Giữa tâm dịch Covid-19: Doanh nghiệp vẫn lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh

Tâm lí của các doanh nghiệp được khảo sát tỏ ra lạc quan hơn trong Quý II/2020 khi có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 35,3% cho rằng sẽ ổn định và 25,9% dự báo khó khăn hơn.

Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 26%

Theo số liệu công bố từ Tổng cục thống kê (GSO), trong Quý I/2020, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, tăng 4,4%. Tổng số vốn đăng kí là 351.400 tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí là 243.700 người, lần lượt giảm 6,4% và giảm 23,3% so với cùng kì. 

Vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I đạt 11,8 tỉ đồng, giảm 10,4%.

Nếu tính cả 552.400 tỉ đồng vốn đăng kí tăng thêm của 9.100 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng kí bổ sung vào nền kinh tế trong Quý I/2020 là 903.800 tỉ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong Quý I cũng ghi nhận, 14.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với Quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong Quý I/2020 lên 44.500 doanh nghiệp. 

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm là 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12.200, giảm 20,6%. 

Doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý I/2020 cho thấy: có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý I/2020 tốt hơn Quý IV/2019; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. 

Dự kiến Quý II/2020 so với Quý I/2020, có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. 

Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 77,9% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh Quý II/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với Quý I/2020. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 74% và 73,8%.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Quý I/2020, có 55,8% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,6% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 24,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,6% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 21,1% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.

Trong khó khăn, GDP cả năm 2020 có thể tăng trên 5%

Chia sẻ với báo chí bên lề họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý I/2020, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% trong bối cảnh dịch Covid-19, dịch cúm gia cầm (H5N1, H5N6), hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hiện nay và kinh tế thế giới suy thoái sâu là vô cùng khó khăn.

Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành thuộc ba khu vực của nền kinh tế để đạt mục tiêu 6,8%.

Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong Quý II; dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, tái đàn lợn thành công; các ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp giải ngân hết vốn đầu tư công và có các chính sách thuế, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; hệ thống phân phối lưu thông cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau dịch Covid-19 thì nền kinh tế vẫn có khả năng tăng trưởng đạt mục tiêu 6,8%.

Tuy vậy, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh một lần nữa "đây là mục tiêu rất khó khăn".

Tuy nhiên, trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tác động của suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới, với độ mở cao của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng với dự kiến nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong Quý II/2020, hoặc kéo dài sang Quý III năm 2020 thì tăng trưởng GDP cả năm đều đạt trên 5%.

Đây là mức tăng trưởng cao so với các nền kinh tế khu vực và thế giới và là thắng lợi trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.

Hạ Vũ