Giải pháp nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ

THS. LÂM TUẤN HƯNG (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại) - PGS. TS. LÊ TRỊNH MINH CHÂU (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương)

TÓM TẮT:

Kế thừa cơ sở lý luận về năng lực cung ứng dịch vụ (NLCUDV) của doanh nghiệp logsitcs ở những nghiên cứu trước, trong bài viết này, nhóm tác giả tiến hành đánh giá NLCUDV của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) dựa trên 4 yếu tố năng lực cấu thành: năng lực nhận biết và đáp ứng nhu cầu khách hàng; năng lực tác nghiệp; năng lực quản lý thông tin; năng lực tích hợp và kết nối. Sử dụng công cụ thống kê mô tả để phân tích NLCUDV của doanh nghiệp logistis dựa trên khảo sát 118 doanh nghiệp logistics; 94 doanh nghiệp khách hàng. Qua đó, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao NLCUDV của doanh nghiệp logistics tại vùng KTTĐBB.

Từ khóa: Năng lực cung ứng dịch vụ, doanh nghiệp logistics, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

1. Đặt vấn đề

Là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vùng KTTĐBB bao gồm 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương. Vùng có vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế, cửa ngõ “vào - ra” của các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và cửa ngõ mở ra biển Đông, kết nối các thị trường rộng lớn với nhau như Đông Bắc Á với khu vực ASEAN và ngược lại. Tại đây, hiện có khoảng 10.878 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics, chiếm 29,2% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước và đứng thứ hai sau vùng KTTĐNB. Các doanh nghiệp logistics tại đây chủ yếu cung ứng dịch vụ vận tải, kho bãi, bốc dỡ,… tập trung phần lớn tại Hà Nội và Hải Phòng. Địa bàn hoạt động còn bó hẹp tại thị trường nội địa, Trung Quốc và một số vùng lân cận, không nhiều các doanh nghiệp hoạt động ở phạm vi quốc tế, còn thiếu quy trình và kỹ năng cung ứng dịch vụ trọn gói, mạng lưới dịch vụ thiếu kết nối và chưa bao phủ rộng, công nghệ kỹ thuật còn yếu kém, chính sách dịch vụ khách hàng nhìn chung thiếu hấp dẫn.

Khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, lĩnh vực logistics phải mở cửa như cam kết, các đối thủ từ EU vốn có kinh nghiệm và trình độ cao trong lĩnh vực này sẽ trực tiếp tham gia cung ứng dịch vụ tại Việt Nam, vai trò trung gian của các doanh nghiệp logistics nội địa sẽ không còn, thị phần tiếp tục giảm sút, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp logistics trong nước nói chung và doanh nghiệp logistics tại vùng KTTĐBB buộc phải thay đổi tư duy và chuyển mình mạnh mẽ.

2. Cơ sở lý luận

Theo Điều 233 Luật Thương mại 2005, dịch vụ logistics được định nghĩa như sau: Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Vì vậy, “năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp logistics là khả năng tích hợp, triển khai và phối hợp các nguồn lực của doanh nghiệp logistics để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ logistics của khách hàng, cung ứng giá trị gia tăng tới khách hàng và đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp”. Nghiên cứu NLCUDV của doanh nghiệp logistics được phân tích thông qua các yếu tố cấu thành (Hình 1), bao gồm: năng lực nhận biết và đáp ứng nhu cầu khách hàng, năng lực tác nghiệp, năng lực quản lý thông tin, năng lực tích hợp và kết nối.

Về các tiêu chí đánh giá NLCUDV của doanh nghiệp logistics, trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước đây của các học giả trong và ngoài nước, nhóm tác giả xác định các tiêu chí bao gồm:

+ Năng lực nhận biết và đáp ứng nhu cầu khách hàng

- KN cung ứng đa dạng các loại hình dịch vụ

- KN cung ứng dịch vụ trên diện rộng

- KN cung ứng với chất lượng dịch vụ phù hợp với mức giá

- KN đổi mới dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng

- KN đáp ứng trước những thay đổi với khách hàng

+ Năng lực tác nghiệp

- KN đáp ứng đúng về thời gian giao hàng như cam kết

- KN đảm bảo an toàn hàng hóa, giao đúng số lượng và khối lượng như đã cam kết

- KN linh hoạt với các yêu cầu của khách hàng

- KN tư vấn cho khách hàng các phương án dịch vụ phù hợp

- KN đảm bảo độ tin cậy cao trong quy trình cung ứng dịch vụ

- KN đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quy trình cung ứng dịch vụ

- KN đảm bảo dòng thông tin thông suốt

- KN xử lý các phàn nàn/khiếu nại của khách hàng

+ Năng lực quản lý thông tin

- KN thu thập, xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác và hiệu quả

- KN thu thập thông tin mang tính tin cậy cao

- KN truyền đạt thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời

- KN bảo mật thông tin cao

- Tiết kiệm thời gian tra cứu thông tin

+ Năng lực tích hợp và kết nối

- KN kết nối với các nguồn lực nội bộ

- KN kết nối tốt với khách hàng trong quy trình cung ứng dịch vụ

- KN kết nối tốt với đối tác trong quy trình cung ứng dịch vụ

- KN tích hợp linh hoạt nhiều khách hàng trên cùng lộ trình

- KN tích hợp linh hoạt nhiều dịch vụ để đảm bảo yếu tố.

3. Đánh giá khái quát năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lược khảo các tài liệu trong và ngoài nước, tác giả đã tiến hành xin ý kiến 20 chuyên gia bao gồm các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học; cơ quan quản lý nhà nước; hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; các doanh nghiệp logistics. Mục đích của việc xin ý kiến nhằm kiểm chứng lại các yếu tố cấu thành và các tiêu chí đánh giá NLCUDV do nhóm tác giả đề xuất.

Trên cơ sở các dữ liệu thứ cấp được kế thừa từ các nguồn khác nhau liên quan đến doanh nghiệp logistics tại vùng KTTĐBB, nhóm tác giả tiến hành điều tra bằng phương pháp sử dụng bảng câu hỏi. Đối tượng được điều tra bao gồm 2 nhóm:

- Nhóm doanh nghiệp logistics: bao gồm các doanh nghiệp logistics có trụ sở chính tại vùng KTTĐBB. Số phiếu phát ra: 200; số phiếu thu về: 126 (chiếm tỷ lệ 63% số phiếu phát ra); số phiếu sử dụng được: 118 (chiếm 59%).

- Nhóm doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics: các doanh nghiệp này là khách hàng sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics tại vùng KTTĐBB. Số phiếu phát ra: 150; số phiếu thu về: 131 (chiếm tỷ lệ 87,3%); số phiếu sử dụng được: 94 (chiếm tỷ lệ 62,6%).

3.2. Kết quả nghiên cứu

Kết quả đánh giá NLCUDV của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB được tổng hợp tại Bảng 1, từ đó có thể rút ra một số đánh giá về NLCUDV của doanh nghiệp của doanh nghiệp logistics như sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả đánh giá NLCUDV của doanh nghiệp logistics

Việt Nam tại vùng KTTĐBB

TT

Tiêu chí đánh giá

Đánh giá từ doanh nghiệp logistics

(n=118)

Đánh giá từ phía khách hàng sử dụng dịch vụ

(n=94)

TTB

ĐLC

TTB

ĐLC

1

Năng lực nhận biết và đáp ứng nhu cầu KH

 

 

 

 

1.1

KN cung ứng đa dạng các loại hình DV

3,16

0,569

3,16

0,644

1.2

KN cung ứng DV trên phạm vi rộng

3,35

0,590

3,06

0,7

1.3

KN cung ứng với chất lượng DV phù hợp với mức giá

3,42

0,545

3,61

0,725

1.4

KN đổi mới dịch vụ theo kịp nhu cầu của KH

3,32

0,597

3,08

0,651

1.5

KN đáp ứng nhanh trước những thay đổi của KH

3,27

0,517

3,30

0,699

2

Năng lực tác nghiệp

 

 

 

 

2.1

KN đáp ứng đúng về thời gian giao hàng như cam kết

3,99

0,577

3,84

0,677

2.2

KN đảm bảo an toàn hàng hóa, giao đúng số lượng và khối lượng như đã cam kết

2,59

0,543

3,62

0,656

2.3

KN linh hoạt với các yêu cầu khẩn cấp của KH

3,14

0,603

3,36

0,685

2.4

KN tư vấn cho KH các phương án DV phù hợp

3,42

0,684

3,61

0,671

2.5

KN đảm bảo độ tin cậy cao trong quy trình cung ứng DV

3,25

0,694

3,49

0,695

2.6

KN đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quy trình CUDV

3,22

0,694

3,66

0,644

2.7

KN đảm bảo dòng thông tin thông suốt

3,40

0,573

3,31

0,623

2.8

KN xử lý tốt các phàn nàn/ khiếu nại của KH

2,92

0,730

3,50

0,625

3

Năng lực quản lý thông tin

 

 

 

 

3.1

KN thu thập, xử lý thông tin nhanh chóng chính xác, hiệu quả

3,49

0,737

3,37

0,691

3.2

KN thu thập thông tin mang tính tin cậy cao

3,47

0,670

3,46

0,701

3.3

KN truyền đạt thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời

3,17

0,750

3,59

0,672

3.4

KN bảo mật thông tin cao

3,31

0,590

3,01

0,836

3.5

Tiết kiệm thời gian tra cứu thông tin

3,28

0,700

3,35

0,717

4

Năng lực tích hợp và kết nối

 

 

 

 

4.1

KN kết nối tốt các nguồn lực nội bộ

3,48

0,680

3,45

0,676

4.2

KN kết nối tốt với KH trong quy trình cung ứng DV

3,39

0,670

3,92

0,719

4.3

KN kết nối tốt với đối tác trong quy trình cung ứng DV

3,31

0,760

3,27

0,772

4.4

KN tích hợp linh hoạt nhiều KH trên cùng lộ trình

2,33

0,590

2,22

0,658

4.5

KN tích hợp linh hoạt nhiều DV để đảm bảo yếu tố trọn gói

2,07

0,670

2,86

0,796

TBC

3,21

 

3,35

 

1= Kém; 5= Tốt                                                                  

                                                           Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả

3.2.1. Những điểm mạnh

Thứ nhất, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB có số lượng đông đảo với 10.878 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 29,2% trong cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 11,6%, phần nào đáp ứng được nhu cầu logistics của vùng và cả nước.

Thứ hai, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB có được những lợi thế hơn các doanh nghiệp tại các vùng khác trong cả nước do ưu thế về mặt địa lý và quá trình phát triển kinh tế - xã hội mang lại.

Thứ ba, các doanh nghiệp logistics đã tận dụng những lợi thế của các nguồn lực nội bộ để phục vụ quá trình cung ứng dịch vụ logistics. Đội ngũ nhân lực đang làm việc tại các doanh nghiệp logistics hiện nay còn khá trẻ tuổi, linh hoạt cao, có khả năng học hỏi, có ưu thế trong tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới phục vụ hoạt động tác nghiệp, có nhiều tiềm năng phát triển.

Thứ tư, các doanh nghiệp logistics đã rất nỗ lực và cố gắng để cải thiện chất lượng với các dịch vụ hướng tới sự chuyên nghiệp thông qua khả năng đáp ứng về thời gian giao hàng, cũng như đảm bảo hàng hóa đúng số lượng và khối lượng như cam kết.

3.2.2. Những điểm yếu

Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô nhỏ, số vốn khiêm tốn, ảnh hưởng tới đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ hai, đa số các doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB chưa tận dụng được nền tảng công nghệ số để nâng cao NLCUDV, tốc độ đổi mới công nghệ còn rất chậm.

Thứ ba, nguồn nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp logistics thiếu về số lượng và đa phần yếu về chất lượng.

Thứ tư, khả năng tích hợp dịch vụ là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp logistics Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ năm, đa số các doanh nghiệp logistics Việt Nam thiếu độ linh hoạt cần thiết trước những thay đổi của khách hàng, phạm vi hoạt động bó hẹp tại thị trường nội địa và một số nước lân cận.

Thứ sáu, có một tỷ lệ khá lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa tạo được mối quan hệ mật thiết đối với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn, có năng lực tài chính dồi dào.

3.2.3. Nguyên nhân của điểm yếu

3.2.3.1. Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, tác động của các Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải đối đầu trực diện với các đối thủ mạnh đến từ EU.

Thứ hai, tại các tỉnh/thành phố thuộc vùng KTTĐBB trong giai đoạn vừa qua chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể dành cho đối tượng doanh nghiệp logistics.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng logistics tại vùng KTTĐBB còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu sự đồng bộ và chưa được đầu tư bài bản; các thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà; Các loại phí, lệ phí còn cao so với một số quốc gia trong khu vực; Phát sinh các chi phí không chính thức.

Thứ tư, các doanh nghiệp logistics chưa tiếp cận và sử dụng được nguồn vốn của các gói ưu đãi, chương trình hỗ trợ từ phía các tổ chức tín dụng và bảo hiểm.

3.2.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, có thể khẳng định các nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân chính tạo ra những hạn chế về NLCUDV của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB.

Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam có số vốn khiêm tốn, quy mô nhỏ. Hệ quả bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp logistics nội địa phát triển quá nhanh, mạnh ai nấy làm, vốn ít và năng lực hạn chế dẫn đến tình trạng thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng.

Thứ hai, mức độ phối hợp và liên kết giữa các doanh nghiệp logistics lỏng lẻo, thiếu sự liên kết, hoạt động một cách độc lập, không có sự kết nối với mạng lưới dịch vụ logistics bên ngoài và mạng logistics toàn cầu.

Thứ ba, cơ cấu dịch vụ và tỷ trọng các dịch vụ giá trị gia tăng tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB còn ở mức thấp, trong khi khách hàng đòi hỏi những dịch vụ trọn gói.

Thứ tư, bên cạnh yếu tố nguồn lực hạn chế thì các doanh nghiệp logistics chưa quan tâm đúng mức để đầu tư bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường, từ đó chưa thực sự nắm bắt được nhu cầu của thị trường, còn thiếu độ linh hoạt khi cung cấp dịch vụ.

Thứ năm, các nhà cung cấp dịch vụ chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ của khách hàng, chưa xây dựng chính sách khách hàng một cách bài bản, minh bạch, chưa có chiến lược xây dựng mối quan hệ khách hàng.

Thứ sáu, các thiết bị và công nghệ được sử dụng để cung ứng dịch vụ còn thô sơ và lạc hậu, chủ yếu là các thiết bị văn phòng cơ bản vắng mặt các ứng dụng phần mềm chuyên dụng bắt kịp xu hướng logistics 4.0, đặc biệt là các công cụ tiện ích để tạo ra sự tương tác giữa DN và KH.

4. Một số giải pháp nâng cao NLCUDV của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao NLCUDV của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại vùng KTTĐBB.

Một là, tập trung đầu tư vào các nguồn lực của doanh nghiệp logistics.

Doanh nghiệp logistics cần quan tâm đến việc đầu tư các nguồn lực, đây là yếu tố cơ bản để hình thành năng lực của mỗi doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lớn, có mạng lưới tài sản do mình sở hữu cần có sự kết nối với các nguồn lực bên ngoài doanh nghiệp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít nguồn lực vật chất thì nên tập trung hơn vào các nguồn lực nhân sự, thông tin. Trong đó, xác định rõ tầm quan trọng của các nguồn lực chủ chốt, có chiến lược tích hợp và triển khai các nguồn lực để tạo thành năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Tập trung phát triển năng lực cốt lõi là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh và duy trì sự phát triển bền vững.

Hai là, đổi mới nâng cao và tăng cường các giải pháp công nghệ trong hoạt động tác nghiệp.

Trong lĩnh vực logistics, các ứng dụng công nghệ trên thị trường hiện nay khá đa dạng và phong phú. Các ứng dụng này ngày càng có xu hướng thâm nhập sâu vào quy trình cung ứng và tạo ra sự kết nối trong chuỗi dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn được đánh giá có lợi thế trong khả năng cung ứng các dịch vụ, như: vận tải và kho bãi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên tìm kiếm các nhà cung cấp giải pháp phần mềm liên quan đến các loại hình dịch vụ là thế mạnh của mình. Cụ thể: sử dụng phần mềm vận tải để nâng cao hiệu suất chất hàng lên phương tiện và sử dụng các phần mềm kho hàng để nâng cao hiệu suất bảo quản, dự trữ hàng hóa cũng như tối ưu hóa không gian kho hàng. Để có thể cân bằng giữa tự động hóa và cơ giới hóa trong logistics, thay thế sức lao động của con người trong một số quá trình tác nghiệp, các doanh nghiệp logistics trong nước cần tìm hiểu các ứng dụng logistics 4.0 được phát triển chủ yếu dựa trên mạng lưới Internet kết nối vạn vật (Internet of Things); dữ liệu lớn (Big data); công nghệ chuỗi (Block Chain); Robotics và phương tiện tự hành; thực tế ảo và tăng cường (VA & AR).

Ba là, nâng cao trình độ tổ chức và năng lực quản lý doanh nghiệp.

Để nâng cao trình độ quản lý, doanh nghiệp cần hiện đại hóa quản lý theo hướng đổi mới căn bản mô hình truyền thống, áp dụng linh hoạt mô hình tổ chức quản lý hiện đại như mô hình tổ chức mạng lưới, ma trận. Lựa chọn mô hình nào là phù hợp với đặc điểm của từng doanh nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo phát huy có hiệu quả của các bộ phận chức năng, tạo sự gắn kết trong doanh nghiệp, mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác. Ngoài ra, cần có các biện pháp tích cực đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho đối tượng này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và có định hướng rõ ràng. Bên cạnh những kiến thức liên quan đến chuyên môn, kiến thức về quản lý, những kỹ năng mềm, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xử lý xung đột,... cũng cần được chú trọng bên cạnh những kỹ năng về ngoại ngữ và tin học.

Bốn là, phát triển khả năng chia sẻ thông tin với các đối tác.

Hiệu quả của quá trình cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp logistics và các khách hàng, đối tác phụ thuộc rất lớn vào mức độ chia sẻ thông tin giữa các bên có liên quan. Trước thực tế hiện nay, thông tin mà các khách hàng chia sẻ chỉ dừng lại ở các thông tin liên quan đến lô hàng và yêu cầu đặt hàng, đây là các thông tin phục vụ để đáp ứng quy trình kinh doanh. Các thông tin hướng tới việc hợp tác chiến lược hay các thông tin liên quan đến chiến lược cạnh tranh hay kế hoạch kinh doanh thì gần như không được chia sẻ. Ngoài ra, các hình thức chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp logistics và các bên có liên quan mới chủ yếu xoay quanh các phương pháp truyền thống (email, điện thoại, fax,..); số ít các doanh nghiệp sử dụng phương pháp hiện đại (hệ thống trao đổi dữ liệu EDI,…). Vì vậy, các doanh nghiệp logistics cần thiết phải thiết lập sự hợp tác và có mạng lưới chặt chẽ hơn với các đối tác của mình để không những tăng cường niềm tin trong kinh doanh mà còn có thể giảm thiểu những rủi ro trong đầu tư.

Năm là, liên kết các doanh nghiệp logistics thông qua hình thức hợp tác và sáp nhập.

Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics nước ngoài, bên cạnh các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở rộng địa bàn kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thì các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải nắm bắt được xu thế hiện nay. Kế thừa bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp logistics nước ngoài cũng như để các giải pháp nêu trên đạt được hiệu quả, việc các doanh nghiệp trong nước bắt tay với nhau thông qua hình thức mua bán, sáp nhập là việc mà các doanh nghiệp phải tính đến. Việc mua bán, sáp nhập sẽ giúp cho các doanh nghiệp khai thác tối đa nhất nguồn lực của nhau, tận dụng được những thế mạnh sẵn có và có cơ sở để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

  1. Lê Tấn Bửu, Trần Minh Chính và Đặng Nguyễn Tất Thành (2014), Các tiêu chí cốt lõi ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics tại thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 285, tr.111-128.
  2. Lâm Tuấn Hưng (2019), Xây dựng mô hình nghiên cứu về năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp logistics tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Phát triển thương mại trong bối cảnh công nghiệp 4.0: Năng suất và bền vững”. Trường Đại học Thương mại, 6/2019; ISBN: 978-604-98-2047-2.
  3. Đặng Thu Hương (2010), Phát triển doanh nghiệp logistics ở Việt Nam - Tồn tại và giải pháp, Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội, số 54.
  4. Nguyễn Xuân Minh, Phan Hồng Trang (2015), Đẩy mạnh hoạt động cung ứng dịch vụ logistics bên thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 70, tr.80 -89.
  5. Nguyễn Bách Khoa và An Thị Thanh Nhàn (2011), Quan điểm, định hướng và giải pháp chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2020, trong Đặng Đình Đào (đồng chủ biên) Logistics - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, tr 389 - 435.

Tiếng Anh:

  1. Gligor, D.M; Holcomb, M.C (2012). Understanding the role of logistics capabilities in achieving supply chain agility: a systematic literature review. Supply Chain Managemnet: An International Journal, 17(4), pp.438 - 453. 2. Lai, K.H (2004). Service capability and performance of logistics service providers. Transportation Research Part E40, p.385 - 399 .
  2. Mentzer, J.T., John T., Soohong Min và L.Michelle Bobbitt (2004). Toward a unified theory of logistics. International Journal of Physical Distribution and Logistics Management, 34(8), pp.606 - 627.

Solutions to enhance the service provision capacity of Vietnamese logistics enterprises located in the Northern key economic region

Master. Lam Tuan Hung

College of Economics and Technical Trade

Assoc.Prof.Ph.D Le Trinh Minh Chau

Vietnam Institute of Industrial and Trade Policy and Strategy

ABSTRACT:

Based on previous theoretical studies on the service provision capacity of logsitcs enterprises in previous studies, this study is to assess the service provision capacity of Vietnamese logistics enterprises located in the Northern key economic region by examining 4 components of the capacity, namely the capacity to identify and meet customer needs; the operational capacity; the information management capacity and the integration and connection capacity. By using descriptive statistical tools and surveying 118 logistics enterprises and 94 coporate customers, this study analyzes the service provision capacity, thereby proposing solutions to improve the service provision capacity of  logistics enterprises located in the Northern key economic region.

Keywords: The service provision capacity, logistics enterprises, the Northern key economic region.