Trung Quốc: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Nhằm chủ động hơn trong phát triển kinh tế thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc gần đây đã tìm cách kích thích tiêu dùng nội địa để khai phá thị trường đầy tiềm năng với gần 1,4 tỷ dân, bao gồm hơn 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Một trong những nhóm giải pháp trọng tâm được Chính phủ Trung Quốc triển khai là đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, gồm hoàn thiện khung pháp lý về  thương mại điện tử, đẩy mạnh thương mại điện tử tại các khu vực nông thôn và tăng độ phủ của thương mại điện tử đến mọi tầng lớp người tiêu dùng, nhất là nhóm khách hàng người cao tuổi.

Chính phủ Trung Quốc đã gấp rút ban hành Luật Thương mại Điện tử ngay từ năm 2018 cùng với đó là hệ thống các chính sách hỗ trợ, chính sách quy hoạch và định hướng phát triển thị trường thương mại điện tử theo từng giai đoạn. Qua đó, tạo khung pháp lý vững chắc về quản lý và định hướng phát triển rõ ràng cho các bên tham gia thị trường thương mại điện tử tại nước này.

Về phía nguồn cung, khung pháp lý này là nền tảng để Trung Quốc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa các nhà cung cấp, đặc biệt là siết chặt quản lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; từ đó, kích thích tiến bộ kỹ thuật – công nghệ và tạo động lực phát triển bền vững. Các chính sách cũng có xu hướng bảo hộ, giúp hình thành các doanh nghiệp nội địa ngành bán lẻ có tiềm lực đủ mạnh làm đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Về phía nguồn cầu, các chính sách đều hướng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chặt chẽ hơn, củng cố niềm tin của người tiêu dùng về các vấn đề như nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…, hạn chế các rủi ro và nâng cao trải nghiệm khi mua sắm trực tuyến.

Nông dân Trung Quốc livestream

Hiện có hàng trăm ngàn người nông dân tại Trung Quốc tận dụng hình thức livestream (phát sóng trực tiếp) trên các nền tảng thương mại điện tử để bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng trên toàn quốc (Ảnh: Chinadaily.cn)

Chính phủ Trung Quốc chú trọng tìm kiếm và hỗ trợ hoạt động quảng bá các sản phẩm đặc trưng vùng nông thôn đến các khu đô thị lớn và hỗ trợ người nông dân làm quen với các phương thức kinh doanh hiện đại. Các khoá học kinh doanh trực tuyến như hướng dẫn cách giới thiệu sản phẩm, đóng gói hiệu quả, lập gian hàng trực tuyến… được phổ biến rộng rãi đến các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã giúp đẩy mạnh lưu thông và tiêu thụ hàng hoá của khu vực nông thôn. Điều này góp phần nâng cao thu nhập người nông dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn và từng bước nâng cao sức mua tại những khu vực này.

Các dịp nghỉ lễ thường được Chính phủ Trung Quốc tận dụng để tổ chức các chiến dịch kích cầu tiêu dùng quy mô lớn, tập trung giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao trong nước nhằm thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu. Các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử được khuyến khích áp dụng các tiến bộ công nghệ thông tin để tạo ra các mô hình, phương thức mua sắm thuận tiện, nhanh chóng, thân thiện với người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng người cao tuổi trong bối cảnh dân số Trung Quốc già hoá nhanh chóng.

Việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tại Trung Quốc tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn cũng như nắm bắt diễn biến thị trường nhanh hơn trong khi tiết giảm được các chi phí trung gian. Đối với người tiêu dùng, thương mại điện tử giúp tiếp cận nhiều sản phẩm với mức giá cạnh tranh; qua đó, kích thích nhu cầu mua sắm phát triển mạnh.

Ấn Độ: Tận dụng dòng vốn FDI cho phát triển chuỗi sản xuất và cơ sở hạ tầng bán lẻ nội địa

Hấp dẫn nhờ quy mô dân số hơn 1,2 tỷ người và kết cấu dân số trẻ lớn nhất thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực bán lẻ tại Ấn Độ liên tục tăng cao qua các năm với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Amazon, Walmart, Tesco… Ấn Độ có nhiều chính sách hợp tác bền vững win-win (cùng thắng) với các nhà đầu tư nước ngoài để điều hướng dòng vốn FDI, tạo hiệu ứng lan toả phát triển các chuỗi sản xuất và kênh phân phối trong nước.

Thay vì chọn cách tiếp cận bảo hộ thị trường chặt chẽ như những năm trước đây, Ấn Độ vừa nới lỏng đáng kể các quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong việc thành lập chuỗi cửa hàng bán lẻ thương hiệu đơn 100% vốn FDI (kinh doanh các sản phẩm có một nhãn hiệu duy nhất - single brand retail trading).

Đổi lại, các chuỗi cửa hàng này phải cam kết sử dụng ít nhất 30% sản phẩm của Ấn Độ, đặc biệt là sản phẩm của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, thậm chí của các thợ thủ công hoặc nghệ nhân. Các sản phẩm này phải được chuỗi bán lẻ gắn thương hiệu trong suốt quá trình lưu thông hàng hoá kể từ bước sản xuất.

Cơ sở hạ tầng thương mại
 Các chuỗi bán lẻ nước ngoài tại Ấn Độ phải cam kết đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bán lẻ như hệ thống kho lạnh, dây chuyền chế biến - đóng gói... khi gia nhập thị trường (Ảnh: qz.com)

Đối với các mô hình bán lẻ đa thương hiệu, các nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ được nắm giữ tối đa 51% vốn nhằm đảm bảo một phần đáng kể lợi nhuận được giữ lại tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, các chuỗi bán lẻ đa thương hiệu phải cam kết đầu tư tối thiểu 100 triệu USD khi gia nhập thị trường. 50% số vốn này phải được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng bán lẻ như hệ thống kho lạnh, dây chuyền chế biến – đóng gói, trung tâm thu mua...

Các chuỗi bán lẻ nước ngoài cũng được khuyến khích hợp tác với nông dân Ấn Độ để cung cấp các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến đáp ứng yêu cầu chất lượng và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong môi trường bán lẻ hiện đại.

Việc nới lỏng quy định gia nhập thị trường đi kèm các điều kiện phù hợp vừa giúp Ấn Độ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển thị trường bán lẻ trong nước và giúp khu vực trong nước tiếp thu các phương thức phân phối mới, phương pháp quảng bá – tiếp thị sản phẩm hiệu quả.

Dòng vốn FDI được điều hướng hiệu quả để giúp Ấn Độ cải thiện cơ sở hạ tầng vốn lạc hậu, giúp tiết giảm chi phí lưu thông hàng hoá. Thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại, nhiều sản phẩm nội địa của Ấn Độ dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng nước này vốn phân tán trên một diện tích rộng. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số chuỗi sản xuất, kiến thức sản xuất và thu nhập người lao động cũng được cải thiện.

Thái Lan: Mua sắm công ưu tiên sử dụng hàng nội địa

chương trình Made in Thailand
Theo chương trình Made-in-Thailand, các dự án của Chính phủ Thái Lan phải sử dụng ít nhất 60% các sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan thay vì sử dụng sản phẩm nhập khẩu (Ảnh: The Bangkok Post)

Hồi đầu năm nay, Chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch Made-in-Thailand (Sản xuất tại Thái Lan) nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm nội địa trong các dự án của nhà nước. Theo đó, các dự án của Chính phủ Thái Lan phải sử dụng ít nhất 60% các sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan thay vì sử dụng sản phẩm nhập khẩu. Con số này có thể lên đến 90% nếu các dự án sử dụng chủ yếu sắt và thép.

Để tham gia chương trình này, các doanh nghiệp Thái Lan chỉ cần gửi đơn đăng ký sản phẩm đến Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) để được đánh giá, xem xét cấp giấy chứng nhận Made-in-Thailand (MIT) – chứng nhận các sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan và đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Giấy chứng nhận này sẽ được sử dụng để tham gia các phiên đấu thầu của các dự án nhà nước. Chính phủ Thái Lan phân bổ trung bình hơn 50 tỷ USD cho 5 triệu dự án công mỗi năm.

Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết chương trình này đã thu hút khoảng 60.000 doanh nghiệp và nhà máy đăng ký tham gia và dự kiến sẽ có 100.000 giấy chứng nhận MIT được cấp cho các sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một khía cạnh quan trọng khác, giấy chứng nhận MIT còn được xem là công cụ khẳng định chất lượng, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan dễ dàng thuyết phục các đối tác, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm nhiều hơn. Các hội chợ giới thiệu sản phẩm đạt chứng nhận MIT cũng được triển khai rộng khắp để quảng bá và đẩy mạnh hợp tác phát triển sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Thái Lan cũng triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nước này quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa, nổi bật là chương trình Tư vấn đóng gói bao bì sản phẩm và mô hình Cửa hàng tạp hoá tại vùng sâu vùng xa.

Theo chương trình Tư vấn đóng gói bao bì sản phẩm, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ tư vấn kỹ thuật đóng gói, bảo quản và hỗ trợ vốn vay ưu đãi để các doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị đóng gói, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm; qua đó cải thiện sức cạnh tranh của hàng nội địa so với hàng hoá nhập khẩu.

Trong khi đó, mô hình Cửa hàng tạp hoá tại vùng sâu vùng xa hướng đến nhóm đối tượng thu nhập thấp ở các vùng gặp khó khăn về địa hình. Chính phủ Thái Lan xem đây là kênh phân phối quan trọng giúp thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nội địa và cung cấp các khoản vốn ưu đãi giúp nâng cấp các cửa hàng tạp hoá nhỏ, giúp cải thiện năng lực kinh doanh của các cửa hàng này. Hàng hoá được phân phối tại các cửa hàng chủ yếu là sản phẩm nội địa, có mức giá cạnh tranh và phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân địa phương.

Giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển thị trường nội địa, coi đây là một động lực tăng trưởng trong dài hạn và đều đưa ra các giải pháp để kích thích tăng trưởng thị trường trong nước. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia với những đặc điểm, thế mạnh của mình có những cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển kinh tế số khác nhau. Tựu trung lại, có các giá trị tham khảo chủ yếu sau đối với Việt Nam:

Thứ nhất, nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn đầu phát triển thị trường trong nước thông qua việc xây dựng các chính sách, đưa ra các công cụ và cung cấp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cần thiết giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, cải thiện hiệu quả phân phối và kích thích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nội địa. Các ưu đãi kinh tế được sử dụng để ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hoá.

Bên cạnh đó, chính sách của các nước đều được xây dựng cụ thể, tương ứng với từng khâu trong quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá và thường xuyên được điều chỉnh để theo kịp sự phát triển thực tiễn nhằm tạo sự thuận lợi cho các bên khi tham gia phát triển thị trường trong nước.

Nhà nước còn đóng vai trò “người tiêu dùng lớn nhất và dẫn đầu” để lan toả xu hướng sử dụng sản phẩm trong nước đến các thành phần kinh tế khác, từ đó kích thích sản xuất trong nước. Trong quá trình phát triển thị trường, vai trò của nhà nước dần chuyển từ “can thiệp trực tiếp” sang đóng vai trò “xúc tác”.

Thứ hai, hoạt động sản xuất cần được gắn kết chặt chẽ, bền vững với hoạt động phân phối. Các nhà sản xuất cần được kết nối trực tiếp với các nhà bán lẻ nhằm tiếp cận nhanh chóng lượng lớn khách hàng, giảm thiểu chi phí tại các khâu trung gian, đảm bảo chất lượng hàng hoá, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng hàng hoá hiệu quả và xuyên suốt; từ đó đẩy nhanh hơn nữa tốc độ lưu thông hàng hoá.

Thông qua liên kết trực tiếp với các nhà bán lẻ, các đơn vị sản xuất nhanh chóng nắm bắt chuẩn xác các tín hiệu, xu hướng tiêu dùng để từ đó điều chỉnh sản xuất giúp đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong nước.

Thứ ba, thương mại điện tử ngày càng được các nước coi trọng ưu tiên phát triển nhằm mở rộng thị trường nội địa. Nhiều nước đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển thương mại điện tử. Trong đó, các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo vệ dữ liệu cá nhân… đặc biệt được coi trọng nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh.

Không chỉ tập trung tại các vùng đô thị, thương mại điện tử còn được các nước đẩy mạnh phát triển tại các khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm địa phương, góp phần cải thiện thu nhập tại khu vực nông thôn. Đồng thời, thương mại điện tử còn góp phần thúc đẩy các cơ sở sản xuất tại nông thôn nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm theo xu hướng thị trường.