Giải pháp hoàn thiện quy trình và công cụ quản lý chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản

NGUYỄN VIỆT THẮNG (Cao học viên Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được thể hiện trong chiến lược phát triển ngành Thủy sản đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Trong bài báo này, tác giả đã đưa ra một số tiêu chí đánh giá về hiệu suất chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản (XKTS) để từ đó phân tích và có những kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình và công cụ quản lý chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Tiêu chí đánh giá, công cụ quản lý chính sách, xuất khẩu thủy sản, thị trường Nhật Bản.

1. Tiêu chí đánh giá hiệu suất chính sách đẩy mạnh XKTS sang thị trường mục tiêu

Chính sách đẩy mạnh xuất khẩu được hiểu là một bộ phận của chính sách thương mại của Nhà nước và được hiểu là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các mục tiêu, những phương thức hành động cơ bản để quản lý quan hệ thương mại quốc tế nói chung và quan hệ thương mại xuất khẩu hàng hóa nói riêng, mang tính quyền lực nhà nước, để điều chỉnh hành vi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu. Chính sách được quản lý bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng phát triển xuất khẩu để chủ động đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý, hợp thông lệ/ thường quy quốc tế của các quốc gia nhập khẩu.

Đánh giá chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản được thể hiện qua 2 tiêu chí:

i - Chất lượng hoạch định chính sách

Chất lượng tổng thể của hoạch định chính sách đẩy mạnh xuất khẩu được phản ánh qua mức đáp ứng các yêu cầu đặt ra với chính sách quản lý nhà nước và được xác định qua công thức:

Trong đó:

Q: Chất lượng tổng thể trung bình của hoạch định chính sách

Xi: Mức độ đáp ứng trung bình của yêu cầu thứ i với hoạt định chính sách thứ I

n: Số lượng yêu cầu với hoạch định chính sách

ii - Chất lượng triển khai thực thi chính sách

Chất lượng triển khai thực thi chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản phản ánh mức hiệu suất đạt được so với yêu cầu thực hiện tốt nhất (kỳ vọng) (tham khảo mô hình SERVPERF của A.Zeithanl - 1988) và được xác định qua công thức:

Trong đó:

Qt: Chất lượng trung bình tổng thể của triển khai thực thi chính sách

Zj: Mức hiệu suất trung bình của yếu tố cấu thành thứ j (các yếu tố cấu thành triển khai thực thi chính sách được nêu trong luận văn)

kj: Hệ số quan trọng của yếu tố cấu thành thứ j đến chất lượng thực thi tổng thể

2. Tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

2.1. Tình hình sản xuất

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km và có hệ thống sông ngòi dày đặc rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm.

Với chủ trương thúc đẩy phát triển của Chính phủ, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, sản lượng thủy sản từ hoạt động khai thác tăng khá thấp trong thời gian qua với mức tăng trưởng bình quân là 6,42%/năm do sự cạn kiệt dần từ nguồn thủy sản tự nhiên và trình độ hoạt động khai thác đánh bắt chưa được cải thiện.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 6,726 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2015.

- Khai thác thủy sản

Trong năm 2016, Công ty Formosa đã đưa chất thải ra biển khiến ngư dân ở các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ phải ngừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ và vùng lộng trong nhiều tháng làm ảnh hưởng đến khai thác biển của các tỉnh này nói riêng và ảnh hưởng đến khai thác thủy sản của cả nước nói chung. Tuy nhiên, sản lượng khai thác thủy sản ở các tỉnh khác vẫn cao nên sản lượng khai thác thủy sản cả nước năm 2016 vẫn đạt kết quả khả quan, đạt 3.076 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2015; trong đó: khai thác biển đạt 2.876 ngàn tấn, tăng 2,21% so với năm 2015; khai thác nội địa ước đạt 200 ngàn tấn, giảm 1% so với năm 2015.

Theo báo cáo của địa phương, sản lượng cá ngừ của 3 tỉnh trọng điểm miền Trung cả năm 2016 đạt khoảng 17.652 tấn, trong đó: sản lượng cá ngừ tại Bình Định đạt là 9.368 tấn, tăng 5% so với năm 2015; tại Khánh Hòa ước đạt 4.072 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2015; tại Phú Yên ước đạt khoảng 4.212 tấn, tương đương so với năm 2015. Hiện giá cá ngừ đại dương dao động khoảng từ 95.000 - 115.000đ/kg.

- Nuôi trồng thủy sản

Về nuôi trồng thủy sản, năm 2016, tuy tình hình thời tiết không thực sự thuận lợi nhưng các địa phương vẫn duy trì được mức tăng diện tích và sản lượng so với cùng kỳ. Các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, rô phi, nhuyễn thể đều gặp khó khăn, người nuôi phải đối mặt với khó khăn kép do thời tiết biến đổi thất thường và giá cả thị trường tiêu thụ giảm sút. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm 2016 đạt 3.650 ngàn tấn, tăng 1,9% so với năm 2015.

2.2. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản

- Thống kê xuất khẩu

Trong một thập kỷ qua, Nhật Bản luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam với tỷ trọng ổn định ở mức trên dưới 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương năm 2016, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Nhật Bản đạt 1,098 tỷ USD, tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước.

Tôm, mực, cá ngừ hiện là ba mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật Bản, chiếm tới 80% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta sang thị trường này. Nhưng hiện xuất khẩu cả ba mặt hàng sang Nhật Bản đều giảm, đặc biệt là mặt hàng tôm.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, bên cạnh nguyên nhân đến từ việc thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ, biến động của đồng Yên… thì nguyên nhân chủ yếu là do Nhật Bản ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp thương mại của Nhật Bản đang có xu hướng tìm nguồn nhập khẩu với giá rẻ hơn từ các nước khác như Ấn Độ, Indonesia.

3. Đánh giá chung về thực trạng nội dung chính sách đẩy mạnh XKTS sang thị trường Nhật Bản

3.1. Những điểm mạnh về chính sách

- Trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành và cập nhật các chính sách liên quan đến đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Với mục tiêu giảm thiểu khoảng cách giữa chính sách trong nước và các quy định quốc tế cũng như tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, những nỗ lực này đã và đang nhận được những đánh giá tương đối cao từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Chính sự đảm bảo đầy đủ và kịp thời của hệ thống chính sách đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản của nước ta trong thời gian vừa qua, đã góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, giúp rút ngắn thời gian đạt tới chỉ tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển thủy sản mà Chính phủ đã thông qua.

Đường lối đúng đắn của Đảng và Chính phủ đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tính đến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đã đạt 1,1 tỷ USD tương đương 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Mặt khác, ngành Thủy sản được hỗ trợ bởi biện pháp chính sách của Nhà nước: hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại...

3.2. Những hạn chế, điểm yếu của chính sách

Thứ nhất, về khung pháp lý, các văn bản luật, văn bản hướng dẫn dưới luật còn chậm ban hành.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa theo kịp được với thực tiễn sản xuất và đòi hỏi của người tiêu dùng, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế.

Hệ thống các chế tài đảm bảo cho việc thực thi các văn bản pháp lý dù đã được quan tâm xây dựng điều chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, đặc biệt là chế tài xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) chưa đủ mạnh (chưa có chế tài bắt buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản phải áp dụng và thực hiện các quy chuẩn bắt buộc về điều kiện đảm bảo ATTP, cũng như thiếu chế tài để đình chỉ hoạt động với các cơ sở không đáp ứng yêu cầu); chế tài xử phạt đối với cùng một vụ việc chưa tương đương nhau (ví dụ: Nghị định số 45/2005/NĐ-CP xử phạt cao hơn so với mức xử phạt hành vi vi phạm tương đương quy định trong Nghị định số 134/2003/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính).

Chưa có văn bản phân công, phân cấp rõ ràng giữa các Cục quản lý chuyên ngành, giữa trung ương và địa phương, ví dụ: Phân công kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP trong khâu sau thu hoạch và chế biến, hoặc quy định về đánh giá, chỉ định phòng kiểm nghiệm ATVSTP giữa các Cục chưa rõ ràng.

Thứ hai, về hệ thống giám sát, kiểm tra, thanh tra ATVSTP:

- Thiếu quy định về điều tra, thanh tra truy xuất nguyên nhân, xử lý vi phạm, thu hồi sản phẩm nông sản. Do vậy, sản phẩm nông sản thực phẩm không đảm bảo ATVSTP vẫn có thể đưa ra lưu thông trên thị trường dẫn đến rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.

- Hệ thống thanh tra chuyên ngành cùa các đơn vị trực thuộc ngành Nông nghiệp chưa được tổ chức đồng bộ và chưa huy động hợp lý nên hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với sản phẩm không đảm bảo chất lượng và ATVSTP còn rời rạc, chủ yếu giải quyết sự cố.

4. Giải pháp hoàn thiện quá trình và công cụ quản lý chính sách đẩy mạnh XKTS sang thị trường Nhật Bản

4.1. Hoàn thiện quá trình quản lý chính sách

- Hoạch định

Hoàn thiện quy trình hoạch định chính sách đẩy mạnh xuất khẩu là một yêu cầu thực tiễn trong hoàn thiện quy trình hoạch định chính sách. Hoạch định chính sách đóng vai trò quan trọng đối với đẩy mạnh xuất khẩu. Quy trình hoạch định chính sách cần phải tuân thủ, thực hiện theo trình tự hoạch định chính sách chung nhưng cũng cần trung cầu ý kiến của đối tượng chính sách về dự thảo chính sách để cân nhắc hoàn thiện trước khi ban hành và cần tăng cường sự tham gia phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia về khách thể chính sách.

Vấn đề then chốt của hoạch định chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản là nâng cao chất lượng hoạch định chính sách. Với mục tiêu này có một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, cần nhận rõ vấn đề thật sự trong khách thể đẩy mạnh xuất khẩu là gì. Nhà hoạch định không nền nhầm lẫn 2 khái niệm: thực tế và thực tế cụ thể. Thực tế là một tồn tại có thể quan sát được và quản lý nó bằng các suy luận duy lý; còn thực tế cụ thể là những tình huống vận động đang diễn ra của tồn tại và chỉ có thể nắm bắt được bởi những người sẵn sàng, có trải nghiệm thực tế và sự đồng cảm thực sự. Nhà hoạch định chính sách vì vậy không chỉ cần thực tế mà rất cần có thực tế cụ thể và ngay trong thực tế cũng cảnh giác với các nhận định duy lý.

Hai là, cần tăng cường và có hoạch định những chính sách đột phá cho xuất khẩu thủy sản với quy hoạch nuôi trồng, các công nghệ sinh học, công nghệ nuôi trồng còn thiếu, yếu và mất cân bằng trong hoạch định chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Một chuỗi cung ứng xuất khẩu tổng thể không thể vận hành tốt nếu thiếu cân bằng hệ thống.

Ba là, trong hoạch định chính sách cần phải có một tri thức đầy đủ, phát triển và cập nhật về nội hàm và ngoại diên cấu trúc của khách thể chính sách với một thực tế cụ thể. Tiếp theo, hoạch định chính sách cần tăng cường hơn và kết hợp hài hòa các nội dung định tính và định lượng, mỗi chính sách cần được hoạch định (thông qua xây dựng và kiểm định các giả thuyết, các mô hình và các thang đo cho chất lượng và giá trị khách thể chính sách) thành một cấu trúc và thang đo phù hợp, có giá trị thống kê với nội dung của nó.

- Thực thi

Thực tế cụ thể giai đoạn qua cho thấy, chất lượng hoạch định chính sách mới đạt mức trung bình thì triển khai thực tế chính sách cần đạt mức chất lượng thấp hơn (trung bình yếu), điều đó vừa làm giảm chất lượng thực tế của chính sách được hoạch định vừa hạ thấp hiệu lực và hiệu quả quản lý chính sách thông qua 2 chỉ số: mức tác động của chính sách tới thực trạng và mức hài lòng của đối tượng chính sách tới chính sách đó. Vì vậy một số giải pháp chủ yếu sau được đề xuất để nâng cao chất lượng triển khai thực thi và kiểm soát chính sách này trong thực tế cụ thể, trước hết tập trung khắc phục đồng bộ 5 yếu tố còn yếu của triển khai thực thi chính sách sau:

Một là, tăng cường tính minh bạch, thống nhất trong các quy định triển khai chính sách khung giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường hiệu lực/chi phí và tổ chức các công cụ truyền thông marketing chính sách tích hợp kết hợp với các chương trình bồi dưỡng về chính sách cho các đối tượng chính sách và các công chức, viên chức quản lý nhà nước (QLNN) về chính sách.

Ba là, thực hiện có hiệu quả tinh giản đầu mối quản lý triển khai thực thi chính sách ở cấp địa phương và nâng cao năng suất, thời gian/tốc độ và chất lượng quá trình xử lý, hồ sơ phát triển xuất khẩu thủy sản theo quy định khuyến khích, ưu tiên.

Bốn là, nâng cao tính phù hợp định hướng quy hoạch vùng, tính phù hợp thực tế cụ thể, tính đồng bộ và cân bằng giữa các yếu tố tạo thành; giữa mục tiêu và điều kiện tiên quyết (quỹ đất và vị trí đất quy hoạch) của chính sách quy hoạch phát triển xuất khẩu thủy sản.

Năm là, bên cạnh các nội dung chính sách về nội hàm của đẩy mạnh xuất khẩu cần bổ sung một chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút công nghệ nuôi trồng, chế biến và phát triển mặt hàng thủy sản xuất khẩu có hàm lượng chế biến sâu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường làm tham chiếu lan tỏa cho toàn ngành

- Kiểm tra, kiểm soát

Một là, xây dựng bộ thang đo chất lượng triển khai thực thi chính sách cho từng cấp quản lý, từng ngành quản lý (đầu mối và phối hợp) làm cơ sở cho đánh giá và kiểm soát thực thi chính sách bao gồm kiểm soát tuân thủ và kiểm soát hoạt động chính sách, kiểm soát thực tế gián tiếp và kiểm soát thực tế cụ thể trực tiếp, có kết luận đánh giá cụ thể theo bộ thang đo chất lượng phù hợp.

Hai là, chính sách khi được xây dựng và đi vào thực thi cần phải được kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính chính xác, tính hiệu lực và tính hiệu quả.

Xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát với sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước như các tổ chức xã hội và dân chúng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc thực thi và kiểm tra, kiểm soát chính sách QLNN để nâng cao ý thức cộng đồng, tuân thủ pháp luật về vệ sinh an toàn và môi trường trong sản xuất kinh doanh hàng thủy sản.

Tạo hành lang pháp lý để các tổ chức xã hội, người dân tham gia vào hoạt động thực thi, giám sát, kiểm soát chính sách QLNN nhằm phản ánh những sai phạm trong quá trình thực thi chính sách trong thực tế cụ thể.

4.2. Hoàn thiện công cụ quản lý chính sách

Công cụ quản lý chính sách là tổng thể những phương tiện hữu hình và vô hình mà Nhà nước sử dụng để tác động lên mọi chủ thể kinh tế trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu quản lý kinh tế quốc dân, trong đó phải kể đến pháp luật và các văn bản pháp quy. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các công cụ quản lý chính sách chính là hoàn thiện khung khổ pháp luật và các văn bản pháp quy.

Hoàn thiện khung khổ pháp luật nói chung và pháp luật về thương mại nói riêng là bước quan trọng trong việc hoàn thiện quy trình quản lý chính sách của Nhà nước với vượt rào cản kỹ thuật thương mại trong xuất khẩu hàng hóa. Khung khổ pháp lý điều chỉnh các hoạt động của chuỗi cung ứng xuất khẩu thủy sản định hướng vượt rào cản phù hợp với quy hoạch xuất khẩu thủy sản nói chung.

Thể chế pháp lý cũng là kim chỉ nam cho các hoạt động đầu tư, phát triển xuất khẩu thủy sản định hướng vượt rào cản. Khung khổ pháp lý cần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, bao quát được các hoạt động thương mại, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển xuất khẩu định hướng vượt rào cản. Đồng thời, khung khổ pháp lý cũng cần phải được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với khung khổ pháp luật quốc tế đảm bảo cho Việt Nam thuận lợi trong việc tham gia vào các thể chế thương mại, có nền tảng kỹ thuật phù hợp với các chuẩn mực rào cản kỹ thuật thương mại trong hoạt đông thương mại quốc tế.

Khung khổ pháp luật về đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản bao gồm các quy định về: Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Khoa học-Công nghệ và các định chế WTO về TMQT. Chính vì vậy yêu cầu hài hòa hóa chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn tới ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Đã đến thời điểm cần có một bộ Luật TMQT một cách hoàn chỉnh làm cơ sở chung cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.

4.3. Hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước với chính sách

Quản lý Nhà nước về đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa rất quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đẩy mạnh xuất khẩu. Chính vì vậy, Nhà nước cần tăng cường công tác quản trị, tránh tình trạng độc quyền và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình xuất khẩu hàng hóa định hướng vượt rào cản. Ngoài những đề xuất trên cần có các giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao năng lực QLNN về đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản. Cụ thể là bổ sung, cập nhập, hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng xuất khẩu toàn diện với hàng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống này trong phát triển xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao năng lực thẩm định và ban hành chính sách phát triển xuất khẩu thủy sản ở các địa phương với các cơ quan cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng bao gồm cả về năng lực thẩm định về các tác động kinh tế, xã hội và môi trường, vệ sinh an toàn của các dự án xuất khẩu thủy sản.

Thứ ba, thường xuyên cập nhật thông tin phản hồi để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản nhằm hoàn thiện năng lực quản lý nhà nước về đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý về xây dựng, thực thi và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu trên các chuỗi cung ứng xuất khẩu thủy sản.

5. Kết luận

Với những chính sách và giải pháp đồng bộ trong thực thi chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của các doanh nghiệp hi vọng rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ sớm hoàn thiện được mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển ngành Thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Xúc tiến thương mại (2016), Báo cáo thị trường Nhật Bản.

2. Cao Tuấn Khanh (2010), Chính sách thương mại và marketing xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Luận án Tiến sĩ.

3. Nguyễn Bách Khoa (2003), Chính sách Thương mại và marketing xuất khẩu hàng nông phẩm Việt Nam, NXB Thống kê.

4. Lee F. Peoples (2004), International Trade in Agricultural Producs, Oklahoma City University School of Law, United States.

5. Quyết định Thủ tướng Chính phủ số 1445/QĐ-TTg ngày 16/08/2013 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh-1445-QD-TTg-nam-2013-quy-hoach-tong-the-phat-trien-thuy-san-Viet-Nam-2020-vb204733.asp

SOLUTION TO IMPROVE THE PRODUCTION PROCESS AND THE POLICY

MANAGEMENT TOOLS TO PROMOTE SEAFOOD EXPORTS TO JAPAN

● NGUYEN VIET THANG

Thuong Mai University

ABSTRACT:

Promoting seafood exports is one of the important tasks that has been reflected in the fisheries sector development strategy by 2020, approved by the Prime Minister. In this article, the author suggested some criteria for assessing the efficiency of seafood export promotion policies, thus he analyzed and proposed solutions to improve the production process and policy management tool to promote seafood exports to Japan in the coming period.

Keywords: Evaluation criteria, policy management tools, seafood export, Japan market.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây