Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics Việt Nam

THS. LÊ MINH TRANG (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Theo dự báo, từ năm 2018 đến năm 2030, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam sẽ cần khoảng 1,6 triệu người. Nhu cầu lao động logistics cần đào tạo trong các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cũng ở mức gần 600 ngàn người, do đó, cả nước đến năm 2030 có nhu cầu nhân lực logistics là 2,2 triệu người. Tuy nhiên, quy mô đào tạo nhân lực logistics còn quá thấp, khiến nguồn cung nhân lực đối với ngành này thiếu. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phát triển một đội ngũ nhân lực logistics có chất lượng trong thời gian tới, cần các giải pháp đồng bộ, chặt chẽ. Bài viết này phân tích tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao của ngành Logistics và giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Từ khóa: nhân lực chất lượng cao, logistic, đào tạo nhân lực.

1. Sự phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam

Theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy, ngành Logistics có tiềm năng phát triển rất lớn.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những lĩnh vực nhiều có tiềm năng lớn và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra ngày càng rõ nét. Việc tạo lập một nền tảng hạ tầng và dịch vụ logistics vững chắc được coi là một trong những thành tố đặc biệt quan trọng trong quá trình tạo lập cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hội nhập với tâm thế chủ động, hiệu quả và bền vững hơn. Đây cũng là mối quan tâm lớn của Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức đầu tư, tư vấn, đánh giá độc lập của quốc tế và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp là chủ hàng tại Việt Nam.

Thực tế, Quyết định số 221/QĐ - TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ - TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

Nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ, hiện nay, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, chiếm khoảng 20% doanh thu toàn thị trường. Ngoài ra, còn có một số công ty xuyên quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ logistics đã có kinh doanh tại thị trường Việt Nam, như: Maersk Line, DHL, Kuehne + Nagel,... Hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics gồm nhiều loại hình dịch vụ, được phân chia ra theo các nhóm, như: xếp dỡ container; kho bãi; dịch vụ chuyển phát; vận tải hàng hóa; nhóm dịch vụ khác; phân tích và kiểm định,…

Cũng theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Thị trường logisitcs tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khối các nước ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan). So với một số nước châu Âu, dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn tốt hơn một số quốc gia thuộc khối Đông Âu như Bulgari (51), Nga (99), Ukraine (73) và hơn phần lớn các quốc gia châu Phi khác. Ngoài ra, theo nhận xét của ông Michael Peskin - phát ngôn viên Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 30% đến 40% tổng chi phí vận chuyển, trong khi ở các nước khác chi phí này chỉ chiếm khoảng 15%.

Logistic được dự báo là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn với tốc độ phát triển nhanh với tốc độ lên đến 13 - 15%/năm. Song, đây cũng là ngành đang gặp khó khăn trong phần nhân lực, do đòi hỏi chất lượng nhân lực của ngành tương đối cao.

2. Tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao của ngành Logistics

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngoài khó khăn về vốn, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6.000 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực logistics, nhưng số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% tổng số lao động đang làm việc và những người có kinh nghiệm và hiểu biết về luật pháp quốc tế còn thiếu nhiều. Hiện, nguồn nhân lực chính cho ngành này đều được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Trong khi đó, đây là lĩnh vực đòi hỏi chuyên gia am hiểu hệ thống pháp luật, thông lệ của nước sở tại và còn phải am hiểu pháp luật quốc tế, có mối quan hệ rộng khắp trên thế giới. Thực trạng này dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, Tập đoàn đang tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực mới là logistics với quy mô quy hoạch khoảng 170ha tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Tuy nhiên, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và đây cũng là tình trạng chung của hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân được xác định do: Logistics vẫn chưa được đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học. Hiện nay, chỉ có Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh mở chuyên ngành đào tạo về Logistics và Vận tải đa phương thức, đã chiêu sinh được năm thứ 2. Còn lại sinh viên các trường: Đại học Hàng hải, Ngoại thương, Giao thông vận tải chỉ học khoảng 20 tiết có liên quan. Với 20 tiết như vậy cho toàn bộ một chuỗi kinh doanh tương đối phức tạp như logistics thì là khó khăn quá lớn cho giảng viên để truyền đạt đầy đủ kiến thức cho sinh viên. Bên cạnh đó, những chuyên gia được đào tạo chuyên sâu cho ngành Logistics vẫn còn quá thiếu so với nhu cầu. Quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp. Do đó, 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics có quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.

Theo đại diện Công ty Lazada Express Việt Nam, là một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi và đang đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung cấp dịch vụ, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Logistics. Nhưng thực tế đã có trường hợp sau khi được tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn rất nhiều do các nhân sự này dù có chuyên môn là ngành dịch vụ Logistics và chuỗi cung ứng, song lại chưa biết đến phần mềm quản lý  kho, chưa hiểu về mã vạch. Có trường hợp còn bỡ ngỡ trong việc vận hành kho hàng ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại để phục vụ thương mại điện tử hoặc khá lúng túng trong cách phân loại đóng gói hàng hóa cho đạt chuẩn.

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics

Theo nhiều chuyên gia, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.

Về phía Chính phủ, cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics,… Các địa phương nên hình thành và liên kết với những trường đào tạo chuyên ngành về logistics, đặc biệt liên kết với nhà đầu tư từ nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực này.

Về phía các cơ sở đào tạo, để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, cần kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics; thu hút các chuyên gia về logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo; liên kết chặt chẽ với DN xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập,… Việc hợp tác với doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tế, thực tập, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là cần thiết. Sinh viên ngành Logisticscần thường xuyên được đi thực tế, tìm hiểu về các quy trình, thiết bị liên quan đến lĩnh vực đang được học. Cụ thể, khi đến một doanh nghiệp liên quan đến kinh doanh, vận hành các kho hàng, sinh viên sẽ được tìm hiểu kỹ về quy trình chọn và xử lý đơn hàng trong kho, thực hành việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng, thực hành cách phân loại, đóng gói và bảo quản hàng hóa,…

Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến việc trang bị bổ sung những kỹ năng "mềm" cho sinh viên như làm việc nhóm, khả năng nắm bắt tình hình, cách nhận diện đối mặt với khó khăn, tinh thần trách nhiệm… Ngày nay, người kinh doanh dịch vụ logistics có thể cung cấp dịch vụ trọn gói từ kho gửi hàng đến kho nhận hàng qua một hệ thống đồng bộ từ cung ứng nguyên vật liệu, phục vụ sản xuất - kinh doanh tới lưu kho - lưu bãi cho tới vận tải - giao nhận hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo chuyên ngành dịch vụ Logistics và chuỗi cung ứng, sinh viên cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các nội dung này. Ví dụ, trong quá trình học, sinh viên được hướng dẫn cụ thể về quy trình chọn và xử lý đơn hàng trong kho mô phỏng, cách sử dụng một số thiết bị chuyên dụng tại các kho hàng hiện nay. Bên cạnh đó, sinh viên còn được trực tiếp sử dụng các trang thiết bị trong kho hàng như pallet jack (một cấu trúc vận tải phẳng hỗ trợ hàng hóa một cách ổn định trong khi được nâng lên bởi một xe nâng), hand trolley (xe đẩy tay, xe dọn bàn), label maker (máy in tem nhãn),… và thực hiện quy trình chọn và xử lý đơn hàng. Việc thực hiện các chuyên đề tập trung hướng dẫn kỹ năng cụ thể đã giúp sinh viên không chỉ lĩnh hội được kiến thức chuyên môn, mà còn được rèn luyện từng kỹ năng liên quan đến công việc.

Về phía sinh viên, cần năng động hơn nữa trong quá trình tìm kiếm và tiếp cận các công ty dịch vụ logistics nếu muốn làm việc trong khu vực dịch vụ này, sau đó cần tích cực học hỏi trau dồi nghiệp vụ và kỹ năng làm việc. Còn nhóm lao động trực tiếp cần được đào tạo không chỉ kỹ năng làm việc, mà còn phải được đào tạo cả tinh thần, thái độ làm việc, cũng như thái độ chấp hành kỷ luật lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trường Ðại học Tài chính - Marketing (2019), “Ðào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế hội nhập”, Kỷ yếu Hội thảo, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Hoàng Hải (2017), “Ðánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam”, http://justintimevn.com/chi-tiet-tin/Danh-gia-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-nganh-logistics-Viet-Nam-Ky-II-315.html
  3. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (2018), “Ngành Logictics tại Việt Nam “khát” nhân lực chất lượng cao”, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Truy cập http://vimaru.edu.vn/tin-tuc/con-khat-nguon-nhan-luc-logistics-chat-luong-cao
  4. Luis C. Blancas et al. (2014). Efficient Logistics A Key to Vietnam’s Competitiveness. Washington D.C: World Bank.
  5. Fiin Group. (2019). Vietnam Logistics Market 201 Việt Nam.
  6. Businesswire (2019), “Vietnam Freight and Logistics Market - Growth, Trends, and Forecast (2019 - 2024)”, Research and Markets.com. https://www.globenewswire.com/news-release/2020/07/28/2068859/0/en/Vietnam-Freight-and-Logistics-Market-Growth-Trends-and-Forecast-2019-2024.htmlNgày nhận bài: 9/5/2021

Solutions to develop high-quality human resources for Vietnam’s logistics industry

Master. Le Minh Trang

Faculty of Banking - Finance

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

It is forecasteed that logistics service providers in Vietnam will need about 1.6 million employees over the period from 2018 to 2030. In addition, production and trading businesses need about other 600,000 logistics employees by 2030. As a result, Vietnam will need a total of 2.2 million logistics employees by 2030. However, the scale of logistics human resource training in Vietnam is quite small and it is a reason for the shortage of human resources in the country’s logistics industry. In order to meet the needs of human resources and to develop high-quality human resources for the logistics industry in the coming time, it is necessary for Vietnam to do synchronous solutions. This paper analyzes the shortage of high-quality human resources in Vietnam’s logistics industry and proposes some solutions to overcome this issue.

Keywords: high-quality human resources, logistics, human resources training.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]