Giải pháp phát triển du lịch bền vững Việt Nam

ThS. BÙI THỊ NHƯ HIỀN (Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thành Đô)

TÓM TẮT:

Bài viết trình bày xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay trên thế giới, tiềm năng của Việt Nam trong phát triển du lịch bền vững, từ đó chỉ ra những thách thức với phát triển du lịch bền vững của Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững của Việt Nam.

Từ khóa: phát triển bền vững, du lịch, Việt Nam.

1. Phát triển du lịch bền vững - xu hướng của thế giới

Năm 2002, khái niệm về phát triển bền vững đầy đủ nhất được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững được tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi): “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển gồm phát triển kinh tế (tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên)”.

Như vậy, có thể hiểu phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Hình: Phát triển bền vững đảm bảo hài hòa 3 khía cạnh:
xã hội, kinh tế và môi trường

phát triển du lịch bền vững

Nguồn: Nguyễn Đình Thọ, Mai Thu Hiền, 2021

Khái niệm du lịch bền vững ra đời dựa trên cách tiếp cận của khái niệm bền vững. Theo đó, du lịch bền vững là “các hoạt độngnhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người”.

Tại Việt Nam, trong khoản 14, Điều 3, Luật Du lịch 2017 đã đưa ra khái niệm “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Như vậy, phát triển du lịch bền vững là phát triển những hoạt động du lịch với mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội và cộng đồng; thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các thành phần tham gia du lịch… trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên; đồng thời có ý thức đến việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch; phải gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Việc phát triển du lịch bền vững là phù hợp với xu thế chung, tất yếu của thế giới, đảm bảo sự phát triển chung, cũng như cho sự phát triển của ngành Du lịch. Các nước đã rất quan tâm, chú trọng đến sự phát triển bền vững của ngành này, nhất là trong bối cảnh sự đóng góp của ngành Du lịch ngày càng lớn.

2. Việt Nam - Tiềm năng lớn để phát triển du lịch bền vững

Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch bền vững. Các yếu tố tạo tiềm năng lớn cho du lịch bền vững Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên đa dạng với nhiều địa điểm đẹp, độc đáo. Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với 125 bãi tắm biển, trong đó hầu hết là các bãi tắm rất đẹp và thuận lợi cho khai thác du lịch, như: Trà Cổ, Hạ Long, Lăng Cô, Ðà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới (Vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang).

Nhiều danh lam, thắng cảnh đã được bình chọn trong danh sách những địa điểm đẹp nhất thế giới, như: Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang, An Bàng (Quảng Nam), Bãi Dài (Côn Đảo), vịnh Hạ Long, Lăng Cô (Huế),… Năm 2021, trang Touropia đã bình chọn vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) của Việt Nam là vịnh biển đẹp nhất hành tinh, trên cả vịnh Guanabara (Đông nam Brazil) và vịnh San Francisco (California, Hoa Kỳ). Trong khi Câu lạc bộ Vịnh biển thế giới (Wordbays Club) bầu chọn và vinh danh Lăng Cô là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới vào năm 2009. Côn Đảo cũng được Tạp chí Mỹ Travel + Leisure bình chọn là một trong 20 hòn đào bí ẩn nhất thế giới và lọt vào 10 hòn đảo lãng mạn nhất thế giới, 10 hòn đảo có chất lượng khách sạn tuyệt nhất thế giới của cẩm nang du lịch quốc tế Lonely Planet.

Thứ hai, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Việt Nam có 85 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích xếp hạng di tích quốc gia và 9.857 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, có 8 di sản vật thể và danh thắng được công nhận Di sản thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Khu phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Khu danh thắng Tràng An). Những danh lam thắng cảnh này, kết hợp với các điều kiện về khí hậu, thời tiết là yếu tố quan trọng để hàng năm Việt Nam thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế và trong nước trong thời gian qua.

Thứ ba, giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét truyền thống, độc đáo. Với kho tàng 191 di sản thuộc cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên mọi miền đất nước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Việt Nam có 11 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản phi vật thể (Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Lễ hội Đền Gióng; Hát Xoan; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Đàn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; Kéo co; Tín ngưỡng thờ Tam Phủ).

Bên cạnh đó, chế độ chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

3. Một số thách thức với phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

Bên cạnh những tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn một số hạn chế dẫn đến việc chưa khai thác được tiềm năng sẵn có, đồng thời có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành này, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá chưa cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam chậm đổi mới, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm, các sản phẩm chậm đổi mới trong khi nhu cầu của khách du lịch biến đổi mạnh mẽ. Các sản phẩm du lịch mới chủ yếu khai thác các giá trị tài nguyên sẵn có, chưa có nhiều sản phẩm bổ trợ nhằm thu hút khách, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách, tăng nguồn thu cho địa phương. Việc thiếu các sản phẩm bổ trợ cũng làm giảm nhu cầu đến, cũng như khả năng quay trở lại của khách du lịch.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Kinh phí Nhà nước đầu tư còn hạn chế, chưa tạo được hiệu ứng kích cầu. Một số địa danh du lịch được quốc tế biết đến như Hạ Long, Sapa, Hà Nội, Huế, Hội An, Đà Lạt, Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) nhưng hình ảnh vẫn chưa đậm nét.

