Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La

NGUYỄN VIỆT DŨNG (Huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) - PGS. TS. NGUYỄN THỊ DƯƠNG NGA (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Quỳnh Nhai là một huyện nghèo của tỉnh Sơn La, tuy nhiên trong những năm gần đây với quá trình phát triển KT-XH mạnh mẽ, áp lực đối với đất nông nghiệp của Huyện ngày càng gia tăng.

Nghiên cứu cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được các thành công đáng kể, tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần giải quyết trong công tác đăng kí và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, đất nông nghiệp, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

1. Đặt vấn đề

Do tính chất đặc thù của quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, cũng như tầm quan trọng của ngành Nông nghiệp đối với kinh tế - xã hội ở Việt Nam mà việc nâng cao khả năng quản lý của nhà nước về đất nông nghiệp hiện nay là một yêu cầu hết sức bức thiết, nhằm giải quyết những vấn đề khúc mắc của xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức.

Thực tế trong những năm vừa qua, QLNN về đất nông nghiệp của huyện Quỳnh Nhai đang đối mặt với những vấn đề phức tạp, vừa có tính chất riêng của một huyện với cuộc đại di dân, tái định cư để xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, vừa mang nhiều nét đặc trưng của huyện miền núi mà nhiều huyện có điều kiện vị trí địa lý tương đồng thường gặp phải.

Bài viết nhằm phân tích thực trạng quản lý nhà nước về đất nông nghiệp tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp: Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp thu thập tại UBND huyện Quỳnh Nhai. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra, phỏng vấn một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai tại huyện và một số hộ nông dân.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng quản lý nhà nước về đất nông nghiệp tại huyện Quỳnh Nhai

Huyện Quỳnh Nhai hiện có tổng diện tích tự nhiên là 105.600 ha, diện tích đất nông nghiệp của huyện là 58.852,94 ha, chiếm tỷ lệ 55,73 % tổng diện tích đất tự nhiên của huyện vào năm 2019.

Bộ máy quản lý nhà nước về đất nông nghiệp tại địa phương tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước, bao gồm các cơ quan chính là Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Nhai, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, và Công chức địa chính ở các xã giúp Ủy ban nhân dân xã thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong phạm vi xã.

Về công tác phổ biến chính sách pháp luật về đất đai: Trong giai đoạn 2017 - 2019, UBND huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức 3 lớp Hội nghị tập huấn với 200 lượt người cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt xã và các phòng ban chức năng liên quan của huyện về Luật Đất đai năm 2013. Ngoài ra hàng năm, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền chuyên đề về đất đai triển khai cùng với các luật khác ở các xã; tuyên truyền qua Đài truyền thanh, truyền hình huyện ở các cụm xã, trung tâm xã để người dân biết, hiểu và thực hiện. Kết quả phổ biến ở 11 xã, với 33 lượt, mỗi lượt từ 10 đến 12 phút, tổng số người nghe là 26.400 người.

Bảng 1. Công tác phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai

Công tác phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai

Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Nhai (2020)

Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính: Về công tác khảo sát đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn huyện đến nay chưa có xã nào có bản đồ địa chính chính quy mà chủ yếu là bản đồ trích đo khi thực hiện các dự án giao đất (cấp giấy lần đầu, cấp giấy tái định cư thuỷ điện Sơn La). Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất nông nghiệp ở địa phương và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho đối tượng sử dụng đất. Do đó, trong thời gian tới, song song với việc khảo sát đo đạc, lập bản đồ địa chính thì công tác lập và quản lý hồ sơ địa chính về đất nông nghiệp ở các xã cũng cần được tiến hành để có độ chính xác cao nhất phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai (Phòng Tài nguyên và Môi trường, 2020).

Lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp: Cấp huyện đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) huyện Quỳnh Nhai được UBND tỉnh phê duyệt. Ở cấp xã: 11/11 xã lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015).

