Giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số tại địa bàn cư trú

ThS. Nguyễn Phùng Quân (Văn phòng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 -2020, Ủy ban Dân tộc)

TÓM TẮT:

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Các dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú chủ yếu ở vùng núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa - những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Bằng phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu được ứng dụng trong nghiên cứu, trên cơ sở các nguồn số liệu thứ cấp, kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Thực trạng và nguyên nhân ảnh hưởng tới lao động DTTS làm việc tại địa bàn cư trú; (2) Những nghiên cứu giải quyết việc làm lao động DTTS làm việc tại địa bàn cư trú; (3) Định hướng và giải pháp đổi mới chính sách giải quyết việc làm lao động DTTS làm việc tại địa bàn cư trú.

Từ khóa: Việc làm, lao động dân tộc thiểu số, địa bàn cư trú.

1. Giới thiệu chung

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm trên 14% dân số cả nước năm 2015. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng yếu kém; xuất phát điểm và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp, thường bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt... Đời sống của đa số đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ DTTS sống tại vùng dân tộc tính tại thời điểm ngày 01/07/2015 là hộ nghèo chiếm 23,1%; hộ cận nghèo chiếm 13,6% (Ủy ban Dân tộc, 2016). Cuộc sống và việc làm của người dân vùng dân tộc dễ rơi vào tình trạng bấp bênh, không ổn định, khó duy trì, trình độ dân trí thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất ổn định an ninh, chính trị.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề giải quyết việc làm lao động DTTS tại địa bàn cư trú nhằm đưa ra những giải pháp giải quyết việc làm người DTTS tại khu vực vùng núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa... gắn với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực là rất cần thiết.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp tiếp cận

- Tiếp cận hệ thống: Nghiên cứu, đánh giá về vấn đề giải quyết việc làm lao động DTTS tại địa bàn cư trú ở phạm vi hẹp về không gian, thời gian…, đặt trong mối quan hệ thống nhất, tác động qua lại giữa các nhân tố bên trong và bên ngoài, các yếu tố của quá khứ và hiện tại.

- Tiếp cận dân tộc: Nhằm nhận diện đầy đủ những vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.

- Tiếp cận phát triển bền vững: Tạo việc làm và nâng cao thu nhập là những yếu tố có liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, với việc áp dụng cách tiếp cận về phát triển bền vững, nghiên cứu sẽ đánh giá một cách khách quan và toàn diện về các vấn đề giải quyết việc làm lao động DTTS tại địa bàn cư trú.

2.2. Phương pháp phân tích số liệu

- Phương pháp phân tích tài liệu: Toàn bộ hệ thống tài liệu, nghiên cứu liên quan tới chính sách giải quyết việc làm lao động DTTS tại địa bàn cư trú sẽ được sưu tầm, tổng hợp, phân loại và hệ thống hóa…

- Phương pháp phân tích - so sánh: Dựa trên các kết quả tổng quan, phương pháp phân tích so sánh sẽ được áp dụng để chỉ ra những đặc trưng và sự khác biệt đối với vấn đề chính sách giải quyết việc làm lao động DTTS tại địa bàn cư trú.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Thực trạng và nguyên nhân ảnh hưởng tới lao động người DTTS làm việc tại địa bàn cư trú

Thứ nhất, vấn đề lao động - việc làm luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Giải quyết việc làm là chính sách xã hội cơ bản của đất nước nhằm mục tiêu phát triển bền vững con người. Vùng DTTS là vùng chậm phát triển và có khoảng cách chênh lệch khá lớn so với sự phát triển chung của cả nước. Điều này đặt ra yêu cầu đòi hỏi Nhà nước cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách để giải quyết tình trạng này, trong đó tạo cơ hội về việc làm, chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập là một trong những ưu tiên cần chú ý. Thực tế cho thấy, lao động ở vùng DTTS hiện nay chủ yếu tập trung trong nông nghiệp. Hai vùng có số lượng và tỷ lệ DTTS cao nhất cả nước là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm trên 70%. Cơ cấu này có sự cách biệt rất xa so với cả nước (cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ của cả nước là 51,9%; 21,5% và 26,5%). Lao động DTTS chủ yếu tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản. Tại vùng miền núi phía Bắc có đến 78,44% dân số từ 15 tuổi trở lên đang tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản, trong khi chỉ có 6,26% tham gia vào các ngành nghề có chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tương ứng là 64,81% và 7,31%; Tây Nguyên là 76,33% và 5,93%... Ngoài vấn đề nêu trên, tình trạng dư thừa lao động, thiếu việc làm cũng đang diễn ra khá gay gắt ở vùng DTTS. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Thứ hai, chất lượng lao động DTTS thấp. Khoảng 75% dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi (tương đương 50 triệu người trong đó 44 triệu người thuộc diện không có kĩ năng) đang ở độ tuổi lao động và nếu như Việt Nam không chuẩn bị một chính sách đúng đắn giải quyết việc làm cho vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là đối với các DTTS đặc biệt khó khăn thì có khả năng là các dân tộc thiểu số sẽ bị gạt ra khỏi quá trình phát triển kinh tế chung của quốc gia. Trong quá trình toàn cầu hóa, lực lượng lao động ngày càng phải đáp ứng yêu cầu là có tay nghề, linh hoạt, năng động và luôn luôn thích ứng với nhu cầu lao động của thị trường lao động.

