Giữa căng thẳng thương mại, Việt Nam và EU gửi thông điệp “win – win” qua EVFTA

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh
Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh

TCCT: Theo ông, việc phê chuẩn EVFTA có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam và EU trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có dấu hiệu quay trở lại và xung đột thương mại gia tăng trên phạm vi toàn cầu?

Ông Nguyễn Hải Minh: Liên minh châu Âu bản thân đã là một cộng đồng thống nhất, trong đó con người, hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư được lưu chuyển tự do giữa các nước thành viên. Khối thị trường chung châu Âu vượt xa những nguyên tắc của một khu phi thuế quan đơn thuần.

Đó là một hệ sinh thái mà EU xây đắp hàng ngày bao gồm những quy tắc luật lệ chung, tiêu chuẩn chung về quyền của người lao động, về bảo vệ môi trường, về tư pháp v.v…

Trong tất cả các mối quan hệ và khi đàm phán với các nền kinh tế khác, mục tiêu mà EU luôn hướng tới đó là xóa bỏ các rào cản thương mại, hướng tới thương mại tự do, cạnh tranh cởi mở và công bằng.

Trước đây, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một chiến lược thương mại và đầu tư mới cho Liên minh châu Âu, với tên gọi “Thương mại vì cộng đồng, hướng đến một chính sách đầu tư và thương mại có trách nhiệm”.

Chính sách này không chỉ hướng đến lợi ích của người tiêu dùng, người lao động, người dân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Âu, mà còn đóng vai trò hỗ trợ các quốc gia đang phát triển bằng cách liên kết thương mại với phát triển bền vững.

Đó là lý do vì sao tự do thương mại sẽ luôn gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, các hiệp định thương mại thế hệ mới, ví dụ như EVFTA, sẽ phản ánh các tư tưởng và giá trị này.

EVFTA gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững
EVFTA gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững

Chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay trở lại và lan rộng, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc áp thuế quan hàng lên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa của nhau, và thực tế đã chứng minh rằng chủ nghĩa bảo hộ có tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, làm tăng chi phí thương mại, cản trở giao dịch hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tổn hại tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, thương mại tự do sẽ thực sự đem đến lợi ích win – win cho tất cả, doanh nghiệp hướng đến chi phí sản xuất thấp hơn, và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hàng hóa dịch vụ với giá cả phải chăng.

Trong bối cảnh này thì việc phê chuẩn EVFTA sẽ có ý nghĩa to lớn và coi như biểu tượng của tự do thương mại dẫn dắt bởi một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, và truyền thông điệp không cổ súy cho chủ nghĩa bảo hộ.

Đối với EU, Hiệp định sẽ giúp cho EU lan tỏa được các giá trị cốt lõi của mình tới các quốc gia đang phát triển thông qua thương mại, đồng thời cũng tạo chỗ đứng và từng bước thâm nhập vào thị trường châu Á rộng lớn.

Đối với Việt Nam, bản thân Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, cũng đã xác định đường lối gắn kết với việc phát triển kinh tế với thương mại tự do, thể hiện qua rất nhiều hiệp định thương mại đã ký kết và tham gia.

doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận với thị trường châu Âu gần 500 triệu người tiêu dùng (trong ảnh: Hàng Việt Nam tại một chợ đầu mối của Pháp)
Với EVFTA doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận với thị trường châu Âu gần 500 triệu người tiêu dùng (trong ảnh: Hàng Việt Nam tại một chợ đầu mối của Pháp)

Khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận với thị trường châu Âu gần 500 triệu người tiêu dùng, ngoài ra còn tiếp cận các tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại thân thiện môi trường, và sau cùng quan trọng nhất là có thể gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu do các doanh nghiệp châu Âu dẫn dắt.

TCCT: Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại châu Âu và tại Việt Nam phản ứng trước sự kiện này như thế nào? Có thể nhận thấy có sự khác biệt nào không?

Ông Nguyễn Hải Minh: Theo như chúng tôi được biết thì toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp tại châu Âu và doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đều ủng hộ mạnh mẽ việc phê chuẩn và thực thi hiệp định này vì những lợi ích to lớn mà hiệp định mang lại cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp tại châu Âu hiện chưa hiện diện tại Việt Nam, họ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường 100 triệu dân với xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi tích cực trong tương lai, và xin nhấn mạnh lại khi nói đến tiếp cận thị trường không phải chỉ đơn giản là thị trường Việt Nam nói riêng mà còn là thị trường ASEAN và châu Á rộng lớn.

Đối với các doanh nghiệp châu Âu đã hiện diện tại Việt Nam, ngoài việc gia tăng cơ hội giao thương thì Hiệp định còn tạo ra thay đổi cải cách về môi trường đầu tư, tạo thuận lợi thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó giúp cho các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thuận lợi hơn.

TCCT: Theo ông, sự cạnh tranh của doanh nghiệp hai bên Việt Nam - EU sẽ diễn ra ở những lĩnh vực nào?

Ông Nguyễn Hải Minh: Nhìn chung, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh. Thực tế thì Việt Nam xuất khẩu sang EU các mặt hàng như da giày, dệt may, gạo, hải sản, cà phê v.v… trong khi EU xuất sang Việt Nam các mặt hàng máy móc thiết bị công nghiệp, dược phẩm, máy bay…

Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU.
Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU.

Tại Việt Nam sẽ có một số lĩnh vực mà doanh nghiệp hai bên có thể trùng lắp nhưng mức độ cạnh tranh sẽ rất thấp, ví dụ như hàng tiêu dùng, vì chênh lệch giá thành sản xuất và giá bán ở thị trường Việt Nam, hay ô tô.

Nhưng với các lĩnh vực đó, cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp Việt Nam vì có thể nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng của mình đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Hoàng Hòa, Thái Linh, Nam Sách