TÓM TẮT:

Ô nhiễm môi trường là một trong những chủ đề “nóng” ở Việt Nam và trên toàn cầu. Ô nhiễm môi trường đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học, làm biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác tác động đến môi trường sống và con người. Bài viết nhằm nâng cao giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của học sinh và sinh viên nói chung hiện nay, sinh viên các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đây được xem là một giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu và có tầm nhìn trong tương lai.

Từ khóa: ý thức bảo vệ môi trường, sinh viên, các trường đại học, giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra một cách nghiêm trọng. Hiện tượng hiệu ứng nhà kính diễn ra thường xuyên trong những năm trở lại đây; nồng độ bụi luôn cao hơn 2 - 3 lần so với tiêu chuẩn cho phép, hiện tượng “sương mù” bao phủ nhiều ngày, song thực chất là khói bụi từ các phương tiện giao thông, từ các nhà máy trong và xung quanh thành phố; tình trạng xả thải vô ý thức của người dân và các công ty, doanh nghiệp. Ngoài ra, còn các vấn đề khác, như ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, bùn thải, gia tăng các loại bệnh liên quan đến môi trường, nhiều bệnh có diễn biến cực kỳ nguy hiểm tăng nhanh,... Điều này đã gây bức xúc, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân và thiệt hại lớn đến nền kinh tế của Thành phố.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh là sự thiếu ý thức trách nhiệm của người dân, trong đó có sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố đối với việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, để bảo vệ môi trường, bên cạnh sự định hướng đúng đắn và thống nhất của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, chúng ta cần không ngừng giáo dục để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thành phố nói chung, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố nói riêng.

2. Thực trạng ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh

Dưới góc độ lý luận, tác giả nghiên cứu các văn bản pháp quy của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường,… về nâng cao ý thức của con người nói chung và ý thức của sinh viên nói riêng trước vấn đề ô nhiễm môi trường.

Dưới góc độ thực tiễn, tác giả tiến hành khảo sát thực trạng ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đánh giá và đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm xã hội trong hành động bảo vệ môi trường của sinh viên. Từ các số liệu thu thập được cho thấy:

Hiện nay, một số cơ sở giáo dục mới chỉ chú trọng đến việc đào tạo kiến thức chuyên môn, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quá trình định hướng, quản lý, giám sát hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nhất là ở các trường không đào tạo các chuyên ngành về môi trường; Hình thức giáodục ý thức còn mang tính phong trào, thời điểm, nặng thành tích. Việc lồng ghép giảng dạy nội dung về môi trường rất ít, các hoạt động ngoại khóa (semina, tọa đàm, diễn đàn) gần như không có. Thời gian thực tập của sinh viên chuyên ngành chỉ chiếm 1,8%, rất ít so với nhu cầu của đa số sinh viên.

Một bộ phận sinh viên còn thiếu hiểu biết, nhận thức kém về môi trường, biểu hiện ở sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến các vấn đề môi trường. Qua khảo sát cho thấy, có 5% sinh viên cho là bình thường khi được hỏi về mức độ và quy mô sự ô nhiễm môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Bên cạnh đó, vẫn có 1% sinh viên không quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Sở dĩ, còn có sinh viên quan niệm như vậy bởi họ có suy nghĩ ô nhiễm môi trường là phải nhìn thấy rõ những biểu hiện, như: rác thải bừa bãi, kênh rạch ô nhiễm, khói bụi,... Vấn đề này, một phần nguyên nhân chủ yếu là do tác động của việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt.

Bên cạnh đó, vẫn còn 2,4% sinh viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường với mục đích tăng điểm rèn luyện, chứ không vì yêu thiên nhiên hay nhận thức rõ ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, theo thống kê của nhóm nghiên cứu, có tới 12% sinh viên trả lời tại các trường đại học không có môn học nào có nội dung liên quan đến vấn đề môi trường.

