Giải pháp phát triển chuỗi cung ứng hàng nông sản xuất khẩu khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu

Đề tài Giải pháp phát triển chuỗi cung ứng hàng nông sản xuất khẩu khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu do ThS. Ngô Phương Thảo (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông sản còn chưa cao, do 90% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp. Bài viết dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ đưa ra một số giải pháp phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường năng lực và hiệu quả tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu.

Từ khóa: chuỗi cung ứng, chuỗi cung ứng hàng nông sản, chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng nông sản, xuất khẩu.

1. Chuỗi cung ứng hàng nông sản

1.1. Chuỗi cung ứng (Supply Chain - SC)

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ở thị trường toàn cầu hiện nay, để cạnh tranh thành công trên thị trường XK đòi hỏi các doanh nghiệp XK phải tham gia vào chuỗi cung ứng của sản phẩm.

Theo M. Christopher và L. Martin (1992), “SC là mạng lưới của những tổ chức liên quan đến những mối liên kết các dòng chảy ngược và xuôi theo những tiến trình và những hoạt động khác nhau nhằm tạo ra giá trị trong từng sản phẩm cho khách hàng”. 

Chuỗi cung ứng được coi như “một chuỗi xích”, trong chúng các “mắt xích” là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh tham gia và chúng được giao kết trong một quá trình làm gia tăng giá trị (Hình 1).

Chuỗi cung ứng

Trong bài nghiên cứu này, chuỗi cung ứng được hiểu là “một chuỗi các doanh nghiệp, tổ chức, hộ sản xuất - kinh doanh (thu gom, sản xuất/chế biến, phân phối, logistics) cùng tham gia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào chuỗi cung ứng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng”.

1.2. Chuỗi cung ứng hàng nông sản

Theo Hiệp định Nông nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng nông sản bao gồm tất cả các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như lúa gạo, bột mỳ, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi,…

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), hàng nông sản là bất kỳ sản phẩm hoặc hàng hóa nào, thô hoặc chế biến, được bán trên thị trường cho con người.

Như vậy, chuỗi cung ứng hàng nông sản được hiểu một cách đơn giản chính là sự giảm thiểu tối đa các thành viên tham gia trong chuỗi cung ứng, với các đặc trưng chủ yếu là: khoảng cách về mặt địa lý, được đo bằng khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng; số lượng các đơn vị trung gian tham gia chuỗi cung ứng; sự kết nối, tương tác giữa người tiêu dùng và người sản xuất.

Xuất phát từ khái niệm về chuỗi cung ứng đã nêu trong mục 1.1 và khái niệm hàng nông sản, trong bài nghiên cứu này có thể hiểu, “chuỗi cung ứng nông sản là một hệ thống bao gồm doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, nhà sản xuất/chế biến/nhà phân phối và các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics và các nguồn lực khác liên quan đến quá trình chuyển đổi hàng nông sản từ trang trại nuôi trồng cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng”.

2. Thực trạng chuỗi cung ứng hàng nông sản Việt Nam và sự tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu

2.1. Thực trạng xuất khẩu và sự tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu của Việt Nam

Trong cơ cấu các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả… Theo Thông tấn xã Việt Nam, đến tháng 1/2023, nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch XK tăng qua các năm. [3]

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá trị XK ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2022 của Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao. Theo số liệu thống kê của Hải quan, kim ngạch XK năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021 và tăng 32% so với năm 2020 (giá trị XK năm 2021 là 336,31 tỷ USD, năm 2020 là 281,441 tỷ USD). XK nhóm nông sản, thủy sản cũng đều tăng so với năm trước. Trong đó, XK các mặt hàng nông sản, thủy sản đạt 30,8 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021, chiếm khoảng 8,3% trong tổng kim ngạch XK của cả nước.

