Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn ngân sách nhà nước Việt Nam trong bối cảnh Covid-19

TRẦN ANH DŨNG (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, chính phủ các nước trong đó có Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung và phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) nói riêng. Một trong những vấn đề quan trọng được ưu tiên hiện nay đó là tăng cường, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN để đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng thâm hụt NSNN ở Việt Nam trong bài viết kỳ 1, bài viết kỳ này sẽ đề xuất một giải pháp giúp nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, cụ thể là tăng cường đấu thầu phát hành TPCP bằng ứng dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain.

Từ khóa: thâm hụt ngân sách, nâng cao hiệu quả huy động vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ, công nghệ Blockchain.

1. Đặt vấn đề

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, những gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn lần lượt được các chính phủ thực thi khiến hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và mức nợ chính phủ tăng cao. Chính vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp  nhằm bù đắp thâm hụt NS và nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN, đáp ứng nhu cầu vốn ngày tăng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Một trong những giải pháp chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình huy động vốn cho NSNN, hay nói cách khác là ứng dụng công nghệ vào hoạt động đấu thầu phát hành TPCP bởi (i) việc bù đắp thâm hụt NSNN hiện nay chủ yếu được thực hiện thông qua việc phát hành TPCP và (ii) đại dịch COVID-19 đang diễn ra trong bối cảnh công nghệ 4.0. Do đó, bên cạnh việc tạo ra những thách thức, COVID-19 cũng thúc đẩy làn sóng chuyển dịch sang nền kinh tế số. Trong đó, công nghệ chuỗi khối Blockchain hiện đang được xem là một công nghệ "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, nền tảng công nghệ Blockchain có thể mang lại những lợi ích đáng kể về cải thiện hiệu suất vận hành của hệ thống giao dịch và phát hành chứng khoán, bao gồm cả TPCP - là công cụ huy động vốn hữu hiệu để bù đắp cho bội chi NSNN. Để làm rõ vấn đề này, bài viết này tác giả sẽ tập trung đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN Việt Nam nhờ ứng dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain trong công tác phát hành TPCP.

2. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN trong bối cảnh COVID-19

2.1. Tổng quan lý thuyết về công nghệ chuỗi khối Blockchain

Trong làn sóng CMCN 4.0, blockchain được xem là một trong các công nghệ nền tảng có ý nghĩa quan trọng cho việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số và sự phát triển của các công nghệ mới trong tương lai. Với đặc tính không thể gian lận và không thể phá hủy, công nghệ blockchain mang lại khả năng quản lý và chia sẻ dữ liệu với tính hiệu quả và bảo mật vượt trội. Theo Melanie Swan (2015), nhà sáng lập Học viện Nghiên cứu blockchain: “Về cơ bản, blockchain là một sổ cái kỹ thuật số công khai có tiềm năng trở thành kho lưu trữ toàn cầu phi tập trung phục vụ việc đăng ký, kiểm kê và giao dịch tất cả các loại tài sản - không chỉ liên quan đến tài chính, mà còn bao gồm các loại tài sản hữu hình và vô hình như phiếu bầu, phần mềm, dữ liệu sức khỏe, và ý tưởng.”

Các đặc điểm chính của công nghệ chuỗi khối blockchain có thể kể đến như:

- Không thể làm giả, không thể phá hủy các khối và chuỗi blockchain: Dữ liệu giao dịch sẽ không thể thay đổi sau khi đã được lưu trữ và xác nhận trong sổ cái đủ lâu. Dữ liệu được lưu trữ trong các khối được liên kết với nhau thành chuỗi; trong mỗi khối có “dấu vết” của toàn bộ các giao dịch khác - các khối khác trong toàn bộ chuỗi khối - và các thông tin được mã hóa ngẫu nhiên.

- Bất biến: Hệ thống blockchain khi phát triển đến một quy mô đủ lớn sẽ trở nên không thể phá hủy. Nguyên tắc đồng thuận phân tán khiến việc thẩm định và xác thực được thực hiện ngày càng gia tăng theo số lượng máy tính (node) tham gia vào hệ thống, đồng thời năng lực xử lý của hệ thống mạng ngang hàng cũng ngày càng tăng cao.

- Bảo mật dữ liệu: Công nghệ blockchain áp dụng mật mã hóa (cryptography) để đảm bảo tính minh bạch, toàn vẹn và riêng tư của dữ liệu lưu trữ trên hệ thống. Các node trong hệ thống không thể xóa, chỉ có thể đọc và ghi dữ liệu.

- Minh bạch: Tất cả dữ liệu lưu trữ trên hệ thống blockchain đều công khai và có thể được xem xét, kiểm tra bởi tất cả các thành viên tham gia hệ thống, nhờ vậy đảm bảo sự minh bạch tối đa.

- Hợp đồng thông minh: Công nghệ blockchain làm nền tảng cho hợp đồng thông minh cho phép việc tự động thực hiện các điều khoản, thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng một cách minh bạch và an toàn mà không cần sự can thiệp của một bên thứ ba nào làm trung gian bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng (Rishi và cộng sự, 2018).

2.2. Xu hướng huy động vốn bằng công nghệ Blockchain trên thế giới

Cho đến nay, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của hơn 200 quốc gia và các vùng lãnh thổ khác trên toàn thế giới. Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua; thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn; thất nghiệp tăng cao, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí hoảng sợ của các nhà đầu tư tài chính. Trước những diễn biến và ảnh hưởng chưa từng có của dịch COVID-19, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc đại suy thoái năm 1930. Cú sốc của đại dịch COVID-19 năm 2020 đã ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đồng loạt rơi vào suy thoái và đạt mức tăng trưởng âm.

Trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất quỹ liên bang xuống gần bằng 0 để duy trì nền kinh tế và đưa ra một loạt các biện pháp, bao gồm cả việc mua TPCP hàng tháng. Bảng cân đối kế toán hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã mở rộng lên 8,6 nghìn tỷ USD, thị trường dự kiến ​quá trình giảm tốc độ những vụ mua bán tài sản của FED - tapering[1] sẽ bắt đầu vào tháng 11/2021. Sau khi FED hạ lãi suất về xấp xỉ bằng 0 và thực hiện bơm tiền mạnh mẽ, lạm phát sẽ có khả năng tiếp tục tăng cao và khiến đồng tiền mất giá.

Những nguyên nhân trên dẫn đến tài sản tại các thị trường mới nổi trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư khi chính sách tiền tệ toàn cầu được thắt chặt và lạm phát quay trở lại. Điều này dẫn tới các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, cần chuẩn bị tâm lý khi dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường, trong bối cảnh lãi suất TPCP Mỹ leo dốc và lạm phát có dấu hiệu quay trở lại.

Châu Á đang là điểm trũng của đại dịch COVID-19, thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng chung của khu vực. Ngân hàng Trung ương nhiều nước châu Á đang đương đầu với "bài toán khó". Họ vẫn phải duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế còn đang yếu kém, cùng lúc phải ngăn rủi ro vốn bị rút đi. Do đó, các quốc gia này đã phải thực hiện các gói chính sách tài khóa, tiền tệ, dẫn đến gia tăng nợ công và thâm hụt NSNN, từ đó xu hướng phát hành TPCP để huy động vốn cho NSNN, đặc biệt ứng dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain trong công tác phát hành TPCP là các giải pháp được nhiều nước hướng tới.

2.3. Kinh nghiệm phát hành TPCP bằng công nghệ blockchain trên thế giới

2.3.1. Kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình tại châu Á

Thái Lan: Là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain để phát hành TPCP tại châu Á. Tháng 10/2020, sau khi chính thức ra mắt nền tảng phát hành TPCP tiết kiệm dựa trên blockchain đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ chuỗi khối của IBM, Thái Lan đã huy động được 50 tỷ baht (~1,6 tỷ USD) trái phiếu tiết kiệm thông qua việc phát hành 2 loại trái phiếu cho các nhà đầu tư bán lẻ, bao gồm: (1) 5 tỷ baht (~160 triệu USD) trái phiếu 1 Baht[2]; và (2) 45 tỷ baht (~1,44 tỷ USD) trái phiếu Moving Forward[3].

Philippines: Tháng 7/2020, Chính phủ Philippines đã phát hành thành công 516 tỷ peso trái phiếu RTB-24 (~11 tỷ USD). Trong đó, có 48 triệu peso (~1 triệu USD) được huy động thông qua ứng dụng Bonds.PH[4]. Mặc dù, khối lượng vốn huy động được thông qua ứng dụng Bonds.PH trong đợt phát hành này chỉ khoảng 1 triệu USD, nhưng đây vẫn được đánh giá là lần ra mắt thành công và là một dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ blockchain vào thị trường vốn trong tương lai. Tiếp nối thành công này, Philippines đã có những bước phát triển mới trong việc ứng dụng công nghệ blockchain vào phát hành TPCP bao gồm: (1) Việc thành công phát hành trái phiếu Premyo lần thứ 2 với tổng trị giá 5 tỷ peso (~100 triệu USD) vào tháng 11/2020 thông qua cả kênh truyền thống và ứng dụng Bonds.PH; và (2) Hợp tác với UnionBank và Ngân hàng Standard Chartered (SCB) để hoàn thành một bằng chứng về khái niệm phát hành trái phiếu bán lẻ trên nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain vào tháng 12/2020, đồng thời phát hành thử nghiệm thành công trái phiếu kép 3 và 5.25 năm với tổng trị giá 9 tỷ peso (~187 triệu USD) trên nền tảng blockchain do UnionBank và SC Ventures đồng phát triển.

2.3.2. Kinh nghiệm của một số tổ chức tài chính thế giới

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB): Cuối tháng 4/2021, EIB đã chính thức thông báo về đợt phát hành trái phiếu kỹ thuật số đầu tiên trên nền tảng chuối khối Ethereum. Theo thông báo của Ngân hàng, EIB đã phát hành trái phiếu kỹ thuật số trị giá 100 triệu Euro (~120.8 triệu USD) trong thời hạn 2 năm dưới dạng mã thông báo bảo mật trên chuỗi khối công cộng Ethereum. Các ngân hàng đầu tư bao gồm Goldman Sachs, Banco Santander và Société Générale là các đơn vị giám sát việc bán trái phiếu.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Commonwealth Bank (CBA) của Úc: Sau gần 1 năm nghiên cứu và phát triển, vào tháng 8/2018, WB đã chính thức ra mắt và phát hành thành công 110 triệu đôla Úc (~80,48 triệu USD) trái phiếu Bond-I. Đây là trái phiếu đầu tiên trên thế giới được tạo ra, phân bổ, chuyển đi và quản lý bằng công nghệ Blockchain. Trái phiếu này được phát hành và quản lý trên Ethereum Blockchain, do Ngân hàng Thế giới tại Washington và Ngân hàng CBA có trụ sở tại Sydney (Úc) điều hành. Sau thành công của đợt phát hành này, vào giữa tháng 8/2019, WB đã tiếp tục phát hành thành công trái phiếu trên Blockchain lần thứ 2[5] với tổng trị giá 50 triệu đôla Úc (~33,8 triệu USD). Như vậy, thông qua 2 vòng huy động vốn, WB đã phát hành thành công 160 triệu đôla Úc (~108 triệu USD) trái phiếu Blockchain. Việc phát hành trái phiếu Blockchain được đánh giá là một bước tiến của WB nhằm thâm nhập sâu hơn vào thế giới mới về tài chính điện tử, đồng thời đánh dấu bước khởi đầu trong việc chuyển việc bán trái phiếu từ các quy trình thủ công, sang tự động hóa nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.

Ngoài ra, hiện nay, rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới như: Hàn Quốc, Áo, Pháp, Colombia,… cũng đang từng bước tiến hành các nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ Blockchain trong phát hành và giao dịch chứng khoán.

2.4. Các điều kiện cần thiết để Việt Nam áp dụng giải pháp tăng cường phát hành TPCP bằng công nghệ Blockchain

Thị trường TPCP Việt Nam kể từ khi thành lập vào tháng 9/2009 đã cho thấy những sự thay đổi đáng kể không chỉ về quy mô mà còn về kỹ thuật, cũng như hệ thống phát hành và thanh toán. Đến nay, sau 12 năm hoạt động, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho NSNN, gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Bắt đầu từ hình thức phát hành riêng lẻ từ những năm đầu tiên, hiện nay hầu hết TPCP đều được phát hành theo hình thức đấu thầu thông qua hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử của HNX. Tuy nhiên, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện hiệu quả cung cấp thông tin định hướng cho nhà đầu tư và nâng cấp năng lực và thanh khoản của thị trường là những đòi hỏi cấp thiết để thị trường trái phiếu tiếp tục phát triển bền vững.

Trước xu hướng thay đổi và đột phá của các công nghệ tài chính, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào thị trường trái phiếu à đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới và sẽ trở thành tương lai gần tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị lâu dài. Để có thể lập kế hoạch triển khai và ứng dụng công nghệ blockchain vào thị trường trái phiếu Việt Nam nói chung và đặc biệt là ứng dụng vào công tác đấu thầu phát hành TPCP nói riêng trong tương lai, một số gợi ý thay đổi cần được triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ blockchain đòi hỏi một nền tảng công nghệ vững mạnh. Do vậy, Sở giao dịch HNX tại Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho hệ thống phát hành và giao dịch trái phiếu của mình. Việc giải quyết được các thách thức về tốc độ giao dịch, quá trình xác minh và giới hạn của dữ liệu là rất quan trọng trong việc áp dụng công nghệ blockchain một cách rộng rãi.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động đấu thầu TPCP. Cụ thể, phía Nhà nước cần ban hành các văn bản pháp lý rõ ràng về việc ứng dụng công nghệ này trên thực tế. Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều chính phủ trên thế giới vẫn còn lúng túng trong việc ban hành và thực thi các văn bản pháp quy đối với việc ứng dụng các công nghệ mới trong giao dịch và tài chính, một phần do những rủi ro đi kèm mà các công nghệ này mang lại.

Thứ ba, vấn đề an ninh mạng cần được chú trọng nhiều hơn để đảm bảo tính bảo mật cho các giao dịch. Dù hiện nay đã có giải pháp để giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra các mạng lưới riêng với các thành viên được cấp phép thay cho các mạng lưới công khai, nơi tất cả các thành viên đều có quyền truy cập nhưng việc tăng cường an ninh mạng sẽ tạo được niềm tin cho công chúng, từ đó việc áp dụng công nghệ blockchain trở nên dễ được chấp nhận hơn.

Thứ tư, các thành phần tham gia thị trường cũng cần có chiến lược lâu dài để kịp thích ứng và thay đổi khi công nghệ blockchain được áp dụng vào hệ thống phát hành và giao dịch trái phiếu. Hiện nay, mỗi thành phần tham gia thị trường đều giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ quy trình phát hành và thanh toán trái phiếu. Tuy nhiên, nếu công nghệ blockchain được áp dụng, vai trò của một số bên tham gia hệ sinh thái này có thể sẽ thay đổi.

Thứ năm, việc cung cấp các hiểu biết cơ bản về công nghệ cho các nhà đầu tư cũng rất quan trọng. Chuyển đổi công nghệ nghĩa là thay đổi và thích ứng với một môi trường giao dịch hoàn toàn mới, điều vốn không dễ chấp nhận nhanh chóng với số đông. Việc cập nhật các kiến thức về blockchain giúp cho nhà đầu tư hiểu rõ hơn ưu điểm và hiệu quả mà nó mang lại trong hoạt động giao dịch chứng khoán. Từ đó, tạo được tâm lý tin cậy và sẵn sàng thay đổi trong tương lai từ phía các nhà đầu tư.

3. Kết luận

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ Blockchain đang được xem là chìa khóa cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ trong tương lai. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh những tiềm năng ứng dụng to lớn của công nghệ này trong các lĩnh vực của đời sống. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cụ thể là trong thị trường trái phiếu, công nghệ Blockchain đã được chứng minh là có khả năng đem lại những lợi ích đáng kể giúp số hóa toàn bộ quy trình phát hành và giao dịch TPCP thông qua việc rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí và các khâu trung gian trong quá trình phát hành và giao dịch TPCP. Hơn nữa, hiện nay, trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào thị trường chứng khoán, cụ thể là công tác phát hành TPCP, điển hình nhất là Philippines và Thái Lan. Do đó, việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào công tác phát hành TPCP của Việt Nam trong thời gian tới sẽ là giải pháp mang tính đột phá và có nhu cầu vô cùng cấp thiết. Đây là một trong những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả huy động vốn cho NSNN để có thể đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bài viết này không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà còn có ý nghĩa thực tiễn, hỗ trợ các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình điều hành và vận hành thị trường tài chính.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]FED -Tapering có thể hiểu đó là một sự thu hẹp, siết chặt lại chính sách tiền tệ. Taper thường được dùng sau khi FED đã sử dụng cách thức nới lỏng chính sách khác đó là bơm tiền, gọi là quantitative easing (QE) - nới lỏng định lượng - tức là FED bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách dùng tiền mua trái phiếu hoặc chứng khoán của các ngân hàng thương mại nhằm đẩy lợi tức trái phiếu - bond yield - xuống thấp hơn, đồng thời cung cấp cho các ngân hàng thương mại một lượng tiền dồi dào hơn. FED thường thực hiện QE sau khi đã hạ lãi suất xuống rất thấp đến độ không thể hạ được nữa.

[2]Trái phiếu 1 baht được phát hành dựa trên kết quả thử nghiệm phát hành thành công 200 triệu baht trái phiếu tiết kiệm với giá 1 baht thông qua nền tảng blockchain và hệ thống ví điện tử của Ngân hàng Nhà nước Krung Thai vào tháng 06/2020.

[3]Trái phiếu Moving Forward được phát hành bởi 03 ngân hàng, bao gồm: Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng Kasikorn và Ngân hàng Thương mại Siam với mức giá khởi điểm là 1.000 baht.

[4]Bonds.PH là ứng dụng bán lẻ trái phiếu kho bạc dựa trên nền tảng công nghệ sổ cái phân tán (DLT)/công nghệ blockchain. Ứng dụng Bonds.PH đã chính thức được ra mắt vào ngày 16/07/2020 thông qua sự hợp tác của Kho bạc Quốc gia Philippines (Bureau of the Treasury - BTr), Union Bank và Sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Philippines (Philippine Digital Asset Exchange - PDAX). Sau khi ra mắt, ứng dụng này đã nhận được hơn 25.000 lượt tải về và xử lý tổng cộng khoảng 3.000 giao dịch.

[5]Đợt phát hành này dựa trên phương thức phát hành chứng khoán nợ trên Blockchain (blockchain-operated debt instrument) của CBA được bảo trợ bởi 02 công ty là RBC Capital Markets và TD Securities.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi. (2020). Thế giới có thể bị thiệt hại 8,8 nghìn tỷ USD vì COVID-19, truy cập tại: https://cand.com.vn-/Thi-truong/The-gioi-co-the-bi-thiet-hai-8-8-nghin-ty-USD-vi-COVID-19-i565910/
  2. Hoàng Mạnh Thắng, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Kim Quang, Hoàng Thị Thu (2014). Ứng dụng blockchain tăng cường độ tin cậy cho hệ thống xác thực nguồn gốc EZCHECK. Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT, truy cập tại: http://cdit.ptit.edu.vn/wp-content/uploads/2014/03/11.-Bai-bao-ezChain-edited-8.3.pdf
  3. Dương Huy (2021), Thị trường đang kỳ vọng 'taper'. Vậy 'taper' là gì và nó ảnh hưởng gì đến thị trường FX?, truy cập tại: https://traderviet.com/t/thi-truong-dang-ky-vong-taper-vay-taper-la-gi-va-no-anh-huong-gi-den-thi-truong-fx.48336/
  4. Nguyễn Hà (2021), 2014 và 2021: taper sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng giá tài sản?, truy cập tại: https://vi.money/2014-2021taper-se-anh-huong-xu-huong-gia-tai-san-35045/
  5. Bureau of the Treasury Press Release, (12/08/2020), BTr raises record P516-B from five-year PROGRESO Bonds, truy cập tại: https://www.treasury.gov.ph/wp-content/up-loads/2020/08/BTR_P-R_RTB24.pdf
  6. Standard Chartered Press Release. (07/12/2020). UnionBank, Standard Chartered pioneer blockchain-enabled bond issuance in the Philippines. Retrieved from: https://av.sc.co-m/corp-en/nr/ph/content/docs/SCB_PR-UnionBank-Standard-Chartered-pioneer-blockchain-enabled-bond-issuance-in-the-Philippines-.pdf.
  7. EIB Press Release. (2021). EIB issues its firrst ever digital bond on a public blockchain. Retrieved from: https://www.eib.org/en/press/all/2021-141-european-investment-ba-nk-eib-issues-its-first-ever-digital-bond-on-a-public-blockchain#.
  8. IBM. (2020). Bank of Thailand launches world’s first Government Savings Bond on IBM Blockchain Technology. Retrieved from: https://newsroom.ibm.com/2020-10-05-Bank-of-Thailand-Launches-Worlds-First-Government-Savings-Bond-on-IBM-Blockchain-Technology.
  9. Ledger Insights. (2019). World Bank’s blockchain bond raises additional $34 million. Retrieved from: https://www.ledgerinsights.com/world-bank-blockchain-bond-raisesmo-re commonwealth.
  10. Moody’s Investors Service. (2018). IBRD (World Bank): Success of blockchain bond demonstrates potential of distributed ledger technology. Retrieved from: https://thedocs.worldbank.org/en/doc/9311015367840679820340022018/original/MoodysIBRDBlockchain.pdf.

SOLUTION TO IMPROVE THE EFFICIENCY OF CAPITAL MOBILIZATION
FOR VIETNAM'S STATE BUDGET IN THE CONTEXT
OF COVID-19 PANDEMIC

• TRAN ANH DUNG

Hanoi University of Business and Technology

ABSTRACT:

Governments including the Government of Vietnam have faced many difficulties in the capital mobilization for state budget in general and in the government bond issuances in particular due to the COVID-19 pandemic. One of the current important priority tasks of Vietnam is to strengthen and improve the efficiency of capital mobilization for the state budget to meet the country's socio-economic development needs. Based on the analysis and assessment of the state budget deficit of Vietnam in the first paper, this second paper propose a solution to improve the efficiency of capital mobilization for Vietnam's state budget in the context of COVID-19 pandemic. This solution is to enhancing the bidding process for government bonds by using Blockchain technology.

Keywords: state budget deficit, improving the efficiency of capital mobilization, government bond issuance, Blockchain technology.