Giải pháp tăng số lượng người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội ở nước ta

PHAN KHUYÊN (Học viên cao học luật - Phân viện Học viện hành chính quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Ứng cử là một trong những quyền chính trị hiến định, cơ bản của công dân, được pháp luật bảo hộ, theo đó công dân tự ghi tên mình vào danh sách ứng cử viên để có thể được bầu trong một cuộc bầu cử làm đại biểu các cơ quan dân cử hoặc làm lãnh đạo các cơ quan, các tổ chức, đoàn thể xã hội.

Bài viết đã nêu rõ thực trạng tự ứng cử Đại biểu quốc hội ở nước ta hiện nay, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng số lượng người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam.

Từ khóa: ứng cử, tự ứng cử, đại biểu quốc hội, Việt Nam.

1. Quy định pháp luật về tự ứng cử ở nước ta

1.1. Khái niệm về ứng cử

Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử Đại biểu Quốc hội, ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân.

Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử Đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử Đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử), Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và . Ngoài ra, người tự ứng cử xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh); tại Ủy ban bầu cử cấp huyện (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện); tại Ủy ban bầu cử ở cấp xã (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã).

1.2. Điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội

Theo quy định tại Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội như sau:

- Đủ 21 tuổi trở lên.

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

1.3. 5 trường hợp không được ứng cử Đại biểu Quốc hội

Căn cứ Điều 37 Luật Bầu cử, có 5 trường hợp sau đây không được ứng cử Đại biểu Quốc hội:

- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

- Người đang bị khởi tố bị can;

- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án;

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích;

- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

1.4. Thủ tục tự ứng cử Đại biểu Quốc hội

Theo Điều 35 Luật Bầu cử, công dân ứng cử Đại biểu Quốc hội phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.

Với việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, chậm nhất là vào 17 giờ 00 ngày 14/3/2021, người ứng cử Đại biểu Quốc hội phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử.

Hồ sơ ứng cử bao gồm:

- Đơn ứng cử;

- Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

- Tiểu sử tóm tắt;

- Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;

- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Người tự ứng cử nộp 02 bộ hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ thì Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.

Ngoài ra, công dân nếu nộp hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm Đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp.

Qua hiệp thương lần thứ hai, nếu được vào danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc (nếu có) thì sau đó đưa vào danh sách để hiệp thương lần thứ ba. Trường hợp người tự ứng cử có đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

2. Thực trạng tự ứng cử Đại biểu quốc hội ở nước ta hiện nay

Theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy: tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là 207 đại biểu; các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu là 205 người.

Ở địa phương, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương ứng cử Đại biểu Quốc hội trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 đại biểu được bầu, đạt tỷ lệ bình quân là 2,95 lần so với số đại biểu được bầu ở địa phương (chưa tính số người tự ứng cử).

Nếu tính cả đại biểu của Trung ương được giới thiệu (205 người), tổng số người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.084 người, đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử/01 đại biểu được bầu. Về số lượng người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, tính đến ngày 17/3/2021, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố (trước đó tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 tỉnh, thành phố dự kiến có người tự ứng cử). Một số địa phương có số người tự ứng cử cao là Hà Nội (30 người), Thành phố Hồ Chí Minh (16 người),...

Như vậy, tính cả số người tự ứng cử, tổng số người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người/ trên 1 đại biểu được bầu.

Ngày 18/3/2021, Hội nghị Hiệp thương lần 2 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ phối hợp với Mặt trận tổ quốc địa phương tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử; đồng thời xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu. Như vậy, cánh cửa luôn rộng mở cho người tự ứng cử. Quan trọng là người ứng cử có đủ tự tin, quyết tâm để trở thành người đại biểu của nhân dân hay không?

Bầu cử Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ là dịp để những người đủ đức, đủ tài, đủ trí tuệ ứng cử và tự ứng cử vị trí người đại biểu dân cử. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người tự ứng cử và trở thành Đại biểu Quốc hội còn thấp. Những người tự ứng cử tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn các địa phương khác có rất ít người tự ứng cử. Việc số người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội ở nước ta còn thấp do những nguyên nhân sau:

