Giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ cho các siêu thị bán lẻ: Trường hợp nghiên cứu tại siêu thị Co.opmart TP. Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Hán Khanh (Giám đốc CTĐT Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thủ Dầu Một)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở phân tích đánh giá về thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung và phân tích những cơ hội, thách thức của siêu thị Co.opmart TP. Hồ Chí Minh nói riêng, tác giả đề xuất các giải pháp để phát triển thương mại, dịch vụ cho các siêu thị bán lẻ. Những giải pháp mà các siêu thị bán lẻ cần áp dụng trong giai đoạn này đó là phát triển chuyển đổi số, tối ưu hóa chuỗi cung ứng bán lẻ, thay đổi để phù hợp với mô hình kinh doanh mới và phát triển hơn nữa các hình thức bán hàng đa kênh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng hướng tới phát triển bền vững.

Từ khóa: siêu thị bán lẻ, phát triển bền vững, chuyển đổi số, thương mại điện tử.

1. Thực trạng ngành bán lẻ tại Việt Nam

Tác động của đại dịch Covid-19: Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (2021), ngành Bán lẻ - Dịch vụ là ngành chịu nhiều ảnh hưởng xấu nhất trong năm 2021, đặc biệt là trong Quý III năm 2021. Cụ thể GDP toàn ngành tăng trưởng âm 28,1%. Việc giãn cách xã hội và dịch bệnh kéo dài đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giao vận. Cho nên, khó khăn lớn nhất là tình trạng không giao được hàng đến một số khu vực (39,4%) và tỷ lệ hoàn hủy cao (20,7%). Ngoài ra, nhân lực ngành Logistics thiếu hụt, cũng trở thành trở ngại lớn đối với ngành Bán lẻ.

Bên cạnh đó, qua một khảo sát Vietnam Report (2021), khoảng 42% doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Bán lẻ chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng vừa phải, cũng như hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít hoặc không đáng kể. (Hình 1)

Hình 1: Sự thay đổi trong cách chi tiêu của người tiêu dùng

nguyen han khanh

Nguồn: Vietnam Report, 2022

Xu hướng tiêu dùng mới: Vào năm 2021, Vietnam Report  đã cho ra kết quả khảo sát có hơn 60% người tiêu dùng đã giảm dần việc lựa chọn sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Đồng thời, người tiêu dùng tăng dần các hình thức thanh toán qua ngân hàng điện tử hay sử dụng ví điện tử.

Tháng 7/2021, một kết quả khảo sát đến từ Statista tại Việt Nam đã cho rằng, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt 24 điểm, đây là chỉ số niềm tin người tiêu dùng thấp nhất trong thời kỳ quan sát (1/2021) do tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành Bán lẻ. Trong giai đoạn đó, người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu từ đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo Tổng cục Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2021, vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 10,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 10%; may mặc giảm 9,6%; lương thực, thực phẩm tăng 5%. Bên cạnh đó, Vietnam Report cũng đưa ra khảo sát cho rằng xu hướng người tiêu dùng từ thoải mái trong sinh hoạt, chuyển sang chi tiêu tiết kiệm hơn và tiếp tục ưu tiên mua các sản phẩm chống dịch và phục vụ nhu cầu thiết yếu. Do đó, các sản phẩm không thiết yếu như quần áo, giày dép, thiết bị thể thao,... có sự sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian này.

Xu hướng mới ngành Bán lẻ: Năm 2022, xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là chuyển đổi số và đa dạng kênh bán hàng, cũng như việc đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Những doanh nghiệp, cửa hàng chuyển đổi số sáng tạo, nhanh chóng đã thích ứng và phát triển trong 2 năm đại dịch. Theo kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng(Vietnam Report, 2022), trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người dân phải hạn chế đi lại, tụ tập để phòng chống dịch bệnh, từ đó đã chuyển đổi kênh mua sắm đối với nhóm các sản phẩm nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu.