Về mặt hàng: Hàng nông sản, thủy sản trong năm 2022 khá tích cực với 7/9 mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng so với năm trước. Trong đó: thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 23%; cà phê đạt 1,78 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá; gạo đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về trị giá; hạt tiêu đạt 229 nghìn tấn, kim ngạch đạt 971 triệu USD, giảm 12,4% về lượng nhưng tăng 3,5% về trị giá. Hai mặt hàng sụt giảm về kim ngạch XK so với cùng kỳ gồm: rau quả đạt 3,37 tỷ USD, giảm 5,1%; hạt điều đạt 520 nghìn tấn, kim ngạch đạt 3,1 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá. [2]

Về thị trường: Trong năm 2022, XK nông sản, thủy sản tăng trưởng khả quan ở hầu hết các khu vực thị trường. Chiếm tỷ trọng cao nhất với 25% tổng kim ngạch XK nông sản, thủy sản Việt Nam là thị trường Trung Quốc, đạt khoảng 7,8 tỷ USD, tăng 25,3% so với năm 2021. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với tỷ trọng 12,6%, đạt khoảng 3,9 tỷ USD. Khu vực thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng 11,4% và tăng trưởng mạnh mẽ 20,9% so với năm 2021. Khu vực Liên minh châu Âu chiếm tỷ trọng 12,2% với mức tăng tốt, đạt 16,8%. Các thị trường chính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều đạt tăng trưởng so với năm 2021, trong đó XK nông sản, thủy sản sang Nhật Bản tăng 7,3%, sang Hàn Quốc tăng 4,5%. [2]

Ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị XK cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, hoa quả,… Đây là những mặt hàng nông sản chủ lực có tỷ trọng lớn trong kim ngạch XK của Việt Nam. Những mặt hàng này luôn là thế mạnh của Việt Nam bởi các lợi thế cạnh tranh quốc gia mang lại.

Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020 của Tổng cục Thống kê, trên địa bàn nông thôn cả nước hiện có 5.771 xã có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 69,56% tổng số xã với 220.599 hộ/cơ sở hoạt động, bình quân có 38,23 hộ/cơ sở thuộc xã có hộ/cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh hộ/cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung và chế biến nông, lâm, thủy sản nói riêng, năm 2020 còn có 2.869 xã có doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 34,58% tổng số xã khu vực nông thôn. [9]

Các cơ sở, nhà máy chế biến này hầu hết vẫn dừng ở quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản, thực hiện chế biến nông sản chủ yếu mới dừng ở dạng sơ chế giản đơn, số doanh nghiệp có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến sâu rất ít. Theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch và một số cơ quan chức năng, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng 5% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%. Kết quả của thực tế này là nhiều sản phẩm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng rất lớn. Các loại hạt tổn thất khoảng 10%, tập trung ở khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, chế biến. Rau quả và thủy sản đánh bắt bị tổn thất hơn 20% cả về sản lượng và chất lượng. Ngoài tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng như ngô nhiễm aflatoxin, gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng,… thất thoát ở khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến của Việt Nam chiếm hơn 15%, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 6-7%. [5]

Từ phân tích trên cho thấy tỷ lệ nông sản hao hụt từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng hiện nay rất cao, do từ lúc nông dân thu hoạch đến thương lái mua gom, vận chuyển, bán sỉ, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, mỗi khâu đều góp phần làm giảm chất lượng do bầm dập, trầy xước... Để mặt hàng nông sản được an toàn và chất lượng, phải chú ý ngay từ khâu giống, nước tưới, quá trình chăm sóc. Hiện chúng ta đang quan tâm nhiều đến khâu thu hoạch, nhưng công đoạn quan trọng nhất lại chưa được chú ý là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Chính vì vậy, để hình thành chuỗi cung ứng nhằm giữ chất lượng, nâng cao giá trị ở mỗi công đoạn, từ khâu chọn giống đến sau thu hoạch đều phải có cách tiếp cận và tuân thủ theo những quy định cụ thể. Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, đã hình thành chuỗi cung ứng đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, theo các hình thức liên kết khác nhau, như liên kết tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra ở một số tỉnh có hàng nông sản XK như Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang... với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nông dân trong các ngành hàng nông, lâm, thủy sản, mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng. Một số chuỗi cung ứng nông sản đã ứng dụng thành công công nghệ mới như công nghệ thông tin, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để kết nối sản xuất và tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản nhằm gia tăng giá trị. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm đẩy mạnh sự tham gia của hàng nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu.

Nông sản là một trong những mặt hàng XK quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch XK chung của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được, XK nông sản của Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới. Làm thế nào để tận dụng lợi thế, cơ hội vượt qua được các khó khăn thách thức của hàng nông sản tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là vấn đề đang đặt ra cần giải quyết.

2.2. Những hạn chế và nguyên nhân của việc tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu của Việt Nam

Từ những phân tích trên có thể thấy sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi còn lỏng lẻo, khâu trồng trọt và sản xuất manh mún, thiếu liên kết với thị trường... khiến cho năng suất và hiệu quả kinh tế của chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK còn thấp. Có thể đánh giá khái quát hạn chế, tồn tại chủ yếu trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK như sau:

2.2.1. Những hạn chế 

- Mức độ tham gia và liên kết của các thành viên vào chuỗi cung ứng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia vào chuỗi còn mang tính tự phát, nhận thức chưa rõ về tầm quan trọng của việc liên kết chuỗi.

- Chuỗi cung ứng chưa hình thành rõ nét, hoạt động thiếu định hướng. Các quá trình tác nghiệp của các thành viên còn chồng chéo, tính chuyên môn hóa thấp, cạnh tranh cục bộ và không lành mạnh. Hoạt động sản xuất, thu gom, chế biến và XK của các thành viên rời rạc, thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong chuỗi.

- Các yếu tố đầu vào, như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… chưa đảm bảo, gây nhiều lo ngại liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất tồn dư trên sản phẩm.

- Thiếu khả năng phát triển và sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Các mặt hàng nông sản, thủy sản có giá trị gia tăng cao còn rất hạn chế.

- Người thu gom ít được quan tâm và coi trọng. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thường tự mình ký kết hợp đồng liên kết cung cấp nguyên liệu với hàng trăm, hàng nghìn hộ nông dân với các trình độ và phương thức canh tác khác nhau. Kết quả là khiến cho cấu trúc chuỗi cung ứng hết sức phức tạp, cồng kềnh và rất khó giám sát.

- Sự phân bổ không đều về lợi ích và giá trị gia tăng giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng. Người nuôi, trồng vẫn là người chịu thiệt thòi nhất khi tham gia vào chuỗi. Đây là lý do khiến họ không yên tâm trong đầu tư, cải tiến kỹ thuật nuôi trồng, mở rộng quy mô kinh doanh…

2.2.2. Nguyên nhân

Những hạn chế nêu trên về chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:

- Quy mô nuôi trồng nhỏ, không tập trung khiến cho việc ứng dụng khoa học công nghệ rất khó khăn từ khâu giống, chăm sóc, chữa bệnh… dẫn đến năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực mà đầu ra vẫn không đồng đều. Đồng thời, điều này cũng khiến cho việc thực hiện liên kết giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng rất khó khăn.

- SC sản phẩm nông sản chưa được tổ chức tốt và sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng thiếu chặt chẽ, dễ bị tổn thương khi có những diễn biến bất thường. Ngoài ra, chính sự lỏng lẻo trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK đã cho phép thương lái tự do mua gom để XK sang Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến hiện tượng mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số vùng, trong một số thời điểm nhất định. Các thành viên trong chuỗi cung ứng mới chỉ quan tâm đến công việc và lợi ích của riêng mình mà chưa nhìn rộng ra tới lợi ích tổng thể của toàn bộ chuỗi. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất - chế biến thường đứng ở vị trí điều hành chuỗi, nhưng vẫn có hiện tượng ép giá nông dân lúc chính vụ, hoặc dừng thu mua đột ngột khiến họ bị thua lỗ.

