Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ  của Việt Nam

THS. ĐẶNG THU TRANG (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế  - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ từ khâu trồng, khai thác cho đến chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, đến nay, các sản phẩm gỗ ngày càng trở nên đa dạng hơn, mẫu mã và chất lượng ngày càng phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu xuất khẩu. Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ đang tăng trưởng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa khai thác được hết lợi thế từ các thị trường này. Vì vậy, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường nước ngoài.

Từ khóa: gỗ, sản phẩm gỗ, xuất khẩu, thị trường.

1.Thực trạng, cơ hội và thách thức xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam

1.1. Thực trạng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong tháng 3/2021 đạt kỷ lục mới, đạt 1,51 tỷ USD, tăng 64,6% so với tháng trước đó và tăng 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,17 triệu USD, tăng 69,9% so với tháng 2/2021 và tăng 75,99% so với tháng 3/2020. Trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đạt 3,788 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt tỷ 2,944 tỷ USD, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi sức mua của toàn cầu cũng như hoạt động sản xuất trong nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam vẫn tăng trưởng  ấn tượng, vươn lên thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2021. (Biểu đồ 1)

Quý I/2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu G&SPG lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 2,29 tỷ USD, tăng tới 77,02% so với cùng kỳ năm ngoái; chiếm tới 61% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của toàn ngành (tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2020 đạt 50%). 3 thị trường đứng sau Hoa Kỳ thuộc về châu Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, với mức tăng trưởng lần lượt: 8,22%; 9,71% và 8,98%. Ngoại trừ Hoa Kỳ với mức tăng trưởng cao và tỷ trọng lớn, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang trường Canada, Pháp, Australia và Hà Lan cũng tăng rất mạnh. (Biểu đồ 2)

1.2. Cơ hội và thách thức của ngành Gỗ Việt Nam khi tham gia FTA

Một là, về tổng thể, việc mở cửa thị trường thương mại với các quốc gia thông qua một FTA sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ đáng kể, qua đó có thể dự báo việc tham gia FTA sẽ có tác động nhất định đến kim ngạch xuất khẩu ngành Đồ gỗ của Việt Nam.

Hai là, thuế nhập khẩu hàng đồ gỗ của các nước trong FTA giảm sẽ có tác động thúc đẩy hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia này

Ba là, về phía năng lực cung ứng nguyên liệu nội địa, việc tăng nguồn cung sản xuất nguyên liệu gỗ trong nước sẽ thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường FTA. Đây cũng là vấn đề then chốt cần khắc phục để giải quyết vấn đề còn tồn tại trong sản xuất đồ gỗ Việt Nam, đó là công nghiệp hỗ trợ và nguồn nguyên liệu chưa chủ động nên chủ yếu gia công theo mẫu mã khách hàng cung cấp, do gia công nên không thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và vùng nguyên liệu phát triển, từ đó giá trị xuất khẩu không cao.

Điều này tiếp tục khẳng định, phát triển vùng nguyên liệu gỗ là một trong những điểm lưu ý hàng đầu cho ngành Đồ gỗ Việt Nam nếu muốn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường FTA khi các hiệp định này có hiệu lực.

2. Chính sách thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường FTA

Để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường FTA, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện một số chính sách sau:

2.1. Chính sách về nguồn nguyên liệu 

Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để các doanh nghiệp có thể nhận đất trồng rừng, nếu như các địa phương làm tốt chính sách này, đây sẽ là một trong những biện pháp để khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cụ thể: 

Thứ nhất, công tác dự báo nhu cầu gỗ nguyên liệu cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học và chi tiết. Dự báo nhu cầu nguyên liệu cần cụ thể đến mức độ sản xuất đồ gỗ trong những năm tiếp theo sẽ cần cụ thể những loại gỗ nào và sản lượng bao nhiêu để có thể đáp ứng nhu cầu. Các chỉ tiêu về chất lượng, yêu cầu về sản xuất gỗ nguyên liệu cũng cần được thể hiện rõ.

Thứ hai, đối với nguồn nguyên liệu trong nước, cần rà soát cụ thể khả năng cung ứng của từng loại trong điều kiện thực tế nguồn nguyên liệu của cả nước, từ đó có những chính sách cụ thể trong quá trình trồng rừng, khai thác, xuất khẩu gỗ thô và sử dụng triệt để phần nguyên liệu nội địa. Tuy nhiên, việc hạn chế xuất khẩu những loại nào, chú trọng vào phát triển loại nguyên liệu nội địa nào hay cần trồng loại gỗ nguyên liệu nào cũng chỉ có thể thực hiện được nếu công tác dự báo nhu cầu nguyên liệu được hiện bài bản, khoa học và chính xác.