Thứ hai, các yếu tố về an ninh, an toàn, vệ sinh còn chưa được đảm bảo. Thực tế, thời gian qua, tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra; taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là vào mùa cao điểm;...

Thứ ba, việc quản lý, khai thác tài nguyên du lịch chưa được thực hiện hiệu quả. Hiện chưa thực hiện được việc thống kê nguồn tài nguyên du lịch một cách đầy đủ, việc đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả, dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng chưa khai thác hết được giá trị của tài nguyên.

Công tác quản lý, phân cấp hạn chế dẫn đến sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích… tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch còn hạn chế. Lực lượng lao động du lịch tuy đông đảo nhưng tỷ lệ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp du lịch thấp; chất lượng đào tạo du lịch còn nhiều hạn chế, chưa thích ứng kịp với xu hướng hội nhập, cạnh tranh toàn cầu. Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch và đáp ứng với các ngôn ngữ thuộc thị trường mục tiêu vẫn chưa sẵn sàng đầy đủ.

Thứ năm, cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn chưa hiện đại, thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng tầm cỡ còn nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch quốc gia với thương hiệu nổi bật.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia khi các nước này đã có những chiến lược đầu tư, xúc tiến rất lớn nhằm gia tăng sức hấp dẫn đến các thị trường khách du lịch quốc tế.

4. Các giải pháp phát triển bền vững du lịch Việt Nam

Một là, đảm bảo sự cân bằng trong phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Thiết lập các nguyên tắc đảm bảo cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội. Cụ thể: Giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch; đồng thời chú trọng đến một môi trường trong lành. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch. Hỗ trợ bảo tồn khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh vật hoang dã và giảm thiểu thiệt hại đối với các yếu tố này.

Hai là, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa "Du lịch an toàn, hấp dẫn": chuẩn bị tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm; Triển khai truyền thông hướng đến khách quốc tế với chiến dịch xúc tiến, quảng bá trên các kênh truyền thông trực tuyến của Tổng cục Du lịch.

Du lịch Việt Nam cần tăng cường việc xây dựng hình ảnh du lịch đến với bạn bè quốc tế bằng cách tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch, đặc biệt là xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành, nhiệt tình đối với du khách.

Ba là, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát huy hết tiềm năng sẵn có. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng vùng miền để tạo nên nét độc đáo tại mỗi điểm du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh Việt Nam đến với du khách.

Chú trọng đầu tư đồng bộ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo vệ môi trường và thay đổi cách làm du lịch chỉ dựa vào điều kiện sẵn có. Thực tế cho thấy, khi ngành Du lịch mở cửa, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân lớn như Vingroup, Sun Group, BRG, FLC,… đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch đã tạo ra các bước đột phá, các điểm nhấn đáng chú ý cho du lịch tại các địa phương. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích về thuế, tín dụng, thời gian cho thuê đất, giảm thiểu thủ tục hành chính… để các tập đoàn tư nhân có thêm điều kiện đầu tư vào du lịch, tạo sự phát triển bền vững cho ngành Du lịch.

Bốn là, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Ngành Du lịch cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Các trường học và doanh nghiệp cần trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế,…

Năm là, bảo vệ môi trường, an toàn tại địa điểm du lịch. Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách. Để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn chúng ta cần chú trọng an toàn cho các du khách bằng việc có biện pháp giải quyết triệt để các tệ nạn xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Anh (2022). Phát triển du lịch theo hướng thống nhất, xanh và bền vững. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/ kinh-te/phat-trien-du-lich-theo-huong-thong-nhat-xanh-va-ben-vung-628704.html
  2. Nguyễn Đình Thọ, Mai Thu Hiền (2021). Ứng dụng công nghệ trong phát triển bền vững. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/821618/ung-dung-cong-nghe-trong-phat-trien-ben-vung%C2%A0.aspx
  3. Nguyễn Lâm Tùng (2017). Một số giải pháp phát triển ngành du lịch Việt Nam. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/mot-so-giai-phap-phat-trien-nganh-du-lich-viet-nam.html
  4. Nguyễn Trùng Khánh (2022). Phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_ publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phuc-hoi-nganh-du-lich-trong-dieu-kien-thich-ung-an-toan-linh-hoat-kiem-soat-hieu-qua-dich-benh-covid-19
  5. Quốc hội (2017). Luật số 09/2017/QH14: Luật Du lịch, ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2017.

SOLUTIONS FOR THE SUSTAINABLE

 TOURISM DEVELOPMENT IN VIETNAM

Master. BUI THI NHU HIEN

Department of Training, Thanh Do University  

ABSTRACT:

This paper presents the current sustainable tourism development trends in the world. The paper also introduces Vietnam’s potential for sustainable tourism development, thereby pointing out challenges to Vietnam's sustainable tourism development. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to support the development of sustainable tourism in Vietnam.

Keywords: sustainable development, tourism, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]