Giáo dục đại học Việt Nam: Làm gì trước ngưỡng cửa hội nhập?

Theo nhận định của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn là hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của CNTT và Truyền thông trong giáo dục. Vậy thì CNTT ở

Khi các đại học đầu tư vào thể thao

Với không ít đại học tên tuổi, hoạt động thể thao của họ không chỉ là phong trào mà thậm chí còn tới mức chuyên nghiệp, nhà nghề. Điển hình có thể nói tới các câu lạc bộ bóng đá như University Craiova của Đại học Quốc gia Bucaret từng chơi ở giải ngoại hạng của Romania hay Universitate de Santiago của Đại học Quốc gia Santiago cũng ở giải ngoại hạng của Chilê. Ai cũng biết, việc duy trì một đội bóng đá ở ngôi vị đó là hết sức tốn kém và liệu rằng đó có là điều xa xỉ đối với giáo dục? Vậy ngoài mục đích quảng bá thương hiệu của nhà trường và kinh doanh thể thao, các trường đại học đầu tư vào đó để làm gì?

Qua thực tế của chính mình khi còn là sinh viên ở Liên Xô, cùng thực tế công việc khi còn làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, nhà bình luận thể thao Trần Tiến Đức cho biết, cùng với các đội tuyển thể thao mạnh, đó là rất nhiều đề tài khoa học về rất nhiều lĩnh vực như khoa học vật liệu, dinh dưỡng – sức khoẻ, y học thể thao, CNTT… ông đánh giá, nền thể thao hiện đại đã cho ra đời cả những huấn luyện viên giỏi như Jaques Chalton của Cộng hoà Ailen có thể huấn luyện một đội tuyển quốc gia với tuyệt đại đa số các danh thủ đang đá thuê ở nước ngoài và thời gian tập hợp trước trận đấu không đầy hai hôm mà vẫn giành thắng lợi. Nhưng ai sẽ cung cấp những thông số kỹ thuật về điều kiện thi đấu, thể lực và tâm lý vận động viên để họ không làm việc theo chủ quan, nếu không phải là các nhà khoa học? Như vậy, chính thể thao đã trở thành đối tượng nghiên cứu, thực hành cho rất nhiều ngành học của các trường đại học ở các nước phát triển và góp phần cho ra đời những sản phẩm của nền kinh tế tri thức trong rất nhiều lĩnh vực.

Sự bắt tay giữa các nền khoa học

Điều dễ nhận thấy là không ít người Việt Nam du học theo diện có học bổng toàn phần thường theo học về những ngành học chưa có tên trong các mã ngành tại Việt Nam như Quản trị CNTT, Quản lý nghệ thuật, Sinh học máy tính… hoặc bác sĩ ngoại khoa đi học về dược, kỹ sư điện tử đi học về công nghệ âm nhạc… Xung quanh thực tế này một bác sĩ ngoại khoa từng theo học ngành dược tại Hàn Quốc cho biết, vì chỉ có bác sĩ ngoại khoa mới có thể hiểu sâu sắc về dược phẩm phục vụ cho các ca mổ và chỉ khi đó, việc bào chế dược phẩm mới thực sự chuẩn xác, tiết kiệm và đáp ứng được một cách đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Còn tại sao các kỹ sư điện tử lại theo học các ngành âm nhạc? Đơn giản vì đó là đòi hỏi đầu ra của những nơi làm việc như các đài phát thanh, các hãng băng đĩa nhạc, các nhà hát và đoàn nghệ thuật không chỉ cần đến chuyên môn kỹ thuật của họ mà còn cần đến sự thích ứng hết sức quan trọng trong môi trường nghệ thuật.

Tuy nhiên, lại có một thực tế nữa với đội ngũ này là phần đa họ khi làm luận văn tốt nghiệp đều được phía nước ngoài yêu cầu về Việt Nam lấy số liệu cho đề tài. Quả là một công việc không đơn giản vì ở trong nước gần như không có sự hợp tác liên ngành đó. Dẫu vậy, những số liệu mà họ tập hợp được dù không được bao nhiêu cũng hết sức giá trị. Chỉ có điều là hình như nó không mấy có ý nghĩa với chính nơi sinh ra họ, vì dường như mới chỉ có ít người quan tâm. Còn với quốc gia đã cấp học bổng cho họ thì những số liệu đó quả là rất đáng “đồng tiền bát gạo” đã chi ra cho những suất học bổng đó và hết sức có ý nghĩa cho rất nhiều dự định khác mà họ sẽ thực hiện với đất nước chúng ta (!).

Với nguyện vọng phục vụ đất nước, không ít người trong số các du học sinh đó đã trở về. Song, làm thế nào để có việc làm đúng chuyên môn thì quả là không đơn giản, bởi trước hết là điều kiện làm việc chứ chưa nói đến lương. Đối với các ngành như chế tạo rôbốt, hàng không, hàng hải thì lĩnh vực phỏng sinh học là hết sức quan trọng bởi căn theo kết quả từ đó thì việc chế tạo ra rôbốt, máy bay, tàu thủy chắc chắn sẽ có cơ sở khoa học thực tiễn hơn. Hẳn rằng ngay từ những năm 1960, không ít người Việt Nam đã theo học ngành này tại Liên Xô và Đông Âu. Rất tiếc, cho đến nay tại các đại học lớn như Đại học Bách khoa hay Đại học Quốc gia ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và tại các cơ quan nghiên cứu các khoa học đầu ngành hiện cũng chưa hề tồn tại bộ môn Phỏng sinh học (!). Xin kể thêm một trường hợp của một nhà biên kịch trẻ sau khi học xong Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đã thi đậu một học bổng tại úc về quản lý nghệ thuật. Về nước, điều đáng tiếc là anh đã không thể tìm được một vị trí thích hợp tại các hãng phim hay đoàn nghệ thuật để phát huy năng lực. Giữa lúc đang có phần thất vọng thì bất ngờ, phía bạn lại mời sang để phụ trách một dự án về trao đổi nghệ thuật giữa hai nước. Thế là “cá  đã gặp nước” và chẳng ai lại từ chối lời đề nghị hấp dẫn đó.

Thay lời kết luận

Có lẽ rằng “thế giới hội nhập là như vậy” và thành tựu của nền khoa học công nghệ ngày nay mà chúng ta đang được tận hưởng có được chính là nhờ sự hợp tác, bắt tay giữa các lĩnh vực khoa học với nhau. Sẽ không thể có ngành khoa học về năng lượng nguyên tử nếu như không có các ngành CNTT, tự động hoá và công nghệ vật liệu chống phóng xạ để phục vụ nó, bởi đào tạo ra được một nhà khoa học về lĩnh vực này là khó và tốn kém hơn nhiều so với việc đào tạo ra một kỹ sư CNTT. Hơn nữa, ngành năng lượng nguyên tử chỉ có thể phát triển nếu thực sự ứng dụng CNTT và tự động hoá, vì chỉ có như vậy thì mới điều khiển được lò phản ứng và đảm bảo an toàn cho tính mạng của con người trong môi trường làm việc đó. Và để có được các phần mềm về đồ họa, âm nhạc thì rõ ràng, nếu chỉ đào tạo kỹ sư CNTT, lập trình viên như chúng ta đang làm thì rất khó hy vọng (!).

Thế giới hội nhập là như vậy. Và Việt Nam có sẵn sàng hội nhập theo các lộ trình đó không. Điều đáng buồn là ở nước ta, những sự hợp tác liên ngành đó là còn chưa mấy mở ra. Vấn nạn mà chúng ta đã và đang nhìn thấy là tệ sao chép luận văn ở các đại học. Trong khi đó, không ít sinh viên muốn làm đề tài khoa học theo hướng liên ngành đã bị từ chối với lý do không có thầy hướng dẫn hoặc còn phải chờ xin ý kiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ chủ quản. Còn nếu như đã hội đủ các điều kiện thì coi chừng sẽ được nhà trường trả lời là kết quả học tập không đủ tư cách để được phép nhận đề tài khoa học. Vậy nếu nền giáo dục và khoa học cứ tiếp tục đi theo cái lối phấn đấu cho những gì cao siêu, vĩ đại của chính mình thì liệu có là hợp lý hay không và rõ ràng cứ tiếp tục định hướng đó là mono-tech chứ đâu phải là hi-tech. Câu trả lời xin chờ đợi cả với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Khoa học – Công nghệ cùng sự đóng góp của tất cả những ai thực sự quan tâm.

  • Tags: