Giải pháp mua sắm công xanh nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh

THS. HOÀNG THỊ KIM KHÁNH - TS. TỐNG VĂN TUYÊN - TS. ĐẶNG NGỌC THƯ (Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain) và quản lý chuỗi cung ứng xanh (Green Supple Chain Management) được coi là một cơ chế trực tiếp và hiệu quả để giải quyết các vấn đề về môi trường trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bằng cách sử dụng sức mua và hành vi tiêu dùng của Chính phủ, các doanh nghiệp lớn và của cộng đồng, quản lý chuỗi cung ứng xanh là cơ chế thị trường nhằm giảm thải ô nhiễm và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như tài nguyên thiên nhiên. Khi kết hợp với những chế tài pháp luật của quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu, nó có thể dẫn tới sự chuyển dịch các ngành sang hướng xanh. Bài viết này phân tích kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về giải pháp mua sắm công xanh, nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh.

Từ khóa: GPP, bảo vệ môi trường, chuỗi cung ứng xanh, mua sắm công.

1. Kinh nghiệm quốc tế

Mua sắm công xanh là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh. Trong hệ thống thị trường tự do hiện nay, bên cầu có sức ảnh hưởng đáng kể đến các sự lựa chọn của bên cung. Nếu bên mua quan tâm nhiều đến những sản phẩm xanh, thì bên cung ứng sẽ phải dần tự thay đổi mình theo hướng xanh hóa sản phẩm nếu không muốn mất đi thị phần. Do đó, mua sắm xanh là một công cụ định hướng thị trường hữu hiệu để phát triển những sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, từ đó từng bước xanh hóa chuỗi cung ứng.

Chính vì thế, trong hầu hết các chiến lược xanh hóa chuỗi cung ứng của các quốc gia hoặc khu vực đều đề cao vai trò của mua sắm công xanh. Mục đích quan trọng nhất của mua sắm công xanh (Green Public Procurement - GPP) là khuyến khích các tầng lớp lãnh đạo mua sắm những hàng hóa, dịch vụ và thực hiện những hoạt động ít gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Trên thế giới hiện nay, hoạt động mua sắm công xanh đang ngày càng trở nên phổ biến hơn với sự đồng thuận không chỉ của những nước phát triển - như Mỹ, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu, mà còn cả những nước đang phát triển như Trung Quốc, Nam Phi, Thái Lan,… Mặc dù mục tiêu cuối cùng của GPP là hướng tới phát triển bền vững nhưng việc áp dụng GPP cho các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau là tương đối khác nhau. Nghiên cứu này sẽ xem xét kinh nghiệm của Mỹ - điển hình thành công của chuỗi cung ứng xanh, kết hợp với đi vào trường hợp mua sắm công xanh của Trung Quốc - một nước phát triển dường như quá nóng và có những tác động xấu đến môi trường, để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

1.1. Mỹ

Chính phủ Mỹ đã ban hành những điều luật và quy định hướng dẫn phát triển các chuỗi cung ứng xanh. Các điều luật và quy định này tập trung đến kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát giao thông, bảo quản thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó những hệ thống giám sát tương ứng cũng được thiết lập:

Đẩy mạnh những ưu đãi về thị trường để định hướng hành vi đến bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp: Cụ thể, đó là những ưu đãi về thuế nhằm tác động đến những quyết định liên quan đến tài chính của các công ty, nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng những nguồn năng lượng có sẵn và áp dụng những nguồn năng lượng có thể tái tạo được. Những công ty đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo nằm trong chuỗi cung ứng sẽ được chính phủ Mỹ trợ cấp.

Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện báo cáo tác động môi trường liên quan tới chuỗi cung ứng: Các điều luật, quy định yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện báo cáo tác động môi trường liên quan tới chuỗi cung ứng. Ví dụ, yêu cầu về Báo cáo chất độc phát thải (The Toxics Release Inventory) quy định các công ty phải thực hiện báo cáo lượng chất độc hóa học mà họ thải ra trong quá trình hoạt động.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng thực hiện hệ thống báo cáo về thông tin môi trường. Tất cả các công ty tại Mỹ đều phải báo cáo chi tiết các vấn đề về tài chính và quản trị công ty theo những biểu mẫu chuẩn và được công bố thông qua Ủy ban Chứng khoán.

Đẩy mạnh thực hiện những chương trình tự nguyện nhằm giảm tác động môi trường của chuỗi cung ứng: Chính phủ Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện những chương trình tự nguyện nhằm giảm tác động môi trường của chuỗi cung ứng. Chính phủ tài trợ cho các chương trình tình nguyện để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị xanh và hướng các doanh nghiệp tới các hoạt động mang tính chất bền vững. Các chương trình này không chỉ có tính hướng dẫn mà còn là nơi các công ty chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động nhằm mang lại lợi nhuận. Ví dụ như chương trình SmartWay, được khởi điểm vào năm 2004, là một chương trình hợp tác giữa Chính phủ và các ngành cung cấp hậu cần cho các công ty với chiến lược giảm nhiên liệu sử dụng bằng các biện pháp hiệu quả.

Thúc đẩy mua sắm công xanh: Chính phủ Mỹ đã hoàn thiện hệ thống mua sắm xanh có vai trò khuyến khích sự phát triển lành mạnh của chuỗi cung ứng. Hệ thống này tuân theo những đạo luật Bang và biện pháp hành chính của Tổng thống để thúc đẩy mua sắm xanh. Những đạo luật và biện pháp hành chính bao gồm: Quyết định hành pháp số 12873 Mua sắm của bang, tái chế và phòng chống chất thải, Quyết định số 13101 Xanh hóa Chính phủ thông qua phòng chống chất thải, tái chế và mua sắm của Bang, Quyết định số 13148 về xanh hóa Chính phủ thông qua lãnh đạo trong quản lý môi trường.

Thận trọng thiết lập mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. Các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ rất quan tâm đến vấn đề thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp có chú ý đến vấn đề môi trường trong quá trình cung ứng. Các nhà cung ứng cuối cùng được chọn lựa dựa trên sự tuân thủ luật pháp và quy định cũng như thông qua những phân tích rất kỹ lưỡng khác. Và khi đã trở thành đối tác, các doanh nghiệp hàng đầu sẽ tiến hành hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các nhà cung ứng này. Ví dụ như những hội thảo về môi trường và việc cung cấp những khóa tập huấn về môi trường thường được tổ chức với các nhà cung ứng.

2.1. Trung Quốc

Trung Quốc nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới và đã có những bước tiến ấn tượng về mặt kinh tế để trở thành một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu. Tuy nhiên, dường như giá phải trả của kết quả đó ở Trung Quốc chính là môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc đã lưu tâm đến phát triển theo hướng bền vững và GPP là một trong những công cụ được Chính phủ Trung Quốc lựa chọn.

Mua sắm của Chính phủ là một phần quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công của Trung Quốc. Luật về mua sắm của Chính phủ được thông qua năm 2002 và có hiệu lực vào năm 2003. Cùng với đó là Luật Thúc đẩy sản xuất sạch của Trung Quốc. Sự ra đời của những văn bản pháp quy này đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình mua sắm công tại đây. Tuy nhiên, điều luật này chưa quy định cụ thể vấn đề bảo vệ môi trường, mà chỉ dừng ở mức thông báo rằng các hoạt động mua sắm công cần hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, Bộ Tài chính (MoF) và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã thực hiện những bước tiếp theo để thúc đẩy GPP. Cụ thể, năm 2004, hai cơ quan trên đã ra quy định yêu cầu các cơ quan chính phủ phải ưu tiên những sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong danh mục mua sắm.

Và đến năm 2005, đã yêu cầu các cơ quan chính phủ (cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp cơ sở) áp dụng GPP. Cũng trong năm 2005, MoF và NDRC công bố danh sách chi tiết của các sản phẩm tiết kiệm môi trường mà các cơ quan chính phủ có thể mua sắm bao gồm khoảng 1.000 sản phẩm được chia thành 5 nhóm: hệ thống TV, tủ lạnh, điều hòa, đèn huỳnh quang và những sản phẩm tiêu tốn năng lượng khác (Geng và Dobersteintrích, 2008 dẫn từ Ma, 2006). Lưu ý rằng, danh sách mua sắm xanh của Trung Quốc bao gồm hai phần: danh sách các sản phẩm có dán mác môi trường và danh sách các sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, danh sách này đã tiếp tục được cập nhật thêm 3 lần vào các năm 2006, 2007, 2009. Cho đến hết năm 2009, danh sách các sản phẩm xanh đã tăng lên thành 30 nhóm.

Thêm vào đó, một loạt những văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề xanh cũng được ban hành như: Thông báo về hoạt động tiết kiệm tài nguyên của Hội đồng Văn phòng Nhà nước; Quan điểm về áp dụng mua sắm của Chính phủ đối với những sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Quyết định về thực hiện phát triển khoa học thông qua đẩy mạnh bảo vệ môi trường 2005; Quan điểm về thực hiện mua sắm của Chính phủ đối với sản phẩm có nhãn môi trường 2006. Trong giai đoạn gần đây, Trung Quốc đang thực hiện những bước đi nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO là Thỏa thuận về mua sắm của Chính phủ bằng cách tiếp tục thông qua các điều luật khuyến khích GPP, như: Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 về Bảo vệ môi trường quốc gia, Kế hoạch Tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải chất độc và Luật Tiết kiệm năng lượng; Thông tư về Thúc đẩy kinh tế Quy định tiết kiệm năng lượng của các tổ chức (2008)… (Qiao và Wang, tr. 1037, 2011).

Về mô hình áp dụng GPP, Trung Quốc áp dụng hai mô hình: mô hình cạnh tranh và mô hình hợp tác. Mô hình cạnh tranh về cơ bản cho phép các cơ quan khi tiến hành mua sắm công được so sánh giá cả của các nhà cung ứng và được tự do lựa chọn cũng như tiết kiệm chi phí. Phương pháp này hạn chế việc thông đồng trong mua bán khi có sự cạnh tranh của nhiều bên.

Đồng thời, phương pháp này cũng tăng tính minh bạch và đảm bảo sự cung ứng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn. Ngược lại, mô hình hợp tác là dựa vào mối quan hệ hợp tác dài hạn giữa bên cung ứng và các Cơ quan chính phủ. Với mô hình này thì cả bên cung ứng cũng như các Cơ quan chính phủ đều nắm rõ những yêu cầu của nhau trong quá trình giao dịch. Mô hình này sẽ tiết kiệm được thời gian tìm kiếm nhà cung ứng và có thể vận hành một cách linh hoạt hơn so với mô hình cạnh tranh. Dù vậy, cả hai mô hình đều hướng tới việc giải quyết tính hiệu quả kinh tế bằng cách giảm thiểu chi phí.

Trên thực tế, GPP tại Trung Quốc mới chỉ đang ở giai đoạn ban đầu và được thực hiện ở một vài thành phố, như: Quảng Châu, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thẩm Quyến, Thanh Đảo,… Trong đó, Thanh Đảo là thành phố đầu tiên ban hành danh sách mua sắm xanh và chính thức áp dụng GPP tại Trung Quốc. Mặc dù GPP ở Trung Quốc là tương đối hứa hẹn nhưng vẫn tồn tại những rào cản nhất định, như:

- Nhận thức về tầm quan trọng của GPP chưa được phổ biến rộng rãi, Chính phủ mới chỉ bước đầu quan tâm đến mua sắm công xanh cũng như việc đầu tư công nghệ còn thấp. Điều này dẫn đến việc sản phẩm xanh rất khó gia nhập thị trường.

