TÓM TẮT:

Phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tại Việt Nam là một xu thế tất yếu, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, tạo công cụ phòng ngừa rủi ro đối với danh mục chứng khoán cơ sở và là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng vốn ở lại thị trường những khi TTCK cơ sở sụt giảm mạnh. Tại Việt Nam, sau 3 năm khai trương hoạt động (ngày 10/8/2017 - 10/8/2020), TTCK phái sinh đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Bài viết phân tích thực trạng TTCK phái sinh Việt Nam hiện tại, nhận định một số khó khăn trong quá trình thị trường hoạt động, từ đó đưa ra một số kiến nghị góp phần giúp vận hành thành công và phát triển bền vững TTCK phái sinh trong thời gian tới.

Từ khóa: phát triển, chứng khoán phái sinh.

1.Tổng quan về chứng khoán phái sinh

Khái niệm về chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh bao gồm nhiều công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở (phi tài chính như thực phẩm, kim loại, năng lượng,… hoặc tài chính như cổ phiếu, chỉ số, trái phiếu, tỷ giá hối đoái, lãi suất,…).

Giá trị thực hiện của hợp đồng và thời điểm thực hiện được xác định sẵn khi hai bên bước vào hợp đồng. Khi hợp đồng kết thúc tại thời điểm đáo hạn, có 2 (hai) phương thức thanh toán giữa 2 bên là tiền hoặc chuyển giao tài sản cơ sở tại mức giá (giá thực hiện) đã được thỏa thuận trước.

Chứng khoán phái sinh được giao dịch trên Sở giao dịch (các hợp đồng được đảm bảo chuẩn hóa theo bộ tiêu chí nhất định của Sở) và trên OTC (không có tính chuẩn hóa, linh hoạt hơn đồng thời rủi ro cao hơn).

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

- Hợp đồng kỳ hạn.

- Hợp đồng tương lai.

- Hợp đồng quyền chọn.

- Hợp đồng hoán đổi.

Các loại chứng khoán phái sinh hiện nay ở Việt Nam:

- Hợp đồng tương lai Chỉ số VN30.

- Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm.

2. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của TTCK phái sinh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, TTCK phái sinh là thị trường còn non trẻ với chỉ hơn 3 năm hình thành và phát triển (ngày 10/8/2017 - 10/8/2020). Ngay từ những ngày đầu khai trương, Chính phủ đã quan tâm tới việc phát triển thị trường chứng khoán phái sinh bằng việc ban hành các quyết định quan trọng.

Năm 2007, Chính phủ ban hành Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Năm 2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Văn bản xác định mục tiêu phát triển TTCK phái sinh để hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam. Đây chính là cơ sở để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK) tổ chức nghiên cứu và lập Đề án xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam, đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Năm 2014, Đề án đã được Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Sau nhiều lần sửa đổi bổ sung các quyết định, nghị định số 42/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 42) quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đã được ban hành ngày 05/5/2015. Nghị định 42 đã thiết lập khung pháp lý cho TTCK phái sinh phát triển theo đúng lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam; hoàn thiện cấu trúc TTCK theo hướng bổ sung thị trường phòng ngừa rủi ro để hỗ trợ phát triển các mảng thị trường cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu. Nghị định đã tạo cơ sở để xây dựng các văn bản hướng dẫn như thông tư, quy chế và chế độ kế toán, thuế, phí, lệ phí cho vận hành một thị trường bậc cao mới, đảm bảo TTCK phái sinh được vận hành an toàn, trật tự, công bằng, minh bạch và bền vững.

Dù vậy, Nghị định 42 được ban hành trước khi TTCK phái sinh được vận hành chính thức (10/8/2017) nên quá trình thực thi Nghị định cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (gọi tắt là Luật Chứng khoán 2019) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đòi hỏi sự cần thiết phải có những hướng dẫn mới về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán. Do vậy, các nội dung vướng mắc này cần phải được quy định tại Nghị định mới để đảm bảo phù hợp về tính pháp lý và hiệu lực khi áp dụng.

Ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh thay thế cho Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ban hành ngày 05/5/2015.

3. Thực trạng phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam hiện nay

Đến nay, sau hơn 3 năm đi vào vận hành kể từ ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh hoạt động thông suốt với 2 sản phẩm giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và hợp đồng tương lai TPCP 5 năm.

Trong cả năm 2020, tổng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 39.914.205 hợp đồng, tăng 79,91% so với năm 2019. Khối lượng giao dịch bình quân/phiên năm 2020 đạt 158.390 hợp đồng/phiên, tăng 78,49% so với năm 2019, gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp hơn 14 lần so với năm 2017. Trong đó, phiên có khối lượng giao dịch cao nhất là ngày 29/7/2020 với 356.033 hợp đồng. Đây là con số mà Sở Giao dịch Hợp đồng tương lai Đài Loan (TAIFEX) phải mất 13 năm, Sở Giao dịch chứng khoán phái sinh Thái Lan (TFEX) phải mất 7,5 năm mới đạt được.

Khối lượng hợp đồng mở (OI) tính đến cuối năm 2020 đạt 40.339 hợp đồng, tăng 142,64% so thời điểm cuối năm 2019 và gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Khối lượng giao dịch đạt mức OI cao nhất lên tới 52.767 hợp đồng vào ngày 10/11/2020.

Trong năm 2020, mặc dù tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư trong nước thay đổi không đáng kể so với năm 2019 (giảm 0,39% so với năm 2019), vẫn chiếm 99,15% toàn thị trường, song có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu tham gia giao dịch giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức trong nước. Nếu như năm 2019, tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 92,51% và nhà đầu tư tổ chức trong nước là 7,03%, thì trong năm 2020, các tỷ lệ này là 85,86% và 13,29%. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức trong nước đã gia tăng đối với TTCK phái sinh.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 12, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 173.395 tài khoản, tăng 7,09% so với tháng trước và tăng 88% so với cuối năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, TTCK phái sinh đã có 20 thành viên đều là công ty chứng khoán và đã có gần 80 triệu hợp đồng được giao dịch.

Về giao dịch hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm, trong tháng 12/2020 không có hợp đồng tương lai TPCP được giao dịch. Tính chung trong năm 2020, có 18 hợp đồng tương lai TPCP được giao dịch.

TTCK phái sinh ra đời và đi vào hoạt động là chủ trương, định hướng đúng, phù hợp với xu thế phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường của HNX cũng như hoàn thiện cấu trúc hoạt động TTCK theo thông lệ quốc tế. Sau 3 năm hoạt động, TTCK phái sinh có sự tăng trưởng rất tốt, vượt các kỳ vọng đặt ra. Thị trường ngày càng thể hiện rõ vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường cơ sở, và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

4. Những khó khăn thách thức đối với TTCK phái sinh Việt Nam hiện nay

Tiềm năng phát triển TTCK phái sinh là rất lớn, tuy nhiên cũng còn một số vướng mắc cần tháo gỡ để TTCK phái sinh được khai thông và phát triển mạnh mẽ hơn.

Thứ nhất, là cơ cấu nhà đầu tư. Về nguyên tắc và theo thông lệ, lý thuyết thì có 3 loại nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh, gồm: (1) nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro (hedgers); (2) nhà đầu tư đầu cơ rủi ro (speculators) thường giao dịch đối ứng với nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro; và (3) nhà đầu tư chênh lệch giá (kiếm lợi trên sự chênh lệch giữa giá phái sinh với giá cơ sở). Hiện nay, TTCK phái sinh dựa trên chỉ số không hạn chế nhà đầu tư nên thanh khoản hơn và do có đủ 3 loại nhà đầu tư nêu trên. Tuy nhiên, hợp đồng tương lai TPCP thì hiện chỉ cho duy nhất nhà đầu tư tổ chức tham gia. Thực tế, đây là nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro. Sự thiếu vắng 2 loại hình nhà đầu tư còn lại, chủ yếu là cá nhân, đã khiến cho thị trường hợp đồng tương lai TPCP hoàn toàn mất thanh khoản.

TTCK phái sinh ra đời một thời gian đã chứng tỏ được tính ưu việt và sự cần thiết. Nhà đầu tư cũng đã làm quen và hiểu được các rủi ro đi kèm. Việc đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trên TTCK phái sinh dựa trên hợp đồng tương lai TPCP theo đúng thông lệ quốc tế là cần thiết. SGDCK HNX đang kiến nghị UBCKNN báo cáo Bộ Tài chính cho phép mở rộng đối tượng nhà đầu tư tham gia thị trường này.

Thứ hai, tính đa dạng của sản phẩm. Sau 3 năm, trên TTCK phái sinh có 2 sản phẩm, trong đó chỉ có 1 sản phẩm là thanh khoản, đó là hợp đồng tương lai chỉ số. Tuy nhiên, chỉ số cơ sở cho hợp đồng này là VN30 còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là biến động của chỉ số phụ thuộc vào chỉ một số rất nhỏ những mã chứng khoán chủ chốt.

5. Một số giải pháp nhằm phát triển TTCK phái sinh Việt Nam trong thời gian tới

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TTCK phái sinh. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, do TTCK phái sinh là thị trường bậc cao nên việc hoàn thiện các quy định pháp luật vẫn luôn cần được chú trọng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý khác và đơn vị tổ chức thị trường phái sinh nhằm xây dựng khung pháp lý chuẩn bị cho ra mắt các sản phẩm mới. Các văn bản pháp lý, chế tài kiểm tra, kiểm soát giao dịch chứng khoán phái sinh cũng cần được nghiên cứu bổ sung bởi khi sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, nhưng bản chất các công cụ này dễ bị lợi dụng gây ra những rủi ro khó lường.

Hai là, tranh thủ và tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tiến trình cải cách thể chế trong nước để xây dựng và phát triển TTCK phái sinh theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để thị trường tài chính trong nước vận hành theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế, đồng thời tăng cường thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thì việc xây dựng TTCK phái sinh là cần thiết, đa dạng hóa kênh đầu tư, từ đó làm tăng tính cạnh tranh của TTCK Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính lớn hàng đầu thế giới cũng đã được thiết lập và duy trì tốt. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia hầu hết các Hiệp định thương mại các tổ chức tài chính đã tạo uy tín cho Việt Nam, nhờ đó TTCK phái sinh cũng sẽ có cơ hội phát triển, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại.

Ba là, xây dựng một TTCK đủ lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển công cụ phái sinh vì một yếu tố tiên quyết để đưa TTCK phái sinh thành công là nhà đầu tư phải quen thuộc với tài sản cơ sở. Hiện nay, công tác tái cấu trúc nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn thiết thực, công tác cổ phần hóa cũng được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt. Công tác tái cấu trúc TTCK ngày càng đạt được thành quả quan trọng và đi vào thực chất. Đặc biệt với việc Luật Chứng khoán 2019 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 sẽ có tác động tích cực trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Những yếu tố nền tảng trên đang tạo cơ hội to lớn cho sự phát triển TTCK trong thời gian tới, đưa thị trường có bước phát triển mạnh mẽ hơn, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ đạo của nền kinh tế. Việc đưa TTCK phái sinh vào vận hành trong thời gian tới sẽ giúp hỗ trợ TTCK cơ sở phát triển, có tác dụng hỗ trợ ngược lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Bốn là, xây dựng được hệ thống các chỉ số đáng tin cậy, phản ánh đúng tình hình cung cầu của thị trường, để tham chiếu trong các giao dịch phái sinh. Về lâu dài, các sản phẩm chứng khoán phái sinh không chỉ giúp bảo vệ lợi nhuận của NĐT trên TTCK, mà còn giúp phòng ngừa rủi ro đối với các sản phẩm khác, như: Hàng hóa, lãi suất như thông lệ của các nước trên thế giới.

Năm là, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm. Để khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, SGDCK HNX đã nghiên cứu bộ chỉ số VNX200, bảo đảm cơ cấu chỉ số đủ lớn, giảm thiểu sự phụ thuộc chỉ số vào một số mã nhất định. Đây sẽ là bộ chỉ số đủ tốt cho hợp đồng tương lai mới, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, ví dụ như hợp đồng tương lai chỉ số Kospi 200 (Hàn Quốc), Nikkei-225 (Nhật Bản), CSI 300 (Hồng Kông), S&P 500 (Mỹ),... Tuy nhiên, để triển khai được bộ chỉ số cần có hạ tầng công nghệ thông tin TTCK mà SGDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đang là chủ đầu tư hoàn thiện. Ngoài ra, SGDCK HNX cũng đã và đang nghiên cứu cho sản phẩm mới là giao dịch hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 5%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020), Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh ban hành ngày 31/12/2020.
  2. Chính phủ (2015), Nghị định số 42/2015/NĐ-CP chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh ban hành ngày 05/5/2015.
  3. Ủy ban chứng khoán nhà nước (2020), Thị trường chứng khoán phái sinh phát huy vai trò trong thời kỳ Covid. Tạp chí Chứng khoán online 12/2020.
  4. Thiên Hương (2020), Thị trường phái sinh tăng trưởng ấn tượng sau ba năm hoạt động. Báo Nhân dân, https://nhandan.com.vn/phan-tich/thi-truong-phai-sinh-tang-truong-an-tuong-sau-ba-nam-hoat-dong-612034/

Solutions for a sustainable and effective derivatives market in Vietnam

 Ph.D Dang Thi Bich Ngoc

Banking Academy

ABSTRACT:

Developing the derivatives market in Vietnam is an inevitable task as it provides tools to hedge against risks and prevents serious financial distress. After 3 years of operation (August 10, 2017 – August 10, 2020), the derivatives market in Vietnam has achieved many encouraging results. This paper analyzes the current situation of Vietnam's derivatives market and identifies some operational difficulties in the derivatives market. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to help Vietnam’s derivatives market grow sustainably in the future.

Keywords: development, derivatives.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]