Giải pháp phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tại Việt Nam

ThS. ĐỖ THỊ THU QUỲNH  (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ đang phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trên cơ sở xác định hoạt động kinh doanh lưu trú đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, là cơ hội tạo ấn tượng tốt đối với du khách, Sở Du lịch và các cơ sở dịch vụ lưu trú trên địa bàn các tỉnh đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch địa phương. Bài viết bàn về lợi ích, thách thức và giải pháp phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tại Việt Nam.

Từ khóa: mô hình dịch vụ lưu trú chia sẻ, kinh doanh, du lịch, địa phương...

1. Đặt vấn đề

Hiện đã có rất nhiều mô hình kinh tế chia sẻ và gây được sự chú ý của cộng đồng như Grab, Airbnb, Relayrides, TaskRabbit, Car Pooling,… Không đứng ngoài xu thế chung của toàn cầu, một số mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam - nơi có đông đảo lực lượng tiêu dùng trẻ nhạy cảm về công nghệ. Một số loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam nổi bật, đó là: Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be,...); Dịch vụ lưu trú (Airbnb, Travelmob, Luxstay); Dịch vụ cho vay ngang hàng (chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp Fintech). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành, như: dịch vụ du lịch, chia sẻ không gian làm việc (coworking space), gửi xe, chia sẻ lao động và việc làm,... Bài viết sẽ đề cập đến cụ thể là dịch vụ lưu trú chia sẻ - một xu hướng mới của dịch vụ lưu trú trong nền kinh tế chia sẻ. Trong dịch vụ này, người có nhu cầu về phòng ở và người có phòng được kết nối dễ dàng thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Dịch vụ lưu trú chia sẻ thu hút được sự quan tâm của các bên tham gia bao gồm người tiêu dùng, người cung cấp phòng và các công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số.

2. Lợi ích do mô hình kinh doanh lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ

Thứ nhất, mô hình kinh doanh lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ không phải là một công ty kinh doanh khách sạn, mà là một mô hình trung gian kết nối giữa người cho thuê phòng và khách du lịch giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận và khai thác sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu và không có điều kiện sở hữu riêng (căn hộ; phòng nghỉ); đồng thời giúp người sở hữu tài sản (chủ của các căn hộ, phòng nghỉ) có cơ hội để tăng thêm thu nhập.

Thứ hai, mô hình kinh doanh lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ đem lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn cho kỳ nghỉ của mình. Nếu ai đi nghỉ dưỡng cùng gia đình hoặc đông bạn bè, có thể thuê được những biệt thự, villas gồm nhiều phòng với giá rẻ. Với những ai thích “du lịch bụi” và muốn tiết kiệm chi phí lưu trú tối đa, có thể chọn hình thức Shared room để nghỉ ngơi.

Thứ ba, với mạng lưới phòng nghỉ và căn hộ cho thuê phủ rộng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cùng phương thức thanh toán đơn giản, tiện ích và đặc biệt là sự trải nghiệm một hình thức lưu trú hoàn toàn mới, tự do thoải mái, gần gũi với cộng đồng dân cư,... là những lợi thế mà mô hình kinh doanh này đem lại cho người tiêu dùng.

Thứ tư, với phương thức hoạt động khá linh hoạt, tận dụng tối đa sự trợ giúp của công nghệ, hình thức kinh doanh lưu trú theo mô hình kinh tế chia sẻ có khả năng tiếp cận với khách hàng rộng rãi.   

Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhiều người đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo, các mô hình này còn góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch.

3. Thách thức đối với mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tại Việt Nam

Không thể phủ nhận những ưu điểm mà mô hình kinh doanh chia sẻ không gian lưu trú mang lại, tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng chứa đựng không ít thách thức.

Một là, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành (như trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Thương mại điện tử,...) chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ. Hiện nay, Ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, dẫn đến cấp giấy phép còn gặp vướng mắc, lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế,....

Hai là, Việt Nam còn thiếu cơ chế đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong kinh tế chia sẻ và giữa kinh tế chia sẻ với kinh tế truyền thống, nên chưa tạo được môi trường tốt cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ nói chung và dịch vụ lưu trú chia sẻ nói riêng. Trong cơ chế thu thuế, đối với doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp do không quản lý được đầu vào ở nước ngoài. Tình trạng trên gây ra sự bất bình đẳng giữa công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số (công ty cung cấp nền tảng đặt phòng trực tuyến) nước ngoài như Airbnb, HomeAway… và công ty trong nước như Luxstay, Mystay… Việc thu thuế của các chủ cho thuê phòng ở cũng gặp khó khăn do thiếu thông tin, khó quản lý được hoạt động của họ. Tình trạng này cũng tạo nên sự bất bình đẳng giữa dịch vụ lưu trú chia sẻ và lưu trú truyền thống

Ba là, hệ thống mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro để lộ ra lỗ hổng về thông tin cho người sử dụng dịch vụ và các rủi ro về công nghệ trong quá trình sử dụng. Các quy định về an toàn thông tin cũng còn thiếu liên quan đến việc trách nhiệm các bên khi để thông tin bị rò rỉ, mất mát, hay nghiêm trọng hơn là bán thông tin trái phép, không được sự đồng ý của khách hàng. Khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn “thuần túy” là các quy định kinh doanh truyền thống, chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”, gây khó khăn trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh chia sẻ đểphát huy tối đa việc tận dụng các nguồn lực dư thừa của xã hội và sử dụng hiệu quả hơn các tài sản sẵn có của xã hội.

Bốn là, gây rủi ro đối với cả người cho thuê và người đi thuê dịch vụ lưu trú. Do việc lưu trú chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bên cho thuê cũng không thể nắm hết được những thông tin chính xác và mục đích lưu trú của bên đi thuê. Do đó, trong quá trình lưu trú ngắn ngày có hiện tượng thực hiện những hoạt động bất hợp pháp gây ảnh hưởng đến bên cho thuê. Còn đối với bên đi thuê, họ có thể gặp phải tình trạng căn hộ không đảm bảo như quảng cáo, thỏa thuận. Tuy nhiên, trong một thời gian lưu trú ngắn, họ đành chấp nhận và không được giải quyết thỏa đáng do thiếu các cơ chế chính sách qui định trách nhiệm rõ ràng của các bên trong kinh tế chia sẻ.

Năm là, với các loại hình kinh tế chia sẻ, người cung ứng dịch vụ cũng không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tham gia vào hình thức kinh doanh này không sở hữu bất kỳ quyền lợi lao động nào; không có một đơn vị nào đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra vấn đề tranh chấp với đơn vị cung ứng nền tảng.

4. Giải pháp phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ

- Đối với Nhà nước

Thứ nhất, Nhà nước cần đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hành lang pháp lý cho nền kinh tế chia sẻ nói chung và dịch vụ lưu trú chia sẻ nói riêng. Nhanh chóng rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến kinh tế chia sẻ và các ngành kinh doanh cụ thể. Đặc biệt, quy định rõ các vấn đề đang vướng mắc trên thực tế, như: trách nhiệm của 3 bên trong kinh tế chia sẻ, điều kiện hoạt động của mỗi bên, vấn đề về chất lượng dịch vụ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, vấn đề về báo cáo thông tin cho cơ quan nhà nước tạo điều kiện đối với hoạt động giám sát,…

Thứ hai, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát, quản lý mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và dịch vụ lưu trú chia sẻ nói riêng. Trên cơ sở hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, Nhà nước cần nâng cao năng lực của bộ máy quản lý trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, nhằm khuyến khích và kiểm soát sự phát triển của kinh tế chia sẻ. Nhà nước cần tăng cường kiểm soát theo hướng các Bộ/ngành phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác quản lý và chia sẻ thông tin, kết nối, lưu trữ; đồng thời phân tích thông tin làm cơ sở đề ra và thực hiện các chính sách phù hợp.

Thứ ba, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong kinh tế chia sẻ nói chung và trong dịch vụ lưu trú chia sẻ nói riêng. Để đảm bảo môi trường bình đẳng, Nhà nước cần quan tâm đến mọi khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp từ đăng ký kinh doanh, điều kiện hoạt động,… trong đó cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề thuế. Đối với các công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số nước ngoài, hiện tại trong điều kiện chưa thể kiểm soát được đầu vào ở nước ngoài, để tránh thất thu thuế, Nhà nước cần có cơ chế phối hợp với các nước nhằm chia sẻ thông tin về số liệu doanh thu có được từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc tính toán thuế một cách chính xác. Đối với các chủ cho thuê, Nhà nước cần siết chặt yêu cầu cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin từ các công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số nước ngoài, nhằm đảm bảo có thông tin đầy đủ làm cơ sở tính toán thuế một cách chính xác.