Trước thực trạng này, việc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là một vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa rất quan trọng; góp phần xây dựng và hình thành một lực lượng xã hội tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo kết quả điều tra, có đến 67% lượt trả lời khẳng định sự cần thiết phải xây dựng và bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Điều này càng chứng minh, ý nghĩa và sự cần thiết phải tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên trong các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bởi vì, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thái độ, tinh thần, ý thức bảo vệ môi trường, từ đó biến thành ý thức chung tay hành động.

3. Nguyên nhân của thực trạng

Những số liệu trên cho thấy, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới thực trạng ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thấp không nằm hoàn toàn trong nhận thức của chính sinh viên mà nguyên nhân chủ yếu đến từ công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nói chung và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên tại các trường đại học chưa được chú trọng đúng mực nói riêng, thể hiện ở việc chỉ có 12,4% số sinh viên được hỏi trả lời rằng có học các môn chuyên ngành và 37,8% sinh viên được trả lời là có được tìm hiểu nhưng chỉ dừng lại ở mức “giới thiệu” thông qua các môn học khác chứ không phải là đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu và đề ra các giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được thực hiện chủ yếu thông qua các hoạt động mang tính chất phong trào của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên (31,2%) và các hoạt động cao điểm tại địa phương (57,2%). Các hoạt động này mặc dù có mục đích tuyên truyền nhưng chỉ mang tính chất thời vụ, nhỏ lẻ mà không phải xuyên suốt, chưa thực sự có chỉ tiêu cụ thể và mang lại những giá trị thiết thực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên. Đồng thời, những chương trình hoạt động này chỉ có thể lan tỏa được tới những sinh viên trực tiếp tham gia chương trình mà không phải là mọi đối tượng sinh viên trên địa bàn.

Từ những thông tin và số liệu thu thập được, quá trình phân tích đã chỉ ra một thực trạng đáng lo về công tác giáo dục ý thức cho sinh viên và tinh thần trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ môi trường. Những thông tin đó đã chỉ ra rằng sự cần thiết phải có những biện pháp để đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh .

Từ việc xác định thực trạng, đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng và là cơ sở cho tác giả đề xuất các giải pháp.

4. Giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân Việt Nam nói chung, sinh viên các trường đại học nói riêng là vấn đề rất quan trọng và được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo để giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của đất nước và sự tồn tại của con người. Từ đó, xây dựng nhận thức đúng đắn, hành động thân thiện và văn minh với môi trường.

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cơ sở, vai trò quản lý nhà nước ở các trường đại học đối với hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên.

Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò rất quan trọng, làm cơ sở vững chắc để thực hiện tăng cường công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường đại học. Để làm được điều này, các trường cần: (1) Xây dựng chiến lược phát triển theo hướng phát triển bền vững, từ đó có định hướng phù hợp cho giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường đại học trong từng giai đoạn nhất định; (2) Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản về giáo dục bảo vệ môi trường; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo môi trường giáo dục thân thiện, xanh - sạch - đẹp.

Thứ hai, bồi dưỡng nâng cao năng lực về giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho đội ngũ giảng viên đại học; lồng ghép những kiến thức về môi trường trong những bài giảng và những hoạt động thực nghiệm.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học trong thời kỳ mới là mục tiêu của cả quá trình từ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và không ngừng phát huy năng lực sáng tạo, cống hiến đóng góp của giảng viên. Đây sẽ là yếu tố quan trọng, cũng là nòng cốt của sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nói riêng nên cần được quan tâm đúng mức.

Cùng với việc bồi dưỡng nâng cao năng lực về giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho đội ngũ giảng viên, các trường cần chú trọng lồng ghép kiến thức về môi trường trong những bài giảng và các hoạt động thực nghiệm, cụ thể như: tổ chức các khóa bồi dưỡng, thành lập các câu lạc bộ môi trường của sinh viên, đăng bài trên website của đơn vị, các diễn đàn dành cho sinh viên, tổ chức các cuộc thi, tổ chức hoạt động tình nguyện,… Cùng với đó, các trường có thể bổ sung môn học hoặc lồng ghép chuyên đề về môi trường, ý thức bảo vệ môi trường trong các môn học khác. Như vậy, sự tích hợp này sẽ phát triển thêm những nội dung vận dụng thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các trường học.

Thứ ba, phát huy vai trò người đứng đầu tổ chức, vai trò người lãnh đạo, quản lý và các phòng, khoa, ban, tổ chức đoàn thể của các trường đại học trong hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên.

Vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức là hết sức quan trọng trong quá trình hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về vấn đề môi trường. Đồng thời người đứng đầu là người giữ vai trò hoạch định, đề xuất các phương án và lãnh đạo thực hiện các chủ trương, nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đem lại lợi ích cho hoạt động giáo dục.

Để phát huy vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chúng ta cần chú ý xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của người đứng đầu nhằm tránh sự thờ ơ, vô trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn, thực dụng cá nhân ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển chung của tập thể.

Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, các câu lạc bộ đội nhóm của sinh viên; hướng dẫn sinh viên tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo sinh viên hưởng ứng và tham gia.

Hiện nay, tất cả các trường đại học đều có câu lạc bộ sinh viên. Một số câu lạc bộ đã thực hiện cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, hướng dẫn hoạt động và tổ chức hoạt động làm sạch đẹp môi trường sống, sử dụng hợp lý tài nguyên và năng lượng,... Đây cũng là nơi kết nối sinh viên với nhiều hoạt động quy mô lớn hơn trong cả nước và quốc tế, thể hiện sức trẻ của thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các câu lạc bộ của sinh viên trong việc bảo vệ môi trường rất cần sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường; sự tham mưu, cố vấn và hỗ trợ tận tình của các tổ chức Đoàn/Hội sinh viên; lựa chọn được ban chủ nhiệm câu lạc bộ là những sinh viên có năng lực và có niềm đam mê cống hiến thực sự; chương trình hoạt động thường xuyên được đổi mới, hấp dẫn, có ích, thu hút ngày càng đông thành viên tham gia; sự hợp tác của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, các tổ chức địa phương hỗ trợ về tài chính hoặc tạo điều kiện cho sinh viên có địa bàn tham gia hoạt động thực tiễn.

Thứ năm,tăng cường phổ biến quan điểm,chủ trương của Đảng,chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và những nội dung cần thiết về bảo vệ môi trường cho sinh viên.

Để bảo vệ môi trường cần có nhiều biện pháp như biện pháp kinh tế, biện pháp chính trị, biện pháp hành chính, giáo dục, pháp luật,... nhằm ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật môi trường, làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Mỗi biện pháp đều có vai trò nhất định, được sử dụng nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân. Song, trong số đó, chú trọng tới biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn vẫn luôn có vị trí quan trọng hơn cả.

Thông qua các buổi tổ chức học tập và quán triệt Nghị quyết của Đảng, nói chuyện chuyên đề của các báo cáo viên, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ và sinh viên đại học để cập nhật thông tin thực tiễn và lĩnh hội tinh thần lãnh đạo của Đảng về các vấn đề môi trường.

Thứ sáu, kết hợp nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên với nội dung giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật, thẩm mỹ, văn hóa.

Công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, thẩm mỹ, văn hóa mới giúp trang bị thế giới quan khoa học đúng đắn và tích cực cho sinh viên. Việc giáo dục này thông qua nhiều nội dung học tập, trong đó chủ yếu thông qua các môn lý luận chính trị Mác - Lênin.

Việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,... đã giúp cho sinh viên ngày càng có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, có niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, có lý tưởng sống, có tinh thần xung kích và muốn cống hiến hết mình. Từ đó, sinh viên cũng ý thức tốt về quy luật phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa con người với tự nhiên, mối quan hệ giữa phát triển các mặt của đời sống xã hội với môi trường sống; tự xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của họ trong bảo vệ môi trường.

Thứ bảy, chú trọng nội dung, chương giáo dục kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; đấu tranh với các biểu hiện vi phạm pháp luật về môi trường.