Xu hướng thứ hai là chiến lược bán lẻ ưu tiên khách hàng cá nhân. Khi công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm bán lẻ hiện đại, các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng để có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

2. Tổng quan về hệ thống siêu thị Co.opmart TP. Hồ Chí Minh

2.1. Giới thiệu về về hệ thống siêu thị Co.opmart

Lịch sử hình thành và phát triển: Năm 1989, Saigon Co.op được ra đời dựa trên chủ trương chuyển đổi các hình thức kinh doanh kiểu cũ đã không còn thích hợp với xu hướng phát triển mới. Sau 30 năm, Saigon Co.op được nhận định là một trong những doanh nghiệp đầu tiên định hình ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Cho đến hiện nay, hệ thống siêu thị Saigon Co.op luôn giữ vị trí quan trọng trong tâm trí của người Việt Nam.

Tình hình hoạt động kinh doanh: Do ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời tạo ra các thách thức chưa từng có tiền lệ trước đây. Cùng với sự đình trệ trong sản xuất và kinh doanh, hàng ngàn lao động bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập, đã gây không ít khó khăn cho các nhà bán lẻ. Nhưng vượt lên tất cả, Saigon Co.op đã tập trung điều chỉnh các hoạt động kinh doanh để thích hợp với tình hình hiện tại và dần đi vào ổn định. Dựa trên báo cáo tài chính năm 2020 của Saigon Co.op ghi nhận doanh thu trong hoạt động kinh doanh đạt 39,5 tỷ đồng, tăng 7,1% so với kê hoạch đề ra và cao hơn năm trước (2019). Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 24,1 tỷ đồng (2020) giảm nhẹ so với năm 2019, một phần là do doanh thu từ hoạt động tài chính giảm so với năm trước chỉ đạt mức 33,4 tỷ đồng so với mức 43.7 tỷ đồng ở năm 2019.

2.2. Những tiềm năng và thách thức

Nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ và bứt phá:

Việt Nam gia nhập nhiều tổ chức thương mại thế giới. Cụ thể, là với việc đã ký kết 15/17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam trở thành quốc gia có độ mở của nền kinh tế lên tới 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam còn cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính sách đầu tư minh bạch, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Dân số đông, tỉ lệ dân số trẻ từ 18 đến 50 tuổi cao và thu nhập bình quân trên đầu người liên tục tăng. Cơ cấu dân số tập trung chủ yếu ở các thành phố, đô thị và các khu công nghiệp tại Việt Nam, nơi mà các trung tâm mua sắm, các cửa hàng tiện lợi và các siêu thị bán lẻ tập trung đông đúc. Đặc biệt, Việt Nam có sự ổn định về chính trị và Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp. Đây thực sự là một cơ hội rất lớn cho Siêu thị Co.opmart tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược và phát triển quy mô doanh nghiệp.

Người tiêu dùng có xu hướng thương mại hiện đại tăng nhanh, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Cụ thể, người tiêu dùng tại Việt Nam đã chuyển sang mua sắm tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi thay bằng hình thức mua sắm tại các chợ truyền thống như trước đây. Quy mô trong lĩnh vực này hiện nay ở Việt Nam chỉ đạt 25%, trong khi Singapore 90%, Malaysia 60%, Thái Lan 34%,… Khi xu hướng này thay đổi tạo cơ hội cho các siêu thị bán lẻ mở rộng quy mô thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện nay. Trong khi Việt Nam được xem là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn cùng với xu hướng thương mại hiện đại tăng sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh rất lớn cho Siêu thị Co.opmart.

Phát huy những lợi thế của Hệ thống:

Thương hiệu mạnh: Siêu thị Co.opmart có 7 năm liền đạt danh hiệu nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam (Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương). Hiện nay, Co.opmart vẫn giữ được vị thế hàng đầu trong ngành bán lẻ Việt Nam tính theo số lượng điểm bán hàng và tính theo doanh thu.

Hệ thống phân phối mạnh, chiếm thị phần trong nước cao: Theo số liệu thống kê, trong năm 2020 siêu thị Co.opmart đã có hơn 1.000 điểm bán hàng. Do đó, siêu thị Co.opmart đạt được doanh thu vượt 33.000 tỷ đồng và giữ vững được thị phần ổn định. Trên cơ sở đó, siêu thị Co.opmart triển khai kế hoạch xây dựng trên 2.000 điểm bán hàng vào năm 2025.

Nhà cung cấp ổn định và có quy mô lớn: So với các đối thủ cạnh tranh khác, siêu thị Co.opmart có thế mạnh của một công ty nội địa theo mô hình hợp tác xã. Do đó, nguồn nhân lực hết sức dồi dào, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh doanh của siêu thị. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp cho siêu thị Co.opmart thường rất ổn định do có thời gian hợp tác lâu năm nên nguồn hàng được đảm bảo. Đặc biệt, hệ thống siêu thị Co.opmart có mạng lưới rộng khắp cả nước nên thường tiêu thụ một lượng hàng rất lớn, do đó siêu thị Co.opmart được các nhà cung cấp hỗ trợ thực hiện nhiều các chương trình giảm giá, khuyến mãi. Đây là một lợi thế rất lớn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho siêu thị Co.opmart phát triển kinh doanh và thu hút khách hàng.

Những khó khăn, thách thức phải đối mặt:

Kinh tế thế giới và kinh tế trong nước vẫn còn nhiều bất ổn, khó khăn: Những đối thủ là các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Wall Mart, Costco, Carrefour, Tesco,… có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam bất cứ lúc nào, điều này tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức lớn cho các siêu thị bán lẻ trong nước. Khi các tập đoàn bán lẻ thế giới thâm nhập vào thị trường Việt Nam sẽ tạo nên những cuộc đua cạnh tranh và khốc liệt hơn nhiều, do các tập đoàn này có rất nhiều lợi thế về nguồn vốn, bộ máy quản lý chuyên nghiệp, nguồn hàng đa dạng và phong phú.

Hàng rào bảo hộ doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ bị gỡ bỏ, áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành ngày càng tăng.

Các mô hình như cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống ở Việt Nam còn chiếm tỷ trọng cao. Cụ thể, Việt Nam có khoảng trên 9.000 chợ truyền thống và trên 1,4 triệu cửa hàng bán tạp hóa mang lại doanh thu trên 10 tỷ USD mỗi năm.

Nhận diện những hạn chế của hệ thống:

Cơ cấu tổ chức còn chồng chéo: Chính vì siêu thị Co.opmart hoạt động theo mô hình hợp tác xã nên cơ cấu tổ chức chồng chéo, số lượng thành viên rất đông, đã tạo nên những khó khăn và phức tạp trong bộ máy quản lý. Cơ cấu tổ chức chồng chéo tạo nên nhiều hạn chế cho sự phát triển của toàn hệ thống siêu thị Co.opmart.

Về cơ sở hạ tầng của hệ thống siêu thị Co.opmart còn rất nhiều hạn chế so với các siêu thị của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này làm giảm sự cạnh tranh rất lớn của siêu thị Co.opmart với các siêu thị khác. Trong khi các siêu thị khác đã bố trí các hệ thống ghế ngồi cho khách hàng tại các khu vực chờ đợi và nghỉ ngơi, cùng với hệ thống nhà vệ sinh cao cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng hiện nay thì hệ thống siêu thị Co.opmart chưa giải quyết được bài toán này.

Về chất lượng dịch vụ: Nếu như các hệ thống siêu thị của các nhà đầu tư nước ngoài mang phong cách phục vụ chuyên nghiệp, chu đáo, nhẹ nhàng để tư vấn hỗ trợ khách hàng khi có nhu cầu làm cho khách hàng hàng mua sắm và sử dụng dịch vụ tại các siêu thị này có được sự hài lòng rất cao. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ của siêu thị Co.opmart còn rất nhiều hạn chế so với các hệ thống siêu thị khác. Do đó, hệ thống siêu thị Co.opmart cần nhiều giải pháp hơn nữa để cải thiện phong cách phục vụ nâng cao chất lượng dịch vụ, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn hiện nay.

3. Giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ cho các siêu thị bán lẻ

3.1. Chuyển đổi số

Việc chuyển dịch số ngành Bán lẻ là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo chuỗi cung ứng sang tập trung vào khách hàng dựa trên dữ liệu theo chuỗi kỹ thuật số. Có thể hiểu là việc chuyển đổi cách thức vận hành, bán hàng, quản lý doanh nghiệp bán lẻ từ hình thức bán hàng truyền thống sang môi trường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại và tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Hiện nay, siêu thị đã chuyển đổi số nhưng cần được tăng tốc và đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực của siêu thị để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhu cầu của khách hàng cũng như giúp cho các siêu thị củng cố mối quan hệ và giữ chân được khách hàng. Từ đó, cần thiết lập hệ sinh thái số tương tác đa chiều trên các nền tảng trực tuyến, bao gồm thương mại trên internet và tích hợp dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý khách hàng.

Sự chuyển đổi số gồm những hoạt động sau:

Chuyển đổi kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng hiện đại: chuyển từ kênh bán trực tiếp khác sang xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên các trang mạng xã hội, thương mại điện tử,…

Số hóa quy trình vận hành: thanh toán điện tử, dịch vụ giao hàng tận nơi,…

Quản trị và chăm sóc khách hàng tự động: Sử dụng dữ liệu điện toán đám mây, phần mềm quản lý khách hàng để thu thập, chăm sóc và quản lý tự động.

Ứng dụng giải pháp công nghệ để quản trị và vận hành doanh nghiệp: sử dụng những phần mềm cung cấp giải pháp quản lý hàng hóa, bán hàng tự động,…

3.2. Tối ưu hóa chuỗi cung ứng bán lẻ

Tốc độ tiếp cận thị trường và quản lý mùa cao điểm là những thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ. Như vậy, khả năng kiểm soát hàng tồn kho, các giải pháp về hệ thống điều khiển trung tâm Logistics và việc tối ưu hóa chi phí là những mối quan tâm chính.

Ngoài ra, việc tích hợp các liên kết trong chuỗi cung ứng: Tất cả các liên kết trong chuỗi cung ứng đều có thể được hưởng lợi từ việc tối ưu hóa. Tối ưu hóa chuỗi cung ứng đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiểm soát được lượng hàng tồn kho, từ đó doanh nghiệp có thể kiểm soát và quản lý hàng tồn kho hiệu quả, tránh lãng phí và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

3.3. Mô hình kinh doanh mới

Thói quen và hành vi của người tiêu dùng thay đổi không ngừng, các thành phố đang phát triển mạnh, các sản phẩm nội địa mang tính bền vững đang được ưa chuộng và xu hướng mua hàng trực tuyến đang trở thành tiêu chuẩn mới. Để đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người tiêu dùng và để tạo điều kiện giao hàng thuận lợi tại các trung tâm đô thị lớn, doanh nghiệp cần cung cấp cho khách hàng mạng lưới Logistics thông qua các trạm trung tâm phân phối và các giải pháp về giao hàng chặng cuối để cung cấp sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp mở rộng mô hình kinh doanh mới, cũng như thiết kế và triển khai các giải pháp đột phá. Điển hình như: Thương mại điện tử B2C, trung tâm phân phối theo mô hình darkstore, chuỗi cung ứng hàng hóa thành phẩm số lượng lớn, Logistics ngược,…

3.4. Bán hàng đa kênh (omni-channel)

Mô hình này đang trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Để tương tác với khách hàng tiềm năng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi nền tảng, doanh nghiệp tích hợp đồng bộ các kênh bán hàng vào một hệ thống quản trị chung. Khi hành vi người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, mua sắm trực tuyến dần phổ biến, việc áp dụng mô hình này cùng với việc chú trọng các kênh bán hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng tốt hơn, tiếp cận và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn. Trong bối cảnh bình thường mới, dịch vụ giao hàng tận nơi cho tất cả mặt hàng mà nhiều thương hiệu bán lẻ áp dụng đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Khách hàng đặt hàng qua ứng dụng, sản phẩm sau đó được vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng. Bằng cách này, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục duy trì doanh thu, thậm chí là tăng trưởng trong bối cảnh doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế khác gặp vô vàn khó khăn.