Nhìn chung, việc thực hiện chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2019 của huyện đã theo sát và về cơ bản đã đạt được theo các chỉ tiêu đề ra. Quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng đất đã cơ cấu lại việc sử dụng đất phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt trồng cây trên đất dốc nhằm phù hợp với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hạn chế có hiệu quả việc chuyển đất lúa nước sang mục đích khác. Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đất của huyện vẫn còn một số bất cập như phương án kế hoạch còn chưa dự báo chính xác về nhu cầu quỹ đất cho các mục đích sử dụng, nhất là đất cho phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển cho các mục đích công cộng, dẫn đến tình trạng dự báo vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Năm 2017, huyện phải lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; hàng năm phải trình bổ sung để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất đấu giá, dự án đầu tư công.

Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp: Tính đến tháng 12 năm 2019 diện tích đất nông nghiệp của huyện đã giao cho các hộ nông dân sử dụng mới chiếm 55,21% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Với tổng số hộ được giao là 9.188 hộ với 10.073,48 ha đất sản xuất nông nghiệp đã được giao thì diện tích còn lại đang sử dụng nhưng chưa được giao cho người dân là còn rất lớn, đây phần lớn là diện tích đất khai hoang chưa kê khai đăng ký, đã được sử dụng từ lâu đời, do bản tự chia, không có tranh chấp, hộ gia đình không có nhu cầu đăng ký, cấp giấy và đất sản xuất nông nghiệp giao cho cộng đồng bản quản lý. Đối với đất lâm nghiệp hiện nay, toàn bộ đã được giao cho cộng đồng bản và UBND xã quản lý, không còn giao đến hộ gia đình (theo dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La), diện tích đất công ích UBND các xã đang quản lý là 202,14 ha.

Phần lớn người dân khi được phỏng vấn trả lời đều cho biết đánh giá của họ về công tác giao đất, cho thuê đất nông nghiệp hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, cũng còn một số hộ dân cho rằng công tác giao đất nông nghiệp cho các đối tượng cần được xem xét lại, một số hộ gia đình được giao đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên. Đối với công tác thu hồi và bồi thường đất đai, phỏng vấn các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp cho thấy mong muốn của họ có nguồn sinh kế thay thế, hơn là nhận được một khoản tiền bồi thường. Tuy nhiên, với địa bàn huyện Quỳnh Nhai, việc thực hiện bồi thường bằng đất là không khả thi do quỹ đất công ích không nhiều, hiện nay lại đang bị lấn chiếm, quỹ đất có thể dùng để bồi thường thì lại ở xa so với đề nghị của đối tượng bị thu hồi đất.

Đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, toàn huyện hiện có 9.188 hộ được giao đất sản xuất nông nghiệp theo Chỉ thị số 10/1998/CT-TTg ngày 12/02/1998, Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, tính đến ngày 31/12/2019 tuy đã cơ bản đã cấp xong được giấy CNQSD đất nhưng chậm, toàn huyện còn 32 trường hợp chưa được cấp do không phù hợp quy hoạch.

Bảng 2. Kết quả biến động về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2017-2019

Kết quả biến động về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2017-2019

Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Nhai (2019)

Theo đánh giá của cán bộ địa phương, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy CNQSD đất đó là sự vào cuộc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã thực hiện tốt việc kê khai, đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy CNQSD đất. Tuy vậy, tại nhiều xã, cán bộ cho biết, hệ thống thiết bị văn phòng của đơn vị đôi khi gặp trục trặc khiến cho quá trình sao lưu các tài liệu, hồ sơ bị chậm so với thời gian quy định. Mặt khác, hồ sơ địa chính chưa được xây dựng cơ sở dữ liệu, chưa được đo đạc, lập hồ sơ địa chính chính quy. Chính vì vậy, khi lập hồ sơ đăng kí, chính quyền địa phương thực hiện công việc xác nhận gặp nhiều khó khăn. Còn theo đánh giá của người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trong đăng kí và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu là do thủ tục giấy tờ quá nhiều, người dân chưa được hướng dẫn cụ thể về quá trình đăng kí cấp giấy.