Thứ ba, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm bình quân từ 2-2,36%/năm. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2%. Các năm sau đó, tỷ lệ này đều giảm dần: Năm 2011 giảm còn 11,76%; Năm 2012 giảm còn 9,6%; Năm 2013 giảm còn 7,8%; Năm 2014 giảm còn 5,97%; Năm 2015 giảm còn dưới 5%.

Tuy nhiên, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 80 - 90%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Do vậy, cần chính sách tạo việc làm hơn nữa cho lao động vùng DTTS để họ có cơ hội tăng thu nhập, giảm nghèo.

Thứ tư, Nhà nước đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong sử dụng lao động tại chỗ ở vùng DTTS, nhưng khó thu hút được lao động vùng này. Ở nhiều nơi như Tây Bắc, Tây Nguyên, các doanh nghiệp không hoặc rất ít sử dụng lao động là người DTTS tại chỗ mà phần lớn đưa lao động từ nơi khác đến (chủ yếu là lao động từ vùng đồng bằng), từ đó làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Hiện nay, rất nhiều người DTTS ngại phải đi làm xa nhà, không quen với môi trường làm việc công nghiệp và thiếu tự tin. Do vậy, họ khó tìm được công việc tốt hơn nhằm tăng thu nhập. Đồng thời, các vùng mà hầu hết người DTTS sinh sống đều là vùng núi, vùng sâu vùng xa, với điều kiện giao thông không thuận lợi, do đó thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Phát triển kinh tế sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, nhưng với điều kiện hiện nay cũng khó có khả năng sẽ giải quyết nhiều việc làm mới ở những vùng này.

3.2. Những nghiên cứu về giải quyết việc làm cho lao động DTTS làm việc tại địa bàn cư trú

Trên nguyên lý về tự tạo việc làm, các nghiên cứu về chính sách giải quyết việc làm lao động vùng DTTS tự tạo việc làm trong quá trình phát triển cũng hướng đến các khía cạnh về: (i) bản thân người lao động vùng DTTS, về giới tính của người lao động vùng DTTS, nhu cầu làm việc và hoàn cảnh kinh tế - xã hội gia đình của họ; (ii) vào cơ chế chính sách tạo việc làm mà Nhà nước đem đến cho người lao động vùng DTTS; (iii) chất lượng từ hoạt động hướng nghiệp, đào tạo mà họ là đối tượng thụ hưởng; (iv) cũng như từ nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng hóa dịch vụ mà người lao động vùng DTTS cung ứng trên thị trường.

Hall & Patrinos (2012) tiến hành nghiên cứu trường hợp của ba nước châu Á (Trung Quốc, Lào và Việt Nam) và ba nước châu Phi (Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo và Gabon) để đưa ra một đánh giá xuyên quốc gia về các chỉ số đói nghèo và chỉ số kinh tế - xã hội của người DTTS [1]. Nghiên cứu nhấn mạnh thông tin về tình trạng người DTTS của một đất nước cũng như các chính sách giải quyết việc làm, cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản nhằm giúp giảm nghèo và thoát nghèo đối với người DTTS ở những quốc gia này vẫn còn rất thiếu và đây đang là một trở ngại đáng kể trong việc thực hiện những mục tiêu tiến bộ đối với người DTTS. Nghiên cứu là căn cứ để đề ra các biện pháp tăng cường giám sát các chiến lược giảm nghèo và phát triển quốc gia hướng tới các mục tiêu quốc tế (như MDGs), cho phép các chỉ số được kết nối không chỉ với mức trung bình của các quốc gia mà còn riêng cho từng DTTS.

