Giải pháp thành lập phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại tại trường đại học ở Việt Nam

ThS. LƯƠNG HUỲNH ANH THƯ (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Xuất phát từ nhu cầu đào tạo kết hợp lý thuyết song song với thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng, các trường đại học tại Việt Nam đã phát triển việc nghiên cứu và ứng dụng mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại vào giảng dạy một cách rộng rãi. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và triển khai phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Bài viết thể hiện kết quả đánh giá thực trạng ứng dụng mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại trong các trường đại học tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ứng dụng mô hình này trong giảng dạy.

Từ khóa: Phòng thực hành ngân hàng mô phỏng, các trường đại học Việt Nam, nâng cao chất lượng.

1. Đặt vấn đề

Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại tại trường đại học ở Việt Nam được thiết kế như là một phòng giao dịch ngân hàng, có trang bị đầy đủ các trang thiết bị, cài đặt phần mềm ngân hàng mô phỏng hiện đại, thông minh với đầy đủ các công cụ, tính năng.

Khái niệm Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Phân loại ngân hàng thương mại dựa vào hình thức sở hữu: Ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài.

Việc xây dựng và đưa mô hình Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại vào giảng dạy sinh viên trong các trường đại học, học viện đã mang đến những lợi ích to lớn đối với cả người học, nhà trường và cả doanh nghiệp sử dụng lao động. Những ưu điểm của Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại tại Trường đại học:

- Đối với sinh viên: Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại tại trường đại học ở Việt Nam giúp sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng cần thiết, vững vàng hơn về mặt nghiệp vụ ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Giúp sinh viên có cái nhìn bao quát hơn về công việc của mình trong tương lai, dễ dàng bắt nhịp với công việc sau khi tốt nghiệp, ra trường. Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại không những giúp người học ngành Tài chính - Ngân hàng hiểu được tổng quan công việc tài chính, ngân hàng trên thực tế, thực hành thành thạo công việc nhân viên ngân hàng, nhân viên tài chính. Ngoài ra, còn giúp sinh viên phân biệt và nắm bắt được công việc ngân hàng, tài chính trong mỗi loại hình ngân hàng thương mại. Sau khi được tham gia phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại, sinh viên sẽ rèn luyện được tư duy, kĩ năng của nhân viên ngân hàng, nhân viên tài chính chuyên nghiệp. Sinh viên hiểu và vận dụng các quy định pháp luật về kế toán, tài chính và ngân hàng một cách linh hoạt, có thể tổ chức công tác kế toán, tài chính và ngân hàng trong từng loại hình ngân hàng thương mại.

- Đối với trường đại học: Việc gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành giúp các trường nâng cao chất lượng sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn đầu vào của sinh viên khi đăng ký vào học tập tại trường, ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh tại các trường đại học, đặc biệt trong bối cảnh các trường đang ngày càng áp dụng chính sách tự chủ tài chính.

- Về phía ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng và công ty tài chính: Nguồn nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng chất lượng cao luôn được các doanh nghiệp chào đón và sẵn sàng trả mức lương xứng đáng. Việc ứng dụng mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại không chỉ trực tiếp giúp sinh viên nắm vững hơn về nội dung công tác kế toán, tài chính và ngân hàng trong các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng và công ty tài chính mà còn giúp các doanh nghiệp trên giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có chuyên môn, giúp cho doanh nghiệp hoạt động thực hiện theo đúng chiến lược đã hoạch định và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

2. Thực trạng

2.1. Khái niệm Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại

Mô hình Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại là mô hình mô phỏng lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhân viên ngân hàng, nhân viên tài chính tại các ngân hàng; từ hoạt động tại các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng và công ty tài chính từ các chứng từ kế toán ngân hàng, xử lý các chứng từ, vào sổ kế toán và cung cấp thông tin trên các báo cáo kế toán, công tác tín dụng, thẩm định tín dụng, thanh toán quốc tế, bảo lãnh…; và qua quá trình khảo sát thực tế việc triển khai mô hình Phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại tại một số các trường đại học, học viện.

