Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của chính quyền địa phương

ThS. TRẦN QUẢNG SƠN (Giảng viên, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu tổng quan lý thuyết về chuyển đổi số, chỉ ra khó khăn trong chuyển đổi số của chính quyền địa phương tại Việt Nam dựa trên nghiên cứu của Bousdekis và Kardaras (2020), từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của chính quyền địa phương tại Việt Nam.

Từ khóa: chuyển đổi số, chính quyền địa phương, Hy Lạp.

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số là chìa khóa then chốt thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Quan điểm trên được làm rõ qua hàng loạt các văn bản cấp Trung ương như Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Quá trình chuyển đổi số đã xuất hiện nhiều khó khăn trong khu vực tư và khu vực công với nhiều điểm khác biệt nhau. Trong khu vực công, việc chuyển đổi số trong chính quyền địa phương đang gặp nhiều khó khăn và có những khác biệt so với cấp trung ương (chính phủ, bộ) hay ở khu vực tư. Dựa vào kết quả của nhóm nghiên cứu Bousdekis và Kardaras (2020) [1] xác định các yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả chuyển đổi số của chính quyền địa phương khu vực Attica, Hy Lạp, bài viết đánh giá nhận diện những khó khăn trong chuyển đổi số của chính quyền địa phương tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền địa phương tại Việt Nam.

2. Tổng quan về chuyển đổi số

Theo Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông,  chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong đó, các trụ cột ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số bao gồm Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data). Chuyển đổi số được xem là phương thức để thúc đẩy và tối ưu hóa các hoạt động trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, sản xuất đến văn hóa, xã hội, hành chính trên nền tảng phát triển kỹ thuật của cuộc cách mạng 4.0. Mục tiêu cơ bản của chuyển đổi số là ứng dụng các công nghệ hiện đại để chuyển đổi các hoạt động đạt hiệu suất và hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Bản chất của chuyển đổi số không những là thay đổi về công nghệ mà quan trọng hơn là sự thay đổi về tư duy, về cách điều hành, về cách thức hoạt động với sự linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo và định hướng chiến lược chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương với 3 mục tiêu trọng tâm là: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Riêng về chính phủ số, sự chuyển đổi số trong chính quyền địa phương được Chính phủ quan tâm với nhiều mục tiêu cụ thể trong các giai đoạn 2025 – 2030, được thể hiện tại Quyết định số 942/QĐ-TTg. Đồng thời, để kịp thời bám sát tiến độ chuyển đổi số tại địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng trang web đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số (dti.gov.vn) cập nhật đánh giá chuyển đổi số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo bộ chỉ số DTI ([4]).

3. Khó khăn trong chuyển đổi số của chính quyền địa phương tại Việt Nam

3.1. Các yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số của chính quyền địa phương

Nhóm nghiên cứu Bousdekis và Kardaras (2020) [1] đã thực hiện khảo sát và sử dụng phương pháp Fuzzy mờ để nhận diện các yếu tố quan trọng giúp các chính quyền địa phương khu vực Attica - Hy Lạp chuyển đổi số thành công. Kết quả được mô tả trong Bảng 1.

Bảng 1. Các yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số theo trọng số [1]

chuyển đổi số

Các yếu tố này bao gồm:

- Dịch vụ lấy công dân làm trung tâm: chiếm trọng số cao nhất gần 30%. Yếu tố này nhấn mạnh phục vụ người dân (bao gồm cá nhân và tổ chức) là quan trọng nhất và là trung tâm của tất cả hoạt động chuyển đổi số. Đây cũng là tinh thần trung tâm trong các văn bản về chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam.

- Văn hóa số tầm chiến lược: đòi hỏi một định hướng chuyển đổi số liên tục, có sự kết nối giữa các giai đoạn theo nguyên tắc cái sau phát triển hơn trên nền tảng của cái trước đó. Để đạt được yêu cầu này, cần có sự đổi mới trong các quy trình phát triển dự án từ mô hình thác nước (waterfall) sang mô hình phát triển linh hoạt (agile). Yếu tố văn hóa số có điểm tương tự định hướng chuyển đổi sang “văn phòng không giấy” đang được triển khai mạnh mẽ trong các cơ quan nhà nước Việt Nam hiện nay.

- Khả năng tương tác theo kinh nghiệm của Hy Lạp chủ yếu về tính tổ chức và liên kết khi áp dụng các hệ thống phần mềm chuyên dụng, về sự tương thích giữa hệ thống phần cứng và phần mềm, về tiêu chuẩn liên quan... Tất cả có thể được trình bày bằng một phương thức: Khung kiến trúc tổng thể (Enterprise Architecture). Tại Việt Nam, Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 đã trình bày Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 là minh chứng cho tầm quan trọng của yếu tố này.

- Kỹ năng số của nhân sự đề cập đến kỹ năng làm việc của đội ngũ nhân sự trong chính quyền địa phương phải đáp ứng được các đổi mới về công nghệ với hàng loạt các kỹ năng mới ra đời (kỹ năng an toàn mạng, giao tiếp qua mạng,...). Ngoài ra, kỹ năng số của đội ngũ nhân sự còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của yếu tố văn hóa số.

-  Mua sắm công nghệ là yếu tố liên quan đến các hoạt động chi trả mua sắm trong các dự án công nghệ thông tin. Với yêu cầu giảm bớt các thủ tục giấy để triển khai nhanh chóng các hoạt động liên quan nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BTTTT quy định về các công tác triển khai, giám sát và nghiệm thu dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn nhà nước. Văn bản này thể hiện sự quan tâm của chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động mua sắm công nghệ này.

3.2. Nhận diện khó khăn trong chuyển đổi số của chính quyền địa phương

Các yếu tố được Nhóm nghiên cứu Bousdekis và Kardaras (2020) [1] đề cập trên thực tế đã và đang tồn tại trong các hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam. Vì vậy, bản thân chính quyền địa phương tại Việt Nam cũng đối mặt với các khó khăn có điểm tương đồng với các khó khăn của chính quyền tại Hy Lạp đã gặp phải. Cụ thể là:

- Về dịch vụ lấy công dân làm trung tâm: hạn chế lớn nhất là các kế hoạch chuyển đổi số chủ yếu đang theo góc nhìn hành chính tập trung chủ yếu là hiện đại hóa các thủ tục hành chính có sẵn, thuận tiện cho cơ quan thực thi nhưng hạn chế sự tiếp cận của người dân. Ngoài ra, sự đa dạng của các nhóm (công dân, công chức viên chức, doanh nghiệp, tổ chức xã hội...) cũng là một trở ngại khi chuyển đổi số theo định hướng tiếp cận nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số hiện tại đang theo phương thức “top-down” triển khai từ cơ quan cấp trên xuống cơ quan cấp dưới nên không thể thỏa mãn cũng như kịp thích nghi tùy biến theo nhu cầu của người dân tức thời.

- Về văn hóa số tầm chiến lược: trong luận văn của nhóm tác giả Aidanpaa [2] đã cho thấy, Thụy Điển và Việt Nam đều chịu tác động từ văn hóa bảo thủ trong khu vực công. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống thủ tục hành chính phức tạp với một lượng dữ liệu giấy khổng lồ qua nhiều năm. Bên cạnh đó, sự thiếu kết nối giữa các giai đoạn hiện đại hóa chính quyền qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau tạo ra sự chênh lệch trong hoạt động chuyển đổi số của chính quyền địa phương hiện tại.

- Về khả năng tương tác: những khó khăn trong sự khác biệt giữa yêu cầu kỹ thuật của các phần mềm ứng dụng và khả năng đáp ứng của hệ thống phần cứng; sự phức tạp của các thủ tục hành chính ảnh hưởng khả năng chuyển đổi thành các phần mềm tích hợp dẫn đến sự phát triển hàng loạt các phần mềm khác nhau để chỉ phục vụ cho một phòng, ban hoặc nhiều phần mềm trùng lặp chức năng (câu chuyện nhiều ứng dụng khai báo y tế trùng lặp trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 tháng 7 - 9/2021).

- Về kỹ năng số nhân sự: tâm lý e ngại của đội ngũ nhân sự đối với chuyển đổi số là một trở ngại lớn. Nguyên nhân xuất phát từ giới hạn về kỹ năng đáp ứng chuyển đổi số và nhận thức vai trò tác dụng của chuyển đổi số trong công việc. Đây cũng là vấn đề tồn tại cố hữu trong các cơ quan chính quyền địa phương thiếu các chương trình bồi dưỡng kỹ năng số hàng năm.

- Về mua sắm công nghệ: thủ tục hành chính phức tạp cùng cơ chế thiếu linh hoạt đã ảnh hưởng đến hiệu suất và khả năng triển khai các dự án công nghệ, dẫn đến khi hoàn thành thì bản thân dự án đã trở thành lỗi thời tại thời điểm bắt đầu sử dụng.

4. Đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số của chính quyền địa phương

Thứ nhất, chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh việc xây dựng Khung kiến trúc chính quyền điện tử trên căn cứ Khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0. Việc này cần mở rộng đến chính quyền cấp huyện và xã để có được định hướng và tầm nhìn dài hạn về chuyển đổi số với các dạng tài liệu kiến trúc hoặc tài liệu tương tự đóng vai trò là kim chỉ nam. Ví dụ về hội đồng quận Havant đã đưa ra chiến lược số 2020 - 2024 [3] định hướng cho sự chuyển đổi số của quận đến năm 2022 với các phương hướng, cách thức, đánh giá rõ ràng. Bản thân tài liệu này cũng là cách thức tuyên truyền phổ biến để đội ngũ nhân sự của quận hiểu rõ và đồng lòng đẩy mạnh chuyển đổi số.

Thứ hai, Chính quyền địa phương cần thực hiện đánh giá các hoạt động chuyển đổi số bằng các phương pháp lượng hóa để có cách nhìn nhận toàn diện và có giải pháp phù hợp với đặc thù của địa phương. Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) với cấp tỉnh là 3 trụ cột với 9 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần, là cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương vận dụng và thực hiện đánh giá [4]. Bản thân bộ chỉ số này bao hàm cơ bản các yếu tố đã đề cập ở mục 2 với sự mở rộng thêm về đô thị thông minh, an toàn thông tin mạng tiếp cận gần với bộ chỉ số đánh giá phát triển chính phủ điện tử (EGDI) mới nhất của Liên hợp quốc.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào các hoạt động chuyển đổi số. chính quyền các tỉnh cần thực hiện khảo sát, tìm hiểu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn để có được thông tin và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào kế hoạch chuyển đổi số của địa phương.

Thứ tư, áp dụng các giải pháp phù hợp với tình hình và đặc điểm của địa phương sau khi thực hiện đánh giá đã đề xuất ở trên. Báo cáo của Đại học RMIT tuy tập trung về doanh nghiệp nhưng có giá trị tham khảo rất lớn với nhiều giải pháp phù hợp cho chính quyền địa phương (có những đặc điểm tương đồng với doanh nghiệp nhà nước) như:

- Ủy thác phân quyền cho các cấp để chủ động tham gia chuyển đổi số.

- Phân bổ nguồn lực kèm lịch trình khả thi để thực hiện.

- Đánh giá các kết quả chuyển đổi số trên các chỉ số được lượng hóa.

- Khuyến khích các hoạt động sáng tạo cả nội bộ và bên ngoài.

- Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng số như kỹ năng về an toàn thông tin mạng, kỹ năng giao tiếp qua môi trường số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội...

- Chuẩn hóa dữ liệu và thí điểm kỹ thuật số, ứng dụng phương pháp agile (phương pháp thay đổi linh hoạt đáp ứng yêu cầu tức thời) cho phép sự tùy biến nhanh chóng phù hợp thực tiễn (các hoạt động ứng dụng công nghệ được áp dụng kịp thời trong thời kỳ chống dịch COVID-19 là điển hình cho phương pháp này.     

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. A. Bousdekis & D. Kardaras. (2020). Digital Transformation of Local Government: A Case Study from Greece. 2020 IEEE 22nd Conference on Business Informatics (CBI), 22-24 June (pp. 131-140). Antwerp, Belgium.
  2. M.Aidanpaa & M.Sjoiberg. (2021). Digital Transformation: Governance as a Transition Tool - A case study at a Swedish municipality. Master of Science Thesis, KTH Industrial Engineering and Management Industrial Management, Stockholm.
  3. Havant Borough Council and East Hampshire District Council, Digital Strategy 2020-2024. (2020). [Online] Available at https://www.havant.gov.uk/digital-strategy-2020-24-pdf-370-kb
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022). Quyết định số 922/QĐ- BTTTT Phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia”.
  5. J.Watkins và cộng sự (2020). Báo cáo chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước. Truy cập tại https://www.rmit.edu.vn/vi/gioi-thieu-chung/cac-khoa-va-trung-tam/trung-tam-xuat-sac-ve-ky-thuat-so/du-an/chuyen-doi-so-o-viet-nam-khao-sat-cac-doanh-nghiep

SOLUTIONS TO FACILITATE

THE DIGITAL TRANSFORMATION

 OF LOCAL GOVERNMENTS IN VIETNAM

Master. TRAN QUANG SON

Lecturer, National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City   

ABSTRACT:

This paper provides a theoretical overview of digital transformation, points out the difficulties in digital transformation of local governments in Vietnam based on the research of Bousdekis and Kardaras (2020). This paper proposes some solutions to facilitate the digital transformation of local governments in Vietnam.

Keywords: digital transformation, local government, Greece.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]