Giải pháp phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh trong tương lai

ThS. PHAN THỊ XUÂN HUỆ (Bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Trà Vinh có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và du lịch biển. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch của Tỉnh chưa đáp ứng kịp nhu cầu của khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Du lịch cả nước nói chung và ngành Du lịch tỉnh Trà Vinh nói riêng. Bài viết này đề cập đến thực trạng và một số giải pháp phát triển ngành Du lịch tỉnh Trà Vinh trong giai đoạn tới.

Từ khóa: du lịch tỉnh Trà Vinh, ngành Du lịch.

1. Tiềm năng du lịch Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh Duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Tiếp giáp biển Đông với chiều dài 65 km bờ biển đã hình thành nên vùng đất Trà Vinh gồm vùng đất châu thổ lâu đời, bên cạnh vùng đất trẻ mới bồi, có hàng trăm gò, giồng cát và mạng lưới sông ngòi chằng chịt mang nặng phù sa, bồi đắp cho những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Môi trường tự nhiên tuy còn hoang sơ do chưa được đầu tư khai thác, nhưng rất thích hợp cho khách du lịch quốc tế khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng còn lưu lại của vùng đất miền Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó, Trà Vinh là nơi sinh sống gắn bó lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc nổi bật với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo gồm đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc truyền thống lâu đời. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh và thực hành các nghi lễ tôn giáo cho du khách thích khám phá khi đến miền đất này. Trà Vinh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc được Nhà nước xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, đặc biệt là di tích kiến trúc Lưu Cừ II được hình thành những thế kỷ đầu công nguyên có một nền văn hóa nổi tiếng - văn hóa Óc Eo khá còn nguyên vẹn. Những lợi thế trên, đã tạo nên tiềm năng phát triển du lịch cho Trà Vinh là rất lớn bao gồm du lịch sinh thái và du lịch biển.

2. Thực trạng ngành Du lịch tỉnh Trà Vinh

2.1. Nguồn lực du lịch tỉnh Trà Vinh

2.1.1. Cơ sở vật chất

Theo Cục Thống kê Trà Vinh, giá trị tổng sản phẩm nội địa tỉnh Trà Vinh (GRDP) tăng bình quân hàng năm của giai đoạn 2000 - 2010 là 11,64%; giai đoạn 2010 - 2015 là 11,53%, giai đoạn 2016 -2019 là 12,3% riêng trong năm 2019 tăng 14,85%. Theo sự phát triển của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch cũng được phát triển. Toàn tỉnh hiện có có 47 di tích được xếp hạng, trong đó có15 di tích cấp quốc gia; 32 di tích cấp tỉnh.

Từ năm 2017 đến năm 2019, số cơ sở lưu trú tăng liên tục từ 132 cơ sở năm 2017 lên 150 cơ sở năm 2019, theo đó số phòng phục vụ khách du lịch lưu trú cũng tăng từ 1.493 phòng lên 1.669 phòng. Số lượng khách sạn 2-3 sao tăng đáng kể, từ 6 lên 10 khách sạn. Năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh cả nước chung tay chống dịch, áp dụng cách ly toàn xã hội, các sự kiện văn hóa thể thao du lịch của Tỉnh cũng phải tạm ngừng, kéo theo một số cơ sở lưu trú, công ty lữ hành tạm ngừng hoạt động. Đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 138 cơ sở lưu trú với số phòng phục vụ là 1.568 phòng. Tuy nhiên, sang năm 2021, khi tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, với cơ sở vật chất như trên sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vì số khách sạn từ 4 sao trở lên của tỉnh chưa có. Bên cạnh đó, hình thức lưu trú dạng homestay và khu nghỉ dưỡng chưa nhiều, cũng cần được đầu tư mở rộng do tỉnh Trà Vinh đang đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái và du lịch có sự tham gia của cộng đồng.

Bảng 1. Cơ sở lưu trú tỉnh Trà Vinh

Cơ sở lưu trú tỉnh Trà Vinh

Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh

2.1.2. Nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch

Lực lượng lao động phục vụ ngành Du lịch bao gồm lao động trong các cơ quan nhà nước, cơ sở lưu trú và công ty lữ hành. Số lượng lao động trong ngành Du lịch tỉnh Trà Vinh tăng liên tục qua các năm, chủ yếu tại các cơ sở lưu trú và công ty lữ hành.

Bảng 2. Lao động ngành Du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 – 2020

Lao động ngành Du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 – 2020

Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh

Bên cạnh đó, sự tham gia của hộ gia đình trong các khu du lịch sinh thái cũng góp phần quan trọng trong phát triển du lịch Trà Vinh, bởi xu hướng hiện nay khách du lịch thích ngắm cảnh, hít thở bầu không khí trong lành và thưởng thức những đặc sản địa phương.

Bảng 3. Sự tham gia của cộng đồng vào ngành Du lịch Trà Vinh năm 2020

Sự tham gia của cộng đồng vào ngành Du lịch Trà Vinh năm 2020

Nguồn: Số liệu thu thập 2020

2.2. Thực trạng du lịch tỉnh Trà Vinh

Bảng 4. Tình hình hoạt động du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 -  2020

Tình hình hoạt động du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 -  2020

Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh

Giai đoạn 2017-2019, tổng lượt khách du lịch đến Trà Vinh tăng liên tục qua các năm, bao gồm cả khách nội địa và khách quốc tế, năm 2017 từ 652.000 lượt khách, đến năm 2018 tăng 136.000 lượt, tương đương 20,9%. Đến năm 2019, bên cạnh sự gia tăng về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ du lịch, dự án xã hội hóa trùng tu tôn tạo di tích kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, công tác xây dựng sản phẩm, điểm nhấn du lịch tại một số khu du lịch trọng điểm được quan tâm đầu tư xây dựng. Trà Vinh là điểm sáng về du lịch cộng đồng, du lịch thuận thiên được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến nên lượng khách tiếp tục tăng 236.900 lượt tương ứng 30,1% so với năm 2018, tốc độ tăng bình quân 25%/năm. Mặc dù lượt khách du lịch đến Trà Vinh khá nhiều, nhưng tổng doanh thu từ hoạt động du lịch nói chung và doanh thu từ du lịch lữ hành còn thấp, do khách du lịch lưu trú lại Trà Vinh chưa nhiều, chỉ khoảng 65-67%. Giai đoạn 2017-2019, doanh thu du lịch tăng liên tục, đỉnh điểm năm 2019 doanh thu tăng 70,9% so với năm 2017. Cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp dẫn đến lượt khách du lịch đến Trà Vinh năm 2020 giảm 234.800 lượt, tương ứng 22,9% so với năm 2019, chủ yếu do lượt khách quốc tế giảm. Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng giảm 48,8% so với năm 2019. Tuy lượt khách du lịch giảm, nhưng vẫn còn cao hơn năm 2017, tốc độ tăng bình quân chung giai đoạn 2017-2020 là 6,6%/năm.

3. Cơ hội và thách thức của ngành Du lịch thời kỳ hậu Covid -19

3.1. Cơ hội

Từ năm 2017, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó đến nay, Tỉnh đã tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với bê tông hóa”. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, du lịch Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước nhờ các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững; tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim, du lịch sinh thái Cồn Hô là mô hình mẫu cho việc phát triển du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng hành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, trong năm 2020, Dự án SME Trà Vinh đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển du lịch tại đây. Theo đó, Dự án sẽ tài trợ nghiên cứu khả thi du lịch văn hóa - sinh thái tỉnh Trà Vinh, kết hợp đầu tư thí điểm bổ sung tuyến du lịch văn hóa - sinh thái các huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Ngang và Thành phố Trà Vinh để làm tiền đề phát triển du lịch văn hóa - sinh thái trong tỉnh.

Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên như rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, cùng những thắng cảnh nổi tiếng như Biển Ba Động, Ao Bà Om, Trà Vinh còn có nhiềudi tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn. Đây là những điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước có sở thích tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.

3.2. Thách thức

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ngành Du lịch Trà Vinh đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Thứ nhất, kết cấu hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng về giao thông đến các khu, điểm tham quan du lịch còn một số hạn chế nhất định. Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch triển khai còn chậm tiến độ; thiếu các khu vui chơi, dịch vụ giải trí có quy mô lớn, hiện đại để giữ chân du khách; Thứ hai, nguồn nhân lực tuy được quan tâm đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách; tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ trong phục vụ du khách còn hạn chế. Thứ ba, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn,… cũng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất của người dân vùng du lịch sinh thái.

4. Giải pháp phát triển ngành Du lịch tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới

Tốc độ phát triển ngành Du lịch có sự chuyển biến rõ nét. Trà Vinh đã thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hiện có. Do đó, để phát triển bền vững ngành Du lịch thì tái cơ cấu lại ngành là cần thiết, trong đó vừa củng cố nội lực của các doanh nghiệp, vừa cần các chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển từ Chính phủ đối với ngành Du lịch.

4.1. Đối với chính quyền địa phương

Tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch biển; tâm linh; du lịch sinh thái miệt vườn, trong đó phát triển du lịch văn hóa Khmer trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Tỉnh.

Đầu tư hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia, đầu tư các khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại, khách sạn từ 4 -5 sao để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, thất truyền để góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch.

4.2. Đối với doanh nghiệp du lịch và hộ tham gia du lịch cộng đồng

Doanh nghiệp chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Hộ tham gia du lịch cộng đồng thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp đón và phục vụ khách du lịch, nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm tạo điều kiện giao tiếp với khách nước ngoài, có ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Thiết lập cầu nối tạo sự hợp tác cho các doanh nghiệp du lịch với các đơn vị kinh doanh khác nhằm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, ưu tiên hướng tới các sản phẩm du lịch chất lượng cao, như: resort, khu nghỉ dưỡng ven biển kèm dịch vụ ẩm thực, vui chơi, giải trí, mua sắm hàng lưu niệm,…

Hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa, đặc sản vùng miền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Thị Hải Yến (2012), Du lịch cộng đồng, Hà Nội: NXB Giáo dục Việt Nam.
  2. Phạm Thị Hồng Cúc, Ngô Thanh Loan (2016), Du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 19(X5). 5-11.
  3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2019), Báo cáo tổng kết 2019 và chương trình công tác năm 2020 về tình hình thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
  4. Nguyễn Hồng Hà, Chung Thị Hoa Lư (2020), Nâng cao khả năng tham gia mô hình du lịch cộng đồng của hộ dân tại tỉnh Trà Vinh, Tạp chí Công Thương, 14. 131-137.
  5. Trần Thị Thủy, Đậu Quang Vinh (2014), Một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An, Trường Đại học Vinh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nghệ An, 10. 22-27.

SOLUTIONS FOR PROMOTING

TRA VINH PROVINCES TOURISM INDUSTRY IN THE FUTURE

  • Master. PHAN THI XUAN HUE

Department of Economics, Faculty of Economic Law, Tra Vinh University 

ABSTRACT:

Tra Vinh has a favorable geographical position for the development of ecotourism and marine tourism activities. However, the provincial facilities and human resources for the tourism industry have not met the needs of domestic and international tourists. In addition, the Covid-19 pandemic has significantly affected Vietnam’s tourism industry in general and Tra Vinh Province’s tourism sector in particular. This paper presents the current situation of Tra Vinh Province’s tourism sector and proposes some solutions for the provincial tourism development  in the future.

Keywords: tourism industry of Tra Vinh Province, tourism industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]