TÓM TẮT:

Bằng phương pháp thu thập và phân tích số liệu, nghiên cứu đã đánh giá thực trạng, hiệu quả kinh tế liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được liên kết giúp nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất bưởi Da Xanh cho nông hộ và cho thấy những hạn chế và thách thức trong liên kết. Các giải pháp giúp tăng cường liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp cũng được đưa ra trong nghiên cứu.

Từ khóa: Liên kết bền vững, sản xuất - tiêu thụ, bưởi Da Xanh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có đất đai màu mỡ, điều kiện tự nhiên, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện, tính đến cuối năm 2019, có hơn 150 ha trồng bưởi Da Xanh có chất lượng, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Bưởi Da Xanh trồng tại huyện có năng suất cao, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, tình trạng đất đai manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, chưa có liên kết nên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Sản phẩm bưởi Da Xanh mặc dù có diện tích, sản lượng lớn nhưng chưa có thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý nên chưa khẳng định được vị thế trên thị trường. Các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) chưa phát huy được tiềm năng; nông dân thiếu liên kết trong sản xuất, mua nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ nông sản; chính sách hỗ trợ liên kết từ Trung ương đến địa phương có nhiều nhưng chưa được tận dụng; người dân cứ loay hoay trong cân đối chi phí sản xuất và áp lực về tiêu thụ. Do thiếu liên kết, chưa có định hướng và đầu tư đúng mức nên bưởi Da Xanh tại huyện Thống Nhất chưa phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế.

Vì vậy, nghiên cứu về giải pháp phát triển liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp (DN) trong sản xuất bưởi Da Xanh tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai là hết sức cần thiết, hướng tới mục tiêu nâng cao liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh, đồng thời đưa ra những biện pháp chính sách phù hợp để phát triển liên kết này.

2. Tổng quan nghiên cứu

Bưởi Việt Nam khá đa dạng về chủng loại và mẫu mã như bưởi Da Xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Đoan Hùng,… Trong đó, bưởi Da Xanh được đánh giá là ngon nhất, bắt mắt nhất và có giá thành cao hơn cả so với các sản phẩm khác. Những năm gần đây, bưởi Da Xanh là sản phẩm chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các nhà vườn thuộc các tỉnh Nam Bộ như Bến Tre, Đồng Nai, Cần Thơ,… (Nga, 2016).

Ở tỉnh Đồng Nai, diện tích trồng bưởi Da Xanh năm 2019 là khoảng hơn 8000 ha và đang có xu hướng gia tăng do lợi ích mà trái bưởi này mang tới cho các hộ nhà vườn (báo cáo của Sở NN và PTNT Đồng Nai, 2019). Theo tờ Thời báo kinh doanh (2020), một số huyện như Tân Phú, Thống Nhất,… của tỉnh Đồng Nai đang chuyển đổi đất canh tác sang trồng bưởi Da Xanh với diện tích trên 300 ha và trung bình 1 ha tính đến năm thứ 6 có thể thu về 500 - 600 triệu đồng.

Mặc dù, hiệu quả kinh tế của việc sản xuất bưởi Da Xanh khá rõ ràng nhưng do các yếu tố như sâu bệnh gây hại trái bưởi hay do biến động cung cầu của thị trường cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến đầu ra của mặt hàng này. Ngoài ra, việc hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất còn rất ít và gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh, có một số ít doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ và thu mua theo các tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt của doanh nghiệp, nhưng hình thức này chỉ chiếm số lượng ít và chưa thực sự thu hút nông dân.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định tính thông qua nghiên cứu thực địa và nghiên cứu lịch sử so sánh. Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp, hộ nông dân và hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ bưởi Da Xanh tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Các số liệu sơ cấp được thu thập thông qua mẫu phiếu phỏng vấn. Quy mô mẫu khảo sát bao gồm 230 hộ nông dân (đại diện cho 2 xã của huyện) và 11 doanh nghiệp, hợp tác xã. Đề tài sử dụng các công cụ thống kê mô tả, nghiên cứu tình huống và quy nạp để phân tích, xử lý các số liệu thu thập được. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp phân tích SWOT để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển mô hình liên kết hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh.

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sản xuất bưởi Da Xanh qua liên kết bao gồm: Năng suất, thu nhập, lợi nhuận kinh tế trung bình trên một hecta, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư. Chi phí sản xuất bưởi được hoạch toán bao gồm: Chi phí trung gian (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiên liệu, các khoản chi phí dịch vụ như thuê máy móc, thuê nhân công, thủy lợi phí, lãi vay sản xuất và chi phí khác), khấu hao (máy móc và vườn cây).

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thực trạng liên kết của hộ và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai

4.1.1. Lĩnh vực liên kết của hộ và doanh nghiệp

Hình 1: Tỷ lệ các lĩnh vực liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh (%)

Tỷ lệ các lĩnh vực liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp

Liên kết thu mua vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm: Hiện chỉ có 44/230 hộ, chiếm 19,13%, cùng hợp tác cung ứng và thu mua đầu vào, vật tư thông qua liên kết với doanh nghiệp (Hình 1). Nội dung liên kết cụ thể như sau: Doanh nghiệp Sito cung cấp phân bón hữu cơ cho 53,2 ha, tỷ lệ tham gia liên kết 34,98% so với tổng diện tích bưởi nghiên cứu, với tổng giá trị khoảng 35,99% so với tổng chi phí vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc diệt cỏ…) (Bảng 1). Giá thông qua liên kết thường thấp hơn giá thị trường từ 5 - 10%.  

Bảng 1. Tình hình tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết trong sản xuất bưởi Da Xanh

Tình hình tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra, 2020

Liên kết trong sản xuất: Các thành viên trồng bưởi thường chỉ trao đổi, học tập kinh nghiệp canh tác với nhau. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp Hưng Lộc có thành lập 2 tổ : Tổ kỹ thuật chuyên hỗ trợ các thành viên trong việc lắp đặt hệ thống tưới, hệ thống phun thuốc BVTV tự động, tư vấn sử dụng thuốc BVTV, phân bón, hướng dẫn phòng, trị bệnh trên cây bưởi; Tổ thu hoạch chuyên hỗ trợ người dân thu hoạch khi các thành viên không có công thu hoạch hoặc không biết kỹ thuật, cách thu hoạch nhằm đảm bảo sản phẩm thu hoạch đúng độ chín, bảo đảm về chất lượng trong quá trình thu gom, đóng thùng và vận chuyển.

Kết quả khảo sát 2 HTX nông nghiệp và 2 THT trên địa bàn 2 xã Hưng Lộc và Xuân Thiện cho thấy, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm trong 230 hộ thì có 45 hộ có hợp đồng với DN mua bán bưởi thông qua đơn vị thu gom là HTX, THT. Trong đó, tại Hưng Lộc có cơ sở Long Tài (thu mua cho 25 hộ); Xuân Thiện có HTX Nông nghiệp Vườn Xanh (thu mua cho 19 hộ) và 01 hộ chuyên bán cho Công ty TNHH Hương Miền Tây tại Bến Tre. Mặc dù, có thỏa thuận mua bán với nhau, nhưng chỉ là thỏa thuận miệng, chưa có ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý. Khả năng phá vỡ thỏa thuận khi có sự thay đổi là rất dễ xảy ra.

4.1.2. Ràng buộc liên kết

Quan hệ giữa người nông dân sản xuất và người thu mua thường có các kiểu quan hệ như sau:

Liên kết bằng văn bản: Giữa người sản xuất và người thu mua có hợp đồng bằng văn bản quy định trách nhiệm và sự ràng buộc của các bên tham gia. Đây là liên kết mang tính pháp lý. Tuy nhiên, loại hình liên kết này trong tiêu thụ bưởi Da Xanh trên địa bàn huyện chưa có.

Thỏa thuận miệng: Giữa người nông dân và người thu mua có thỏa thuận miệng với nhau trước khi mua - bán. Thỏa thuận này thường không quy định giá cả trước mà thường được điều chỉnh theo giá thị trường. Trên 2 xã nghiên cứu, có 45/230 hộ thực hiện, chiếm 19,57% so với tổng số hộ trên địa bàn. Giao kết này không có ràng buộc về mặt pháp lý khi thỏa thuận không xảy ra.

Giữa người mua và người bán không có thỏa thuận hay giao kết trước: Người mua thường đi đến các vườn để cho giá bán, phương thức thực hiện hoặc người bán liên hệ với người mua để mời bán sản phẩm, khi hai bên thống nhất được giá bán thì giao dịch xảy ra. Trên địa bàn 2 xã nghiên cứu, có 164/230 hộ theo phương thức này, chiếm tỷ lệ 71,30%. Đây là phương thức phổ biến không phải đối với mỗi mặt hàng bưởi Da Xanh mà đối với hầu hết các nông sản khác trên địa bàn huyện. Phương thức này có ưu điểm là người bán và người mua tự do sản xuất và bán - mua theo ý muốn mà không bị áp lực hay ràng buộc bởi bất kỳ giao kết nào. Nhược điểm của nó thì lại rất nhiều, nó dễ bị ảnh hưởng khi thị trường biến động. Mặt khác, nó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng trên thị trường.

4.1.3. Hiệu quả liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh

Mỗi một liên kết sẽ tạo ra một hiệu quả nhất định. Theo kết quả của Bảng 2 và 3 cho thấy, khi không có liên kết thì từ năm thứ 5 trở đi việc trồng bưởi Da Xanh mới có hiệu quả > 0 đối với tất cả các chỉ tiêu. Tính trung bình 10 năm đầu tư thì 1 đồng chi phí bỏ ra thu được 1,54 đồng doanh thu, 0,54 đồng thu nhập. Như vậy, hiệu quả trồng bưởi nếu không có liên kết thì vẫn mang lại thu nhập nhưng khả năng bền vững không cao nếu xuất hiện sự biến động về nhu cầu thị trường và giá cả.

Bảng 2. Hiệu quả kinh tế khi không có liên kết (Tính trên 01 ha bưởi Da Xanh)

Hiệu quả kinh tế khi không có liên kết

Nguồn: Số liệu điều tra và tổng hợp, 2020

Bảng 3. Hiệu quả kinh tế khi có liên kết (Tính trên 01 ha bưởi Da Xanh)

Hiệu quả kinh tế khi có liên kết

Nguồn: Số liệu điều tra và tổng hợp, 2020

Khi có liên kết, từ năm thứ 4 trở đi việc trồng bưởi Da Xanh đã có hiệu quả > 0 đối với tất cả các chỉ tiêu, sớm hơn khi không có liên kết  1 năm.

Tính trung bình 10 năm đầu tư thì 1 đồng chi phí bỏ ra thu được 2,05 đồng doanh thu, 1,05 đồng thu nhập. Từ kết quả ở Bảng 3 cho thấy, tất cả các chỉ tiêu đều cao hơn so với khi không có liên kết; trong đó chỉ tiêu hiệu quả đầu tư (thu nhập/chi phí) cao hơn gần gấp đôi; cứ mỗi đồng chi phí bỏ ra thu lại hơn 1 đồng thu nhập. Như vậy, hiệu quả trồng bưởi có liên kết thì vẫn mang lại thu nhập bền vững kể cả khi có sự biến động về nhu cầu thị trường và giá cả.

Bảng 4. Hiệu quả khi mua vật tư đầu vào thông qua chuỗi liên kết

ĐVT đồng/ha

Hiệu quả khi mua vật tư đầu vào thông qua chuỗi liên kết

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra, 2020

Qua kết quả điều tra cho thấy, chi phí mua vật tư đầu vào thông qua chuỗi liên kết thường giảm hơn mua ở các cửa hàng vật tư từ 5 -10%. Trong nội dung này, sử dụng mức giảm bình quân 7,5% đối với các loại vật tư. Từ Bảng 4, chi phí khi mua 100% vật tư qua chuỗi liên kết giảm hơn 78 triệu đồng/ha/10 năm. Bên cạnh lợi ích về kinh tế thì đơn vị cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư,… còn luôn có nhân viên tư vấn về kỹ thuật hỗ trợ tận vườn khi nông dân có yêu cầu.

Theo Hậu (2012), khi thông qua chuỗi liên kết đơn vị thu mua sẽ đưa ra tiêu chuẩn và thúc đẩy, giám sát người sản xuất; bên cạnh đó đơn vị thu mua còn tham gia vào chuỗi giá trị như cung cấp giống, vật tư, phân bón. Sản phẩm thông qua chuỗi được truy xuất nguồn gốc, được giám sát về chất lượng. Nhà nước hỗ trợ quy trình sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn; hỗ trợ về thương hiệu, nhãn hiệu, được đăng ký mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Hiện trên địa bàn xã Xuân Thiện có hộ ông Đoàn Ngọc Chạnh cung cấp bưởi Da Xanh cho cơ sở Hương Miền Tây (Bến Tre) với giá luôn cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg. Nếu bán thông qua chuỗi liên kết với giá cao hơn 5.000 đồng/kg thì 1 ha bưởi trong 10 năm thu nhập cao hơn so với bán giá khi chưa có liên kết đến 785 triệu đồng, tăng hơn 26% so với giá bán thông thường.

Bảng 5. Thu nhập khi có và không có liên kết tiêu thụ sản phẩm

Thu nhập khi có và không có liên kết tiêu thụ sản phẩm

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra, 2020

4.2. Phân tích SWOT về liên kết hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh

4.2.1. Điểm mạnh

Huyện Thống Nhất có diện tích bưởi Da Xanh lớn với chất lượng tốt, ngon, đẹp; năng suất trên 1 đơn vị diện tích cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng bưởi có xu hướng tăng bởi những lợi ích do sản phẩm mang lại cho sức khỏe của con người.

Huyện đã thành lập 01 HTXNN Hưng Lộc chuyên về bưởi Da Xanh tại xã Hưng Lộc; dự kiến trong năm 2020 tiếp tục thành lập HTX bưởi Da Xanh tại xã Xuân Thiện; trên địa bàn có 2 HTX chuyên thu mua nông sản cung cấp cho siêu thị, các đơn vị bán lẻ và xuất khẩu. Đây là một thuận lợi lớn để xây dựng chuỗi liên kết trong thời gian tới.

Huyện đã sử dụng các hợp đồng văn bản khi tham gia vào mối liên kết giữa các tác nhân; mối liên kết thể hiện theo chiều ngang (giữa các hộ, tổ hợp tác, các thương lái/doanh nghiệp, tiêu thụ), theo chiều dọc (người sản xuất, người thu mua, người mua).

4.2.2. Điểm yếu

Đối tượng tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ bưởi chưa được xác định rõ, nhất là vai trò của 4 nhà.

Sản xuất hàng hóa phát triển chưa mạnh, còn chủ yếu quy mô nhỏ, hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ vẫn còn nặng nề. Sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chưa xây dựng được uy tín trên thị trường. 

Các hộ đã ký hợp đồng nhưng ở quy mô còn nhỏ. Các doanh nghiệp và bản thân người dân còn chưa thực sự được tiếp cận với hợp đồng dưới dạng văn bản mà họ mới chỉ thực hiện hợp đồng miệng với doanh nghiệp, HTX. Tình trạng vi phạm hợp đồng mua, bán sản phẩm xảy ra nhiều. Tình trạng nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp và ngược lại thường xảy ra trên tất cả các sản phẩm có ký hợp đồng.

4.2.3. Cơ hội

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế ngày càng diễn ra sâu rộng trên thế giới và khu vực, là cơ hội để sản phẩm của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng tiếp cận với thị trường thế giới.

Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong nước, trong vùng ngày càng tăng cường và mở rộng là cơ hội tốt để giao thương hàng hóa phát triển sản xuất. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với 32 khu công nghiệp hiện có là một trong những thị trường lớn để tiêu thụ sản phẩm bưởi Da Xanh.

Chiến lược gia tăng giá trị sản phẩm thông qua chế biến, chế biến sâu có thể giúp tạo ra nhiều sản phẩm hơn từ bưởi như mứt bưởi, tinh dầu bưởi,…

Nhu cầu về các sản phẩm chất lượng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của người tiêu dùng ngày càng tăng và đây chính là lợi thế của địa phương. Do vậy, nếu biết tận dụng để tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu của thị trường thì sẽ giúp cho sản phẩm bưởi Da Xanh có nhiều cơ hội.

4.2.4. Thách thức

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới diễn ra ngày càng mạnh, áp lực cạnh tranh sản phẩm ngày càng cao, nhất là về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và giá cả. Trong khi đó, sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhìn chung sức cạnh tranh còn thấp.

Biến đổi khí hậu (nắng, nóng, mưa, bão), dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ khó lường ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng nói chung và bưởi nói riêng, trong khi đó công tác bảo vệ thực vật cũng còn khó khăn.

Diện tích bưởi của cả nước đang có xu hướng tăng, đồng nghĩa với sự cạnh tranh về thị trường sẽ ngày càng khắc nghiệt. Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, diện tích bưởi tỉnh Đồng Nai và cả nước tiếp tục tăng trên 10% trong những năm tiếp theo (UBND huyện Thống Nhất, 2020).

4.3. Giải pháp chủ yếu thúc đẩy liên kết hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản suất và tiêu thụ bưởi trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai

4.3.1. Nâng cao nhận thức của các tác nhân trong tham gia liên kết

Để tăng cường năng lực của các tác nhân tham gia vào liên kết trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh tại huyện Thống Nhất, cần phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của từng tác nhân trong liên kết, cụ thể:

a. Nhà nông

Nhà nông với vai trò chủ yếu là sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào quá trình liên kết. Sản phẩm để tham gia liên kết chính là số lượng, chất lượng của nguyên liệu nông sản đưa vào chế biến; lợi ích thu được thông qua liên kết phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu đầu vào thông qua sản xuất của họ. Do vậy, để bảo đảm tính cạnh tranh và có cơ hội vào các thị trường tương đối “khó tính” đòi hỏi sản xuất đầu vào là các sản phẩm phải bảo đảm “4 đúng” đó là: Đúng lượng, đúng chất, đúng thời điểm và đúng giá.

b. Nhà doanh nghiệp

Cần khẳng định vai trò quan trọng của mình trong mối liên kết 4 nhà, mạnh dạn liên kết trong khâu tiêu thụ với nhà nông. Doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đúng cam kết để có được lòng tin của người dân, khi đó nông hộ mới tích cực tham gia liên kết.

Các công ty, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cần thường xuyên cử cán bộ xuống địa phương để tìm hiểu về hoạt động sản xuất, việc thực hiện hợp đồng của các tác nhân, tìm hiểu giá cả, thị trường. Nếu có sự thay đổi lớn về giá hợp đồng đã ký so với giá thị trường thì cần có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Đồng thời, tìm các thị trường tiềm năng để tiêu thụ bưởi Da Xanh, tăng giá trị sản xuất của các hộ nông dân.

4.3.2. Xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ

Hệ thống tư vấn xây dựng dự án/kế hoạch liên kết là các tổ chức/cá nhân (doanh nghiệp, viện, trường đại học) có kinh nghiệm và năng lực tư vấn. Nội dung tư vấn gồm:

a. Tư vấn hỗ trợ xây dựng dự án/kế hoạch liên kết chuỗi; thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa

- Xây dựng và triển khai dự án/kế hoạch liên kết;

- Tư vấn phát triển sản phẩm: Xác định nhu cầu thị trường, thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa

- Tư vấn kỹ năng phân phối, xúc tiến thương mại: Xây dựng kênh phân phối; tư vấn, tập huấn, đăng ký và hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm.

b. Tư vấn kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến:

Tư vấn sản xuất theo quy trình GAP: Trong đó, bao gồm cả phương pháp canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương pháp thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến.

4.3.3. Giải pháp về huy động nguồn lực

Thông qua các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 để thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tham gia vào liên kết chuỗi.

Hỗ trợ đưa cán bộ trẻ, có trình độ đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp theo Kế hoạch số 12802/KH-UBND ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai nhằm huy động sức mạnh của các HTX nông nghiệp trong xây dựng chuỗi liên kết.

Vận động, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân tham gia thành lập các HTX nông nghiệp để làm đầu mối trong xây dựng chuỗi liên kết theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “phát triển 15.000 Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”.

5. Kết luận

Liên kết kinh tế giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh trên địa bàn huyện Thống Nhất thông qua hình thức tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vật tư, phân bón. Sự liên kết đã mang lại những lợi ích rõ rệt cho cả 2 bên tham gia và giải quyết được phần nào những khó khăn hiện hữu của người sản xuất như kỹ thuật canh tác, chất lượng sản phẩm, tiếp cận đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và thách thức, đặc biệt là việc tuân thủ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận chính sách hỗ trợ. Để thúc đẩy liên kết bền vững, hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh cần: i) Nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và nhận thức của nông dân về vai trò của liên kết đối với sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh; ii) Tăng cường hỗ trợ từ phía doanh nghiệp đối với hộ nông dân về kỹ thuật sản xuất và tiếp cận vật tư đầu vào; iii) Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp thực thi tốt vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong mối liên kết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hồ Quế Hậu (2012). “Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân ở Việt Nam”. Nhà xuất bản Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Đỗ Thị Nga (2016). “Cơ sở lý luận về liên kết hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Da Xanh”. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Tây Nguyên, 17(tháng 4), 62 - 68.
  3. UBND huyện Thống Nhất (2020). “Báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội của huyện 2019”. Đồng Nai.
  4. Sở NN và PTNT Đồng Nai (2019). “Báo cáo tình hình sản xuất Nông lâm thủy sản tháng 12/ 2019”, Đồng Nai.
  5. Thời báo Kinh doanh (2020). “Bưởi Tà Lài kỳ vọng rộng đầu ra” https://thoibaokinhdoanh.vn/hop-tac-xa/buoi-ta-lai-ky-vong-rong-dau-ra-1068412.html

SOLUTION FOR PERFECTING

PRODUCTION - CONSUMPTION LINKAGES OF DA XANH POMELO

IN THONG NHAT DISTRICT, DONG NAI PROVINCE

• MA. PHAM HUU TAI

• PhD. PHAM THI TAN

Faculty of Economics and Business Administration

Vietnam National University of Forestry

ABSTRACT:

By collecting and analyzing data from households and enterprises, this research assesses the status quo of the cooperation models between farmers and enterprises in production and trading of Da Xanh pomelo in the Thong Nhat District, Dong Nai Province. The research finds out that these cooperation models promote the economic efficiency of growing and trading Da Xanh pomelo. However, there are some limitations and challenges for these models. Based on the research’s findings, some solutions are proposed to perfect these cooperation models in order to enhance the sustainability of production- consumption linkages of Da Xanh pomelo.

Keywords: Sustainable linkages, production-consumption, Da Xanh pomelo, Thong Nhat District, Dong Nai Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]