Bob Baulch và Vũ Hoàng Đạt (2012) phân tích vai trò của đặc điểm (đặc điểm nhân khẩu hộ gia đình, trình độ học vấn, sở hữu đất, đặc điểm xã hội…) và hiệu quả thu nhập của các đặc điểm (do ảnh hưởng của các yếu tố không quan sát được qua điều tra mức sống, ví dụ như chất lượng đất, chất lượng giáo dục, các rào cản văn hóa, định kiến và kỳ thị với đồng bào DTTS…) đến sự khác biệt về thu nhập/chi tiêu giữa nhóm dân tộc đa số và các nhóm dân tộc thiểu số, dựa trên số liệu điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS 2010) (cập nhật một nghiên cứu tương tự trước đó dựa trên số liệu VHLSS 2006) [2]. Nghiên cứu cho thấy, chính thu nhập từ việc làm là yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt về đời sống của các nhóm dân tộc. Tuy nhiên, việc làm của lao động vùng DTTS, đặc biệt là người DTTS còn chưa tạo ra thu nhập cao, số lao động có hợp đồng lao động còn ít…

Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (2012) cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2012, có 22,1% các hộ đã thoát nghèo, nhưng lại có đến 14,3% các hộ gia đình rơi trở lại tình cảnh nghèo đói [3]. Các hộ gia đình nghèo người Kinh chủ yếu nằm trong diện nghèo tạm thời, trong khi các hộ gia đình nghèo DTTS chủ yếu là nghèo kinh niên. Điều này chỉ ra rằng, công tác xóa đói giảm nghèo ở các xã này chưa bền vững, một phần do sự phụ thuộc quá lớn của các hộ gia đình vào thu nhập từ nông nghiệp và ít có sự chuyển đổi từ các hoạt động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chương trình chỉ đạt được một phần các mục tiêu đã đặt ra. Tỉ lệ nghèo đã giảm từ 57,5% xuống còn 49,2% so với mục tiêu là 30%. Chỉ có 41% các hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức 3,5 triệu đồng/năm, trong khi mục tiêu là 70%. Bên cạnh đó, mức độ hoàn thành mục tiêu là rất khác biệt giữa các nhóm dân tộc. Trong khi có sự cải thiện rất lớn về thu nhập và giảm nghèo bền vững ở các dân tộc Tày, Nùng, Dao và HMông, thì có rất ít cải thiện ở các nhóm dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Thái. Điều này có nghĩa là lợi ích từ chương trình không được phân phối đồng đều giữa các nhóm dân tộc. Do đó, cần có thêm các hỗ trợ cho các xã này từ các chương trình trong tương lai, với thiết kế tốt hơn và có tính đến điều kiện, nhu cầu và văn hóa cụ thể của từng nhóm dân tộc.

Nguyễn Cao Thịnh và các cộng sự (2015) đã đánh giá thực trạng 8 mục tiêu thiên niên kỷ trong DTTS, đồng thời chỉ rõ đến năm 2015, mục tiêu đầu tiên trong 8 mục tiêu chưa thực hiện được bởi cách thức tiếp cận giảm nghèo cho đồng bào DTTS chưa thực sự phù hợp và còn thiếu sự động bộ giữa các chính sách, chương trình dự án giảm nghèo [4]. Nghiên cứu cũng chỉ ra 6 giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ trong giai đoạn tới.

Trịnh Quang Cảnh (2013) chỉ ra rằng, trong quá trình phát triển kinh tế, để thu hút đầu tư từ bên ngoài, khu vực miền núi đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư [5]. Theo đó, các nhà đầu tư được ưu ái khi thực hiện đầu tư mà ít phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Chính điều này làm cho môi trường tự nhiên của khu vực vùng cao cũng dần bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nghiên cứu cũng khẳng định, mặc dù các doanh nghiệp đầu tư vào các tỉnh vùng cao được hưởng nhiều ưu đãi, những doanh nghiệp này cũng có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại những khu vực họ thực hiện đầu tư. Thêm vào đó, nhìn một cách tổng quát, sự tác động tích cực của những doanh nghiệp này đối với khu vực đầu tư chưa tương xứng với những ưu đãi mà họ được hưởng, khi mà nhiều tỷ lệ lao động người DTTS làm việc cho các doanh nghiệp không cao nếu không muốn nói là rất ít bởi chỉ có 3% lao động người DTTS được đào tạo nghề.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 “Về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”. Phạm vi điều chỉnh là quy định chính sách hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, định mức lao động, tiền thuê đất, nguồn vốn hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách này. Đối tượng áp dụng của Quyết định này bao gồm: Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu; ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ; hợp tác xã; các doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi chung là đơn vị sử dụng lao động) có sử dụng lao động là người DTTS cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg ngày 29/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên” quy định tại Khoản 4 Điều 3 về “tiền thuê đất”.

Thông tư 203/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính về việc “hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên” quy định tại Điều 9 “Miễn giảm tiền thuê đất”.

Dự thảo Thông tư “Hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi” hướng dẫn chính sách hỗ trợ tài chính về chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề ngắn hạn, tiền thuê đất cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người DTTS cư trú hợp pháp trên địa bàn tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg. Đối tượng áp dụng Thông tư, gồm: Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thủy sản do Nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Hợp tác xã; các doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

3.3. Định hướng và giải pháp đổi mới chính sách giải quyết việc làm lao động DTTS làm việc tại địa bàn cư trú

Trên cơ sở rà soát các chính sách giảm nghèo vùng DTTS, hướng trọng tâm vào các chính sách hỗ trợ người lao động vùng DTTS chủ động tham gia vào thị trường lao động để tăng nguồn thu nhập nội sinh, chủ động thoát nghèo bền vững. Định hướng và giải pháp đánh giá giải quyết việc làm cho lao động vùng DTTS được gộp thành hai nhóm, cụ thể như sau:

(i) Hiệu quả và tác động của nhóm chính sách hỗ trợ nguồn lực phục vụ cho quá trình sản xuất của lao động vùng DTTS:

- Hệ thống tín dụng ưu đãi với mạng lưới dịch vụ bao phủ 100% xã, phường. Tỷ lệ đồng bào DTTS được vay vốn (27,5%) cao hơn so với các hộ dân tộc Kinh/Hoa (20,3%).

- Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã giúp cho những hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện cuộc sống.

(ii) Hiệu quả và tác động của nhóm chính sách hỗ trợ về hình thức làm việc đối với lao động vùng DTTS:

- Chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có tác động lớn đến cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS thông qua khuyến khích họ tự phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng ỷ lại, góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ cách làm, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu qua đó góp phần nâng cao thu nhập.

- Chính sách đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng lao động vùng dân tộc thiểu số: Giai đoạn 2010 - 2012, cả nước đã có 848.574 lao động DTTS được đào tạo nghề, vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ người DTTS được hỗ trợ học nghề đạt cao nhất. Sau đào tạo nghề, nhiều người đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

4. Kết luận

Từ những năm đầu đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động vùng DTTS với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau và đã thu được nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như cơ cấu ngành đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; nhiều người đã qua đào tạo nghề vẫn gặp nhiều khó khăn để tìm được việc làm; nhiều người phải làm việc không phù hợp với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo; tỷ lệ thiếu việc làm còn khá cao... Do đó, cần có những đánh giá về hiệu quả, tác động của chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc, từ đó đề xuất những mô hình, chính sách phù hợp, đảm bảo hiệu quả và tính bền vững.

Giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn mang cả ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Đối với cá nhân người lao động, dạy nghề và việc làm sẽ nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, góp phần hoàn thiện nhân cách và trí tuệ, qua đó giúp họ có nghề nghiệp ổn định, mang lại thu nhập và cải thiện được cuộc sống. Đối với xã hội, dạy nghề và giải quyết việc làm sẽ cung cấp một lực lượng lao động quan trọng, là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu nhập của địa phương, đồng thời giảm bớt những tiêu cực, tệ nạn xã hội do dân trí thấp mang lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hall, G. H., & Patrinos, H. A. (2012), Indigenous peoples, poverty, and development, Cambridge University Press.

2. Bob Baulch và Vũ Hoàng Đạt (2012), Phân tích khía cạnh dân tộc của tình trạng nghèo tại Việt Nam, Báo cáo cơ sở cho Đánh giá Nghèo năm 2012, tháng 5, Hà Nội.

3. Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (2012), Tác động của chương trình 135 giai đoạn II qua lăng kính hai cuộc điều tra đầu kỳ và cuối kỳ, Hà Nội.

4. Nguyễn Cao Thịnh và các cộng sự (2015), Nghiên cứu đề xuất Kế hoạch thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đối với DTTS ở Việt Nam, UNDP- IRISH AIDS - CEMA - MPI.

5. Trịnh Quang Cảnh (2013), Đánh giá tác động của một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua, đề xuất giải pháp hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đề tài cấp Bộ, Ủy ban Dân tộc.

6. Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 “Về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”.

7. Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg ngày 29/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên”.

8. Thông tư 203/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính về việc “hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên”.

Solving employment for ethnic minority workers in the area of residence

MA. NGUYEN PHUNG QUAN

Office of National Science and Technology Program 2016-2020,

Committee of Ethnic Minority Affairs

ABSTRACT:

Vietnam has 54 ethnic groups living together. These ethnic minorities live mainly in mountainous, remote and border areas, which are strategically important in terms of politics, economics, security, national defense and environment protection. By analyzing and compiling the data used in the study and based on the secondary data sources, the research results show that: (1) Current situation and the causes affecting EM workers in the area of residence; (2) Employment of EM workers working in the area of residence; (3) Orientation and solutions to change the policy of EM staff to work in the area of residence.

Keywords: Employment, ethnic minority workers, residence.