- Chưa có cơ quan chuyên trách về GPP và thiếu sự liên kết giữa các cơ quan đang chịu trách nhiệm về vấn đề này.

- Khái niệm về sản phẩm xanh chưa nhất quán, các tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm xanh còn lập lờ, danh sách các sản phẩm xanh vi phạm nguyên tắc cạnh tranh mở và công bằng.

- Thiếu các nguồn lực cần thiết cho GPP, như: không có các chuyên gia về lĩnh vực, nguồn lực tài chính chưa đầy đủ; hệ thống hạ tầng thông tin cho GPP còn lạc hậu.

Trung Quốc có thể được coi là một nước đi sau trong lĩnh vực GPP và họ vẫn còn nhiều khoảng trống để có thể phát triển lĩnh vực này. Trung Quốc đã bước đầu thiết lập khung pháp lý về GPP nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để có thể áp dụng vào thực tế.

2. Bài học cho Việt Nam

Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện GPP của một số quốc gia trên thế giới, tác giả rút ra một vài điểm cần lưu ý cho sự phát triển GPP của Việt Nam. Đó là:

- Cần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và nhận thức của đội ngũ cán bộ khu vực công nói riêng về tầm quan trọng của GPP cũng như cần thay đổi quan niệm cũ về sản phẩm xanh. Chi phí ban đầu cho sản phẩm xanh có thể cao hơn đối với những sản phẩm có cùng chức năng khác, nhưng lợi ích về lâu dài của nó có thể sẽ lớn hơn rất nhiều.

- Cần có những quy định rõ ràng và cụ thể trong việc mua sắm chính phủ theo hướng xanh hóa.

- Quy định theo hướng “xanh” và bảo đảm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp thực hiện cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

- Sử dụng các công cụ thị trường làm đòn bẩy, kết hợp với sử dụng vai trò của Nhà nước. Trong đó, vai trò của thị trường là tạo đòn bẩy động lực, còn vai trò của Nhà
nước là ban hành các quy định hướng dẫn mua sắm những sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Tiến hành những khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho các cán bộ chuyên trách về đánh giá sản phẩm xanh và có thể sử dụng những sản phẩm đó. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực về công nghệ để có thế áp dụng những sản phẩm xanh một cách tốt nhất.

- Thận trọng thiết lập mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi giữa Chính phủ, giữa các doanh nghiệp lớn có tính quyết định và các doanh nghiệp nhỏ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. http://www2.epa.gov/toxics-release-inventory-tri-program.
  2. http://www.epa.gov/smartwaylogistics
  3. Dữ liệu năm 2009 trong điều tra về tăng trưởng hàng năm của Liên minh
    Châu Âu 2012 (Renda và cộng sự,. 2012)
  4. Chương trình Ecomark, điều hành bởi Liên hiệp Môi trường Nhật Bản,
    được quản lý theo tiêu chuẩn hướng dẫn ISO và được một bên thứ ba công nhận có sức thuyết phục trong chương trình nhãn sinh thái. Thông tin thêm về chương trình này ở địa chỉ ecomark,jp.

 Green public procurement solutions to promote green

supply chains

Master. Hoang Thi Kim Khanh

Ph.D Tong Van Tuyen

Ph.D Dang Ngoc Thu

Thai Nguyen College of Economics and Finance

 ABSTRACT:

In the context of current globalization, green supply chain and green supple chain management are considered a direct and effective mechanism to address environmental issues of global value chains. By using the purchasing power and consumption behavior of governments, large enterprises and communities, the green supply chain management is a market mechanism to reduce pollution, and increase energy and natural resources efficiency. When combining with national, regional as well as global legal sanctions, it can help industries transform into green industries. This article analyzes international experiences and lessons for Vietnam on green public procurement solutions to promote green supply chains.

Keywords: GPP, environmental protection, green supply chains, public procurement.