Một là, thiếu sự công bằng, bình đẳng trong những quy định về người ứng cử. Cử tri cả nước chưa có điều kiện đề cử và ứng cử bình đẳng như nhau do tỷ lệ quy định về người được ứng cử còn thấp. Tình trạng này là do số lượng đại biểu phân bổ là có hạn định, thường một tỉnh chỉ có một số lượng rất ít ứng cử Đại biểu Quốc hội, một đồng chí là lãnh đạo tỉnh, một đồng chí ở cấp sở, ban, ngành,... Trong khi cơ cấu lại kèm vừa nữ, vừa trẻ tuổi thì số lượng ở một tỉnh đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội là không nhiều. Cơ cấu phân bố số lượng đại biểu chưa đạt được theo định hướng, đặc biệt là tỷ lệ người ngoài Đảng và tỷ lệ nữ còn chiếm tỷ lệ thấp. Số lượng người ứng cử giữa các đơn vị không đều, có sự chênh lệch về điều kiện,điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, bình đẳng trong việc bầu cử. Hai là, bầu cử vẫn còn nặng nề về Hiệp thương, quyền ứng cử chưa được mở rộng. Cử tri còn bị thụ động trong việc bỏ phiếu lựa chọn người đại diện. Trên thực tế, cử tri chỉ bỏ phiếu bầu những người tín nhiệm nhất trong danh sách, chứ chưa hẳn là người mà nhân dân tin tưởng nhất, xứng đáng nhất.

Ba là, qua thống kê, số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội phần lớn là doanh nhân và một số ít là người hoạt động sự nghiệp, nói chung không liên quan nhiều đến cơ quan nhà nước, có tính độc lập cao. Bởi lẽ, doanh nhân và những người lao động tự do sẽ tự ứng cử, tự nộp hồ sơ, nộp đơn xin ứng cử. Còn những người là đảng viên, cán bộ, công chức hoạt động trong cơ quan nhà nước hầu như chưa có trường hợp nào tự ứng cử.

Từ ngại quy định đến ngại các ứng viên được giới thiệu trong cơ quan, tổ chức, nên phần lớn những người trong khối cơ quan nhà nước (nhất là Đảng, chính quyền) không dám tự ứng cử làm Đại biểu Quốc hội. Trong thực tế, số lượng ứng viên này cũng không nhiều; người am hiểu về chính trị, chính quyền, mối liên hệ giữa chính quyền với nhân dân và có thể có các sáng kiến, đề xuất để nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử lại ngại không dám tự ứng cử.

Bốn là, những người tự ứng cử tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn các địa phương khác thì có rất ít người tự ứng cử. Ở những thành phố lớn, khi điều kiện kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, thì nhiều người mới có điều kiện, khả năng tham chính, hay nói cách khác khi đủ mạnh về kinh tế thì mới nghĩ đến chuyện chính trị. Nếu không có bản lĩnh và có nền tảng kinh tế vững mạnh thì sẽ khó có tâm thế, tự tin bước vào nghị trường. Có kinh tế và tri thức, có suy nghĩ vì cộng đồng, “muốn làm cái gì đó cho quê hương, đất nước” thì mới có động lực để tự ứng cử...

3. Đề xuất một số giải pháp tăng số lượng người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội

Trong thời gian tới, để tăng số lượng người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội ở nước ta, tác giả đề xuất thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần mở rộng cho cử tri cả nước quyền tự ứng cử và đề cử. Đây là một trong những chủ trương nhằm phát huy tính dân chủ trong bầu cử, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã khẳng định “Mở rộng quyền đề cử và tự ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn”. Điều này tạo cơ hội cho mọi giai tầng trong xã hội tham gia, mở rộng việc lựa chọn đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương. Nên mở rộng quyền tự ứng cử cho cả Đảng viên, điều này sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy tối đa khả năng của bản thân trong công cuộc xây dựng đất nước.

Hai là, để có nhiều người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin về cuộc bầu cử cho cử tri đóng vai trò quan trọng. Theo đó, những cơ quan, cá nhân làm nhiệm vụ liên quan đến công tác tuyên truyền, trực và tiếp nhận hồ sơ của ứng viên cần nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, hướng dẫn tận tình và tạo điều kiện cho những cử tri khi họ có nguyện vọng tìm hiểu, xin cung cấp hồ sơ, thông tin. Đồng thời, cũng cần quán triệt nâng cao nhận thức cho cử tri về quyền và trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử, khẳng định được quyền lựa chọn, quyết định số lượng, chất lượng của cử tri đối với Quốc hội nhiệm kỳ mới, cũng như trách nhiệm tìm hiểu tiểu sử, nhân thân ứng viên để có sự lựa chọn đúng đắn. Tránh có sự phân biệt, kỳ thị giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội dân chủ của toàn dân.

Ba là, tạo thuận lợi cho người tự ứng cử. Thuận lợi không có nghĩa là giảm nhẹ tiêu chuẩn hay là không thực hiện nghiêm túc các quy trình, mà là hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình, hồ sơ cho những người tự ứng cử; đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho họ nộp hồ sơ ứng cử, khuyến khích và tạo điều kiện cho những người tâm huyết, có bản lĩnh vì nhân dân để bầu vào cơ quan dân cử. Thuận lợi cũng có nghĩa là không nên nặng về cơ cấu, thành phần, mà nên quan tâm đến chất lượng đại biểu. Bởi chất lượng đại biểu mới là yếu tố cốt lõi, quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Ngoài các ứng viên được giới thiệu ứng cử, việc càng có nhiều ứng viên tự ứng cử bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và tâm huyết sẽ là giải pháp quan trọng để cử tri lựa chọn ra được những người xứng đáng, ưu tú nhất đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của mình để bầu vào Quốc hội. Khi số lượng ứng viên có chất lượng càng nhiều, cử tri sẽ càng lựa chọn được đại biểu chất lượng, tâm huyết, từ đó sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Bốn là, người tự ứng cử phải tận dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với công chúng. Đây là thuận lợi rất lớn nếu họ biết cách “quảng bá”, lan truyền hình ảnh của mình, không chỉ qua báo chí chính thống, mà còn qua cả mạng xã hội, sẽ thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo cử tri. Năm là, cần tăng cường và đảm bảo vai trò làm chủ của nhân dân. Cần thu hút đông đảo cử tri tham gia các hội nghị, tạo môi trường dân chủ để cử tri có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, đưa ra những nhận xét đánh giá đối với mỗi ứng cử viên đại biểu. Tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri tham gia ứng cử và đề cử theo đúng quy định của pháp luật. Đại biểu phải là người thể hiện được quan điểm chính trị rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, sự trung thành với Đảng, với nhân dân, lòng nhiệt huyết và khát khao cống hiến, tích cực nâng cao phẩm giá và năng lực của bản thân để được cử tri lựa chọn và tín nhiệm, xứng đáng trở thành người đại diện của nhân dân.

Cuối cùng, để bước vào cánh cửa nghị trường, các ứng viên cũng cần tìm hiểu, trau dồi kiến thức, thông tin về hoạt động, quy trình bầu cử. Nhất là sau hiệp thương lần 3, nếu đủ điều kiện đưa vào danh sách chính thức người ứng cử đại biểu dân cử thì cần nắm chính xác xem mình được phân bổ về đơn vị bầu cử nào để tìm hiểu kỹ tình hình địa phương, khoanh vùng cử tri, nắm rõ phong tục, tập quán,… để xây dựng chương trình hành động cho sát và có các phương án vận động bầu cử hiệu quả, đúng quy định. Ứng viên cần phải thể hiện được quyết tâm của mình khi bước vào diễn đàn cử tri nơi cư trú, công tác (nếu có) và vận động cử tri tại đơn vị bầu cử.

4. Kết luận

Kinh tế ngày càng phát triển song song với sự phát triển của công nghệ, nhờ đó nhận thức chính trị của nhân dân và cử tri cũng ngày càng được nâng cao, giữa những ứng viên qua giới thiệu và ứng viên tự ứng cử đều bình đẳng trong sự lựa chọn của cử tri. Càng nhiều ứng viên có chất lượng thì cử tri sẽ chọn được càng nhiều đại biểu ưu tú.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
  2. Quốc hội (2015), Luật số: 85/2015/QH13: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2015.
  3. Quốc hội (2019). Luật số: 47/2019/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ban hành ngày 22 tháng 11 năm 2019.
  4. Quốc hội (2020). Luật số: 65/2020/QH14: Luật Sửa đổi, bổ sung một số. điều của Luật Tổ chức Quốc hội, ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2020.

 Solutions to encourage more people to self-nominate themselves as candidates for deputies to the National Assembly of Vietnam

 Master’s student Phan Khuyen

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Candidacy is one of the fundamental constitutional political rights of a citizen, and this right is protected by law. A citizen can self-nominate his or her as the candidate for elections to the representative of an elected organization or the leader of a social organization. This paper presents an overview on the self-nominated candidates in the election of deputies to the National Assembly in Vietnam. This paper also proposes some solutions to encourage more people to self-nominate themselves as candidates for deputies to the National Assembly in the future.

Keywords: candidacy, self-nominated candidates, a deputy to the National Assembly, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]