Thứ ba, nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn là cấu thành quan trọng trong các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất để nhập khẩu và cung ứng nguyên liệu gỗ cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ sao cho đáp ứng số lượng, chất lượng và thời gian với giá cả cạnh tranh. Trong đó, xây dựng cổng thông tin về nguyên liệu gỗ là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp có thể tham khảo các thông tin về nguồn nguyên liệu gỗ, chủ động hơn trong việc nhập khẩu và tránh dự trữ tồn kho nguyên liệu trong thời gian quá dài.

2.2. Chính sách về tín dụng, đầu tư hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu 

Nhà nước cần hoàn thiện chính sách thuế,  hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu như chính sách tín dụng, đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu; 

Tập trung nghiên cứu giảm chi phí và thời gian tham gia thị trường cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh.

2.3. Chính sách về xúc tiến thương mại 

Thứ nhất, cần có những trung tâm hội chợ đồ gỗ với quy mô xứng tầm (hiện nay có một trung tâm tại Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh với diện tích hơn 28 nghìn m2, nhưng nếu nhìn các nước xung quanh như Singapore tuy không phát triển mạnh sản xuất gỗ nhưng đều có những trung tâm hội chợ gỗ lên đến 120 nghìn m2…). 

Thứ hai, cần có những khu công nghiệp chuyên ngành thì việc liên kết mới thực sự dễ dàng giữa các doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ…

Thứ ba, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận được với công nghệ hiện đại; Nghiên cứu, đánh giá xu hướng thị trường gỗ, tìm kiếm đối tác theo hướng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế và trong nước. Nghĩa là, bên cạnh việc nghiên cứu mở rộng thị trường, cần duy trì và phát triển các thị trường truyền thống (cả thị trường trung chuyển và thị trường người tiêu dùng trực tiếp), thông qua đó, uy tín và chất lượng của sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng.

Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn, chú trọng đào tạo, phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA thế hệ mới, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA thế hệ mới; hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với thương hiệu các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm gỗ của Việt Nam

2.4. Chính sách về hoàn thiện thể chế xuất khẩu 

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời kiểm soát chặt chẽ từ khi dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thực hiện công bố, công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính mới; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính. 

+ Thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu:

Hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới và khu vực. 

Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế và các trung tâm logistics loại II tại khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ nhằm kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

Thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với thị trường toàn cầu nhằm hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu cầu, tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế.

+ Tăng cường tận dụng ưu đãi thông qua công tác chứng nhận xuất xứ

Tiếp tục đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): tổ chức thực hiện và theo dõi triển khai việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua internet.

Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ ngành Gỗ xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; Tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về ưu đãi FTA thế hệ mới, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA thế hệ mới, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ. 

+ Vượt qua các rào cản kỹ thuật

Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin cấp Chính phủ, xử lý các rào cản thương mại và các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại, từ đó kịp thời xử lý các vướng mắc, rào cản, các vấn đề nổi cộm lớn đã, đang và sẽ phát sinh, đặc biệt là nguy cơ dẫn đến các vụ điều tra phòng vệ thương mại cũng như các vấn đề về kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường có yêu cầu khắt khe về điều kiện nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ .

+ Đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại

Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh ngay từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi cho doanh nghiệp; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp.

Chính sách hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề

Hiện nay chúng ta chưa có nhiều trường đào tạo công nhân, không đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp; Cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách giáo dục nghiêng về thực tế, đầu tư thêm máy móc trong cơ sở đào tạo 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2021), Thống kê tình hình xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021.
  2. Vũ Thị Minh Ngọc, Hoàng Thị Dung (2014), Thực trạng và một số giải pháp phát triển thị trường lâm sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp; số 4 năm 2014, 151-160.
  3. Bộ Công Thương (2019), Tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường FTA, Báo cáo.
  4. Các website: trungtamwto.vn, dangcongsan.vn, hoinongdan.org.vn, vafs.gov.vn, most.org.vn...

 Solutions to promote Vietnam’s export of wood and wood products

Master. Dang Thu Trang

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Wood and wood products are still one of the key economic export products of Vietnam. Thanks to the implementation of scientific and technological advances on wood production from planting, harvesting to processing stages, Vietnam has diversified wood products to better meet the needs of foreign markets. Vietnam’s wood industry has witnessed a high growth rate. However, Vietnamese wood processing enterprises have not yet exploit foreign markets effectively. This paper proposes some solutions to promote Vietnam’s export of wood and wood products.

Keywords: wood, wood products, export, market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]