Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam

ThS. Mai Thị Sen (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

Tóm tắt:

Trước xu thế hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, Việt Nam đang từng bước tiến hành cải cách toàn diện hệ thống kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, đòi hỏi về thông tin đa dạng, phục vụ cho công tác điều hành của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, công tác lập báo cáo kế toán quản trị chưa thực sự được quan tâm đúng mức, việc cung cấp thông tin cho nhà quản trị chưa kịp thời. Qua phân tích nội dung yêu cầu báo cáo kế toán quản trị, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

1. Kế toán quản trị trong hoạt động của doanh nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam

Ở Việt Nam, kế toán quản trị (KTQT) là một thuật ngữ tương đối mới mẻ, chỉ được chứng minh cụ thể nhất trong Luật Kế toán vào ngày 17/6/2003.

Trong KTQT, lập báo cáo là nội dung quan trọng, giúp nhà quản trị có cơ sở hoạch định, kiểm soát, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu. Đối với các DN sản xuất dệt may Việt Nam hiện nay, công tác lập báo cáo KTQT chưa được quan tâm đúng mức nên chưa cung cấp thông tin kịp thời cho nhà quản trị. Ngoài ra, các DN sản xuất dệt may Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân không chỉ về giá trị kinh tế mà còn trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Dệt may là ngành sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thiết yếu.

Sản phẩm dệt may là loại sản phẩm có yêu cầu rất phong phú, đa dạng tùy thuộc vào đối tượng tiêu dùng; và là sản phẩm mang tính thời trang cao, phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu để đáp ứng nhu cầu thích đổi mới, độc đáo và gây ấn tượng của người tiêu dùng.

Trong các DN sản xuất dệt may thì việc tổ chức sản xuất thường theo dây chuyền công nghệ khép kín tương đối hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, là một quy trình chuyển hóa nguyên liệu vải các loại thành các loại sản phẩm may mặc. Quá trình chuyển hóa này được thực hiện theo quy trình công nghệ chế biến kiểu liên tục.

Thống kê cho thấy, đến nay cả nước có hơn 6.000 DN dệt may; thu hút hơn 2,5 triệu lao động.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cứ 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may có thể tạo việc làm cho 150 - 200 nghìn lao động. Như vậy, có thể thấy Dệt may là ngành có thị trường tiêu thụ rộng lớn, có những đóng góp quan trọng về giá trị kinh tế nên cần phát triển nhiều hơn nữa. Do vậy, nhà quản trị phải cần nhiều nguồn thông tin từ các bộ phận khác nhau để phục vụ cho việc quản lý. Các thông tin đó cần phải được trình bày trong hệ thống báo cáo KTQT.

KTQT là lĩnh vực chuyên môn của kế toán nhằm nắm bắt các vấn đề về thực trạng, đặc biệt thực trạng tài chính của doanh nghiệp (DN). Qua đó, phục vụ công tác quản trị nội bộ và ra quyết định quản trị. Thông tin của KTQT đặc biệt quan trọng trong quá trình vận hành của DN, đồng thời phục vụ việc kiểm soát, đánh giá DN đó. Thông tin mà KTQT cần nắm bắt bao gồm cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Có thể thấy, bản chất của thông tin trong KTQT là thông tin quản lý, không phải thông tin tài chính đơn thuần. Trước khi tập hợp thông tin KTQT phải biết rõ mục đích của thông tin đó. Bên cạnh đó, KTQT trong DN nói chung và DN sản xuất dệt may nói riêng cũng có những mục tiêu rất rõ ràng:

Một là, biết được từng thành phần chi phí, tính toán và tổng hợp chi phí sản xuất, giá thành cho từng loại sản phẩm, từng loại công trình dịch vụ.

Hai làxây dựng được các khoản dự toán ngân sách cho các mục tiêu hoạt động.

Ba làkiểm soát thực hiện và giải trình các nguyên nhân chênh lệch giữa chi phí theo dự toán và thực tế.

Bốn là, cung cấp các thông tin cần thiết cho các nhà quản lý để có các quyết định kinh doanh hợp lý, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đạt được mục tiêu mà DN đề ra, từ đó làm tăng giá trị DN (giá trị cổ đông) và giá trị khách hàng.

2. Những đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam

KTQT hiện đang nhận được sự đón nhận tích cực từ nhiều nhà quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý yếu kém trong áp dụng KTQT đối với các DN nói chung và DN sản xuất dệt may nói riêng dẫn đến hạn chế trong hội nhập. Để giúp DN sản xuất dệt may nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cần có giải pháp về KTQT, cụ thể:

- Một làcần nhanh chóng thay đổi nhận thức về KTQT. KTQT hiện nay của chúng ta đang ở đâu và có những rào cản nào trong quá trình phát triển? Các DN cần có cái nhìn đúng đắn về KTQT và quan trọng hơn cả là chủ động, đẩy mạnh áp dụng KTQT trong hoạt động điều hành sản xuất - kinh doanh nhằm đạt được hiệu quả quản lý cao nhất.

- Hai làtheo kịp chuẩn kế toán quốc tế. Theo đó, các DN sản xuất dệt may cần tuân thủ và đảm bảo chế độ kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để số liệu của các DN Việt Nam được cơ quan điều tra chấp nhận sử dụng khi cần, đồng thời cần lưu giữ tất cả các số liệu, sổ sách chứng từ cần thiết nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra.

- Ba làngay từ khâu lập kế hoạch kinh doanh cũng như xây dựng chiến lược đề phòng rủi ro từ trước, các DN sản xuất dệt may cần phải có sự nhìn nhận một cách đúng đắn và thấu đáo. Các báo cáo doanh thu, chi phí và số lượng sản phẩm tiêu thụ là điều kiện cơ bản để đánh giá hiệu quả phát triển của DN sản xuất dệt may. Đây chính là việc thu nhập, xử lý, đánh giá và cung cấp thông tin kinh tế tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán - công việc của KTQT.

- Bốn là: Về xây dựng hệ thống báo cáo kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất dệt may. Báo cáo KTQT là nguồn thông tin rất cần thiết cho nhà quản trị trong DN, tùy thuộc vào các cấp khác nhau, đặc biệt nhà quản trị cấp trung gian và cấp cao. Thông qua hệ thống báo cáo KTQT, giúp nhà quản trị có cơ sở hoạch định, kiểm soát, tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

Khi xây dựng hệ thống báo cáo KTQT phải đảm bảo các mục tiêu sau:

- Xây dựng hệ thống báo cáo KTQT phải đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích nhất cho nhà quản trị, thiết kế đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với nhu cầu thông tin của nhà quản trị.

- Hệ thống báo cáo KTQT phải thích hợp với mục tiêu hoạt động cụ thể từng DN. Mỗi hoạt động khác nhau thì mục tiêu cũng không giống nhau. Vì vậy, hệ thống báo cáo KTQT phải thiết kế phù hợp với từng loại hình hoạt động của DN, đặc biệt là đối với các DN dệt may Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài báo cáo KTQT cơ bản các DN dệt may Việt Nam đã xây dựng, tác giả đưa ra một số báo cáo KTQT phục vụ cho mục đích kiểm soát chi phí, báo cáo phân tích tình hình thực hiện chi phí, báo cáo bộ phận, báo cáo giá thành sản phẩm, báo cáo thành quả của trung tâm chi phí định mức, báo cáo phản ánh thông tin thích hợp cho việc ra quyết định...

+ Báo cáo KTQT phục vụ cho việc kiểm soát chi phí:

 Mục đích: So sánh chi phí định mức với chi phí thực hiện để nhà quản trị biết được tiết kiệm hay lãng phí chi phí ở từng bộ phận cho loại chi phí đó, đặc biệt chi phí nguyên vật liệu trực tiếp gồm nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau.

+ Báo cáo về chi phí và phân tích tình hình thực hiện chi phí:

Mục đích: Cung cấp thông tin về chi phí sản xuất theo từng đối tượng tập hợp chi phí giúp nhà quản trị kiểm tra đánh giá tình hình sử dụng chi phí sản xuất ở các bộ phận sản xuất.

+ Báo cáo giá thành: Cung cấp thông tin về tổng giá thành sản xuất thực tế, giá thành đơn vị thực tế từng loại sản phẩm, giúp nhà quản trị so sánh tình hình thực hiện giá thành của từng đơn vị trong DN. Đồng thời cung cấp thông tin cho việc ra quyết định liên quan đến việc định giá bán sản phẩm.

+ Báo cáo bộ phận: Cung cấp thông tin về lợi nhuận của từng bộ phận riêng biệt trong DN, để đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận đó và đánh giá trách nhiệm của nhà quản lý tại bộ phận đó.

+ Báo cáo thành quả của trung tâm chi phí định mức: So sánh được thông tin chi phí định mức thực tế với chi phí định mức, giúp nhà quản trị kiểm soát chặt chẽ hơn về chi phí sản xuất.                   

+ Báo cáo phản ánh thông tin thích hợp cho việc ra quyết định: Cung cấp thông tin nhanh chóng, dễ hiểu, thích hợp về doanh thu và chi phí liên quan đến các phương án để giúp nhà quản lý đưa ra quyết định như nên mua ngoài hay tự sản xuất, nên bán hay tiếp tục sản xuất...

Báo cáo KTQT là công cụ cung cấp thông tin thực hiện cho nhà quản trị DN nói chung và các DN dệt may Việt Nam nói riêng. Báo cáo KTQT được xây dựng dựa trên nhu cầu của nhà quản trị để thực hiện chức năng của mình; đồng thời được thiết kế phù hợp với đặc điểm và quy mô DN, tạo ra kênh thông tin hữu ích trong việc hoạch định, kiểm soát và ra quyết định giúp nhà quản trị DN dệt may Việt Nam quản lý được ở nhiều góc độ khác nhau nhằm đạt hiệu quả cao.          

- Năm làtăng cường học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. KTQT hiện rất phổ biến ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” thông qua việc tăng cường hợp tác và đào tạo về KTQT.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2013), Luật Kế toán năm 2013.

  2. Kế toán quản trị trong doanh nghiệp, http://ketoan24h.com/.

  3. Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Tài liệu Kế toán quản trị.

  4. Hiệp hội Dệt May Việt Nam, http://www.vietnamtextile.org.vn/hiep-hoi-det-may-viet-nam_p1_1-1_2-1.html. 

Solution for perfecting the management accounting reporting system of Vietnamese textile enterprises

Master. Mai Thi Sen
Faculty of Accountting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

In order to successfully and deeply integrate into the global economy, Vietnam is gradually carrying out comprehensive reform of the accounting sector to meet the requirements of innovation and diverse information, helping enterprises doing businesses better. Vietnamese textile enterprises have not paid adequate attention to the process of making management accounting reports, leading to late management information. This aricle is to analyze requirements of management accountin, thereby proposing some solutions for perfecting the management accounting reporting system of Vietnamese textile enterprises, contributing to improving their business efficiency.

Keywords: Management accounting, Vietnamese textile enterprises.