Xuất phát từ thực trạng ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên và thực trạng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên còn yếu về kỹ năng, nên chương trình giáo dục cần có nội dung trang bị cho sinh viên kỹ năng, như: kỹ năng quan sát, dự đoán được những vấn đề về môi trường; kỹ năng lên kế hoạch chuẩn bị cho các chương trình hành động vì cộng đồng,... Các trường cần phải đầu tư hơn nữa cho những nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường phù hợp với đối tượng sinh viên, để họ không chỉ là lực lượng có nhận thức tốt mà còn có khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong mọi hoàn cảnh.

Nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cần gắn liền với nội dung giáo dục đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật môi trường. Với sinh viên đại học, cần được trang bị nhận thức pháp luật về môi trường, pháp luật phòng chống tham nhũng. Sinh viên cần thường xuyên được giáo dục tư tưởng, nhận thức, thông tin kịp thời và được tham gia hoạt động thực tiễn, được hướng dẫn phương thức đấu tranh, bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của những người có tinh thần đấu tranh.

Thứ tám, tăng cường khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò xung kích của sinh viên trên mặt trận tuyên truyền bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Do tính chất, yêu cầu trong giáo dục đào tạo sinh viên đại học khác với giáo dục phổ thông nên sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường mà còn phải chủ động, tích cực với hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, chủ động lĩnh hội và khám phá tri thức khoa học. Mặc dù, việc tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên mới chỉ là bước đầu của hành trình dài trong sự nghiệp nghiên cứu của họ, song đó là hình thức phát huy cao nhất tính tự giác, tinh thần tự học hỏi, tự bồi dưỡng ở người sinh viên.

Cùng với đó, sinh viên với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng cống hiến, luôn tiếp bước truyền thống thanh niên Việt Nam “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Là lực lượng xung kích trên nhiều mặt trận, với mặt trận bảo vệ môi trường sinh viên cũng thể hiện được sức trẻ, làm rất tốt vai trò của mình. Tinh thần xung kích, sáng tạo của sinh viên trong hoạt động bảo vệ môi trường thể hiện ở quá trình tham gia các phong trào có ý nghĩa lớn. Khi tham gia các hoạt động này sẽ tác động đến nhận thức về môi trường của chính giới trẻ và các bộ phận xã hội khác, góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định tinh thần tiên phong của thanh niên, sinh viên trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân bảo vệ môi trường sống.

5. Kết luận

Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh được coi là một biện pháp hiệu quả lâu dài trong việc bảo vệ môi trường và sự phát triển của Thành phố. Đồng thời, qua đó góp phần hình thành, phát triển ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên và giúp cho sinh viên có khả năng thực hiện các hoạt động thực tiễn một cách mạnh mẽ trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát huy tính sáng tạo, tích cực của sinh viên, rèn luyện nên những thế hệ lao động tương lai có trách nhiệm cao với môi trường.

 

LỜI CẢM ƠN: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông Vận tải trong đề tài mã số T2021-PHII-001.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (1998). Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội.
  2. Bộ Chính trị (2004). Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội.
  3. Bộ Chính trị (2009). Chỉ thị số 29-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41- NQ/TW, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  5. UNICEF. (1987). Global resources outlook. Nairobi, Kenya: United Nations Environment Programme.
  6. Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Cuộc họp bất thường về môi trường, ngày 11/6/2017.

 

EDUCATING STUDENTS STUDYING AT UNIVERSITIES IN HO CHI MINH CITY TO RAISE AWARENESS OF ENVIRONMENTAL PROTECTION

Master. PHAM VAN LUONG

University of Transport and Communications

Email: [email protected]

ABSTRACT:

Environmental pollution is one of the most concerning issues in Vietnam and in the world. Environmental pollution threatens biodiversity, and causes climate change as well as far-reaching negative effects on environment and humanity. This paper aims to raise the awareness of environmental protection among students in general and students studying at universities in Ho Chi Minh City in particular. This is considered an effective solution to protect the environment in the future.

Keywords: awareness of environmental protection, student, university, education, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 27, tháng 12 năm 2021]