- Do đa phần là các DN vừa và nhỏ, nên hầu hết DN nông sản Việt bị rơi vào tình trạng thiếu vốn. Trong khi đó, gánh nặng chi phí về thủ tục hành chính, vận tải, cộng với những rủi ro do biến động thời tiết, phụ thuộc nền kinh tế và môi trường, hệ thống mạng lưới truyền thông sản phẩm còn yếu kém… khiến DN ngành này luôn gặp nhiều áp lực. Nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý chuỗi cung ứng nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng trong nội bộ cũng như liên kết với các đối tác bên ngoài, chưa trang bị những hệ thống phần mềm tối ưu hóa quản lý nguồn cung, quản trị phân phối, quản trị marketing, quản trị dữ liệu bán hàng…

- Chưa có thương hiệu mạnh cũng là nguyên nhân chính khiến giá trị nhiều loại nông sản của nước ta còn ở mức thấp khi tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu.

Nhận thức được những yếu kém và hạn chế nêu trên của chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK sẽ là căn cứ cơ bản để các doanh nghiệp XK nông sản đưa ra được các định hướng và giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu trong những năm tới.

3. Mô hình và giải pháp phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu

3.1. Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu

Dựa trên cơ sở phân tích thực trạng, đánh giá những hạn chế và nguyên nhân, tác giả đề xuất mô hình chuỗi cung ứng hàng nông sản với mong muốn sẽ là nguồn tham khảo cho các hộ nuôi trồng, các doanh nghiệp chế biến và XK nông sản ứng dụng tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu. (Hình 2)

chuỗi cung ứng

Mục tiêu của chuỗi là đảm bảo cung cấp một cách hiệu quả cho thị trường quốc tế sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, tiện lợi với mức giá phù hợp và sự lựa chọn đa dạng, cũng như thân thiện với môi trường, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trên thị trường XK.

Mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK sẽ được chia làm 3 cấp, tùy thuộc vào quy mô của các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản lớn hay nhỏ.

Cấp 1 có thể áp dụng đối với các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản với quy mô lớn, có thể bán trực tiếp sản phẩm nông sản cho các đơn vị chế biến, đồng thời đủ khả năng XK trực tiếp với khách hàng quốc tế. Chuỗi cung ứng cấp 1 ngắn hơn, với sự liên kết giữa các thành viên chặt chẽ hơn, khả năng kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn.

Cấp 2 là chuỗi cung ứng hoạt động với quy mô nhỏ ở đầu vào với rất nhiều nông hộ nhỏ và cần có sự tham gia tích cực của lực lượng thu gom để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến và nhà XK.

Cấp 3 có thể áp dụng với các sản phẩm nông sản quy mô nhỏ, đặc điểm của chuỗi với sự tham gia của nhiều chủ thể. Đặc biệt, trong chuỗi có sự tham gia của sàn thương mại nông sản sẽ tạo thuận lợi cho các khách hàng ở nước ngoài tham gia vào chuỗi.

Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp gián tiếp tham gia chuỗi và hỗ trợ cho các thành viên chính trong chuỗi, đó là các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào (trong đó có một số mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).

Quá trình vận hành chuỗi cung ứng còn cần tới sự hỗ trợ đắc lực của các chính sách và vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, từ các tổ chức và ban ngành khác. Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý thị trường, tăng năng lực logistics, hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư… đều cần một sự chỉ đạo và quản lý nhất quán, sát sao và hiệu quả từ Nhà nước.

Các sở, ban, ngành và các tổ chức hỗ trợ khác, như: Trung tâm Khuyến nông, Cục Trồng trọt, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Hiệp hội ở các ngành hàng nông sản, Ngân hàng và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải, công nghệ thông tin và marketing cũng góp phần quan trọng để chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK được cải thiện cả về hiệu quả và hiệu suất.

Mô hình chuỗi cung ứng hàng nông sản đề xuất tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm từ khâu đầu tiên, phải tổ chức lại sản xuất, từ khâu giống, chăm sóc, thu hái, chế biến. Khi làm tốt được những điều kiện cơ bản này sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng chiến lược XK hiệu quả. Trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò làm trọng tài trong một sân chơi bình đẳng, có chính sách rõ ràng giúp doanh nghiệp và nhà nông tham gia ký kết mua, bán nguyên liệu, có quy hoạch hợp lý các nhà máy chế biến gắn với từng vùng nguyên liệu cụ thể, hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý với các mặt hàng nông sản XK.