- Đối với các công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số (công ty cung cấp nền tảng đặt phòng trực tuyến)

Thứ nhất, các công ty cung cấp nền tảng kỹ thuật số cần đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện các quy định về cung cấp thông tin và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách đầy đủ, chính xác.

Thứ hai, trên cơ sở phát triển kỹ thuật số, các công ty cần không ngừng hoàn thiện dịch vụ đăng ký và đặt phòng, sử dụng nhiều loại ngôn ngữ trên trang web, tạo điều kiện tương tác dễ dàng thuận lợi cho các chủ cho thuê và khách hàng, nhằm không ngừng phát triển dịch vụ lưu trú chia sẻ.

- Đối với các chủ cho thuê

Thứ nhất, các chủ cho thuê cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của Nhà nước về điều kiện hoạt động, như đảm bảo an ninh trật tự, các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, tuân thủ và nghiêm túc thực hiện các quy định về cung cấp thông tin và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách đầy đủ, chính xác.

Thứ hai, các chủ cho thuê cần nâng cao kinh nghiệm quản lý và kỹ năng công nghệ. Đặc biệt trong trường hợp chủ cho thuê có nhiều phòng được đăng ký trên nhiều nền tảng kỹ thuật số thì việc quản lý sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, để tối ưu việc cho thuê phòng, chủ cho thuê cần nắm được kiến thức về nhận diện, phân khúc giá, cung cấp thông tin cho khách hàng, tương tác sau khi khách đến ở,… Việc thiếu kinh nghiệm quản lý sẽ dẫn đến các thiệt hại về tài sản và uy tín. Do đó, các chủ cho thuê cần học hỏi nâng cao kiến thức quản lý và công nghệ hoặc cũng có thể thuê nhân viên quản lý chuyên nghiệp.

Thứ ba, các chủ cho thuê cần nâng cao trình độ ngoại ngữ. Với đặc điểm phần lớn đối tượng khách hàng của dịch vụ lưu trú chia sẻ Việt Nam là khách nước ngoài, thì việc am hiểu ngoại ngữ sẽ giúp chủ nhà tương tác tốt với khách hàng, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ tốt, giữ được uy tín và hình ảnh đẹp, từ đó góp phần quảng bá cho chủ nhà và thu hút các khách hàng tiềm năng.

Thứ tư, trong hoàn cảnh dịch bệnh covid - 19 đang làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành Du lịch khiến cho lượng khách quốc tế giảm sút mạnh, các chủ cho thuê cần chú trọng thu hút nhiều hơn khách trong nước. Các chủ cho thuê cần quan tâm đáp ứng các nhu cầu của khách theo các đặc trưng về lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội,… đặc biệt cần đẩy mạnh kích cầu trên cơ sở khuyến mãi, giảm giá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Airbnb, (2020). What legal and regulatory issues should I consider before hosting on Airbnb?. Truy cập tại: https://www.airbnb.com/help/article/376/what-legal-and- regulatory-issuesshould-i-consider-before-hosting-on-airbnb.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), “Báo cáo Đề án mô hình kinh tế chia sẻ”.
  3. Hồng Phúc, (2018). Chưa thể thu thuế kinh doanh trên Airbnb. Truy cập tại: https://baodautu.vn/chua-the-thu-thue-kinh-doanh-tren-airbnb-d75464.html.
  4. Lâm Tùng, (2020). Cấm dùng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày. Truy cập tại: https://ndh.vn/bat-dong-san/cam-dung-canho-chung-cu-de-kinh-doanh-dich-vu-cho-thue-theo-gio-ngan-ngay1277704.html

Solutions to develop the shared accommodation business model in Vietnam

Master. Do Thi Thu Quynh

Faculty of Finance – Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

In recent years, the shared accommodation business model has experienced a rapid development in terms of both quantity and quality. As the accommodation services are considered a key factor in tourism development, the provincial Department of Tourism of provinces and accommodation providers across the country have conducted many measures to improve the accommodation service quality, helping increasing the local tourism attractiveness and competitiveness. This paper analyzes the benefits, challenges and solutions to develop the shared accommodation business model in Vietnam.

Keywords: model of shared accommodation, business, tourism, local.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]