2.2. Thực trạng ứng dụng mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại trong giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam

Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học công lập và dân lập chạy đua mở ngành đào tạo Tài chính - Ngân hàng. Điều này làm cho đây trở thành một trong những ngành đào tạo phổ biến nhất hiện nay.

Trường đại học, học viện đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng ngày một tăng nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo lại chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khan hiếm nhân viên tài chính, nhân viên ngân hàng có năng lực. Tình trạng này là do đội ngũ lao động vừa tốt nghiệp thường thiếu kinh nghiệm thực tế, nên việc nắm bắt ngay công việc là khó khăn, đối tượng này thường thiếu tự tin khi mới bắt đầu công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải bỏ thêm một khoản kinh phí và thời gian để đào tạo lại những lao động mới ra trường. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thường chỉ ưu tiên tuyển dụng những lao động đã có kinh nghiệm trong công việc. Đây cũng là sự thiệt thòi lớn cho những sinh viên mới ra trường và đang tìm kiếm việc làm, đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới nên yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần xuất phát từ phía thực trạng đào tạo tại các trường đại học vẫn còn nặng về lý thuyết, số tiết phân bổ giảng dạy cho lý thuyết chiếm tỷ lệ lớn, trong khi số tiết thực hành chiếm rất ít hoặc không có, giảng dạy lý thuyết chưa đi đôi với hướng dẫn thực hành. Để khắc phục được tình trạng đó, các trường đã ứng dụng mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại trong giảng dạy như một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng.

2.3. Các yếu tố cơ bản cần có trong mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại

Yếu tố cơ sở vật chất: Đây là yếu tố đầu tiên cần phải chuẩn bị khi triển khai mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại, là điều kiện cơ bản quyết định tới chất lượng đào tạo nên phải chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như chuẩn bị không gian phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại, bàn, ghế, tủ tài liệu, thiết bị văn phòng như máy tính có cài đặt phần mềm ngân hàng, máy in, văn phòng phẩm, thiết bị router, mạng Lan, Thẻ PKI, Thẻ ATM, máy POS, Mô hình mô phỏng máy ATM...

Yếu tố con người: Yếu tố con người trong phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại là các đối tượng tham gia vào phòng thực hành đã được xây dựng bao gồm sinh viên và giảng viên hướng dẫn.

- Sinh viên tham gia thực hành trên phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại đóng vai trò là các giao dịch viên, thủ quỹ, kiểm ngân trong phòng kế toán - ngân quỹ; cán bộ tín dụng, nhân viên thanh toán quốc tế, nhân viên marketing, nhân viên kiểm soát nội bộ, nhân viên phòng tổ chức nhân sự của ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng… Những đối tượng này phải tuân thủ các quy định, trách nhiệm do Trưởng phòng Kế toán - Ngân quỹ, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Trưởng phòng tín dụng, Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Trưởng phòng  Marketing… phân công.

- Giảng viên hướng dẫn đóng vai trò như Trưởng phòng Kế toán - Ngân quỹ, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Trưởng phòng tín dụng, Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Trưởng phòng Marketing… Giảng viên giảng dạy thực hiện phân công công việc trong phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại phù hợp nhất với từng sinh viên phù hợp với việc phân công trách nhiệm giao dịch viên, thủ quỹ, kiểm ngân trong phòng Kế toán - Ngân quỹ; cán bộ tín dụng, nhân viên thanh toán quốc tế, nhân viên marketing, nhân viên kiểm soát nội bộ, nhân viên phòng tổ chức nhân sự cho mỗi sinh viên phải đồng đều sao cho khi kết thúc khóa học phòng thực hành mỗi sinh viên đều phải nắm bắt được nội dung từng phần nghiệp vụ của ngân hàng thương mại trong thực tế.

