Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập ở Hải Phòng thực hiện

Đề tài Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập ở Hải Phòng thực hiện do Vũ Thị Vân Anh (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này đánh giá những hạn chế về kết quả chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập ở Hải Phòng thực hiện. Qua đó, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán Báo cáo tài chính trên hai khía cạnh là Kiểm toán viên và Công ty kiểm toán độc lập.

Từ khóa: chất lượng, kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán độc lập.

1. Đặt vấn đề

Hàng năm, các đơn vị đều phải lập báo cáo tài chính. Đây là đối tượng quan tâm của nhiều đối tượng như chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng… Các đối tượng này tuy quan tâm đến báo cáo tài chính ở các góc độ khác nhau nhưng đều có nhu cầu được sử dụng các thông tin chính xác, trung thực, đáng tin cậy.

Theo khái niệm trong “Thông báo về kế toán tài chính” của FASB thì sự phù hợp (Relevant) và độ tin cậy (Relibility) là 2 yếu tố chất lượng cơ bản để thông tin kế toán trở thành thông tin hữu ích cho người ra quyết định. Điều này làm cho người sử dụng báo cáo tài chính dựa vào báo cáo của kiểm toán viên độc lập để bảo đảm về chất lượng thông tin trong những báo cáo mà họ sử dụng.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển thì sự phức tạp trong chuẩn bị và cung cấp thông tin kế toán đòi hỏi ngày càng cao hơn. Các vấn đề về kế toán và quá trình chuẩn bị các báo cáo tài chính ngày càng trở nên phức tạp vì nhiều nguyên nhân. Sự hạn chế của các chính sách kế toán, sự mâu thuẫn giữa tính đa dạng, phong phú và thường xuyên của các sự kiện kinh tế với sự giới hạn khó tránh khỏi của trình độ, phương tiện,… thu thập, xử lý và phản ánh các sự kiện kinh tế… là những ví dụ rất thực tế về khó khăn mà kế toán phải giải quyết. Vì mức độ phức tạp tăng nên rủi ro về thiếu thông tin khi trình bày báo cáo và những sai sót (không cố ý) cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, có nhiều vụ gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính do sự thiếu minh bạch khách quan của KTV độc lập, làm ảnh hưởng uy tín của các công ty kiểm toán độc lập. Điển hình là sự kiện Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (mã chứng khoán BBT) vào năm 2008 đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận gây nhiều tranh cãi, mà trách nhiệm phần nhiều thuộc về các KTV trong việc đảm bảo độ tin cậy về tính trung thực - hợp lý của các thông tin trên BCTC của công ty khách hàng. Và đơn vị kiểm toán khác chính là E&Y - đơn vị kiểm toán của Eximbank trong suốt các năm từ 2010 - 2014. Có những nghi ngờ về một đơn vị kiểm toán được mệnh danh là Big4 trong lĩnh vực kiểm toán như E&Y. Liệu có thật sự chỉ là thiếu sót do nghề nghiệp không hay có những điều tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của KTV?… Nghiêm trọng hơn là việc UBCKNN ra quyết định xử phạt các CTKT và các KTV có sai phạm trọng yếu trong quá trình kiểm toán BCTC, mà gần đây nhất là UBCKNN đã đình chỉ tư cách KTV được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán kể từ ngày 7/11/2017 đến hết ngày 31/12/2017 đối với 4 KTV thuộc Công TNHH Kiểm toán và Kế toán Hải Phòng (CPA Hải Phòng),… Tất cả những điều này càng làm cho các cơ quan hữu quan, các nhà đầu tư, quan ngại nhiều hơn về CLKT BCTC của các CTKT độc lập.

Những vụ việc gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện đã làm gia tăng “sự hoài nghi” của các đối tượng sử dụng thông tin BCTC được kiểm toán thông tin không đáng tin cậy. Điều này cũng đáng báo động về chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện trong thời gian qua.

Thành phố Hải Phòng với vai trò là trung tâm kinh tế - khoa học - tổng hợp của vùng Duyên hải Bắc bộ và là một trong 2 trung tâm phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là địa bàn có nhiều khu công nghiệp với các công ty nước ngoài, do đó nhu cầu về chất lượng kiểm toán ngày càng cao.

2. Những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế về chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập ở Hải Phòng thực hiện

2.1. Về hạn chế

Thứ nhất, chất lượng kiểm toán giữa các DN chưa đồng đều, trong một số trường hợp kết quả kiểm toán chưa nhận được sự tin cậy cao. Vẫn còn hiện tượng kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán chưa phù hợp, chưa dựa trên các bằng chứng đầy đủ và tin cậy. Điều này phần nào ảnh hưởng đến thông tin cung cấp cho người sử dụng.

Thứ hai, còn để sảy ra sai sót và có những công ty kiểm toán độc lập ở Hải Phòng chưa đạt được chất lượng cuộc kiểm toán khi thanh tra bất ngờ.

2.2. Về nguyên nhân

Nguyên nhân thứ nhất từ phía đơn vị được kiểm toán

Do là một ngành nghề mới trong xã hội, Luật Kiểm toán Nhà nước mới ra đời, bởi vậy không phải bất cứ đơn vị, cá nhân nào cũng có sự hiểu biết đầy đủ về cơ quan kiểm toán. Từ những nhận thức không đầy đủ, hiểu sai về bản chất, chức năng và nhiệm vụ của kiểm toán dẫn đến sự hợp tác lỏng lẻo, hời hợt; việc cung cấp thông tin tài liệu chậm trễ. Đây cũng là những nguyên nhân khiến cho KTV không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với mức độ thấp.

Tâm lý KTV độc lập được thuê về mất phí nên kết quả kiểm toán phải theo chủ ý của khách hàng nên dẫn đến sự chống đối, thiếu sự hợp tác của đơn vị được kiểm toán. Chống đối của tập thể, cá nhân đơn vị được kiểm toán khi kết quả kiểm toán có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng chính trị của người quản lý, sự thiệt hại lớn về vật chất và sự vi phạm pháp luật. Khi bị phát hiện những sai phạm lớn thì tìm cách mua chuộc kiểm toán viên hoặc cố tình giải trình lắt léo kéo dài hòng gây nản chí cho KTV, thậm chí đặt điều, vu khống để đe dọa KTV, chia rẽ các thành viên trong Tổ kiểm toán...

Mất đoàn kết nội bộ trong đơn vị được kiểm toán là nguyên nhân dẫn đến việc một số cá nhân sử dụng kết quả dự thảo hoặc chính thức của KTV để làm phương tiện tố cáo lẫn nhau, triệt hạ nhau khiến KTV có liên quan chịu nhiều ảnh hưởng trong quá trình xác minh làm rõ.

Nguyên nhân thứ hai do kiểm toán viên

Do hạn chế về chuyên môn của KTV dẫn đến kiểm toán sai lệch khiến đơn vị được kiểm toán có thể tổn thất về vật chất khi bị bồi thường, nộp ngân sách nhà nước… tổn thất về uy tín, thương hiệu do bị đánh giá thiếu trung thực, minh bạch của báo cáo tài chính.

Hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi áp đặt kết luận, chủ quan trong xử lý chuyên môn và trong quan hệ xã hội, không phân biệt những ranh giới giữa pháp luật hình sự và quan hệ dân sự, đơn giản hóa những hành vi ứng xử.

Do sự tự cao của KTV, thiếu khiêm tốn cũng sẽ là những nguyên nhân dẫn đến sự đánh giá không tốt về nhân cách của KTV nói riêng và góc nhìn thiếu thiện cảm đối với công ty kiểm toán độc lập với đơn vị được kiểm toán.

Nguyên nhân thứ ba từ những người quản lý hoạt động kiểm toán

Nếu năng lực quản lý chuyên môn của những người quản lý trong hoạt động kiểm toán còn yếu cũng rất dễ đem lại rủi ro cho KTV trong cuộc kiểm toán và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc kiểm toán báo cáo tài chính.

Ngoài những nguyên trên thì còn có những nguyên nhân khác như:   Sức ép về thời gian, về chất lượng kiểm toán là một thách thức thường xuyên đối với Kiểm toán viên. Thời gian đi kiểm toán xa nhà kéo dài là nguyên nhân làm cho nhiều KTV thiếu điều kiện chăm sóc gia đình con cái. Cám dỗ về vật chất là hiện tượng phải thường xuyên đối mặt. Sự can thiệp trái thẩm quyền nếu xảy ra cũng sẽ khiến KTV lâm vào tình trạng khó xử và KTV phải gánh chịu nếu xảy ra rủi ro.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập ở Hải Phòng thực hiện

3.1. Giải pháp về phía kiểm toán viên

Tính độc lập của KTV là nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động kiểm toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tính độc lập của KTV ảnh hưởng cùng chiều với chất lượng kiểm toán một cách đáng kể. Tác giả có một số đề xuất nhằm đảm bảo tính độc lập của KTV, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm toán như sau:

Các công ty kiểm toán cần xây dựng những chính sách hiệu quả để đảm bảo tính độc lập của KTV, như: tuyển dụng, đào tạo, giám sát, hỗ trợ, khen thưởng… Khi phân công nhiệm vụ, công việc, ban giám đốc, trưởng nhóm kiểm toán cần chú ý tránh vấn đề quan hệ họ hàng, quan hệ đối tác thân thiết giữa kiểm toán viên với khách hàng.

Công ty kiểm toán cần cam kết về tính độc lập trước khi thực hiện cuộc kiểm toán. Công ty cần ban hành những quy định và giám sát nhằm giúp các KTV công minh và độc lập trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán.

Cần chấp hành đúng các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực kế toán, kiểm toán và các quy định của các công ty kiểm toán.

3.2. Giải pháp về phía công ty kiểm toán độc lập

Các công ty kiểm toán nên mở rộng hợp tác với các hãng kiểm toán quốc tế giúp mở rộng quy mô, tiếp cận công nghệ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ KTV.

Tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ về hệ thống chất lượng kiểm toán trong các công ty kiểm toán độc lập.

Xây dựng tầm nhìn, mục tiêu và văn hóa công ty kiểm toán đặc trưng theo hướng phát triển bền vững và lâu dài.

Công ty kiểm toán cần tạo điều kiện làm việc cho các KTV, như: không gian làm việc, chế độ đi lại, lương thưởng giúp các KTV hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao.

Công ty kiểm toán cần tăng cường hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các KTV; tạo điều kiện cho các KTV tham gia thi chứng chỉ hành nghề kiểm toán trong nước và các chứng chỉ quốc tế.

Vận dụng các nhân tố thích hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán trong mỗi doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khách hàng. Cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên, các chế độ ưu đãi, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hoàn thiện và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm toán, quy trình nghiệp vụ, thực hiện đúng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tạo cơ hội thăng tiến cho những người quản lý, cho những KTV có tâm huyết với nghề nghiệp, có chất lượng kiểm toán cao thông qua bình bầu và xét duyệt hàng năm.

Về quy trình kiểm toán các công ty cần chú trọng thận trọng trong từng giai đoạn kiểm toán như:

Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, các công ty kiểm toán cần chú trọng thực hiện đầy đủ các bước công việc đã được thiết kế.

Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, các công ty kiểm toán cần tăng cường hơn nữa thực hiện các thử nghiệm kiểm soát, từ đó dự kiến phạm vi áp dụng thử nghiệm cơ bản, hoàn thiện việc tổ chức thực hiện thủ tục phân tích. Bên cạnh việc sử dụng thủ tục phân tích xu hướng, cần sử dụng thêm thủ tục phân tích tỷ suất và phân tích ước tính.

Trong giai đoạn kết thúc kiểm toán, các công ty kiểm toán thực hiện đầy đủ các bước công việc để đảm bảo cho việc đưa ra ý kiến nhận xét về BCTC.

Hoàn thiện việc lập và lưu trữ các tài liệu, giấy tờ làm việc và hồ sơ kiểm toán nhằm đảm bảo ghi chép đầy đủ và thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán trên báo cáo kiểm toán và làm bằng chứng cho thấy, cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện phù hợp với quy định của chuẩn mực kiểm toán, pháp luật và các quy định có liên quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Quỳnh Chi (2022). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý kiến của kiểm toán độc lập về báo cáo tài chính của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  2. Lê Thị Tuyết Nhung (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán của kiểm toán nhà nước Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  3. Lại Thị Thu Thủy (2018). Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại.
  4. Đặng Thị Hương (2019). Hoàn thiện kiểm toán Báo cáo tài chính các công ty cổ phần than do công ty kiểm toán độc lập ở Việt Nam thực hiện, Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính.
  5. Sun, J. Liu, G. (2011). ‘Client-specific litigation risk and audit quality differentiation’, Managerial Auditing Journal, số 26, tập 4, tr.300-316
  6. Takiah, M. I., Mohd., M. R. and Hashanah, I. (2010). ‘The Relationship between audit client satisfaction and audit quality attributes: Case of Malaysian listed companies’, Journal of Economics and Management, số 4, tập 1, tr.155-180
  7. DeFond, M. and Zhang, Z. (2014). ‘A review of archival auditing research’, Journal of Accounting and Economics, số 58, tập 2, tr. 275-326.

Solutions for improving the quality of financial statement audits performed by independent audit firms in Hai Phong

Vu Thi Van Anh

Faculty of Accounting and Finance, Hai Phong University

Abstract:

This study evaluated the limitations in the quality of financial statement audits performed by independent audit firms in Hai Phong. This study pointed out the causes of these limitations and proposed solutions to improve the quality of financial statement audits in terms of the quality of auditors and the quality of independent audit firms.

Keywords: quality, financial statement audit, independent audit.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương