Giải pháp hoàn thiện tổ chức và đổi mới hoạt động thanh tra chuyên ngành thuế

ThS. NGUYỄN HOÀNG LONG (NCS Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Thanh tra thuế được coi như một biện pháp hữu hiệu của cơ quan thuế (CQT) nhằm răn đe, phát hiện, xử lý, hạn chế những sai phạm của người nộp thuế (NNT), nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, làm cho NNT tự giác tuân thủ, đảm bảo sự công bằng khách quan cho NNT, nhờ vậy mà tác động ngược trở lại thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững. Với vai trò quan trọng như vậy, hoàn thiện tổ chức và đổi mới hoạt động thanh tra chuyên ngành Thuế là cần thiết hiện nay. Điều này sẽ góp phần bảo đảm nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, hoàn thiện chính sách, phát luật thuế và thực hiện kiểm soát, điều tiết các hoạt động kinh tế của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Từ khóa: Thanh tra chuyên ngành thuế, sự cần thiết hoàn thiện, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 của ngành Thuế xác định nội dung thực hiện quản lý thuế là: “Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính theo định hướng chuẩn mực quốc tế; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế”. Ngành Thuế phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020. Điều này cho thấy, việc xác định các biện pháp cụ thể trong quản lý thuế nói chung và thanh tra thuế nói riêng là vô cùng cấp thiết.

2. Sự cần thiết phải hoàn thiện tổ chức và đổi mới hoạt động thanh tra chuyên ngành Thuế

Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Các cơ quan thanh tra nhà nước nói chung và thanh tra chuyên ngành thuế nói riêng với vai trò là cơ quan kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên trong hệ thống hành pháp, đã và đang được giao những nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước pháp quyền với những đặc trưng cụ thể đặc biệt đề cao vai trò quan trọng của pháp luật và việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cơ quan thanh tra nhà nước nói chung và thanh tra chuyên ngành Thuế nói riêng đảm bảo các đặc trưng mang tính tối cao của pháp luật được thực thi, đảm bảo yêu cầu pháp chế, các hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh, giúp bộ máy hành chính quản lý nhà nước bằng pháp luật không ngừng tăng cường pháp chế.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Việc kiểm soát các doanh nghiệp trong việc bảo toàn, phát triển vốn cũng như thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp, chỉ tiêu, kế hoạch là một nhiệm vụ nặng nề. Nhiệm vụ đó đòi hỏi các cơ quan thanh tra nhà nước nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, phương pháp kiểm soát nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Cơ quan thanh tra chuyên ngành Thuế là công cụ để Nhà nước quản lý kinh tế, là công cụ bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước; đồng thời phát huy mặt tích cực của nền kinh tế thị trường. Đây là một trong những nhiệm vụ vừa quan trọng vừa cấp bách, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn lực của quốc gia một cách có hiệu quả, hạn chế tình trạng tham nhũng, lũng loạn thị trường ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và của xã hội.

 Yêu cầu của tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Quá trình toàn cầu hóa đã, đang và sẽ tác động đến Việt Nam theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Các cơ quan Thanh tra Nhà nuớc sẽ chịu tác động trực tiếp từ những cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Vấn đề này đặt ra vai trò của các cơ quan Thanh tra Nhà nước nói chung và thanh tra chuyên ngành Thuế nói riêng phải phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc giúp các cơ quan quản lý nhà nước có những cảnh báo nhằm hạn chế những sai sót, sai lầm trong quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, gây thiệt hại về mặt kinh tế. Các cơ quan Thanh tra Nhà nước giúp cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng cần phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức cá nhân, đồng thời hạn chế những thiệt hại hay rắc rối cho Nhà nước khi quản lý các doanh nghiệp nước ngoài, hạn chế những vụ kiện hay những tranh chấp quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là đối tượng của vụ kiện. Cơ quan thanh tra có vai trò ở đây là tháo gỡ, hòa giải giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài; làm hạn chế những vụ kiện có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.

Thứ ba, xuất phát từ vị trí, vai trò của thanh tra chuyên ngành Thuế.

Thanh tra thuế đã góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về thuế.

Thanh tra thuế là phương tiện phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm nảy sinh trong hoạt động quản lý thuế.

Thanh tra thuế có vai trò quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính cả về quy chế và tổ chức thực hiện.

Thứ tư, xuất phát từ thực trạng tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành Thuế.

- Tổ chức bộ máy quản lý thuế không ngừng được hoàn thiện đã đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Tổ chức bộ máy cơ quan quản lý thuế đã được chuyển đổi sang mô hình quản lý theo chức năng và tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống cơ quan thuế được tổ chức thành hệ thống dọc, thống nhất từ trung ương đến cấp huyện, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất. Tại Trung ương có Tổng cục Thuế, cấp tỉnh có Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế; cấp huyện có Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế, gồm: Cơ quan Tổng cục Thuế ở Trung ương với 19 Cục, Vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong đó có 15 Vụ, đơn vị hành chính, 2 đơn vị sự nghiệp, Ban Cải cách và Ban Quản lý rủi ro; 63 Cục thuế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 789 Phòng; 711 Chi cục Thuế tại các quận, huyện, 5.107 Đội Thuế. Tổng số cán bộ, công chức toàn hệ thống cơ quan thuế là 42.254 công chức. Song song với việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý thuế theo chức năng, cơ quan quản lý thuế các cấp đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Chương trình, nội dung đào tạo đã tập trung vào việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ quản lý thuế cho cán bộ thuế, vừa đảm bảo trang bị kiến thức cơ bản, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu, phục vụ kịp thời, thiết thực đối với công tác quản lý. Đến nay, công chức của cơ quan quản lý thuế các cấp đã vận hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định.

- Hoạt động thanh tra thuế ngày càng phát huy vai trò chủ chốt trong hoạt động quản lý thuế. Việc thực hiện kiểm tra, thanh tra được tiến hành theo đúng quy định, quy trình và đảm bảo làm đúng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý thuế đã đảm bảo việc thu đúng, thu đủ số thuế phải nộp vào NSNN; đồng thời đề xuất những kiến nghị về cơ chế, chính sách quản lý thuế để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của người nộp thuế. Công tác thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế theo kế hoạch hàng năm và đột xuất đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý thuế và đạt được hiệu quả nhất định về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế và số thuế đề nghị truy thu qua thanh tra, kiểm tra tăng nhanh qua các năm. Từ năm 2007 đến năm 2016, cơ quan thuế đã thực hiện kiểm tra 465.414 doanh nghiệp với số thuế truy thu, truy hoàn và xử phạt là 41.696 tỷ đồng; kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 14.132.888 hồ sơ khai thuế, điều chỉnh vào ngân sách 7.825 tỷ đồng. Công tác tham mưu triển khai kế hoạch thanh tra và chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra cho toàn ngành kịp thời. Một số các quy chế, quy trình hoạt động của công tác thanh tra, kiểm tra liên tục được xây dựng và hoàn thiện. Hệ thống cơ sở dữ liệu về NNT và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thanh tra thuế tích cực chủ động xây dựng.

Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành Thuế Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế như:

- Bộ máy thanh tra chuyên ngành thuế còn cồng kềnh, tổ chức nội bộ các bộ phận thực hiện chức năng thanh tra thuế chưa được chuyên môn hóa; sự liên kết giữa Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ. Đội ngũ thanh tra còn mỏng, chất lượng chưa cao. Hiện nay, số doanh nghiệp tăng nhiều qua các năm, cán bộ thuế nói chung và cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra nói riêng của ngành Thuế không tăng tương ứng, dẫn đến nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu để tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo cả về số lượng và chất lượng;

