Giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hà Tĩnh

ThS. TRẦN NGUYÊN THỌ (UBND tỉnh Hà Tĩnh) và ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) từ năm 2005. Đây là một kênh thông tin đáng chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư tại một địa phương nào đó. Bởi vậy, ý thức được tầm quan trọng trong cải thiện chỉ số CPI, Hà Tĩnh đã và đang tập trung xây dựng kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ.

Từ khóa: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, PCI, Hà Tĩnh.

1. Đặt vấn đề

Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ, giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều thuận lợi, với quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy xuyên qua tỉnh. Tỉnh cũng có cửa khẩu Cầu Treo thuận tiện cho việc giao lưu với các nước Lào, Thái Lan. Tuy vậy, kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đó, hơn nữa, kết quả đánh giá xếp hạng thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy Hà Tĩnh chưa phải là địa phương có điểm số và thứ hạng cao. Để tạo dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, phát triển doanh nghiệp và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân thì việc nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng.

2. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hà Tĩnh

Là tỉnh có những lợi thế nhất định về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, giao thông, cửa khẩu, cảng biển… song trong những năm qua, nhìn tổng thể điểm số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Tĩnh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhiều tiêu chí còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự biến động chỉ số PCI của Hà Tĩnh khá lớn đang đặt ra nhiều vấn đề quan tâm. Điều này thể hiện thông qua biểu đồ chỉ số PCI của Hà Tĩnh giai đoạn 2007-2015. Trong suốt giai đoạn 2007-2011, chỉ số PCI của Hà Tĩnh liên tục tăng từ 45,56 điểm năm 2007 lên 65,97 điểm (nhảy vọt từ hạng 46/63 năm 2007 lên hạng 7/63 vào năm 2011) thì 4 năm liên tiếp trở lại đây lại giảm điểm liên tục và xếp vào tốp trung bình cả nước.

Trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định trong việc cải thiện một số lĩnh vực thuộc môi trường kinh doanh như thay đổi tư duy nhìn nhận về vai trò của doanh nghiệp và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đối với sự phát triển của tỉnh, hạn chế những can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chấn chỉnh các khâu trong quản lý nhà nước, các nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính,… song nhìn chung đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh về những cải thiện trong môi trường đầu tư và kinh doanh ở Hà Tĩnh vẫn chưa thực sự tốt.

Sự cải thiện các chỉ số thành phần PCI của Hà Tĩnh chưa thật sự đồng đều. Năm 2012, các chỉ số thành phần dưới 7 điểm còn nhiều (7/9 chỉ số), chỉ có 2 chỉ số là chi phí gia nhập thị trường (8.96 điểm) và tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất (7.61) là đạt trên 7 điểm. So với năm 2011 rất nhiều các chỉ số thành phần đều sụt giảm như: tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, thiết chế pháp lý. Năm 2013 có 3 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2012 đó là: chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp từ 4,13 tăng lên 6,28 điểm (xếp thứ 5/63); chỉ số đào tạo lao động từ 5,32 tăng lên 6,08 điểm (xếp thứ 8/63); chỉ số thiết chế pháp lý từ 2,46 tăng lên 4,27 điểm (xếp thứ 58/63). Các chỉ số tăng điểm nhưng thứ hạng không đồng đều. Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động ở vị trí thuộc nhóm tốt. Chỉ số thiết chế pháp lý tăng điểm nhưng vẫn ở mức dưới trung bình. Năm 2014 có 6 chỉ số tăng điểm song mức độ tăng không nhiều, nhiều chỉ số ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Năm 2015, có 5/10 chỉ số giảm điểm, đặc biệt chỉ số cạnh tranh bình đẳng vẫn ở mức thấp nhất cả nước.

Bảng thống kê các chỉ số thành phần cấu thành PCI của Hà Tĩnh giai đoạn 2007 - 2015

Nguồn: VCCI, Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam các năm

3. Giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới

Ý thức được tầm quan trọng trong cải thiện chỉ số PCI, Hà Tĩnh đã và đang tập trung xây dựng kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ. Trong thời gian tới, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

a. Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh doanh tại địa phương

Xây dựng và đảm bảo khung pháp lý thuận lợi, minh bạch: Trên cơ sở chính sách, pháp luật của Trung ương và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Hà Tĩnh, chính quyền cấp tỉnh cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính ổn định, nhất quán và hiệu quả thấp.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Quá trình cải cách thủ tục hành chính của tỉnh phải đảm bảo những yêu cầu về tính thống nhất của hệ thống thủ tục hành chính; sự chặt chẽ của hệ thống thủ tục hành chính; tính hợp lý, khoa học, rõ ràng và công khai của các thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính phải dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính khả thi và ổn định. Cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới cần tập trung vào các vấn đề: (i) Tiếp tục bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, (ii) Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, thúc đẩy việc công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục, (iii) Đào tạo và bố trí lực lượng cán bộ có năng lực tốt.

Nâng cao tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh: Đây là nội dung quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh doanh tại địa phương. Tỉnh cần tăng cường thông tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để các doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm bắt được chủ trương, chính sách của Nhà nước, của địa phương. Việc cung cấp thông tin có thể thực hiện qua nhiều kênh khác nhau như báo chí địa phương, các hiệp hội tại địa phương hay các buổi họp giao ban giữa chính quyền và doanh nghiệp,…

Củng cố và xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh: Khẩn trương củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức tỉnh Hà Tĩnh thông qua việc tiêu chuẩn hóa cán bộ và quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ. Gắn quyền hạn với trách nhiệm, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đồng thời buộc cán bộ các cấp phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu làm sai. Thực hành có hiệu quả, thiết thực các chương trình hành động của tỉnh về thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng.

b. Phát huy mạnh mẽ tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp, ngành

Lãnh đạo các cấp, các ngành có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của địa phương. Nâng cao tính năng động, tiên phong của đội ngũ lãnh đạo là cơ sở đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý của địa phương.

Cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ công chức nhà nước về phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, đó là sự đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao nhận thức về vai trò của sản xuất kinh doanh, vai trò của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần quan tâm, khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, coi đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cần hình thành bộ máy lãnh đạo của tỉnh mạnh, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua các diễn đàn doanh nghiệp thường niên hoặc tổ chức gặp mặt theo yêu cầu thực tế giúp cán bộ tỉnh sớm nắm bắt được các nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có thể nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.

Cải cách trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Lãnh đạo tỉnh và các nhà quản lý cần tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư, nắm bắt được những đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư ở địa phương để từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh. Vận động các nhà đầu tư mới và những nhà đầu tư tiềm năng cả trong và ngoài nước và cam kết tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư.

c. Tăng khả năng tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh

Việc giải quyết đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch của tỉnh. Trên cơ sở các quy hoạch, cần có chính sách ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, khai thác những lợi thế của tỉnh và có tính cạnh tranh cao.

Để giải quyết những mâu thuẫn trong lĩnh vực đất đai, phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan như chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư sao cho rõ ràng, mạch lạc, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Kiên quyết thực hiện việc thu hồi đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Định kỳ tiến hành rà soát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư, sử dụng quỹ đất nhà nước giao trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý những dự án không hoặc chậm triển khai.

Cần nâng cao tính chuyên nghiệp, công khai trong việc đấu giá quyền sử dụng đất trong giao đất, thuê đất để doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tiếp cận đất đai một cách bình đẳng. Khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp và nhà đầu tư sử dụng đất tại các vùng còn nhiều đất chưa sử dụng, đất trống, đồi núi trọc,…

d. Phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, là điều kiện thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao ở tỉnh Hà Tĩnh. Đây vừa là giải pháp cấp bách nhưng đồng thời cũng là giải pháp mang tính chiến lược nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh trong dài hạn. Hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Hà Tĩnh ngày càng tăng và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Tĩnh trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ dân trí. Phát triển toàn diện con người Hà Tĩnh về thể trạng, thể lực, đạo đức, ý chí, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong, ý thức kỷ luật,…

Thứ hai, xác định rõ định hướng đào tạo nghề. Ưu tiên và gắn kết giữa đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Đào tạo nghề cần đi trước một bước là chuẩn bị quan trọng cho quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các biện pháp cần thực hiện:

- Phát triển đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng lao động.

- Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thông qua việc phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nhân lực.

- Nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

- Phát triển thị trường lao động địa phương. Thị trường lao động là đầu ra của đào tạo nghề, do vậy, cần tạo mối liên kết giữa thị trường sức lao động, các đơn vị sản xuất kinh doanh với các trung tâm xúc tiến việc làm và các cơ sở đào tạo, dạy nghề.

- Thu hút chuyên gia trình độ cao và nhân tài. Bên cạnh chính sách đào tạo nguồn nhân lực, cần có chính sách tạo sự hấp dẫn để thu hút nhân tài và lao động có kỹ năng, có trình độ chuyên môn cao ở ngoài tỉnh phục vụ sự phát triển kinh tế của tỉnh.

- Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, nhất là đào tạo nghề.

- Tạo lập cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực tại doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Thu Hà (2009), Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội.

2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Quỹ châu Á (2005), Điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam - Những thực tiễn tốt nhất, Hà Nội.

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam các năm.

4. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (2010), Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.

5. http://www.pcivietnam.org/ha-tinh

SOLUTIONS TO IMPROVE THE CPI OF HA TINH PROVINCE

Master. TRAN NGUYEN THO

Peoples Committee of Ha Tinh province

Master. NGUYEN THI BICH LIEN

Faculty of Economics, Vinh University

ABSTRACT:

The Provincial Competitiveness Index (PCI) was introduced by Vietnam Chamber of Commerce and Industry (VCCI) in collaboration with Vietnam Competitiveness Initiative (VNCI) project under the the United States Agency for International Development in 2005. The PCI is considered a significant factor for investors, particularly foreign investors to invest in Vietnamese provinces. Recoginizing the importance role of improving the CPI, Ha Tinh province has focused on drafting a plan for improving the provincial business environment, enhancing the provincial competitiveness in accordance with the Resolution No.19/NQ-CP dated March 18th, 2014 by Vietnamese government on major tasks and solutions for improving the business environment and national competitiveness.

Keywords: Provincial competitiveness, PCI, Ha Tinh province.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây