Giải pháp hoàn thiện tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

ThS. BÙI ĐỨC LINH (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Để pháp luật thực sự bảo vệ được đúng đối tượng, thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, công tác tổ chức thực hiện đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy thực trạng tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên vẫn còn những điểm cần điều chỉnh. Bài viết phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp để hoàn thiện việc tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ người lao động.

Từ khóa: pháp luật, lao động, khu công nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Để pháp luật về lao động thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ các đối tượng mà pháp luật hướng tới thì tổ chức thực hiện pháp luật được coi là khâu then chốt. Là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp (KCN) trong cả nước, tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đã tích cực triển khai công tác tổ chức thực hiện pháp luật về lao động. Thực hiện cam kết với các nhà đầu tư về lao động, Thái Nguyên đã tăng cường công tác tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN như tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động; thường xuyên nắm bắt tình hình lao động và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động trong các doanh nghiệp. Đồng thời, quan tâm phát triển hạ tầng dịch vụ phục vụ các KCN nói chung, phục vụ người lao động nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong thời gian tới để thực sự bảo vệ được quyền lợi của người lao động, góp phần tạo môi trường an toàn trong thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN bao gồm nhiều hoạt động như xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, kiểm soát quá trình thực hiện.

Thứ hai, quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN chưa thực sự đảm bảo tính hệ thống.

Thứ ba, công tác tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN tỉnh Thái Nguyên có phần nào đó chưa đảm bảm tính khoa học, thể hiện thông qua việc chưa phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý.

Với những lý do trên, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN và đưa ra các đề xuất hoàn thiện công tác này là thực sự cần thiết để bảo vệ người lao động, góp phần cải thiện môi trường làm việc, từng bước tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, việc nghiên cứu “Giải pháp hoàn thiện tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN tỉnh Thái Nguyên” có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN Thái Nguyên

2.1. Thực trạng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện

Công tác lập kế hoạch gồm những dự kiến về hệ thống các cơ quan chủ trì và phối thuộc triển khai tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN được thực hiện đầu các năm, tuy nhiên chỉ có kế hoạch chung tổ chức triển khai tuyên truyền pháp luật, chưa rõ các mục tiêu về đối tượng cần tuyên tuyền, tỷ lệ đối tượng cần được tuyên truyền, cũng như chưa có nhiều hình thức được đưa ra để tuyên truyền pháp luật về lao động.

Hơn nữa, cũng chưa có những dự kiến về cơ chế trách nhiệm của cán bộ quản lý và công chức thực thi. Chưa có cơ chế nếu để xảy ra tình trạng người lao động tại các KCN không tiếp cận được pháp luật, không được bảo vệ chính đáng thì tập thể, cá nhân tổ chức thực hiện pháp luật phải chịu trách nhiệm như thế nào.

Việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN giai đoạn 2000 - 2013 chưa chú trọng tại các KCN tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, từ khi các doanh nghiệp của Hàn Quốc vào, đặc biệt với sự có mặt của Tập đoàn Samsung, đòi hỏi có nhiều quy chế khắt khe về tuân thủ pháp luật, vì vậy,  công tác xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện pháp luật được chú trọng hơn. Hàng năm, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đều có kế hoạch dự kiến kế hoạch tuyên truyền pháp luật về lao động tại các KCN. Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có một bản kế hoạch đầy đủ các khâu tổ chức thực hiện pháp luật tại các KCN, do đó, chưa xây dựng được các mục tiêu cụ thể cho mỗi bước và dự kiến thời gian cho việc thực hiện mục tiêu.

Biểu đồ 1: Tình hình phổ biến pháp luật tại các KCN tỉnh Thái Nguyên

Tình hình phổ biến pháp luật tại các KCN tỉnh Thái Nguyên

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các báo cáo

2.2. Thực trạng triển khai thực hiện kế hoạch

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên về công tác hỗ trợ pháp lý, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hàng năm, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã triển khai cụ thể Công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Nhìn chung giai đoạn 2016-2020, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đều thực hiện công tác tổ chức tuyên truyền pháp luật.

Các năm 2017 và 2018, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đều tổ chức được 9 hội nghị; năm 2019 tổ chức được 8 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý. Từ năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật khó khăn hơn, do vậy chỉ tổ chức được 5 hội nghị. Số lượng hội nghị được tổ chức giảm đã ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động tại các KCN. Do không có sự trực tiếp trao đổi nên cũng sẽ khó hơn khi người lao động cũng như người sử dụng lao động cần thắc mắc hay giải đáp về một vấn đề nào đó mà chưa rõ.

Thực tế hiện nay, có khá nhiều cơ quan, tổ chức tham gia vào việc tổ chức thực hiện, bảo đảm và hỗ trợ cho quan hệ lao động tại các KCN, song sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp vừa chưa hợp lý, vừa chồng chéo, vừa bỏ trống. Sự tồn tại của cơ quan này mang tính hình thức nhiều hơn là vai trò, giá trị mang lại không nhiều.

2.3. Thực trạng kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện pháp luật

Trên thực tế từ năm 2016 cho đến nay vẫn chưa tổ chức hội nghị để tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác tổ chức thực hiện pháp luật của người lao động tại các KCN. Việc nhìn nhận lại công tác này chỉ được đánh giá một cách chung chung trong các báo cáo tổng thể hằng năm của Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên. Do đó, không thể khái quát đẩy đủ các hoạt động đã triển khai, cũng như chưa thể đánh giá đầy đủ những mặt chưa làm được để tìm ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Thực tế, nhiều người lao động tại các KCN vẫn còn phải chịu thiệt thòi khi họ không tự bảo vệ được bản thân như giữ được việc làm, hưởng các chính sách khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,…

3. Đánh giá chung về tổ chức thực hiện pháp luật tại các KCN tỉnh Thái Nguyên

3.1. Những mặt tích cực

Trong công tác xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện pháp luật, hàng năm Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đều có kế hoạch tuyên truyền pháp luật về lao động tại các KCN.

Trong công tác tổ chức thực hiện pháp luật, từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động tại các KCN.

Bước đầu, đã có Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý các KCN và các cơ quan, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý doanh nghiệp tại các KCN sau khi có đăng ký kinh doanh, Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý các KCN với Liên đoàn Lao động tỉnh, góp phần tạo ra cơ chế phối hợp hài hòa giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN.

Trong công tác kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành, các đoàn thanh tra, kiểm tra để nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiểm tra, đôn đốc thực hiện các hoạt động liên quan. Ban quản lý các KCN cũng có sự đôn đốc các doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn tại cơ sở. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những nỗ lực nhằm từng bước cải thiện mức sống và môi trường làm việc cho người lao động, như: triển khai chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ làm thêm giờ, chính sách riêng cho lao động nữ, người lao động khuyết tật, chăm lo đời sống người lao động khi có biến động về kinh tế - xã hội;…

3.2. Những hạn chế và nguyên nhân

* Hạn chế:

Thứ nhất, đối với công tác lập kế hoạch. Chính quyền tỉnh Thái Nguyên chưa chỉ đạo xây dựng được các mục tiêu cụ thể cho mỗi bước và dự kiến thời gian cho việc thực hiện mục tiêu khi lập kế hoạch. Chưa có những dự kiến về cơ chế trách nhiệm của cán bộ quản lý và công chức thực thi. Chưa có cơ chế nếu để xảy ra tình trạng người lao động tại các KCN không tiếp cận được pháp luật, không được bảo vệ chính đáng thì tập thể, cá nhân tổ chức thực hiện pháp luật phải chịu trách nhiệm như thế nào.

Thứ hai, đối với công tác triển khai thực hiện kế hoạch. Việc tuyên tuyền phổ biến pháp luật về lao động trong những năm gần đây có phần bị hạn chế hơn, thể hiện thông qua số lượng các hội nghị tuyên truyền, phổ biến trực tiếp, số lượng người tham gia cũng giảm đi, nhất là các năm 2019, 2020. Sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai tổ chức thực hiện pháp luật vừa chưa hợp lý, vừa chồng chéo, vừa còn bị bỏ trống.

Thứ ba, đối với công tác kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN, vẫn còn tồn tại việc “lách luật” trong thực hiện hợp đồng lao động; vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động cố tình ký các hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhằm tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; môi trường làm việc không bảo đảm; số lượng, cũng như chất lượng thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa đủ tính răn đe, chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại. Các tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động với tư cách là những đối tác xã hội, chủ thể tham gia cơ chế 3 bên chưa thực sự phát huy vai trò của mình trong đôn đốc quá trình thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN tỉnh Thái Nguyên để bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại đây. Công đoàn chưa thể hiện rõ vai trò đại diện khi người lao động cần được bảo vệ. Người lao động vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm từ các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy.

* Nguyên nhân:

Chính quyền cấp tỉnh chưa chú trọng công tác lập kế hoạch tổng thể cũng như chi tiết cho tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN tỉnh Thái Nguyên.

Quan hệ phối hợp giữa các đối tượng tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN chưa hài hòa, chưa có văn bản cụ thể về cơ chế phối hợp. Chính quyền cấp tỉnh chưa rõ ràng trong phân công thực hiện nhiệm vụ và chưa phát huy được vai trò quản lý nhà nước của Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cũng như các bên liên quan như tổ chức Công đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,... trong tổ chức thực hiện pháp luật về lao động.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên khó để tổ chức nhiều hội nghị trực tiếp với số lượng tham gia đông mà vẫn đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.

Công đoàn chưa phối hợp thường xuyên với chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong tổ chức đối thoại trực tiếp tại các KCN để truyền tải thông tin về các quy định mới của pháp luật cũng như kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của người lao động, doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về lao động tại các KCN.

4. Các giải pháp hoàn thiện tổ chức thực hiện pháp luật tại các KCN tỉnh Thái Nguyên

4.1. Hoàn thiện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện

Chính quyền cấp tỉnh cần chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN, đảm bảo xác định được mục tiêu cụ thể cho mỗi bước và dự kiến thời gian cho việc thực hiện mục tiêu khi lập kế hoạch, phải có kế hoạch cụ thể về các nguồn lực tài chính, các vật tư, văn phòng phẩm,...

Hàng năm, chính quyền tỉnh phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầy đủ các khâu tổ chức thực hiện pháp luật tại các KCN, bao gồm: tuyên truyền pháp luật, kiểm tra, đôn đốc đến tổng kết rút kinh nghiệm. Kế hoạch kiểm tra việc tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN phải có những dự kiến về tiến độ, hình thức, phương pháp kiểm tra giám sát,...

Kế hoạch phải xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN.

4.2. Hoàn thiện triển khai thực hiện kế hoạch

4.2.1. Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền

Trước diễn biến phức tạp trước mắt của dịch bệnh Covid-19 và sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ có nhiều chủ trương, chính sách mới, đòi hỏi chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần chỉ đạo Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên phối hợp với các sở liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện pháp luật linh hoạt, đa dạng hơn với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, cả trực tiếp và trực tuyến.

Mỗi năm, tổ chức ít nhất 1 hội nghị tuyên truyền, phổ  biến  pháp  luật  về  lao  động cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tại các KCN tỉnh Thái Nguyên về một số nội dung, như: Tiền  lương;  Thang lương, bảng lương; Hợp đồng lao động; Nội quy lao động; Thỏa ước lao động tập thể; An toàn vệ sinh lao động và những điểm mới liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo  hiểm  y  tế,  bảo  hiểm  thất  nghiệp…; Công  tác  quản  lý  người  lao  động  nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp thuộc KCN Thái Nguyên.

4.2.2. Phát huy vai trò của Ban Quản lý các KCN, Công đoàn, tạo môi trường thuận lợi để tổ chức thực hiện pháp luật tại các KCN

Phát huy vai trò của Ban Quản lý các KCN nhằm tăng cường đối thoại xã hội để hướng tới mục tiêu căn bản là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Cơ chế 3 bên là một quá trình dân chủ hóa mối quan hệ lao động, là cơ chế hợp tác, chia sẻ quyền lực và trách nhiệm giữa Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động. Những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi sẽ được giải quyết một cách hài hòa nhất nếu được 3 bên cùng trao đổi, bàn bạc, thương lượng và quyết định, trong đó Ban Quản lý các KCN thay mặt cho Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất.

Cần phát huy vai trò của Công đoàn tham gia có hiệu quả vào hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật. Công đoàn cần phối hợp với chính quyền tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hơn nữa đối thoại trực tiếp tại các KCN nhằm truyền tải thông tin về các quy định mới của pháp luật cũng vừa cùng trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về lao động tại doanh nghiệp.

Chính quyền tỉnh Thái Nguyên phải tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia quan hệ lao động, không can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, quyền thương lượng và tự định đoạt của các bên quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động, như: cụ thể hóa các quy định hành lang pháp luật hợp lý và mềm dẻo; hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính vào quan hệ lao động của hai bên, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể trong quan hệ lao động; tạo điều kiện để các bên cùng nhau thương lượng, đạt được thỏa thuận về những điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động so với quy định pháp luật lao động.

4.3. Hoàn thiện kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện pháp luật

Chính quyền cấp tỉnh cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động để kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong thời gian tới, với vai trò là đầu mối tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh cần tăng cường công tác tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Việc này nhằm xác định được và phát huy những  bước đã triển khai tốt,  đồng thời nhận diện rõ những bước triển khai còn chưa tốt để khắc phục.

5. Kết luận

Tổ chức thực hiện pháp luật về lao động đóng vai trò quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp hoạt động, phát triển, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt đối với các địa phương có nhiều KCN như tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy, việc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp để hoàn thiện công tác này là hết sức cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều dự án tại các KCN được triển khai tại các KCN tỉnh Thái Nguyên, số lượng lao động không ngừng tăng lên, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp,...

Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác tổ chức thực hiện pháp luật về lao động tại các KCN tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề phải khắc phục, như công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện, tổng kết, rút kinh nghiệm,... Trên cơ sở đó, bài viết đã đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện công tác tổ chức thực hiện pháp luật tại các KCN tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chỉ đạo điều tra lao động - việc làm tỉnh Thái Nguyên (2015). Thực trạng lao động - việc làm tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên.
  2. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên (2015). Báo cáo tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Thái Nguyên.
  3. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên (2016). Báo cáo tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Thái Nguyên.
  4. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên (2017). Báo cáo tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Thái Nguyên.
  5. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên (2018). Báo cáo tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019, Thái Nguyên.
  6. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên (2019). Báo cáo tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, Thái Nguyên.
  7. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên (2020). Báo cáo tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021, Thái Nguyên.
  8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2018). Báo cáo quan hệ lao động 2017. NXB Lao động và Xã hội, Hà Nội.
  9. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (2015). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020.
  10. Hoàng Văn Hoan (2002). Hoàn thiện quản lý nhà nước về lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  11. Nguyễn Thành Long (2009). Thái Nguyên nỗ lực giải quyết việc làm. Tạp chí Lao động và xã hội, 370, 1-6.
  12. Lưu Bình  Nhưỡng  (2009). Thực  tiễn  áp  dụng  Bộ  luật  Lao  động  và phương hướng hoàn thiện pháp luật lao động. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 5(142), 1-6.
  13. Tổng Liên đoàn  Lao  động  Việt  Nam  (2018). Văn  kiện  Đại  hội  Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Hà Nội.

SOLUTIONS TO ENHANCE THE ENFORCEMENT

OF THE LAW ON LABOUR IN INDUSTRIAL ZONES

IN THAI NGUYEN PROVINCE

• Master. BUI DUC LINH

Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

ABSTRACT:

The organization and enforcement activities play a very important role in fully expressing the guidelines and orientations of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam and ensuring the effectiveness of law in protecting the right subjects. The fact shows that the enforcement of labor regulations in Thai Nguyen Province’s industrial zones is facing some challenges. This paper analyzes the current enforcement of the Law on Labour in industrial zones in Thai Nguyen Province and proposes some solutions to strengthen the law’s enforcement in order to protect workers.

Keywords: law, labor, industrial park.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]