3.2. Một số giải pháp phát triển chuỗi cung ứng hàng nông sản xuất khẩu

Để phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp chế biến, XK, cần có những giải pháp cụ thể sau:

- Hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản XK theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn, khuyến khích các hộ sản xuất tham gia các vùng được quy hoạch thông qua hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi giống trên diện tích canh tác hiện có, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các hộ nông dân nhằm tăng năng suất, đạt hiệu quả cao.

- Khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho từng khu vực sản xuất, nhằm hạn chế sự gian lận về nguồn gốc xuất xứ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, nhất là của chính quyền cơ sở; khuyến khích các hộ nông dân giám sát lẫn nhau trong quá trình sản xuất, tiến tới thực hiện các chứng nhận sản phẩm bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Phát triển các các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu ổn định gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng các điểm thu gom, xử lý toàn bộ bao gói phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nuôi trồng sản phẩm nông sản.

- Khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến hàng nông sản XK đầu tư công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

- Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng các thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường XK.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới cho các hộ nuôi trồng, chế biến và các doanh nghiệp XK thông qua hoạt động của các hội, hiệp hội, các phương tiện thông tin đại chúng…

- Đẩy mạnh hoạt động của các Hiệp hội ngành nghề trung ương và các hiệp hội tại các địa phương trong hoạt động xúc tiến, quản lý hoạt động sản xuất và chế biến của các thành viên, rà soát sự xuất hiện của hàng giả và áp dụng các biện pháp chống gian lận thương mại về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, chủng loại của sản phẩm.

- Tạo lập và tăng cường liên kết các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK cùng vận hành và phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức về chuỗi cung ứng và lợi ích của các thành viên khi tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản XK. Tăng cường mức độ hợp tác giữa các thành viên và xác định đầy đủ, cân đối hài hòa được lợi ích của tất cả thành viên, trong đó, đặc biệt là sự hợp tác giữa các hộ nông dân nuôi trồng hàng nông sản.

- Chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nông sản của Việt Nam luôn có giá thấp hơn so với nông sản của các nước có cùng mặt hàng. Thời gian qua, chúng ta đã thành công trong việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản (cà phê, tiêu, điều, thủy sản, hoa quả,...) sang thị trường châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, do quá chú trọng về số lượng nên vấn đề thương hiệu chưa được quan tâm. Để khắc phục tình trạng này, các hiệp hội ngành hàng nông sản của Việt Nam nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng ở một số địa phương tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, hàng nông sản của nước ta mới có thể tham gia sâu vào chuỗi nông sản thế giới.

Để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, DN Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

- Trước mắt, các doanh nghiệp chế biến và XK với vai trò là người điều hành chuỗi cần chủ động tiếp cận và ký kết các bản ghi nhớ về liên kết; sau đó tiến tới ký kết hợp đồng chính thức với các hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch, theo hướng hợp đồng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo lập niềm tin cho các hộ nông dân nuôi trồng, khuyến khích họ có trách nhiệm với việc nuôi trồng sản phẩm nông sản XK. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và XK cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các thành viên khác trong chuỗi. Sự chia sẻ và kết nối hiệu quả sẽ góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho tất cả các thành viên trong chuỗi, giúp cân đối tốt hơn công tác thu mua, dự trữ và vận chuyển; hướng tới giảm thiểu những dao động về cung cầu trên thị trường; từng bước đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản XK.

- Cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp để tăng cường và mở rộng đầu tư, liên kết, chuyển giao công nghệ theo hướng hình thành các cơ sở chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại, qua đó tăng được công suất chế biến, tăng tỷ lệ chế biến sâu, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường thế giới. 

