Giải pháp huy động nguồn lực xã hội đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình

TS. NGUYỄN THỊ DƯƠNG NGA (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hòa Bình đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tuy nhiên công tác huy động các nguồn lực cho NTM còn hạn chế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM tại địa phương đạt 1.960,58 tỷ đồng năm 2016, chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước và vốn lồng ghép. Bài viết này sẽ phân tích yếu tố ảnh hưởng tới thực hiện chương trình NTM và huy động nguồn lực, đề xuất một số giải pháp huy động nguồn lực cho xây dựng NTM ở tỉnh Hòa Bình.

Từ khóa: Huy động nguồn lực, nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình.

1. Mở đầu

Sau khi có Quyết định số 800/QĐ-TTg về “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM”, tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương triển khai thực hiện chương trình. Kết quả rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn của 191 xã trên địa bàn tỉnh theo 19 tiêu chí Quốc gia về NTM đến cuối năm 2014 cho thấy đã có 1 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, có 31 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, có 65 xã đạt 10 -14 tiêu chí, vẫn còn 91 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, thậm chí còn có 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Có thể thấy, quá trình chỉ đạo xây dựng NTM ở tỉnh Hòa Bình vẫn bộc lộ nhiều lúng túng, vướng mắc, đặc biệt là trong quá trình huy động các nguồn lực xã hội vào xây dựng NTM ở tỉnh Hòa Bình. Bài viết nhằm đánh giá những kết quả và những khó khăn hạn chế trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp: Nghiên cứu sử dụng các số liệu thứ cấp và bảng hỏi bán cấu trúc để phỏng vấn các hộ nông dân, ban quản lý xây dựng nông thôn mới. Có 5 huyện được chọn làm nghiên cứu, bao gồm: Cao Phong, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình; 9 xã được chọn điều tra thuộc các nhóm 2,3,4 theo tiêu chí hoàn thành nông thôn mới. Đối tượng điều tra là nông dân, cán bộ thuộc Ban chỉ đạo thực hiện chương trình nông thôn mới cấp xã, huyện, tỉnh với tổng số mẫu là 258. Các phương pháp thống kê mô tả, so sánh được sử dụng để phân tích thông tin.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở tỉnh Hòa Bình

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, tỉnh có 39 xã đạt 19 tiêu chí NTM (chiếm 20,4%); trong đó có 31 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đang lập hồ sơ đề xuất công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016; 14 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (chiếm 6,3%); 90 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (chiếm 46,1%); 48 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí (chiếm 27,2%), không có xã nào đạt dưới 6 tiêu chí. Bình quân tiêu chí nông thôn của các xã trong tỉnh năm 2016 đạt 12,1 tiêu chí/xã.

Những huyện đạt kết quả tốt, tốc độ nhanh và ổn định trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình là Thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy và Lương Sơn. Vẫn còn một số huyện gặp khó khăn về huy động nguồn lực, xuất phát điểm thấp, điều kiện không thuận lợi, nên tiến độ thực hiện chương trình còn chậm như Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn và Mai Châu.

3.2. Thực trạng huy động các nguồn lực xã hội phục vụ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hòa Bình

Do tiềm lực của tỉnh còn khó khăn, nên khả năng huy động tài chính từ ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế. Tới năm 2014, tổng vốn huy động là 2.141 tỷ đồng. Theo số liệu mới nhất, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM là 1.960,58 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 28,61%; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án chiếm 45,25%; vốn huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế chiếm 2,51%; vốn huy động đóng góp của dân cư chiếm 5,31%. Điều này chứng tỏ việc huy động các nguồn lực xã hội vào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Vốn huy động từ các nguồn lực xã hội như doanh nghiệp, cộng đồng dân cư không có sự ổn định, đã ảnh hưởng đến việc đầu tư cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng của Chương trình xây dựng NTM và đó chính là lý do cơ bản để đến hết năm 2016 các tiêu chí đòi hỏi vốn đầu tư nhiều như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế số xã đạt được còn rất ít.

Do làm tốt công tác vận động nhân dân nên người dân ở các địa phương đã tích cực hưởng ứng và tham gia vào quá trình xây dựng NTM ở địa phương. Họ đã tự nguyện hiến đất, phá dỡ các công trình đã xây dựng, đóng góp tiền và công lao động để tham gia các hoạt động xây dựng NTM. Theo điều tra, có hơn 77% số hộ đóng góp tiền, hơn 16% số hộ đóng góp đất.

3.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng NTM và việc huy động nguồn lực xã hội phục vụ xây dựng NTM tại tỉnh Hòa Bình

Các yếu tố thuận lợi và tích cực chủ yếu là: (i) lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền đều quan tâm chỉ đạo tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu kế hoạch đề ra; (ii) nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM đã có sự chuyển biến; vai trò của người dân thể hiện rõ qua tham gia ý kiến, giám sát từ khâu quy hoạch đến các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một số yếu tố còn hạn chế, như: (i) Văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung xây dựng NTM của các bộ, ngành Trung ương còn chậm, hoặc có nhưng chưa cụ thể, rõ ràng để áp dụng; (ii) Năng lực, trình độ tiếp thu và tổ chức triển khai thực hiện của không ít cán bộ cấp xã còn hạn chế; (iii) Điều kiện kinh tế của các hộ dân nông thôn hiện nay còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn ít; (iv) Công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, dẫn đến còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân nhận thức Chương trình xây dựng NTM là phong trào, là một dự án đầu tư 100% của Nhà nước; (v) Địa bàn dân cư rải rác nên việc làm đường giao thông nối các thôn bản đòi hỏi kinh phí lớn vượt quá khả năng của Chương trình.

3.4. Giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đẩy nhanh tiến độ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hòa Bình

Để tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đẩy nhanh tiến độ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, huy động tổng hợp các nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, như: (i) Sử dụng lồng ghép các nguồn vốn huy động phục vụ Chương trình; (ii) Huy động tối đa nguồn lực địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình xây dựng NTM; (iii) Huy động đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; (iv) Tăng cường thu hút các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân từng dự án cụ thể; (v) Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng; (vi) Tăng cường huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Thứ hai, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, hỗ trợ đầu tư thực hiện Chương trình NTM như: (i) Huy động vốn ngân sách hỗ trợ; (ii) Huy động nguồn vốn tín dụng theo các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 106/2008/NĐ-CP; (iii) Huy động vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác; (iv) Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư.

Thứ ba, hoàn thiện môi trường đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực có thế mạnh của từng địa phương. Có chính sách vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư trọng điểm, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Tổ chức tốt công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư và chính sách phát triển đồng bộ với quản lý; Khắc phục tình trạng quá nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn của địa phương; Tăng cường kiểm tra đôn đốc báo cáo tiến độ trong điều hành xây dựng cơ bản và các dự án đầu tư trong chương trình xây dựng NTM.

Thứ năm, cùng với các giải pháp trên, cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị.

4. Kết luận

Mặc dù đã đạt được một số thành công, song trong xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình còn một số tiêu chí đáng kể chưa đạt và một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hụt về nguồn lực. Các nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sự chưa kịp thời và cụ thể của văn bản liên quan, năng lực cán bộ hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, công tác tuyên truyền vận động còn chưa sâu rộng và địa hình chia cắt. Để đẩy mạnh xây dựng NTM, trong thời gian tới, địa phương cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc huy động tổng hợp các nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, hỗ trợ đầu tư NTM, hoàn thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư vào các ngành có thế mạnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Hòa Bình (2016). Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch, nhiệm vụ triển khai đến năm 2020.

2. Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Hòa Bình (2017). Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2016 và kế hoạch, nhiệm vụ triển khai năm 2017.

3. Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM. Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 06/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.

4. UBND tỉnh Hòa Bình (2010). Quyết định số 1864/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010 - 2020.

SOLUTIONS TO MOBILIZE SOCIAL RESOURCES

TO FOSTER THE IMPLEMENTATION OF NEW

RURAL PROGRAM IN HOA BINH PROVINCE

● PhD. NGUYEN THI DUONG NGA

Faculty of Economics and Rural Development,

Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

The implementation of new rural program (NRP) has archieved remarkable results, however, the mobilization of resources for NRP is limited. Results show that financial recourse raised for NRP is about 1,960.58 billion VND in 2016, largely came from state budget and integrated capital. This article will analyze factors affecting NRP implementation and resource mobilization, and propose some solutions to mobilize resources for NRP construction in Hoa Binh province.

Keywords: Mobilizing resources, new countryside, Hoa Binh province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây