Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam

ThS. TRẦN THỊ NGỌC THÚY (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Ước tính trong hơn 800 nghìn doanh nghiệp, hàng trăm nghìn đơn vị hành chính, sự nghiệp hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, có hàng triệu người trực tiếp tham gia vào công tác kế toán, kiểm toán. Nhân lực ngành Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đều được đào tạo ở các cấp độ khác nhau. Trong thời gian gần đây, nguồn nhân lực chủ yếu được đào tạo ở bậc cao đẳng hoặc đại học. Bên cạnh những thành tựu đạt được, chất lượng đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán còn nhiều hạn chế. Bài viết nêu rõ thực trạng, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam.

Từ khóa: chất lượng đào tạo, ngành Kế toán - Kiểm toán, nguồn nhân lực.

1. Thực trạng chất lượng đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam

Thứ nhất, về hệ thống đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán: Đào tạo ngành Kế toán đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm ở Việt Nam. Một số cơ sở đào tạo có truyền thống đào tạo về kế toán là Học viện Tài chính (Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội trước đây); Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh… bao gồm các bậc đào tạo từ đại học và sau đại học. Đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng về kế toán cũng được thực hiện ở nhiều cơ sở đào tạo trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, đã có 223 tổ chức cấp bằng cao đẳng về kế toán, 126 tổ chức cấp bằng đại học, 18 tổ chức cấp bằng thạc sĩ và 5 tổ chức cấp bằng tiến sỹ về kế toán. Hàng năm, có từ 50.000 đến 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành kế toán ra trường, tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, số học viên được cấp bằng thạc sỹ chuyên ngành Kế toán cũng đạt khoảng trên 3.000 học viên.

Ngoài ra, các loại hình đào tạo khác về kế toán, kiểm toán cũng có sự phát triển mạnh trong thời gian gần đây để đáp ứng nhu cầu đào tạo lại, đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, đào tạo bồi dưỡng. Các chương trình đào tạo này cũng rất đa dạng, được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp lý về kế toán và theo nhu cầu của người học. Các cơ sở chủ yếu cung cấp loại hình đào tạo này bao gồm: các trường đại học, cao đẳng, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (VAA, VACPA) và các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán. Ước tính, hàng năm có hàng trăm ngàn lượt người được đào tạo, cập nhật, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về kế toán, kiểm toán.

Cùng với đó, đào tạo kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề đã được Bộ tài chính chủ trì tổ chức thực hiện hơn 15 năm qua, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Trong những năm gần đây, đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức nghề nghiệp kế toán được thừa nhận trên phạm vi quốc tế như ACCA, ICAEW, CP Úc, CIMA,…

Thứ hai, quan điểm đào tạo kế toán kiểm toán ở các cơ sở đào tạo hiện nay: Mặc dù chưa có đánh giá, phân loại một cách chính thức, tuy nhiên, các cơ sở có đào tạo ngành Kế toán ở Việt Nam hiện nay được chia thành 2 khuynh hướng: đào tạo kế toán định hướng hàn lâm/nghiên cứu (Học viện Tài chính; Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh...) và đào tạo cử nhân kế toán định hướng thực hành (các trường đại học mới đào tạo ngành Kế toán: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Quản lý kinh doanh và Công nghệ,...). Việc lựa chọn định hướng đào tạo chi phối mạnh đến nhận thức, chủ trương, xác định mục tiêu, phương pháp tổ chức đào tạo và đặc biệt là chương trình đào tạo ngành Kế toán.

Thứ ba, cách tiếp cận và công nghệ đào tạo: Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên, trong thực tế, cách tiếp cận đào tạo kế toán ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam vẫn thiên về đào tạo “kỹ thuật” theo hướng tuân thủ các quy định của chế độ kế toán, kiểm toán, đặc biệt còn quá coi trọng việc đào tạo các kỹ thuật hạch toán, ghi sổ. Việc đào tạo các nguyên tắc/chuẩn mực kế toán, kiểm toán đã được một số trường tiếp cận, song chưa mang tính phổ biến.

Thứ tư, nguồn lực cho đào tạo kế toán, kiểm toán: Nguồn nhân lực giảng viên đào tạo ngành Kế toán, Kiểm toán đã được các cơ sở đào tạo xây dựng trong thời gian qua, bao gồm các giảng viên được đào tạo bài bản ở trình độ đại học và trên đại học tại các nước phát triển và các giảng viên được đào tạo theo các chương trình đại học/trên đại học trong nước, nước ngoài hoặc được đào tạo theo chương trình của các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế. Nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo còn hạn chế, hệ thống học liệu hiện đại còn nghèo nàn.

Chất lượng nền tảng của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam khá tốt. Hàng năm, kết quả tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo kế toán, kiểm toán đều ở mức khá cao so với các ngành đào tạo về kinh tế khác. Bên cạnh việc được đào tạo nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo chính thức, người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đều rất tích cực tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ. Trong thời gian gần đây, với sự hoạt động có hiệu quả của các Hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, tính cộng đồng, kết nối của cộng đồng những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Xu hướng phát triển nghề nghiệp của cộng đồng người làm kế toán đã ngày càng rõ nét hơn thông qua việc người làm kế toán tiếp tục học tập và đào tạo để có được các chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định, như: Kiến thức và tư duy của người làm kế toán chủ yếu mang tính nghiệp vụ và tuân thủ, tính chủ động, sáng tạo và độc lập về chuyên môn của người làm kế toán, kiểm toán còn hạn chế. Ngoài ra, tác phong làm việc và tư duy làm việc còn chưa thực sự chuyên nghiệp, một bộ phận không nhỏ người làm kế toán có tư duy an phận, ít nỗ lực trong phấn đấu về chuyên môn và phát triển sự nghiệp. Năng lực hội nhập của cộng đồng người làm kế toán, kiểm toán dù đã có cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, song nhìn chung còn yếu, chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động và dịch vụ trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực kế toán kiểm toán đã được khơi gợi trong thời gian qua, song vẫn còn hạn chế nhất định. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán còn rất nhỏ bé.

Chương trình đào tạo chỉ chú trọng đến kiến thức về kế toán, kiểm toán, trong khi để làm tốt công việc trong thực tế, người kế toán, kiểm toán phải biết những kiến thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo thuế như làm thế nào nộp tờ khai thuế, ký số là gì, thực hiện như thế nào?… Ngoài ra, nhà trường chưa chú trọng đến việc hướng dẫn các quy trình kế toán, kiểm toán cơ bản của từng phần hành kế toán nhằm giúp sinh viên hiểu rõ công việc, nhiệm vụ của từng vị trí trong phòng kế toán và trình tự cần phải thực hiện.

Thực tế, sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng được trang bị rất tốt về lý thuyết chuyên ngành Kế toán, nhưng lại không được thực hành nhiều, nên kỹ năng làm việc còn hạn chế, thậm chí không có. Hơn nữa, đa số các giáo trình của các trường được trình bày dưới dạng học thuật, chưa đảm bảo tính thực tế và ứng dụng cho công việc sau này của sinh viên. Thông thường, mỗi lớp học chỉ có một giảng viên giảng dạy mà số lượng sinh viên lại khá lớn (khoảng từ 50 - 100 người/lớp). Vì vậy, việc đào tạo các kỹ năng làm việc và thời gian để giải đáp các thắc mắc rất hạn chế.

Công việc của một kế toán viên tại các doanh nghiệp không đơn thuần là thực hiện các công việc của một người kế toán, mà còn phải tuân thủ theo đúng các luật thuế và luật chuyên ngành khác. Đây là một trong những điểm yếu của những sinh viên mới ra trường, chưa nắm chắc kiến thức và chưa có kỹ năng xử lý và kinh nghiệm. Thêm vào đó, những quy định này lại thay đổi thường xuyên khiến sinh viên không kịp cập nhật, dẫn đến làm sai, không đúng và không đủ.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam

Thứ nhất, nghiên cứu chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn.

Các trung tâm đào tạo cần nghiên cứu chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn hành nghề, tích cực trong quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, tích cực trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm từ các học viên ở những quốc gia có hệ thống kế toán phát triển, cũng như các tổ chức ban hành chuẩn mực quốc tế. Nhà trường cần thúc đẩy các nhóm nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực kế toán, kiểm toán nêu trên, các sản phẩm cần được phát hành và phổ biến để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo. Chương trình đào tạo của nhà trường về lĩnh vực kế toán cần được đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho học viên vừa phù hợp với thực trạng Việt Nam, vừa chuẩn bị cho những bước tiền đề hội nhập với kế toán quốc tế.

Thứ hai, quy hoạch lại hệ thống đào tạo kế toán, kiểm toán.

Hiện tại, hệ thống đào tạo kế toán - kiểm toán Việt Nam khá đa dạng song còn chồng chéo về mục tiêu, quan điểm đào tạo. Trên cơ sở khung năng lực quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, mạng lưới các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần được quy hoạch lại theo hướng phân tầng đào tạo, xác định rõ phân khúc thị trường nguồn nhân lực phù hợp.

Các cơ sở đào tạo là các trường đại học, cao đẳng tập trung đào tạo cơ bản mang tính nền tảng. Trong đó, các cơ sở đào tạo chuyên sâu có truyền thống và kinh nghiệm, năng lực đào tạo tốt, định hướng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng hội nhập cao, sẵn sàng cho lộ trình áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế ở Việt Nam và thích ứng cao với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, đổi mới quan điểm, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo kế toán, kiểm toán.

Một trong những rào cản quan trọng đối với tiến trình hội nhập và phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam là do quan điểm đào tạo kế toán, kiểm toán vẫn còn lạc hậu. Hệ thống đào tạo quá tập trung vào kỹ thuật nghiệp vụ. Do vậy, quan điểm đào tạo của các cơ sở đào tạo cần được đổi mới căn bản theo hướng chú trọng hơn đến tư duy tổng hợp, kỹ năng xử lý công việc chuyên nghiệp, kỹ năng tổng hợp, phân tích và quản trị dữ liệu. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong chuyên môn kế toán, kiểm toán đảm bảo khả năng hội nhập cao của nguồn nhân lực. Đổi mới quan điểm đào tạo sẽ chi phối tới việc xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo cũng như chính sách đầu tư nguồn lực giảng viên, nguồn lực cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo.

Thứ tư, tăng cường liên kết trong hoạt động đào tạo.

Trên cơ sở xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động. Sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo cần gắn chặt với lộ trình phát triển chuyên môn của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, từ đó phối hợp thiết kế nội dung, chương trình phù hợp, đảm bảo có tính kế thừa, liên thông kiến thức, kỹ năng chuyên môn giữa đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học với đào tạo bồi dưỡng, cập nhật, đào tạo theo các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ năm, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên.

Kỹ năng mềm là khả năng con người tự làm chủ bản thân, tự quản lý, lãnh đạo bản thân và tương tác với những người xung quanh để mang lại hiệu quả cao trong công việc. Đó là năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro và giải quyết tình huống một cách hiệu quả. Kỹ năng mềm thể hiện ở nhiều khía cạnh lĩnh vực, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác trong tác nghiệp, kỹ năng quản lý đánh giá chất lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình và đàm phán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Võ Văn Nhị (2011),  Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
  2. Nguyễn Thị Phương Hoa (2011), Đào tạo chuyên ngành kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế;Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. Đinh Thị Thủy, (2014), Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam, Tạp chí Tài chính, 3(1), 20-25.
  4. Trần Khánh Lâm & Lê Thị Bích Hải (2015), Tác động của việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đến nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam. Truy cập tại: http://www.vacpa.org.vn/Page/Detail.aspx?newid=4892.

 Solutions to improve the quality of human resources in Vietnam’s auditing and accounting sector

Master. Tran Thi Ngoc Thuy

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

It is estimated that in more than 800,000 enterprises and hundreds of thousands of administrative and non-business units operating in Vietnam, there are millions of people directly involved in the accounting and auditing sector. Human resources in the auditing and accounting sector in Vietnam are trained at different levels. The auditing and accounting sector in Vietnam has faced some issues about the quality of human resources. This paper presents the current quality and proposes some solutions to improve the quality of human resources in Vietnam’s auditing and accounting sector.

Keywords: training quality, accounting - auditing, human resources.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]