- Hình thức chuyển giá rất tinh vi, phức tạp, bên cạnh đó nền kinh tế phát sinh nhiều hình thức kinh doanh mới, đặc thù, áp dụng công nghệ cao (kinh doanh thương mại điện tử,...), vì thế công tác thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng còn gặp nhiều vướng mắc. Công tác rà soát, đánh giá rủi ro để phát hiện các doanh nghiệp có rủi ro cao chưa được quan tâm đúng mức,… Phân tích, đánh giá rủi ro chưa sát, thời gian thanh tra, kiểm tra nhiều năm cho nên các cuộc thanh tra, kiểm tra còn kéo dài, hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức tuyên truyền pháp luật về thuế, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ chưa được thực hiện một cách thường xuyên. Công tác đào tạo tuy đã được chú ý nhưng chưa thực sự nâng cao trình độ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Nguyên nhân hạn chế trên do sự gia tăng số lượng người nộp thuế; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vẫn chưa đồng bộ; năng lực của một bộ phận cán bộ thanh tra thuế còn hạn chế; sự phối - kết hợp giữa các cơ quan thanh tra thuế với các ban, ngành khác chưa chặt chẽ; hệ thống công nghệ thông tin hiện tại của cơ quan thuế còn thiếu tính tích hợp; cơ sở dữ liệu tập trung đang trong quá trình hoàn thiện và chưa được kết nối với dữ liệu của các cơ quan nhà nước liên quan.

3. Một số giải pháp

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành Thuế.

- Bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thuế: Nghĩa vụ của người nộp thuế (NNT); Quyền hạn của cơ quan thuế (CQT) và Đội Thanh tra (ĐTT); nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình thanh tra thuế.

- Hoàn thiện các quy định pháp luật về chính sách thuế: Nội dung từng sắc thuế được sửa đổi, bổ sung phù hợp theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO); điều chỉnh mức điều tiết thuế hợp lý, đơn giản hóa chính sách thuế; bảo đảm chính sách thuế rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực hiện sẽ giúp NNT tự giác thực hiện tốt nghĩa vụ tạo được sự đồng thuận của xã hội đối với công tác QLT nói chung, thanh tra thuế nói riêng, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động thanh tra thuế...

- Bổ sung và điều chỉnh các quy định khác có liên quan: Ban hành quy định về tố tụng thuế, quy định CQT có quyền và trách nhiệm điều tra, truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế, không nộp thuế tại Tòa án. Hoàn thiện Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn Luật Thanh tra để đảm bảo thống nhất, tránh trùng chéo trong chức năng thanh tra của các cơ quan Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thuế. Điều chỉnh các quy định về quyền hạn người đứng đầu CQT các cấp trong tương ứng với các điều chỉnh của quy trình thanh tra thuế, giám sát hoạt động thanh tra thuế; sắp xếp ngạch bậc cán bộ thanh tra (CBTT). Điều chỉnh cơ cấu tổ chức ngành Thuế phù hợp với yêu cầu quản lý, đặc biệt là cơ cấu tổ chức của BPTT trực thuộc TCT và các CQT địa phương. Điều chỉnh các quy định về tiền lương, quy chế tài chính của ngành Thuế để tạo cơ sở thực hiện cải cách chế độ đãi ngộ (lương, thưởng) đối với CBTT nói riêng và cán bộ thuế nói chung.

Thứ hai, củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành Thuế

- Hoàn thiện tổ chức, bộ máy thanh tra thuế: Tại TCT, BPTT, ngoài việc thực hiện việc thanh tra thuế đối với NNT lớn, hoạt động đa lĩnh vực, phạm vi hoạt động rộng, có mối quan hệ hợp tác - kinh doanh phức tạp... còn là bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng như: Tham mưu cho ngành Thuế chiến lược thanh tra, các chương trình thanh tra hàng năm, định hướng tổ chức triển khai công tác thanh tra thuế trên phạm vi toàn quốc; Dự báo, đánh giá hoạt động thanh tra thuế trên phạm vi toàn quốc; Chủ trì xây dựng Sổ tay nghiệp vụ thanh tra thuế, Bộ tài liệu hướng dẫn và ghi nhận quá trình thanh tra, tập huấn nghiệp vụ thanh tra thuế chuyên sâu cho CBTT ở các Cục Thuế, Chi cục Thuế; Hỗ trợ trực tiếp các ĐTT của các Cục Thuế, Chi cục Thuế trong các tình huống phức tạp phát sinh. Trong những trường hợp cần thiết, BPTT của TCT cử các CBTT thuộc bộ phận này làm trưởng ĐTT và cùng với các CBTT của một hoặc một số Cục Thuế để thực hiện thanh tra thuế đối với nhóm NNT thuộc sự quản lý của một Cục Thuế địa phương để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực cán bộ...