Mô hình bán hàng đa kênh sẽ được áp dụng mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp trong tương lai do các ưu điểm vượt trội đến từ việc áp dụng công nghệ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không khó khăn để áp dụng mô hình này nếu hiểu biết quá trình cơ bản. Hiện nay, các dịch vụ lưu trữ dữ liệu, xây dựng website, ứng dụng,… được rất nhiều bên thứ ba cung cấp với các tính năng tiện lợi và chi phí phù hợp.

4. Kết luận

Do bị tác động của đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ của Việt Nam và thế giới có rất nhiều thay đổi: Từ hành vi, thói quen và nhu cầu mua sắm đều thay đổi. Các hành vi này thay đổi quá nhanh tạo nên rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá và phát triển mạnh mẽ. Trong nghiên cứu này, tác giả đã phân tích thực trạng của ngành Bán lẻ Việt Nam, phân tích trường hợp điển hình là siêu thị Co.opmart. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất các giải pháp để phát triển thương mại dịch vụ nhằm duy trì và cải thiện tình hình kinh doanh phù hợp với giai đoạn hậu Covid-19, phù hợp với xu thế mua sắm mới, giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.

Kinh phí: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một trong đề tài mã số DT.21.2-097.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam (2022). Nhìn lại tình hình kinh doanh ngành bán lẻ năm 2021: Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt lên ngôi. Truy cập tại: https://vtv.vn/cong-nghe/nhin-lai-tinh-hinh-kinh-doanh-nganh-ban-le-nam-2021-chuyen-doi-so-va-thanh-toan-khong-tien-mat-len-ngoi-20220106201514676.htm
  2. Vietnam Plus (2022). Doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ có nhiều thuận lợi phục hồi năm 2022. Truy cập tại: https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-lon-nganh-ban-le-co-nhieu-thuan-loi-phuc-hoi-nam-2022/766416.vnp
  3. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (2021). Xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM196365
  4. Hồng (2021). 3 xu hướng ngành bán lẻ trong thời kỳ bình thường mới. Thời Báo Ngân hàng, https://thoibaonganhang.vn/3-xu-huong-nganh-ban-le-trong-thoi-ky-binh-thuong-moi-120737.html
  5. Ingenico (2020). Giải pháp của Ingenico trong lĩnh vực bán lẻ. Truy cập tại: https://www.ingenico.vn/giai-phap/linh-vuc-ban-le/
  6. FM logistics (2022). Giải pháp hậu cần cho ngành bán lẻ. Truy cập tại: https://www.fmlogistic.vn/cac-hoat-dong/ban-le/
  7. SimpERP (2022). Chuyển đổi số ngành bán lẻ: Lợi ích, xu hướng và giải pháp cho doanh nghiệp 2022. Truy cập tại: https://simerp.io/blog/chuyen-doi-so-nganh-ban-le/
  8. Báo Đầu tư (2021). 3 giải pháp ứng phó của ngành bán lẻ. Truy cập tại: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/3-giai-phap-ung-pho-cua-nganh-ban-le-post271105.html

SOLUTIONS FOR SUPERMARKETS TO STRENGTHEN THEIR BUSINESS ACTIVITIES AND SERVICES: A CASE STUDY OF SAIGON CO.OPMART SUPERMARKET CHAIN IN HO CHI MINH CITY

Ph.D. NGUYEN HAN KHANH

Director, the Logistics and Supply Chain Management Program, Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

By analyzing Vietnam’s retail market in general and assessing opportunities and challenges for Saigon Co.opmart supermarket chain in Ho Chi Minh City in particular, this study proposes some solutions to help supermarkets strengthen their business activities and services. In the current development period, supermarkets should apply digital transformation, optimize their supply chains, change their business models, and develop  multi-channel sales methods to better meet the needs of customers in order to achieve the sustainable business development.

Keywords: supermarket, sustainable development, digital transformation, e-commerce.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]