Giải pháp phát triển du lịch trải nghiệm tại Cù lao An Bình, tỉnh Vĩnh Long

Học viên cao học NGUYỄN HOÀNG THANH NGÂN (Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Khoa Du lịch - Khách sạn, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Vĩnh Long là tỉnh có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, loại hình du lịch này hiện chưa phát triển mạnh. Bài viết phân tích rõ thực trạng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ở Cù lao An Bình, tỉnh Vĩnh Long, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch này tại địa phương.

Từ khóa: du lịch trải nghiệm, tiềm năng du lịch, du lịch nông thôn, Cù lao An Bình.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, loại hình du lịch trải nghiệm đang phát triển mạnh tại ĐBSCL và thu hút đông đảo sự yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Là tỉnh nằm ở trung tâm ĐBSCL, có vị trí địa lý và hệ thống kênh rạch chằng chịt, nên giao thông thuận lợi về cả đường bộ và đường thủy, Vĩnh Long được xem là cầu nối các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh. Vĩnh Long có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch như nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL. Tuy nhiên, du lịch trải nghiệm vẫn chưa phát triển mạnh nhằm thu hút khách du lịch. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu tình hình phát triển du lịch trải nghiệm ở Cù lao An Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ với tổng diện tích tự nhiên là 6.182 ha. Cù lao An Bình nằm trên tuyến giao thông thủy quan trọng của vùng là sông Cổ Chiên và sông Tiền, có quốc lộ 57 đi qua nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre thông qua phà Đình Khao và phà An Bình nên rất thuận lợi về mặt giao thông thủy bộ. Có vị trí gần với hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, cách TP. Vĩnh Long không xa, nên nơi đây thuận lợi cho việc thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, đặc biệt là khách đến bằng đường thủy.

2. Cơ sở lý luận

Du lịch trải nghiệm là tạo ra những trải nghiệm thu hút khách hàng tham gia vào các hoạt động đáng nhớ, được tiết lộ trong một khoảng thời gian, vốn đầu tư cá nhân, tạo kết nối về cảm xúc, thể chất, tinh thần hoặc trí tuệ cấp độ (Scott, 2017). Cốt lõi trải nghiệm du lịch nhấn mạnh:

  • Các bối cảnh trải nghiệm.
  • Đồng sáng tạo kinh nghiệm, cảm xúc, câu chuyện, chủ đề và câu chuyện.
  • Ảnh hưởng của những khách du lịch khác.
  • Ý nghĩa đối với khách hàng (Ryan, 2002; Natalia, 2006).

Du lịch trải nghiệm đã được xem như một phương tiện để phát triển khu vực và tăng cường sản xuất địa phương (Nguyễn Minh Tuệ, 2014; Scott, 2014). Du lịch có khả năng nâng cao thu nhập cho người dân địa phương trong khi cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm địa phương, cơ hội giáo dục, giải trí và giao lưu (Scott, 2014).

3. Phương pháp nghiên cứu

- Thu thập, xử lý thông tin: Thu thập những tài liệu có liên quan từ các nguồn tin cậy: Điểm du lịch, Ủy ban nhân dân các xã trên cù lao An Bình, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Long.

- Điều tra xã hội học: Lập 27 phiếu phỏng vấn khách du lịch khi đến tham gia vào loại hình du lịch trải nghiệm và 5 phiếu phỏng vấn các điểm du lịch trên Cù lao An Bình. Thông tin, số liệu sau khi thu thập từ khách du lịch và người dân đã được tiến hành xử lý sau đó sắp xếp chúng lại theo trình tự phù hợp với cấu trúc đề tài và kết hợp với việc lập ra các bảng biểu để tăng độ tin cậy và dễ dàng phân tích, nhận xét và so sánh.

- Khảo sát thực địa: Đây là phương pháp quan trọng phản ánh thực tiễn khách quan của đề tài nghiên cứu.

4. Thực trạng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ở Cù lao An Bình

4.1. Tài nguyên du lịch tại Cù lao An Bình

Cù lao An Bình là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch trải nghiệm với sự đa dạng, phong phú của các vườn cây ăn trái mang tính đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL. Người dân nơi đây rất phóng khoáng, cần cù và hiếu khách. Cùng với đó là những kiến trúc xưa mang giá trị văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy qua nhiều thế hệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch nơi đây phát triển. Ngoài ra, hoạt động du lịch đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà vườn, tạo điều kiện nâng cao nhận thức cộng đồng về giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Di tích lịch sử văn hóa - nhà cổ: Cù lao An Bình hiện có 10 di tích lịch sử văn hóa gồm: đình, chùa, nhà thờ, nhà cổ, Chùa Tiên Châu, Nhà thờ An Bình, Đình Hòa Ninh, Đình An Bình, Đình Bình Lương, Nhà cổ ông Ba Lình (xã An Bình), Nhà cổ Ông Cai Cường (xã An Bình). Tuy nhiên, hệ thống đường bộ dẫn tới các điểm di tích còn rất hạn chế, chủ yếu là đường giao thông nông thôn nên khả năng tiếp cận bằng đường bộ còn thấp, chỉ có Chùa Tiên Châu và Nhà thờ An Bình là 2 điểm gần tuyến đường giao thông nhựa nên dễ tiếp cận.

Lễ hội: Cù lao An Bình hiện có một số lễ hội chính như Lễ Kỳ Yên, Hạ Điền và Thượng Điền được tổ chức tại các đình làng; Lễ Phật Đản, Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn được tổ chức tại các ngôi chùa trên Cù lao An Bình. Số khách du lịch tham gia vào lễ hội chưa nhiều do một số lễ hội có qui mô nhỏ, chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Đa phần khách du lịch đến Cù lao An Bình chỉ để tham quan phong cảnh thiên nhiên và chưa có sự kết hợp với việc tham dự các lễ hội văn hóa truyền thống.

Làng nghề truyền thống: Cù lao An Bình hiện có một số nghề truyền thống như nghề làm kẹo cốm, nghề làm gốm, nghề sinh vật cảnh, nghề làm vườn. Các làng nghề truyền thống nơi đây giúp cho người dân có thêm thu nhập, giải quyết việc làm, nhất là trong thời gian nông nhàn. Ngoài ra, quá trình hoạt động sản xuất của làng nghề còn được sử dụng để phục vụ cho hoạt động du lịch. Khách du lịch ngoài việc tham gia các hoạt động du lịch khác còn có thể đến đây tham quan, tìm hiểu quy trình sản suất và mua sản phẩm tại làng nghề.

Ẩm thực: Cù lao An Bình có nhiều món ăn bình dân, đặc trưng cho miền sông nước Nam bộ như cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc, chả giò. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều loại bánh khác rất hấp dẫn như bánh xèo, bánh tét, bánh bò,… Chính sự đặc sắc của ẩm thực đã góp phần tạo ấn tượng với khách du lịch và làm đa dạng thêm tài nguyên du lịch tại Cù lao An Bình.

Các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống: Khi đến với Cù lao An Bình, du khách sẽ được thưởng thức một số loại hình nghệ thuật như đàn ca tài tử, cải lương, dân ca…. Đây là những loại hình nghệ thuật truyền thống, là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt, được xem như là “món ăn tinh thần” trong đời sống của người dân, cũng như trong các lễ cúng, tế ở đình làng Nam bộ xưa.

Tóm lại, Cù lao An Bình có nhiều yếu tố để hấp dẫn du khách, trong đó, ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của khách du lịch với 16,67%. Các món ăn nơi đây chủ yếu là các món dân dã, mang đặc trưng vùng ĐBSCL, tuy nhiên chưa có món đặc sản riêng của địa phương. Bên cạnh đó, không khí trong lành, sự yên bình của một vùng quê xứ cù lao cũng chiếm số đông trong mục đích khách du lịch đến đây với 11,9%. Ngoài ra, còn nhiều lý do mà du khách đến đây tham quan, như: muốn thưởng thức trái cây, giá cả bình dân, đi theo tour,...

muc-dich-khach-du-lich-den-tham-quan-cu-lao-an-binh

Nguồn: Tác giả thực hiện

Khách du lịch đến Cù lao An Bình có thể kết hợp việc tham gia loại hình du lịch trải nghiệm với nhiều loại hình du lịch khác như: du lịch tham quan sông nước miệt vườn, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa,… Đến đây, du khách cũng có thể nghe đàn ca tài tử tại các điểm du lịch. 

Bảng: Giới thiệu các hoạt động và dịch vụ du lịch cho khách

gioi-thieu-cac-hoat-dong-va-dich-vu-du-lich-cho-khach Nguồn: Tác giả thực hiện

4.2. Cách tổ chức hoạt động

Hiện nay, đa phần các điểm du lịch đều ký hợp đồng nhận khách của các công ty du lịch. Mặc dù bị hạn chế bởi tính mùa vụ do khách nước ngoài thường đến nhiều vào mùa khô và giảm dần vào mùa mưa, nhưng lượng du khách đến với Cù lao An Bình vẫn khá ổn định. Theo khảo sát, có 72,7% điểm du lịch có liên kết với các công ty du lịch để nhận khách và 27,3% điểm du lịch không liên kết với các công ty du lịch mà tự đứng ra tổ chức. Nhìn chung, nếu nơi nào có liên kết với các công ty du lịch thường có lượng khách cao, từ 10.000 - 40.000 lượt khách/năm. Đối với các điểm du lịch hoạt động riêng lẻ, mang tính tự phát và không ký hợp đồng với các công ty du lịch thì lượng du khách ít hơn, khoảng 5.000 lượt khách/năm.

4.3. Công tác quảng bá hình ảnh

Hiện nay, một vài điểm du lịch nơi đây đã chú trọng việc quảng bá hình ảnh đến khách du lịch và các công ty du lịch khác bằng cách in card, làm website hoặc phát tờ rơi để có lượng khách đến nhiều hơn. Tuy nhiên, mới có 36,6% hộ kinh doanh du lịch chú trọng việc quảng bá hình ảnh về điểm du lịch của mình; 63,6% các điểm du lịch khác chưa quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh du lịch. Do vậy, mới chỉ có 46,8% du khách biết về hoạt động du lịch nơi đây.

4.4. Nhân tố hỗ trợ

Hiện nay, Ủy ban huyện Long Hồ đã đưa ra nhiều mục tiêu phát triển cụ thể cho phát triển du lịch ở Cù lao An Bình. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức lớp học, nhằm nâng cao nghiệp vụ cho người tham gia hoạt động du lịch. Tuy nhiên, số lượng người dân tham gia còn ít nên chưa đạt chất lượng cao trong việc đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư vào các điểm du lịch vẫn chủ yếu do gia đình tự bỏ vốn, chứ chưa nhận được sự đầu tư từ các công ty du lịch hay chính quyền địa phương.

4.5. Các dịch vụ du lịch

Về quà lưu niệm, chỉ có 5,41% hộ gia đình có sản xuất và bán sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch. Những điểm buôn bán hàng lưu niệm đa phần mua hàng từ nơi khác rồi bán cho du khách nên giá thành cao và chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Do các điểm du lịch đa phần không sản xuất và bán hàng lưu niệm nên du khách không có cơ hội chi tiêu nhiều tại điểm du lịch và không thể mua quà về cho bạn bè, người thân. Nếu có thì sản phẩm cũng không phải là mặt hàng được sản xuất tại đây, nên chưa tạo được ấn tượng cho du khách.

5. Đánh giá chung về du lịch trải nghiệm tại Cù lao An Bình

Với nhiều lợi thế có sẵn đã giúp cho hoạt động du lịch trải nghiệm trên Cù lao An Bình phát triển tốt và thu hút được nhiều khách du lịch, người dân nơi đây chịu khó học hỏi kinh nghiệm để làm du lịch tốt hơn. Về vấn đề an ninh trật tự luôn được đảm bảo  cho du khách khi đến đây tham quan, vui chơi giải trí. Hoạt động du lịch cũng đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đánh giá chung về các hoạt động du lịch trải nghiệm trên Cù lao An Bình của khách du lịch cho thấy, 54,8% du khách tỏ ra rất hài lòng; 35,5% du khách đánh giá hài lòng; 8,1% du khách đánh giá là tương đối và 1,6% cảm thấy không hài lòng. Mặc dù đa phần du khách du cảm thấy hài lòng về hoạt động du lịch nơi đây, nhưng để hoạt động du lịch được tốt hơn, địa phương cần cố gắng khắc phục những nhược điểm còn tồn tại, phát huy các ưu điểm nhằm nâng cao mức độ hài lòng, thu hút được nhiều du khách hơn nữa, kéo dài thời gian lưu trú và tăng số lần trở lại của khách du lịch.

6. Đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm

Để khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái, tỉnh Vĩnh Long phải sớm có những giải pháp để xây dựng và khai thác có hiệu quả các khu, điểm du lịch theo đúng quy hoạch và bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt đối với Cù lao An Bình.

6.1. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch

Tài nguyên du lịch sẵn có trên Cù lao An Bình là một lợi thế để đầu tư và phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm tại địa phương. Tuy nhiên, việc lựa chọn sản phẩm du lịch trải nghiệm để triển khai vào thực tế thì cần phải có quy trình rõ ràng, phối hợp giữa nhà vườn, hộ gia đình làm du lịch trên Cù lao An Bình với chính quyền địa phương. Khi đưa ra được sản m riêng biệt, sản phẩm đặc trưng của địa phương thì việc thu hút du khách đến với cù lao mới hiệu quả.

Du lịch sinh thái, trải nghiệm cần kết hợp với du lịch homestay để vận dụng hiệu quả tối đa việc “trải nghiệm” hơn là “vui chơi”. Du khách được sinh hoạt chung với người dân địa phương thông qua các hoạt động tập thể trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa của địa phương. Do đó, cần chú trọng xây dựng hình ảnh thân thiện, tạo nên những nét riêng trong văn hóa hay đa dạng các sản phẩm du lịch như: thử nghiệm làm nghề thủ công mỹ nghệ, làm vườn, thu hoạch trái cây, tát mương bắt cá.... đặc biệt nhanh chóng phát triển mạnh dịch vụ đạp xe quanh cù lao (phù hợp đối tượng khách quốc tế) vì đây là sản phẩm đặc trưng chỉ trên Cù lao An Bình mới có.

6.2. Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Trên Cù lao An Bình hiện có ít loại hình du lịch, sản phẩm du lịch còn khá đơn điệu, bị trùng lặp và ít tính sáng tạo nên chưa khai thác hết tiềm năng du lịch sẵn có. Do vậy, bên cạnh duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đã có, thì cần sáng tạo tìm ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ để thu hút khách du lịch.

+ Cần phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm tại các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm.

+ Sáng tạo thêm nhiều món ăn ngon và độc đáo để đãi khách, các món ăn đó phải đặc sắc để tạo ấn tượng tốt cho du khách và nó có thể trở thành đặc sản của riêng Cù lao An Bình.

+ Các điểm du lịch cũng cần có nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng cao để phục vụ khách nhiều hơn, nhằm nâng cao thu nhập của người dân và tăng chi tiêu của du khách.

+ Phối hợp với các ban ngành có liên quan tổ chức các lễ hội dân gian Nam bộ (lễ hội trái cây, lễ hội ẩm thực, hội thảo về nông nghiệp, ngư nghiệp,…).

7. Kết luận

Nhìn chung, hoạt động du lịch trên Cù lao An Bình khá hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho mọi người, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế về sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm để thu hút thêm khách du lịch. Để khắc phục những mặt yếu kém và đưa du lịch tỉnh Vĩnh Long nói chung và du lịch trải nghiệm tại Cù lao An Bình nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng, việc nghiên cứu, đưa ra các định hướng và giải pháp phát triển du lịch trải nghiệm một cách hợp lý là yêu cầu cần thiết. Cần sáng tạo, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng mức độ hấp dẫn và thu hút nhiều khách du lịch. Giúp người làm du lịch hiểu rõ về loại hình du lịch trải nghiệm và khuyến khích mọi người có cách tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm đúng với lý thuyết, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của cư dân địa phương của khách du lịch.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Natalia Tur Mari (2006). Experiental tourism: A strategy for improving comtetitiveness. Spain: Dissertation at University of Illes Balears.
  2. Nguyễn Minh Tuệ (2014). Địa lý du lịch Việt Nam. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  3. Ryan, C. , (2002). The Tourist Experience; Continuum, London.
  4. Scott, Noel (2017). Visitor experience design. Wallingford, Oxfordshire; Boston, MA: CABI.
  5. Tuấn Anh (2018). Đắk Lắk phát triển du lịch cộng đồng - thu hút khách. Truy cập tại: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/dak-lak-phat-trien-du-lich-cong-dong-thu-hut-du-khach-20180109104830617.htm.
  6. Ủy ban nhân dân xã An Bình (2020). Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020 và Kế hoạch năm 2021.
  7. Ủy ban nhân dân xã An Bình (2020). Báo cáo tóm tắt phương án ý tưởng quy hoạch dự án đô thị nông nghiệp sinh thái An Bình.

 

SOLUTIONS FOR THE DEVELOPMENT OF EXPERIENCE TOURISM

IN AN BINH ISLET, VINH LONG PROVINCE

Master’s student NGUYEN HOANG THANH NGAN

Faculty of Tourism and Vietnam Studies, Nguyen Tat Thanh University,

Ly Tu Trong College in Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Located in the heart of the Mekong Delta, Vinh Long province has great potential for the development of different tourism products, including experience tourism. However, the experience tourism has not yet developed strongly. This paper clearly analyzes the current development of experience tourism in An Binh Islet, Vinh Long province, and proposes some solutions to help the locality develop this tourism type.

Keywords: experience tourism, tourism potential, rural tourism, An Binh Islet.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 10, tháng 5 năm 2022]