- CQT Việt Nam cần xem xét tổ chức BPTT tại các Cục Thuế, Chi cục Thuế theo hướng kết hợp hoạt động thanh tra có chuyên môn sâu với hoạt động giám sát, quản lý thường xuyên đối với NNT thuộc phạm vi quản lý của các Cục Thuế, Chi cục Thuế.

CQT Việt Nam cần tổ chức bộ phận chuyên trách theo dõi, hướng dẫn và tổ chức thực hiện giám sát, quản lý chất lượng hoạt động thanh tra trực thuộc BPTT tại TCT và các bộ phận chuyên trách thực hiện giám sát hoạt động thanh tra thuộc BPTT hoặc độc lập với BPTT tại các Cục Thuế, Chi cục Thuế địa phương. CQT Việt Nam vẫn cần tổ chức bộ phận chuyên trách theo dõi, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế đã được quy định tại Luật QLT hiện hành. Bộ phận này vẫn trực thuộc BPTT tại TCT.

- Bên cạnh việc hoàn thiện bộ máy thanh tra thuế ở các cấp, CQT Việt Nam cần đặc biệt chú trọng việc bố trí, phân bổ nguồn lực CBTT theo hướng đảm bảo đủ nhân lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch thanh tra được giao.

- Tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành Thuế: Xây dựng mô hình tiêu chuẩn về năng lực cán bộ thanh tra thuế. TCT cần khẩn trương xây dựng và sử dụng mô hình tiêu chuẩn về năng lực CBTT theo 03 nhóm: Kiến thức, kỹ năng và các yêu cầu khác. Tăng cường công tác đào tạo và các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cán bộ thanh tra thuế: Tổ chức đào tạo theo các chương trình chuẩn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn năng lực CBTT; Tăng cường luân chuyển, luân phiên, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; Chuẩn hóa hệ thống ngạch bậc và các quy định bổ nhiệm; Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và sáng kiến thanh tra; Đánh giá hiệu quả công việc và giám sát việc sử dụng thời gian của CBTT; Đãi ngộ và quan tâm đến CBTT nhằm giúp họ yên tâm công tác, giữ được các CBTT giỏi và giảm nguy cơ xảy ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực... thì cơ chế tiền lương có vai trò hết sức quan trọng.

Thứ ba, đổi mới phương pháp, hình thức thanh tra chuyên ngành Thuế.

- Đổi mới phương pháp thanh tra chuyên ngành Thuế: Thực hiện các thủ tục thanh tra trực tiếp trên CSDL kế toán thuế điện tử của NNT và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục thanh tra. Nghiên cứu áp dụng phương pháp thanh tra giá trị tài sản ròng (Net Worth Audit) trong những trường hợp sổ sách, hồ sơ của NNT không đảm bảo căn cứ để ĐTT thực hiện các thủ tục thanh tra (không có sổ sách, chứng từ hoặc có nhưng thiếu quá nhiều hoặc hoàn toàn không chính xác hoặc trong trường hợp mặc dù có đủ sổ sách, chứng từ nhưng lại có các dấu hiệu cho thấy NNT đã ngụy tạo hồ sơ...). Tăng cường so sánh, đối chiếu thông tin, dữ liệu kinh doanh - kế toán thuế của NNT với các đối tác, các doanh nghiệp khác nhằm phát hiện đầy đủ những bất hợp lý, vi phạm. Tích cực thực hiện truy lần đến cùng đối với các giao dịch bất thường hoặc có dấu hiệu rủi ro, có nguy cơ rủi ro cao; thực hiện đánh giá toàn diện các giao dịch này nhằm xác định đúng bản chất giao dịch và vi phạm. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bổ trợ như: Quan sát trực tiếp những hoạt động, tài sản, quy trình SXKD có liên quan đến nội dung thanh tra tại hiện trường; Phỏng vấn thu thập thông tin từ người có quan hệ trực tiếp, gián tiếp đến nội dung thanh tra thuế; Thẩm tra và xác nhận từ các bên thứ ba đối với các thông tin, tài liệu, số liệu của đối tượng bị thanh tra thuế. Xây dựng và sử dụng CSDL về giá hàng hóa , dịch vụ trong quá trình thanh tra thuế...

