc thu hút rất nhiều nhóm sinh viên tham gia các cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp” cấp Đại học Huế và cấp tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, nổi bật hơn cả là Trường đã giành được giải Ba cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng Khởi nghiệp Đại học Huế lần thứ I” năm 2018 và giải Ba cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng Khởi nghiệp Đại học Huế lần thứ IV” năm 2021. Theo số liệu khảo sát, các bạn sinh viên đã từng tham gia hoạt động khởi nghiệp lựa chọn việc được xây dựng và phát triển các kỹ năng thông qua hoạt động khởi nghiệp ở các buổi workshop là 85,8%, các cuộc thi khởi nghiệp là 64,9% và từ các buổi Talkshow là 76,8%[9]. Số liệu đã cho thấy những tín hiệu tích cực từ phía người học khi tìm thấy những giá trị từ việc tham gia các chương trình, cuộc thi, workshop và hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang lại.

Thứ ba, đối với việc tạo ra sự liên kết trong hoạt động khởi nghiệp giữa trường Đại học Luật đối với Đại học Huế, các cơ sở đào tạo Luật và đối với doanh nghiệp trong những năm qua đã có nhiều hoạt động đáng chú ý, như: Trường Đại học Luật thường xuyên phối hợp cùng Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế cử giảng viên tham gia vào các chương trình hoạt động tập huấn, rèn luyện kỹ năng nguồn giảng viên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp của Trường Đại học Luật cũng đã kết hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ LETO tổ chức chương trình talkshow “Xu hướng ngành Luật hiện nay”, kết nối các diễn giả nổi tiếng tổ chức chương trình “Xu hướng khởi nghiệp cho sinh viên trong kỷ nguyên 4.0”, kết nối cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Đào tạo BGILAW tổ chức chuỗi các hoạt động về khởi nghiệp,… Việc kết nối với các doanh nghiệp trong việc xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức giảng đường và trải nghiệm thực tiễn cho người học, tiếp cận theo hướng phát triển kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Năm 2020, mặc dù đã xây dựng và thành lập mạng lưới khởi nghiệp tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy mạng lưới chưa phát huy được vai trò phối hợp giữa các đơn vị, cá nhân tham gia trong mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại trường, trong đó:

Mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Luật còn thiếu quy chế hoạt động, vận hành, vì vậy chưa phát huy tối đa hiệu quả trong phối hợp công tác tổ chức, thực hiện. Hiện nay, các hoạt động khởi nghiệp chủ yếu được tập trung triển khai từ Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp chưa phát huy được sự phối hợp giữa các đơn vị, dẫn đến tình trạng các hoạt động chưa phát huy được nguồn lực từ các trợ lý khởi nghiệp ở các khoa chuyên môn và giảng viên, sinh viên trong mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có thể tham khảo theo mô hình hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Hoa Kỳ, khi tại đây các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên có sự giúp sức rất lớn của nền tảng được gọi là “StartupTree” - cây Khởi nghiệp. Đây là một nền tảng dành riêng cho sinh viên và cựu sinh viên của Đại học Harvard và Học viện công nghệ MIT. Nền tảng này giúp các sinh viên khởi nghiệp tìm được những người đồng đội, nguồn tài trợ, nguồn lực và sự kiện có liên quan trên khắp Harvard và MIT.[10] Đây cũng được gọi là một hình thức khác của mạng lưới khởi nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học này khi phát huy được nguồn lực của mỗi cá nhân trong mạng lưới cũng như đáp ứng được việc. Sinh viên tìm kiếm được nguồn lực, sự trợ giúp trong mạng lưới nhằm cụ thể hóa các ý tưởng khởi nghiệp và tự tin hơn trong việc triển khai các ý tưởng khởi nghiệp mà bản thân xây dựng.

Nguyên nhân của vấn đề này chính là việc Trường Đại học Luật chưa ban hành quy chế khởi nghiệp tại Trường, dẫn đến các cá nhân tham gia mạng lưới chưa xác định được mục tiêu phát triển đối với hoạt động này, cũng như không xác định được vai trò của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan khi tham gia vào mạng lưới này.

- Hoạt động khởi nghiệp triển khai còn mang tính đơn lẻ, nhất thời, chưa tạo ra tính đồng bộ giữa các đơn vị, không thống nhất kế hoạch tổng thể trong năm học và tầm nhìn trong giai đoạn của các năm tiếp theo. Nguyên nhân của vấn đề này chính là mạng lưới khởi nghiệp chưa có kế hoạch hoạt động năm học và kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo nhằm mang tính định hướng hoạt động trong tương lai và có sự gắn kết hoạt động qua mỗi năm.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ nằm trong mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa đảm bảo tính đồng bộ. Hiện nay, việc phân công cán bộ trong mạng lưới này vẫn mang tính chất để xử lý công việc theo thời vụ, một số cán bộ giảng viên trẻ được cử đi học các khóa tập huấn, đào tạo giảng viên nguồn khởi nghiệp chưa nằm trong mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường. Trong khi đó, ngược lại, một số cán bộ giảng viên chưa tham gia các khóa huấn luyện giảng viên nguồn khởi nghiệp lại được phân công tham gia Danh sách cán bộ giảng viên, sinh viên tham gia xây dựng hoạt động mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Nguyên nhân của vấn đề này chính là việc xây dựng mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang thiếu những quy định về mặt tiêu chí xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên khi tham gia vào mạng lưới.

3. Giải pháp hoàn thiện mô hình mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Để khắc phục những khó khăn trên và sớm hoàn thiện mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế, theo tác giả, trong thời gian tới, cần đáp ứng được 3 nhiệm vụ trọng tâm như sau:

            Thứ nhất, để việc vận hành mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả, cần sớm xây dựng và ban hành quy chế hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Đây là một trong những vấn đề cần được giải quyết kịp thời trong giai đoạn hiện nay để sớm đưa hoạt động khởi nghiệp đi vào nền nếp và đảm bảo tính thống nhất trong việc triển khai các kế hoạch hoạt động khởi nghiệp. Quy chế Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần xác định rõ: vai trò trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị trong việc triển khai kế hoạch khởi nghiệp trong thời gian tới; đồng thời quy chế cũng cần đưa ra cơ chế giám sát, trách nhiệm báo cáo của các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn.

            Đề làm được điều này, cần xây dựng kế hoạch hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2020 - 2025, nhằm đám ứng sự thống nhất trong việc phối hợp đồng bộ triển khai hoạt động một cách hiệu quả trong mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kế hoạch này cần được xây dựng và triển khai dựa trên 3 tiêu chí:

Một là, đảm bảo việc các đơn vị tham gia hoạt động này tuân thủ quy chế Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đặt ra dựa trên tính thống nhất trong yêu cầu phối hợp thực hiện;

Hai là, đảm bảo yếu tố thống nhất trong hoạt động kiểm tra giám sát từ phía nhà trường thông qua Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, tạo ra một mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tính liên kết thống nhất, tránh chồng lấn và chồng chéo trong quá trình triển khai hoạt động khởi nghiệp;

Ba là, việc triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025 đảm bảo tính kế thừa phát huy yếu tố nội lực và tranh thủ yếu tố ngoại cảnh hỗ trợ. Trong đó, xây dựng mối liên kết giữa giảng viên cố vấn khởi nghiệp và sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đơn vị đối tác, cựu người học trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kế hoạch cần được mở rộng ở nhiều hoạt động khác nhau, cũng như có sự đan xen, lồng ghép với các hoạt động chung trong năm học của Nhà trường. Điều này cần lưu ý việc xác định rõ lộ trình tiếp cận kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Áp dụng phương pháp ưu tiên yếu tố thực hành, ưu tiên liên hệ thực tiễn, giúp sinh viên hình thành năng lực tư duy và năng lực hành động trong việc tiếp cận nhiều sinh viên đam mê khởi nghiệp và xây dựng được nhiều ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, Nhà trường cần có lộ trình và sớm đưa vào giảng dạy học phần Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương lai gần là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết số 1665/QĐ-TTg về việc hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay.

Thứ hai, liên quan đến việc triển khai các chương trình rèn luyện kỹ năng, khuyến khích người học đề xuất các ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Nhà trường có thể định hướng xây dựng một bộ tài liệu giáo trình riêng liên quan đến hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc hỗ trợ giảng dạy và học tập dành cho đối tượng người học là sinh viên ngành Luật và Luật Kinh tế. Việc xây dựng bộ tài liệu, giáo trình về khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực pháp luật cần có sự kết hợp giữa giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học pháp lý và các chuyên gia thực tiễn nhằm hướng tới việc xây dựng một hệ thống giáo trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn gắn liền với lĩnh vực pháp luật. Xây dựng nhân sự mạng lưới khởi nghiệp đáp ứng yếu tố về chất lượng nhân sự và nhân sự mang tính kế thừa, đào tạo nguồn giảng viên. Xây dựng đội ngũ giỏi về chuyên môn liên quan đến khởi nghiệp và sẵn sàng trở thành các mentor hỗ trợ sinh viên trong quá trình tham gia xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp.

Thứ ba, phối hợp và tạo mối liên kết lâu dài giữa mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Trường với các đơn vị ngoài Trường. Nâng cao mối liên kết với các đơn vị trong và ngoài trường, tranh thủ sự ủng hộ của các đơn vị công ty, đối tác của Nhà trường dựa trên nền tảng liên kết từ trước là một trong những giải pháp cần được đặt ra liên quan đến việc tranh thủ nguồn lực đến từ các đơn vị ngoài Trường. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã tạo được mối liên hệ hợp tác lâu dài với các công ty, đơn vị đối tác, như: Công ty Luật Hợp Danh FDVN, Công ty Luật TNHH MTV Hãng Luật Thành Sen, Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank, Công ty TNHH Giải pháp Chiến lược Leto, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Đào tạo BGILAW,… Đây là những đối tác có thể hỗ trợ trong quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp hiện nay đối với sinh viên Trường Đại học Luật. Qua thực tiễn chứng minh, các hoạt động hợp tác với các đơn vị trên đã mang lại nhiều hiệu quả đối với sinh viên trong Trường và góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên đang học tập tại Trường.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Chính phủ (2016). Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

[2] Chính phủ (2017). Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.

[3] Trường Đại học Luật (2021). Công văn số 147/ĐHL-TCHC ngày 17/8/2021 của Trường Đại học Luật về danh sách trợ lý các khoa, trung tâm, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

[4] Phạm Hồng Quất (2021). Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học. Truy cập tại: http://www.khoinghiepxaydung.com/2018/03/mo-hinh-trung-tam-oi-moi-sang-tao-tai.html?m=1.

[5] Khánh Thy (2021). Khởi nghiệp từ giảng đường. Truy cập tại: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/khoi-nghiep-tu-giang-duong-675979.

[6] Trường Đại học Luật (2019). Công văn số 43/TB - ĐHL - THL, ngày 05/3/2019, V/v tổ chức chương trình Tuyên truyền, giảng dạy kiến thức về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sinh viên Luật.

[7] Trường Đại học Luật (2019). Công văn số 408/TB - ĐHL - THL, ngày 14/11/2019, V/v tổ chức chương trình talkshow Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên K43.

[8] Trường Đại học Luật (2020). Công văn số 463/ TB - ĐHL, ngày 9/11/2020, V/v tham dự cuộc thi “HUL BUSINESS INNOVATION HACKATHON 2020”.

[9] Trần Thu Hiền, Nguyễn Trần Đức Anh (2021). Báo cáo điều tra khảo sát về xây dựng và phát triển các kỹ năng cho sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế thông qua hoạt động khởi nghiệp. Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

[10] Harvard Business School Publishing Corporation (2018), The Harvard Business Review Entrepreneur's Handbook, USA: Harvard Business Review Press.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Harvard Business School Publishing Corporation (2018). The Harvard Business Review Entrepreneur's Handbook. USA: Harvard Business Review Press.
  2. Khánh Thy (2021). Khởi nghiệp từ giảng đường. Truy cập tại: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/khoi-nghiep-tu-giang-duong-675979.
  3. Trần Thu Hiền, Nguyễn Trần Đức Anh (2021). Báo cáo điều tra khảo sát về xây dựng và phát triển các kỹ năng cho sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế thông qua hoạt động Khởi nghiệp. Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
  4. Phạm Hồng Quất (2021). Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học. Truy cập tại: http://www.khoinghiepxaydung.com/2018/03/mo-hinh-trung-tam-oi-moi-sang-tao-tai.html?m=1.

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE PERFORMANCE OF THE INNOVATIVE START-UP NETWORK IN THE UNIVERSITY OF LAW, HUE UNIVERSITY

Master. Phan Dinh Minh

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

The University of Law, Hue University has established an Innovative start-up network over the past years and it has achieved certain encouraging results. This paper analyzes this network’s performance from 2018 to 2020 in order to improve and make a new development plan for the network in the coming time.

Keywords: start-up network, innovation, network model, University of Law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 10, tháng 5 năm 2022]