3. Giải pháp

Thứ nhất, Trường đại học nên thiết lập phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại phù hợp từng loại hình ngân hàng thương mại như: Ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài. Đây là bước quan trọng và là yếu tố quyết định đến chất lượng của phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại. Trong giai đoạn này cần mô phỏng hóa toàn bộ các yêu cầu về công việc tại ngân hàng, công ty tài chính, hướng dẫn chi tiết và nêu rõ các yêu cầu mà sinh viên, học viên cần phải làm những công việc gì. Mặc dù mỗi loại hình doanh nghiệp đều có đặc thù riêng, tuy nhiên các bước mô phỏng phòng thực hành ngân hàng hiện đại bao gồm:

- Mô phỏng tổng quan tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính về: Tên doanh nghiệp; địa chỉ, mã số thuế; ngành nghề lĩnh vực kinh doanh; cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và bộ máy doanh nghiệp; các chính sách kế toán chung áp dụng; mô phỏng hệ thống tài khoản sử dụng; chính sách về tín dụng, đầu tư trong doanh nghiệp.

- Mô phỏng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ thuộc các phần nghiệp vụ trong mỗi loại hình ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính bằng cách xây dựng bộ tài liệu thực hành và bộ đáp án cho mỗi loại hình.

- Đưa ra các yêu cầu thực hành lập, thu nhận hệ thống chứng từ liên quan trong các nghiệp vụ phát sinh, ghi sổ và lập báo cáo kế toán. Đưa ra các yêu cầu thực hành lập và xử lý hợp đồng tín dụng, báo cáo thẩm định, tái thẩm định. Yêu cầu thực hành lập và xử lý các hợp đồng bảo lãnh, thanh toán quốc tế…

- Hướng dẫn chi tiết thực hành một số yêu cầu đã đặt ra bằng phương thức thủ công và thực hành trên phần mềm tại các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính…

- Cung cấp và cập nhật hệ thống văn bản pháp luật kế toán, tài chính và ngân hàng mới nhất.

Thứ hai, từng bước đưa Thực hành nghiệp vụ Tài chính - Ngân hàng trở thành môn học bắt buộc cho sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng trong chương trình đào tạo. Việc làm này không những giúp các trường thực hiện được mục tiêu học lý thuyết đi đôi với thực hành, còn tạo hứng thú cho sinh viên do môi trường học tập sát sao với thực tế trong ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng và công ty chứng khoán.

Thứ ba, các trường đại học tại Việt Nam cần đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại. Do mỗi trường có đặc điểm, quy mô, điều kiện đào tạo khác nhau nên không thể quy định chung về cơ sở vật chất cho tất cả mà để tùy vào điều kiện thực tế tại mỗi trường đại học. Trước khi triển khai ứng dụng mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại cần đầu tư nâng cấp trang, thiết bị đạt tiêu chuẩn để tạo điều kiện thực hành tốt nhất cho sinh viên.

- Về không gian phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại cần quy định diện tích tối thiểu dành cho mỗi sinh viên trong phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại.

- Về trang, thiết bị tối thiểu phải đảm bảo các yêu cầu về bàn, ghế dành cho các cấp độ giảng viên hướng dẫn, trợ giảng, giao dịch viên; kiểm soát viên, các cán bộ tín dụng… Các thiết bị khác phục vụ trong phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại như tủ đựng tài liệu có khóa với số lượng bằng số lượng nhóm sinh viên, máy tính, máy in, máy chiếu, fax, thiết bị điện, mạng internet, điều hòa, đèn chiếu sáng, văn phòng phẩm, thiết bị router, mạng Lan, Thẻ PKI, Thẻ ATM, máy POS, mô hình mô phỏng máy ATM...

Thứ tư, tập huấn giảng viên hướng dẫn cho sinh viên nhằm trang bị kiến thức cơ bản ngành Tài chính - Ngân hàng.

- Đối với sinh viên: Trước khi tham gia vào phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại cần yêu cầu sinh viên phải nắm vững kiến thức lý thuyết ngành Tài chính - Ngân hàng, các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, các văn bản pháp luật về tài chính - ngân hàng... Yêu cầu sinh viên cần phải có các kiến thức cơ bản về kỹ năng làm việc nơi công sở, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn xin việc, kỹ năng tin học văn phòng (Word, Excel…). Đây là các yêu cầu cơ bản mà sinh viên cần có để việc tham gia phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại được thuận lợi hơn.