- Đổi mới hình thức thanh tra chuyên ngành Thuế: CQT xây dựng thêm các tiêu chí đánh giá rủi ro và các thang điểm tương ứng với từng loại rủi ro, tổng hợp kết quả đánh giá rủi ro và xếp loại rủi ro từ cao xuống thấp dựa trên điểm số. Ứng dụng tin học vào việc phân tích, chọn người nộp thuế để thanh tra, kiểm tra ở các cấp CQT.

Thứ tư, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra thuế với các đơn vị chức năng trong hoạt động thanh tra chuyên ngành.

- TCT cần khẩn trương nâng cấp các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ phối hợp, trao đổi thông tin thành Quy trình phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ phận trong CQT. Đồng thời, Quy trình phối hợp, trao đổi thông tin cũng nên xây dựng theo hướng sử dụng hình thức điện tử, chữ ký số để vừa đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ của thông tin trao đổi vừa bảo đảm giá trị pháp lý.

- Đối với các cơ quan, tổ chức bên ngoài, CQT Việt Nam cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ hoạt động thanh tra thuế trên cơ sở CQT chủ động đề xuất nội dung phối hợp, đề nghị cung cấp các thông tin phục vụ QLT, chống gian lận thuế; thường xuyên liên hệ - phối hợp - trao đổi và luôn sẵn sàng chia sẻ những thông tin do CQT nắm giữ theo quy định của pháp luật.

- Đối với các cơ quan, tổ chức trong nước cần sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên, CQT nên chủ động đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin làm cơ sở thực hiện thuận lợi, hiệu quả công tác phối hợp chống gian lận thuế, công tác phối hợp thanh tra liên ngành, trao đổi thông tin phục vụ công tác QLT và khắc phục những hạn chế hiện nay.

- Thanh tra thuế ngoài việc đảm bảo tính độc lập tương đối của mình với thanh tra chuyên ngành Tài chính và Thanh tra Nhà nước, thì vẫn phải đặt dưới sự chỉ đạo của cấp trên và sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Tài chính và Thanh tra Nhà nước.

- Cần đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ của CQT và các cơ quan ban ngành khác trong việc thanh tra thuế. Cụ thể là: Cơ quan tài chính; Cơ quan công an; Cơ quan tài nguyên và môi trường; Cơ quan khoa học và công nghệ.

Thứ năm, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho cơ quan thanh tra thuế trong hoạt động thanh tra.

- Các cơ quan Thanh tra Nhà nước nói chung và thanh tra chuyên ngành Thuế nói riêng cần phải được đảm bảo về cơ sở pháp lý. Đó là những quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhà nước, cơ quan thanh tra chuyên ngành Thuế.

- Các cơ quan thanh tra phải được đảm bảo về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc CQT; cần trang bị cho CBTT điều kiện làm việc tốt khi tiến hành thanh tra, ví dụ cần trang bị máy tính xách tay cấu hình cao, cài đặt các phần mềm thanh tra chuyên dụng và luôn kết nối mạng với mạng nội bộ ngành, các mạng liên quan (Hải quan, Công an, Kho bạc…) để khai thác dữ liệu tập trung của ngành. Khi cần thiết, CBTT có thể truy xuất thông tin, dữ liệu đối chiếu ngay được với DN.

- Các cơ quan thanh tra cũng cần được sự ủng hộ của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động thanh tra, có chỉ đạo kịp thời các kiến nghị của các cơ quan thanh tra nhà nước. Cần được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để cơ quan thanh tra hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra chuyên ngành Thuế.

- Trước hết, cần đầu tư xây dựng các phần mềm hỗ trợ công tác kiểm tra, thanh tra thuế: Kết nối và khai thác CSDL thuế tập trung; Phân tích, chấm điểm rủi ro tự động và hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra thuế năm; Hỗ trợ phân tích, đánh giá rủi ro của NNT; Ghi nhận quá trình, nội dung thanh tra, kết quả thanh tra và hỗ trợ tự động lập tất cả loại các báo cáo, mẫu biểu, tài liệu làm việc, hồ sơ thanh tra; Giám sát hoạt động thanh tra - CBTT, kiểm soát chất lượng thanh tra; Thống kê và đánh giá hoạt động thanh tra; Quản lý, lưu trữ hồ sơ thanh tra thuế; Sổ tay nghiệp vụ thanh tra thuế điện tử,...

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thuế, gồm:

Thông tin trực tiếp: Thông tin trực tiếp là những thông tin do CQT thu thập trực tiếp từ NNT, do NNT kê khai với CQT hoặc qua theo dõi trực tiếp NNT và bao gồm: Thông tin thu thập từ các tờ khai, quyết toán, báo cáo tài chính... Thông tin tuân thủ pháp luật thuế của NNT; Thông tin thu được qua hoạt động thanh tra thuế; Thông tin do CQT tự thu thập, tổng hợp từ NNT theo các chương trình, kế hoạch...

Thông tin gián tiếp: Thông tin gián tiếp là những thông tin do CQT từ các nguồn ngoài CVT và NNT - nguồn thông tin từ các bên thứ ba. Thông tin gián tiếp sẽ được CQT sử dụng để so sánh, đánh giá lại các thông tin trực tiếp cũng như hỗ trợ cho công tác QLT nói chung và hoạt động thanh tra thuế nói riêng. Việc thu thập thông tin gián tiếp có thể tử các nguồn sau: Công bố thông tin của chính NNT; Các hiệp hội ngành nghề, nhóm NNT; Phương tiện thông tin đại chúng; Cơ quan công an, an ninh và các cơ quan quản lý Nhà nước; Thống kê kinh tế xã hội; Các tổ chức tư vấn, tài chính; Tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng kho dữ liệu thông tin còn khá mới đối với CQT Việt Nam, do đó cần có sự hợp tác, học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn quốc tế có kinh nghiệm cũng như có sự định hướng cụ thể, hoạch định kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng... kho dữ liệu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2018), Báo cáo số 55/BC-BTC ngày 31/8/2018,Tổng kết 10 năm việc thi hành Luật Quản lý thuế.
  2. Nguyễn Quang Hưng (2018), Hoàn thiện hoạt động thanh tra thuế tại Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  3. Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2010), Quyết định số 732/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020.
  4. Trần Huy Trường (2015), Quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia.
  5. Nguyễn Văn Tuấn (2015), Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp ở Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  6. Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế (2015), Báo cáo chuyên đề kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2015, kế hoạch và giải pháp công tác năm 2016, Hà Nội.
  7. Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế (2016), Báo cáo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2016, kế hoạch và giải pháp công tác năm 2017, Hà Nội
  8. Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế (2017), Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2017, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2018, Hà Nội.
  9. Vụ Thanh tra, Kiểm tra thuế - Tổng cục Thuế (2018), Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2018, nhiệm vụ công tác năm 2019, Hà Nội.

 

SOLUTIONS FOR PERFECTING AND RENOVATING SPECIALIZED

TAX INSPECTION

Master. NGUYEN HOANG LONG

Postgraduate student, National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

Tax inspection is considered as an effective measure of the tax authority to deter, detect, handle and limit the wrongdoings of taxpayers. Tax inspection also improves the transparency of the law and makes taxpayers voluntarily comply to the law in order to ensure fairness and objectivity among taxpayers, promoting the sustainable development of the national economy. With such important roles, it is necessary to continuously improve and renovate specialized tax inspections to ensure the revenues for the state budget, perfect tax policies, control and regulate economics activities more effectively.

Keywords: Specialized tax inspection, the need for perfecting, solution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 22, tháng 9 năm 2020]