Thanh tra đất nông nghiệp, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất: Kết quả thanh - kiểm tra trong giai đoạn 2017-2019 cho thấy, vi phạm chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở trên diện tích đất nông nghiệp, lấn chiếm đất, sử dụng đất trên hành lang bảo vệ công trình giao thông. Các vi phạm tập trung chủ yếu ở một số địa bàn, khu trung tâm các xã, khu vực giáp đất rừng. Những vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm phát rừng làm nương, san ủi cải tạo mặt bằng không giấy phép, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nằm rải rác ở một số xã.

3.2. Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất nông nghiệp tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La

Thứ nhất, cần điều chỉnh, bổ sung công cụ và phương pháp quản lý nhà nước về đất nông nghiệp của huyện thông qua việc tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và thông tin đất đai, tăng cường quản lý cán bộ và kiện toàn bộ máy QLNN về đất nông nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đất đai và hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước về đất nông nghiệp.

Thứ hai, điều chỉnh, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, bao gồm lập quy hoạch, kế hoạch và quản lý quy hoạch đất nông nghiệp, xây dựng bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, công tác giao đất, cho thuê và thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường thanh - kiểm tra việc chấp hành luật pháp và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.

Thứ ba, cần hoàn thiện tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về đất nông nghiệp của huyện Quỳnh Nhai. Huyện cần lập ra bộ phận chuyên theo dõi, đánh giá về đất nông nghiệp, mời cán bộ có kinh nghiệm, đại diện các tổ chức, cá nhân trong huyện cùng tham gia giám sát nhằm huy động nguồn trí tuệ và kinh nghiệm cho quản lý.

4. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai trong những năm qua đã đạt được nhừng thành công nhất định. Đó là việc thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai, thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Công tác lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý giao đất và cho thuê đất cũng đã được thực hiện một cách quyết liệt và đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, một số bất cập trong công tác đăng kí và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác dự báo, quản lý đất sử dụng đất nông nghiệp còn tồn tại.

Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất nông nghiệp trên địa bàn huyện bao gồm điều chỉnh, bổ sung công cụ và phương pháp quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn huyện; Điều chỉnh, bổ sung nội dung QLNN về đất nông nghiệp; Hoàn thiện tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về đất nông nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2014). Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013. Hà Nội.
  2. Hoàng Anh Đức (1995). Bài giảng quản lý Nhà nước về đất đai. Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Hà Nội.
  3. Học viện hành chính Quốc gia (2000). Giáo trình quản lý hành chính Nhà nước, tập 2 - Quản lý hành chính Nhà nước. NXB Giáo dục.
  4. Nguyễn Khắc Thái Sơn (2007). Giáo trình quản lý nhà nước về đất đai. NXB Nông nghiệp Hà Nội.
  5. Phòng Tài nguyên môi trường - UBND huyện Quỳnh Nhai (2019), Báo cáo tổng kết các năm 2017-2019, Quỳnh Nhai.

SOLUTIONS TO STRENGTHEN QUYNH NHAI DISTRICT’S

STATE MANAGEMENT IN AGRICULTURAL LAND

• NGUYEN VIET DUNG

Quynh Nhai District, Son La province

Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN THI DUONG NGA

Faculty of Economics and Rural Development,

Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

Quynh Nhai District is a poor district of Son La Province. However, the district’s socio-economic development has achieved some encouraging results in recent years, leading more pressure for the district’s agricultural land management. This study finds out tthat although Quynh Nhai District has achieved remarkable success in the agricultural land management, the district still faces mnay shortcomings including the registration and the issuance of land use right certificates. This study proposes key solutions to strengthen the Quynh Nhai District’s state management in agricultural land in the coming time.

Keywords: State management, agricultural land, Quynh Nhai District, Son La Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]