- Đối với giảng viên giảng dạy: Giảng viên đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định giáo dục, nắm vững được bản chất và quy trình công việc ngân hàng, nắm vững chế độ pháp luật kế toán, tài chính - ngân hàng có nhiều kinh nghiệm trong thực tế, thường xuyên cập nhật các văn bản, thông tư mới nhất trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và kế toán. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo điều kiện hỗ trợ giảng viên tham gia các đợt tập huấn về phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại được tổ chức định kỳ để nâng cao kỹ năng hướng dẫn và trình độ chuyên môn.

Thứ năm, Nhà trường cần xây dựng quy trình quản lý phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại như sau:

- Quy định số lượng tối đa sinh viên tham gia phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại trong mỗi buổi học.

- Số lượng tối đa sinh viên tham gia trong mỗi nhóm học nhằm mục đích là mỗi sinh viên khi tham gia phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại đều được đảm nhận một phần thực hành nghiệp vụ ngân hàng thương mại. Điều này giúp nâng cao chất lượng học tập của sinh viên trong mỗi giờ thực hành, mặt khác hạn chế tình trạng quá tải công việc cho các giảng viên, giúp giảng viên giảng dạy bao quát, quản lý lớp hiệu quả hơn.

- Mỗi giờ thực hành tại phòng mô phỏng ngân hàng hiện đại cần có sự theo dõi và giảng dạy của ít nhất 1 giảng viên có kinh nghiệm thực tế lâu năm, đã từng làm việc tại các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng và công ty tài chính. Ngoài ra, có thể phân bổ thêm các trợ giảng là các giảng viên trẻ, vừa giúp giảng viên chính quản lý lớp hiệu quả, vừa giúp các giảng viên trẻ thu nhận được nhiều kinh nghiệm thực tế.

- Các học viên khi tham gia học tập tại phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại cần thực hiện nghiêm túc quy định về trang phục lịch sự như trong môi trường doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoàn thiện xây dựng bộ tài liệu thực hành ngân hàng trong phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại. Bao gồm bộ chứng từ ngân hàng từng nghiệp vụ phát sinh của loại hình ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính, lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp, xây dựng quy trình tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp. Để xây dựng được bộ tài liệu thực hành cụ thể hóa đối với từng loại hình ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính, các trường đại học cần có sự phối hợp của các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính tạo điều kiện cho các giảng viên giảng dạy đi thực tế ở từng loại hình.

4. Kết luận

Tóm lại, nâng cao ứng dụng phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại trong đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng tại Việt Nam được xem là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên giảng dạy có kinh nghiệm cả về số lượng và chất lượng; đồng thời xây dựng chi tiết nội dung mô phỏng phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại tại từng loại hình ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính.

Để thực hiện được điều này, các trường cần đầu tư triển khai hơn nữa các công trình nghiên cứu khoa học với mục đích hoàn thiện nâng cấp mô hình phòng thực hành mô phỏng ngân hàng hiện đại, xây dựng kế hoạch triển khai hoặc nâng cấp phù hợp theo từng giai đoạn; kết hợp với các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo để được tạo điều kiện giúp đỡ, nâng cao hơn nữa chất lượng ứng dụng mô hình này tại các trường đại học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trầm Thị Xuân Hương và cộng sự (2018). Giáo trình ngân hàng thương mại, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  2. Tạp chí Ngân hàng - Cơ quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. <http://tapchinganhang.com.vn/>
  3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. https://www.sbv.gov.vn/

 

SOLUTIONS FOR APPLYING MODERN BANK SIMULATION ROOMS

IN UNIVERSITIES IN VIETNAM

Master. LUONG HUYNH ANH THU

Faculty of Accounting – Finance

Dong Nai University of Technology

ABSTRACT:

Stemming from the training need of integrating theory and practice to improve the training quality in the finance – banking sector, universities in Vietnam have developed and widely applied bank simulation rooms. However, there are many challenges in the implementation of bank simulation room during the training process. This paper is to assess the current situation of applying modern bank simulation rooms in Vietnamese universities, thereby proposing some solutions to improve the effectiveness of bank simulation rooms.

Keywords: Bank simulation room, Vietnamese universities, improving quality.