- Bên cạnh những nỗ lực của các thành viên trong chuỗi, quá trình vận hành chuỗi cung ứng còn cần tới sự hỗ trợ đắc lực của các chính sách và vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, từ các tổ chức và ban ngành khác. Nhà nước cũng cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ nuôi trồng hàng nông sản XK. Cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý thị trường, tăng năng lực logistics, hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư…

4. Kết luận

Muốn vào được thị trường nước ngoài, Việt Nam cần phải hoàn thiện và đồng bộ hóa giữa các khâu trong chuỗi cung ứng hàng nông sản trong XK; đồng thời phải tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, đặc biệt là XK trực tiếp vào hệ thống phân phối lớn ở các nước phát triển, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Các giải pháp nêu trên đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa tất cả thành viên trong chuỗi cung ứng cũng như sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ, các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp chế biến và XK phải sản xuất nông sản hàng hóa theo chuẩn, từ khâu giống đến chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến XK... Ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu và quy hoạch vùng nông sản rất rõ ràng, chặt chẽ để bảo đảm phát huy được lợi thế địa hình, khí hậu, hơn nữa sẽ giám sát được chất lượng nông sản; bên cạnh đó cần hạn chế và phải tiến đến loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ…

Khi quản lý theo chuỗi, chúng ta sẽ hoàn toàn chủ động được việc giám sát chất lượng nông sản và thị trường sẽ rất rộng mở cho nông sản Việt tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu. Đặc biệt, khi tham gia vào chuỗi cung ứng, giá trị nông sản sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu và liên kết nông thôn - thành thị, thúc đẩy tăng trưởng tổng thể. Việc phát triển chuỗi cung ứng là cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển chuỗi cung ứng bền vững, Việt Nam cần những chính sách thúc đẩy sự tham gia của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

1. Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thanh Minh (2022), Chuỗi giá trị nông sản và những vấn đề về logistics trong ngành nông sản, Tạp chí Công Thương, số 8 tháng 4. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/co-so-khoa-hoc-va-kinh-nghiem-thuc-tien-de-phat-trien-chuoi-gia-tri-san-pham-rau-an-toan-cua-tinh-thai-nguyen-98397.htm

2. Bộ Công Thương (2023), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022.

3. Xuân Anh (2023), Nông sản Việt Nam từng bước vươn xa ra thị trường thế giới. Truy cập tại: https://www.vietnamplus.vn/nong-san-viet-nam-tung-buoc-vuon-xa-ra-thi-truong-the-gioi/842509.vnp

4. Hà Văn Sự, (2016), Tăng cường năng lực và hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho hàng nông sản XK của Việt Nam - Phát triển Thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, NXB Bộ Công Thương.

5. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh (2022), Nâng cao giá trị nông sản bằng công nghệ sau thu hoạch. https://sokhcn.tayninh.gov.vn/tin-tuc-su-kien/nang-cao-gia-tri-nong-san-bang-cong-nghe-sau-thu-hoach-1782.html

6. Phan Tố Uyên, (2016), Giải pháp thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, NXB Công Thương.

7. Nguyễn Đình Quyết (2020), Nâng cao hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản Việt Nam, Tạp chí Mặt trận. Truy cập tại: http://tapchimattran.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-doi-voi-nong-san-viet-nam-37828.html

8. Nguyễn Trần Minh Trí (2022), Chuỗi giá trị nông sản và vai trò của các chủ thể, Tạp chí Ngân hàng. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/chuoi-gia-tri-nong-san-va-vai-tro-cua-cac-chu-the.htm9. https://www.gso.gov.vn

Solutions for the development of supply chain for Vietnamese exported agricultural products when Vietnam participates into the global agricultural supply chain

Master. Ngo Phuong Thao

Dai Nam University

 Abstract:

Vietnam is one of the leading agricultural exporting countries in the world. However, the value and the competitiveness of Vietnamese exported agricultural products are quite low. In addition, Vietnam has not yet participated deeply into the global agricultural supply chain and 90% of Vietnamese exported agricultural products are raw or less processed products. This study is to analyze the current Vietnam’s agricultural exports and the participation of Vietnam into the global agricultural supply chain. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help Vietnamese  exported agricultural products better take part in the global agricultural supply chain.

Keywords: supply chain, supply chain of agricultural products, global supply chain, agricultural products, export.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương