TÓM TẮT:

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên trong quá trình thực hiện Luật còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, nghiên cứu này tập trung đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế và đề xuất một số giải pháp để Luật Hoạt động chữ thập đỏ thực hiện có hiệu quả hơn.

Từ khóa: Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, hiệu quả, giải pháp.

1. Những kết quả đạt được của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ

Qua 10 năm thực hiện, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân về hoạt động nhân đạo nói chung và hoạt động Chữ thập đỏ nói riêng. Các quy định của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ đã làm cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân và các cấp Hội Chữ thập đỏ thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào, chương trình, dự án hoạt động chữ thập đỏ.

Luật đã khơi dậy các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ủng hộ, cứu trợ những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do bệnh tật, thiên tai lũ lụt, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật; hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh; cấp học bổng cho các học sinh nghèo và tham gia các phong trào, chương trình nhân đạo; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ,…

Ở các tỉnh biên giới, các cơ quan, tổ chức đã phối hợp với các cấp Hội Chữ thập đỏ về tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, sốt rét, HIV/AIDS, H5N1, vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm; tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu ban đầu, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, công tác cứu trợ đồng bào ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới,…

Trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, cũng như các cấp Hội chữ thập đỏ luôn coi hoạt động chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo là một trong những hoạt động quan trọng, nên đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để tổ chức nhiều phong trào, dự án như:

- Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Đây là phong trào đã thu hút nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội tham gia và được triển khai sâu rộng ở mọi miền đất nước. Ở Trung ương cũng như ở nhiều địa phương đã có sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phong trào; nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, nhà hảo tâm tham gia tích cực phong trào này; kết quả thực hiện năm sau cao hơn năm trước. Ở một số địa phương kết hợp đã phong trào này với các họat động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân tai nạn giao thông, hộ gia đình chính sách, gia đình cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo -  biên giới gặp nhiều khó khăn. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã vận động và trao tặng cho hơn 17 triệu suất quà Tết với tổng trị giá đạt trên 4.524 tỷ đồng[1].

- Dự án “Ngân hàng bò” được triển khai có hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, Trung ương Hội chỉ đạo triển khai Chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” với sự tham gia của một số cơ quan, tổ chức, nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được triển khai ngày càng sâu rộng; đã vận động và trao tặng 30.363 con bò (trong đó có trên 30% số bò là do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng) cho các hộ nghèo thuộc 1.349 xã. (trong đó có 345 xã biên giới), với số tiền là 382 tỷ đồng [1].

- Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được triển khai, ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả rõ rệt, tập trung vào các hình thức trợ giúp thường xuyên, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, học nghề, tạo việc làm, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã trợ giúp và vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trợ giúp cho hơn 2.355.000 địa chỉ với tổng trị giá đạt 3.831 tỷ đồng. Trong tổng số các địa chỉ được hỗ trợ, có 42% (938.000 địa chỉ) do tổ chức Hội hỗ trợ; 58% (1.372.000 địa chỉ) do Hội vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn thể khác hỗ trợ; đã vận động xây mới được hơn 18. 500 ngôi nhà tặng cho các gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn [1].

 - Hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tiếp tục được chăm lo, nhất là vào dịp Tết và gắn với thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” bằng các hình thức trợ giúp thường xuyên, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chăm nuôi, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã vận động trợ giúp hơn 3,6 triệu lượt nạn nhân chất độc da cam, trị giá 675 tỷ 450 triệu đồng [1].

Công tác trợ giúp nhân đạo đã hướng về biển đảo, trợ giúp ngư dân nghèo vươn khơi bám biển, chăm lo gia đình chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các cuộc vận động trợ giúp, năng lực vận động nhân đạo, tính chuyên nghiệp trong hoạt động nhân đạo của tổ chức Hội và các cơ quan, tổ chức khác ở nhiều nơi được nâng lên; sự phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức trong hoạt động nhân đạo được củng cố, từng bước khẳng định vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo, góp phần giảm bớt chồng chéo, trùng lặp, thiếu công bằng trong hoạt động nhân đạo.

Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, tổ chức khám chữa bệnh cho những người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn; thực hiện vệ sinh, phòng bệnh, tiêm phòng, chống dịch, cung cấp thuốc miễn phí, nước sạch cho nhân dân, phòng chống sốt rét, bướu cổ, phòng chống HIV/AIDS. Các cấp Hội cũng đã tiến hành rà soát, củng cố hệ thống trạm, điểm sơ cấp cứu; đào tạo, tập huấn cho các tập huấn viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên sơ cấp cứu; đã sơ cứu cho gần 140.000 người, trong đó có trên 60.000 nạn nhân tai nạn giao thông [1]. Ở nhiều địa phương, Hội chữ thập đỏ cấp tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhất là các bệnh viện lớn ở Trung ương tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân địa phương.

Ở nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ; đến nay cả nước đã có hơn 400 trạm, điểm sơ cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện viên sơ cấp cứu, được trang bị kiến thức, tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản; thành lập các điểm sơ cấp cứu tại các xã, thị trấn. Đến nay, toàn Hội có 13 Trung tâm/cơ sở huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ; đào tạo và chuẩn hóa được 230 tập huấn viên và 75 hướng dẫn viên đảm bảo đủ số lượng tham gia huấn luyện, phổ biến kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng [1].

Hoạt động hiến máu nhân đạo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và có bước đột phá mới. Ở nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo đã được Ban Chỉ đạo các cấp và một số sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, trường học quan tâm thực hiện. Các cấp Hội luôn làm tốt vai trò tham mưu và thực hiện chức năng của cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo cùng cấp. Đến năm 2019, cả nước có 99,4% số đơn vị cấp huyện và 83,7% số đơn vị cấp xã lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo; thành lập hơn 3.200 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với trên 129.200 thành viên. Đã tổ chức tập huấn cho 192.900 lượt tình nguyện viên nòng cốt về tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện; vận động trên 16.795.530 lượt người hiến máu; tôn vinh, khen thưởng hàng chục vạn tập thể, cá nhân và gia đình có thành tích hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện; tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông lớn về hiến máu [1]. Trong hơn 10 năm qua, các cấp Hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài tiếp tục thực hiện Chiến lược về hoạt động phục hồi liên lạc gia đình (RFL). Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội Chữ thập đỏ các nước để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến những người bị thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thành lập mạng lưới gồm 64 cán bộ kết nối liên lạc gia đình (gồm: Trung ương Hội và 63 tỉnh, thành Hội); đã tiếp nhận và xử lý 69 đơn yêu cầu tìm kiếm, 70 tin nhắn, cuộc điện thoại yêu cầu tìm kiếm; hỗ trợ hồi hương 2 trường hợp; hoàn thành các biểu mẫu, tờ rơi về tìm kiếm tin tức thân nhân; tập huấn 316 cán bộ về kết nối liên lạc gia đình [1].

Trung ương Hội và các cấp Hội địa phương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác tổ chức tuyên truyền về các giá trị nhân đạo, như Truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc, tư tưởng nhân đạo của Hồ Chí Minh; các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo; chặng đường lịch sử, sự nghiệp nhân đạo và các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ở nhiều địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp tuyên truyền, làm lan tỏa và sâu sắc hơn các giá trị nhân đạo, truyền thống nhân ái của dân tộc, của nhân dân ta trong hoạt động nhân đạo; thực hiện Chương trình “Kết nối yêu thương” giúp đỡ các đối tượng khó khăn; về các hoạt động nhân đạo; biểu tượng chữ thập đỏ và vận động các nguồn lực cho hoạt động nhân đạo.      

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực (như tiền, hiện vật, các nguồn lực khác) để trợ giúp, hỗ trợ cho những người nghèo, người khuyết tật, nhiễm chất độc da cam, người già cô đơn,  những người dân ở nơi xẩy ra thiên tai, bão, lũ, hạn hán,... luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo sát sao và các cấp Hội, cơ quan, tổ chức khác thực hiện bằng các hình thức khác nhau để vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung tay, góp sức trợ giúp, ủng hộ nguồn lực.

Bên cạnh việc tăng cường vận động các nguồn lực trong nước, Trung ương Hội còn quan tâm đến việc vận động các nguồn lực từ nước ngoài, các tổ chức quốc tế bằng các hình thức khác nhau để có thêm nguồn lực trợ giúp cho các đối tượng đang gặp nhiều khó khăn ở trong nước. Trung ương Hội cũng đã kịp thời chỉ đạo các cấp Hội vận động ủng hộ các nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, như ủng hộ khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai ở Nepal, Philipin, Nga,...

Để nâng cao hiệu quả của Luật Hoạt động chữ thập đỏ, ở nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận động, quyên góp, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền, hiện vật và các nguồn lực khác cho các hoạt động chữ thập đỏ, cũng như công khai, minh bạch về các hoạt động này.

Nhiều tỉnh, thành Hội đã tổ chức tập huấn, bố trí cán bộ cho công tác xây dựng quỹ; ký kết với các tổ chức, nhà hảo tâm và thực hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả cho xây dựng quỹ và vận động nguồn lực cho quỹ. Đến nay, số dư của Quỹ hoạt động chữ thập đỏ của các cấp Hội trung bình đạt 3 - 5 triệu đồng ở cấp cơ sở, 20 - 50 triệu đồng ở cấp huyện, trên 100 triệu đồng ở cấp tỉnh [1].

Công tác hợp tác quốc tế về hoạt động nhân đạo tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy; quan hệ hợp tác với Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và các Hội Chữ thập đỏ các nước tiếp tục được củng cố, tăng cường; vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định.

2. Những hạn chế trong thực hiện Luật Hoạt động Chữ thập đỏ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Hoạt động Chữ thập đỏ còn bộc lộ những hạn chế, bất cập sau:       

- Có những lúc, những nơi công tác phối hợp trong việc vận động, quyên góp, cứu trợ, trợ giúp cho những người nghèo, người gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ còn có bất cập, chưa được chặt chẽ nên dẫn đến trùng lặp, chồng chéo các đối tượng được quyên góp và được trợ giúp, cứu trợ.

- Trong quá trình thực hiện cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo, ngoài các cấp Hội, còn có nhiều tổ chức, Hội khác tham gia vận động, quyên góp tiền, hiện vật để hỗ trợ cho những người nghèo, người bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, các đối tượng yếu thế khác và khi thực hiện đã không phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, nên việc quyên góp, cứu trợ, trợ giúp nhân đạo cho các đối tượng thường bị trùng lắp, chồng chéo hoặc có nhiều đối tượng không được trợ giúp.

- Ở một số địa phương, sự phối hợp giữa các cấp hội với các cơ sở y tế chưa chặt chẽ, thường xuyên; kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh còn ít; công tác huy động sự tham gia của xã hội và vận động nguồn lực để triển khai các cơ sở khám, chữa bệnh còn hạn chế; một số quy định của Thông tư số 30/2014/TT-BYT liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo còn bất cập làm hạn chế việc khám, chữa bệnh. Trong hoạt động sơ cấp cứu ban đầu còn có nhiều khó khăn, thiếu kinh phí, phương tiện, nên việc tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu còn hạn chế; việc hỗ trợ, trang bị dụng cụ còn ít, nên việc sơ cấp cứu ban đầu còn hạn chế. Vịệc vận động hiến máu nhân đạo, bảo quản máu còn bất cập, chưa có chính sách động viên, khuyến khích những tổ chức, cá nhân đã tham gia tích cực hiến máu nhân đạo và vận động hiến máu; ngân sách cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu và xử lý, bảo quản máu đã được tiếp nhận còn ít. 

- Hoạt động tuyên truyền các giá trị nhân đạo còn chưa được triển khai đồng bộ, mọi nơi; nội dung tuyên truyền chưa toàn diện. Kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền ở cấp huyện và cơ sở còn ít; mạng lưới cán bộ còn ít, hạn chế kỹ năng, phương pháp tuyên truyền,... 

- Việc đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa ở một số nơi còn chưa được quan tâm thỏa đáng; công tác vận động nguồn lực, xây dựng quỹ dự trữ chưa có sự chuyển biến tích cực, nguồn lực ứng phó của một số cấp Hội còn ít, chờ đợi từ sự hỗ trợ bên ngoài, mức dư các quỹ thấp so với yêu cầu hoạt động; công tác thông tin, thống kê, báo cáo thiếu chính xác.

- Tình trạng vi phạm việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ vẫn diễn ra khá phổ biến; có nhiều tổ chức, cá nhân đã lạm dụng, sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ sai mục đích và tùy tiện, nhất là sử dụng tại không ít các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, xe cứu thương, các chương trình truyền hình liên quan đến chăm sóc sức khỏe, các mặt hàng kinh doanh chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, quảng cáo, các chương trình chăm sóc sức khỏe,...

 Bên cạnh Hội Chữ thập đỏ các cấp, thì hiện nay có nhiều tổ chức, hội khác cũng tham gia vận động, quyên góp, trợ giúp nhân đạo, nên làm cho việc vận động, quyên góp nguồn lực và việc hỗ trợ, trợ giúp cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị chồng chéo, trùng lặp, dẫn đến tình trạng có không ít người được trợ giúp nhiều lần, xong cũng có nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không được nhận trợ giúp.

- Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện thường xuyên và ở các nơi, có địa phương chưa thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát; có những trường hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát còn hình thức, chưa sâu sát.

- Hội Chữ thập đỏ ở các tỉnh còn bị động trong tham gia hoạt động đối ngoại. Sự phối kết hợp với các Sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ. Ngân sách dành cho đối ngoại còn hạn chế không đáp ứng được yêu cầu, cán bộ có trình độ ngoại ngữ còn thiếu nên việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các đối tác nước ngoài còn nhiều hạn chế; việc xây dựng dự án, tổ chức làm việc, cập nhật thông tin còn gặp nhiều khó khăn.

- Công tác chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới cũng có lúc chưa được thường xuyên, kịp thời; có lúc, có nơi còn biểu hiện hành chính; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc cấp dưới kịp thời nên kết quả thực hiện chưa cao. Tổ chức Hội cơ sở ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, phát triển chưa đồng đều, chưa vững chắc; việc quản lý hội viên, tình nguyện viên ở không ít nơi chưa chặt chẽ. Hoạt động Hội ở một số nơi chậm đổi mới, hiệu quả hoạt động mờ nhạt. Công tác thông tin, thi đua - khen thưởng trong hệ thống Hội còn hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hoạt động Chữ thập đỏ chưa được thường xuyên; có một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật; nội dung và phương pháp tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật chưa sâu, chất lượng chưa cao.

- Hầu hết các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được ban hành rất chậm so với quy định và đến nay vẫn còn nhiều vấn đề mà Luật giao cho các Bộ hướng dẫn nhưng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn, nên ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện Luật.

- Nhiều quy định của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, nhất là quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cấp Hội Chữ thập đỏ; các chính sách của Nhà nước trong hoạt động Chữ thập đỏ; việc chủ trì phối hợp thực hiện các hoạt động Chữ thập đỏ còn quy định chung chung, mà chưa có văn bản quy định cụ thể, hướng dẫn thi hành nên rất khó khăn cho việc thực hiện.

- Ở một số địa phương, năng lực tham mưu, vận động, quyên góp của các cấp Hội và cán bộ Hội còn yếu, chưa tham mưu thường xuyên với cấp ủy Đảng, chính quyền để vận động nguồn lực phục vụ hoạt động nhân đạo; công tác vận động nguồn lực chưa đồng đều, còn tình trạng trông chờ, thụ động; mức dư quỹ hoạt động Chữ thập đỏ và dự trữ hàng cứu trợ ở hầu hết các cấp Hội rất ít so với yêu cầu; phát triển quan hệ đối tác thiếu bền vững, quản lý tài chính còn thiếu chặt chẽ; có không ít trường hợp thiếu nguồn lực và điều kiện cần thiết để thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ, nên dẫn đến hiệu quả thấp.

- Hoạt động của một số tổ chức Hội còn chậm đổi mới, phương thức hoạt động chưa thu hút, chưa tập hợp được nhiều hội viên, chưa gắn kết với các phong trào, chương trình nhân đạo; số lượng hội viên đông nhưng chất lượng chưa cao; cán bộ làm công tác hội thiếu ổn định; cơ chế tổ chức, bộ máy chưa đồng bộ; đặc biệt là chưa phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức trong hoạt động nhân đạo; chưa quan tâm củng cố, phát triển tổ chức Hội.

- Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, một số cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò Hội Chữ thập đỏ còn hạn chế, “cào bằng” về vị trí, vai trò của Hội Chữ thập đỏ như các tổ chức xã hội khác.

- Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ Hội từ Trung ương đến cơ sở chưa được quan tâm thỏa đáng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, nhất là chính sách tiền lương, phụ cấp công vụ, phụ cấp chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cấp xã.

- Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Chữ thập đỏ còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ chưa thực hiện thường xuyên, định kỳ; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong thực hiện Luật không rõ ràng,…

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ

Một là, cần sớm sửa đổi Luật Hoạt động Chữ thập đỏ theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, để điều chỉnh tất cả các hoạt động nhân đạo, từ thiện và các vấn đề liên quan. Xác định rõ các hoạt động nhân đạo cơ bản, bao gồm: công tác xã hội nhân đạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng; vận động hiến máu, hiến mô, tạng nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa và tuyên truyền các giá trị nhân đạo. Xác định Tổ chức nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với những quy định có tính nguyên tắc về địa vị pháp lý, vai trò, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội. Giao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong hoạt động nhân đạo, như trong việc vận động, quyên góp nguồn lực và hỗ trợ, trợ giúp cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khác để tránh chồng chéo, trùng lặp. Quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan đến hoạt động nhân đạo để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Hai là, cần có chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ (như sử dụng Biểu tượng chữ thập đỏ sai mục đích,…).

Ba là, bổ sung một số điều của Luật, như sửa đổi các hoạt động Chữ thập đỏ để phù hợp với thực tiễn; quy định rõ việc chủ trì, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc vận động, quyên góp và hỗ trợ, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế; quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành trong hoạt động Chữ thập đỏ; quy định cụ thể về vai trò, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp Hội Chữ thập đỏ..

Bốn là, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Luật Hoạt động chữ thập đỏ tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân.

Năm là, Nhà nước cần quan tâm tăng thêm biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cho các cấp Hội Chữ thập đỏ hoạt động; quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ, công chức đang công tác tại Hội Chữ thập đỏ được hưởng phụ cấp công vụ như các cán bộ, công chức khác trong hệ thống chính trị. 

Sáu là, xây dựng Quy chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, đảm bảo hoạt động nhân đạo, từ thiện được điều phối thống nhất, hiệu quả. Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần hướng dẫn các tổ chức, hội, các quỹ từ thiện hiện do Bộ quản lý phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động vận động nguồn lực và trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương, nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, thiếu công bằng trong trợ giúp các đối tượng.

Bảy là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Hội Chữ thập đỏ các cấp, nhất là Hội Chữ thập đỏ cơ sở; bố trí, điều động các cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, tâm huyết về công tác tại Hội Chữ thập đỏ và thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ Hội; chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo.

Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận động, quyên góp các nguồn lực và việc cứu trợ, trợ giúp cho các đối tượng thụ hưởng và có chế tài xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm sai, vi phạm pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2019), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hoạt động chữ thập đỏ.
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008), Luật số 11/2008/QH12 Luật Hoạt động Chữ thập đỏ.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2018), Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2017 - 2022 ngày 8 tháng 03 năm 2018.
  4. Chính phủ (2008), Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
  5. Chính phủ (2019), Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

 Solutions to improve the effectiveness of the Law on Red-Cross Activities

Master. Le Thi Phuong

Vietnam Red Cross Society

ABSTRACT:

After more than 10 years of implementation, the Law on Red-Cross Activities has achieved encouraging results. However, the law has also some shortcomings during its enforcement. This paper assesses the law’s achievements and shortcomings, and proposes some solutions to enhance the effectiveness of the Law on Red-Cross Activities.

Keywords: the Law on Red-Cross Activities, effectiveness, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]