Giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa vào phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp

NGUYỄN VĂN LÂM (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong bài báo này, tác giả trình bày thực trạng và giải pháp về việc đầu tư đồng bộ để có đủ điều kiện hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp công lập. Chủ trương xã hội hóa nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, lâu dài và nhất quán, được quán triệt sâu sắc và triển khai rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và mọi đối tượng thành phần dân cư trong toàn xã hội. Công tác xã hội hóa nguồn lực sẽ huy động nguồn lực của tư nhân và đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp, xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực.

1. Thực trạng hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay có113 trường cao đẳng và trung cấp (26 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 19 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp và 27 trường trung cấp nghề); trong đó có 54 trường cao đẳng, trung cấp do tư nhân thành lập chiếm tỷ lệ 47,79%; trên địa bàn thành phố có 65 trung tâm dạy nghề trong đó 45 trường tư nhân, chiếm tỷ lệ 69,23% và 324 cơ sở dạy nghề thường xuyên ngắn hạn, trong đó có 263 trường tư nhân, chiếm tỷ lệ 81,17%.

Căn cứ vào kết quả khảo sát tuyển sinh các trường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2016, cơ cấu đào tạo tập trung ở một số nhóm ngành như: Kinh doanh và Quản lý (26,60%); Công nghệ kỹ thuật (13,71%); Sức khoẻ (9,52%); Máy tính và công nghệ thông tin (8,31%); Kỹ thuật (7,07%); Nhân văn (5,89%); Kiến trúc và xây dựng (4,71%).

Hơn 10 năm qua, hệ thống dạy nghề trong cả nước và tại TP. Hồ Chí Minh đã phát triển hình thành, tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế cả nước và địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng cho thị trường lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều tồn tại. Hạn chế chung là khá nhiềucơ sở đào tạo công lập đã được thành lập nhưng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ để có đủ điều kiện hoạt động hoặc hoạt động chưa hiệu quả cao.

Cùng với hệ thống dạy nghề công lập, chủ trương xã hội hóa để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, lâu dài và nhất quán, được quán triệt sâu sắc và triển khai rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và mọi đối tượng thành phần dân cư trong toàn xã hội. Công tác xã hội hóa đã đem lại hiệu quả tích cực cho nền giáo dục và đào tạo trong thời gian qua.

2. Một số hạn chế trong xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp hiện nay

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:

Một là, nhận thức về xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự thống nhất, đồng thuận trong các cấp quản lý, xu hướng chung của các trường công lập luôn vẫn mong muốn ngân sách nhà nước đầu tư, vì vậy chưa thực hiện được tốt đồng bộ các biện pháp xúc tiến đầu tư, hoặc thiếu sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng danh mục kêu gọi đầu tư. Trong danh mục thu hút đầu tư thường chỉ nêu chung chung về các dự án đào tạo dạy nghề mà chưa có thông tin cụ thể để giới thiệu với các nhà đầu tư. Thủ tục đầu tư còn phức tạp, bất cập, gây khó khăn cho quá trình vận động đầu tư, giới thiệu các dự án và thiếu cụ thể về thông tin và phát động quy mô trong các thành phần kinh tế, đoàn thể và tổ chức xã hội;

Hai là, chưa cụ thể các chính sách ưu đãi chuyên biệt giành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực tế, ngoài mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án giáo dục đào tạo ở mức tương đối thấp thì các dự án giáo dục đào tạo chưa được hưởng sự hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư, như hỗ trợ về tìm kiếm địa điểm, về các thủ tục,... Việc thực hiện Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, những ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, cơ sở vật chất với giá ưu đãi; ưu đãi tín dụng thực tế triển khai hạn chế do nhiều nguyên nhân, như vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, thiếu quy hoạch sử dụng đất đai cho mục đích xã hội hóa;

Ba là, thời gian thẩm định các dự án giáo dục đào tạothực tế còn nhiều thủ tục, hệ thống quản lý chồng chéo, qua nhiều cấp nhiều ngành có thẩm quyền;

Nhìn chung, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, các quy định về chính sách đối với dạy nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp) còn rất hạn chế và chưa cụ thể.

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết và cần nhiều nguồn lực bao gồm các nguồn lực trong nước và các nguồn lực từ nước ngoài, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế.

3. Đề xuất một số giải pháp

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc thành lập cơ sở dạy nghề ngoài công lập trên cơ sở quy định chặt chẽ, hướng dẫn chi tiết điều kiện thành lập… thực hiện cơ chế hậu kiểm.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, mạng lưới thương mại dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn nhằm phát huy được tiềm năng trí tuệ, vật chất trong nhân dân, huy động nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.

Ba là, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các trường giáo dục nghề nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự, tăng cường hoàn thiện nhiệm vụ và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Công khai các quy hoạch dự án trọng điểm đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư.

Bốn là, xây dựng cơ chế chính sách cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập được chủ động liên kết ở nhiều hình thức và mức độ để nâng cao khả năng thu hút người học và nâng cao chất lượng đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể quan trọng trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp, thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và liên kết trong đào tạo và giải quyết việc làm. Phát triển mạnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại doanh nghiệpđể đào tạo nghề cho doanh nghiệp và cho xã hội. Tăng cường vai trò đại diện của doanh nghiệp (VCCI, VCOPSME, Hội nghề nghiệp...) trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch và triển khai hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Năm là, xây dựng khung chính sách, hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại chất lượng cao, hệ thống chính sách gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

4. Kết luận

Để thực hiện có hiệu quả những giải pháp trên cần chú trọng đến các vấn đề sau:

- Tạo mối quan hệ liên thông và gắn kết giữa các nhân tố: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học phổ thông - trung học cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức dự báo nhân lực - thông tin thị trường lao động và tổ chức dịch vụ việc làm; thiết lập kênh hướng nghiệp - thông tin thị trường lao động rõ ràng, đảm bảo cho việc nắm bắt và đáp ứng tốt nhu cầu thị thường nguồn nhân lực.

- Thực hiện chính sách ưu đãi các loại hình giáo dục nghề nghiệp khuyến khích loại hình giáo dục nghề nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài phục vụ khu vực công nghệ cao, các ngành công nghiệp chủ lực, các ngành kinh tế mũi nhọn như các ưu đãi về thuế, tín dụng (cho vay mua sắm trang thiết bị đào tạo hiện đại), điều kiện thành lập, đầu tư,…

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là quá trình chuyển giao công nghệ, cải thiện các yếu tố về mặt pháp lý,... tận dụng các ưu thế công nghệ, kinh nghiệm đào tạo nhân lực có chất lượng cao của các tổ chức nước ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

2. Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020.

3. Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

4. Quyết định 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020.

5. Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014.

6. Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

7. Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

8. Theo số liệu của Phòng Dạy nghề - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, năm 2016.

9. Thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh tổng hợp từ thông tin các trườngcao đẳng - trung cấp, năm 2016.

SOLUTIONS TO MOBILIZE SOCIAL INVESTMENT TO

DEVELOP THE VOCATION EDUCATION SYSTEM OF VIETNAM

NGUYEN VAN LAM

Department of Labour, War invalids and Social affairs in Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study analyzes the situation of public vocational education system of Vietnam and proposes solutions including synchronous investment and socialization of investment in order to attract both foreign and domestic investment to develop this vocational education system. Developing the vocational education system is an important, long-term and consistent policy of Vietnam’s government. This policy is deeply and widely implemented at all levels, branches, political and social organizations, and population groups across Vietnam. The socialization of investment could mobilize resources from private sector and positively contribute to the development of Vietnam’s vocational education system.

Keywords: Vocational education, socialization of investment, resources mobilization.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây