Gỡ “nút thắt”, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy điện khí LNG

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phối hợp với Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG.

Ngày 12/4/2024, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo UBND, Sở Công Thương 15 tỉnh, thành phố có nhà máy điện sử dụng LNG và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

họp điện khí LNG
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các địa phương về dự án điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Đây là lần thứ 4 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các tỉnh/thành phố về việc triển khai các dự án điện sử dụng LNG trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Tháo gỡ các “nút thắt” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của các dự án điện khí LNG đối với việc bảo đảm nguồn cung năng lượng điện cho nền kinh tế đất nước cũng như cho từng vùng, miền và từng địa phương.

Bộ trưởng điểm qua tình hình tiến độ 23 dự án điện sử dụng khí LNG theo kế hoạch, đến nay mới chỉ có 1 dự án đã triển khai hoạt động là Nhà máy điện Ô Môn 1 với công suất 660MW; 1 dự án đang triển khai là Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 công suất 1.624MW; 18 dự án khác đã có chủ đầu tư nhưng tiến độ triển khai rất chậm; còn 3 dự án chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Bộ trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của các dự án điện khí LNG đối với việc bảo đảm nguồn cung năng lượng điện cho nền kinh tế đất nước cũng như cho từng vùng, miền và từng địa phương.

Bộ trưởng cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương và đây là cuộc họp lần thứ 4 về vấn đề này.

Cuộc họp nhằm thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện 23 dự án nêu trên; xác định những khó khăn, vướng mắc và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện khí trong thời gian tới.

Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo các địa phương cùng trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bộ trưởng cũng đề nghị sau cuộc họp này, các đơn vị liên quan cần tổ chức họp giao ban hàng tháng đối với những dự án chưa lựa chọn được chủ đầu tư, họp giao ban hàng quý đối với những dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư và đang triển khai. Quyết tâm trước năm 2030 tất cả dự án điện sử dụng LNG đi vào hoạt động, trong đó có những dự án đi vào hoạt động năm 2025, 2027, như vậy mới bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

18 dự án nhà máy điện khí LNG trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng

Tại cuộc họp, ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã báo cáo tình hình thực hiện của các dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG.

Báo cáo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).

Đến thời điểm tháng 4/2024, có 01 nhà máy đã đưa vào vận hành là Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn I (660 MW) đã đưa vào vận hành năm 2015, hiện tại sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B.

01 dự án đang xây dựng là Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85%. Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải. Hiện tại, dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, sẵn sàng cấp LNG cho Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng (tổng công suất 23.640 MW); 03 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, tổng công suất 4.500 MW gồm: Cà Ná; Nghi Sơn; Quỳnh Lập.

Cục Điện lực
Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo báo cáo tổng hợp tiến độ thực hiện các dự án điện khí LNG tại các địa phương đến thời điểm này.

Trên cơ sở các báo cáo của các chủ đầu tư và địa phương có dự án, các dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, khó khăn, vướng mắc chung là khó khăn trong việc đàm phán ký kết hợp đồng PPA dự án, yêu cầu bảo lãnh, giải phóng mặt bằng, giải tỏa công suất, địa phương chưa có quy hoạch sử dụng đất ảnh hưởng đến tiến độ lập FS của các dự án,...

Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh/thành phố đã báo cáo, cập nhật về tình hình triển khai đầu tư xây dựng của từng dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG trên địa bàn; nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và kiến nghị, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

địa phương 1
địa phương 2
địa phương
Các địa phương cập nhật tiến độ dự án điện khí trên địa bàn và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai.

Đại diện Chủ đầu tư và nhà cung cấp khí cho các dự án điện khí LNG, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã báo cáo cập nhật tiến độ triển khai các dự án và tình hình cung ứng khí cho các dự án.

Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng báo cáo về tiến độ các dự án điện khí LNG do Tập đoàn làm Chủ đầu tư, đồng thời trao đổi, trả lời một số kiến nghị của các địa phương xung quanh những vấn đề liên quan tới triển khai các dự án điện khí LNG như: đường dây truyền tải, đấu nối với hệ thống điện quốc gia; hợp đồng mua bán điện của các dự án...

Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương gồm: Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Pháp chế, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã trao đổi, làm rõ những vấn đề mà các địa phương kiến nghị tại cuộc họp.

doanh nghiệp 1
doanh nghiệp 2
đơn vị 1
đơn vị 2
Lãnh đạo các Tập đoàn PVN, EVN, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương trao đổi về tiến độ các dự án và những kiến nghị của các địa phương.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho triển khai các dự án

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn Lãnh đạo các địa phương đã tham dự Hội nghị, khẳng định đây một trong những hoạt động rất cần thiết, rất quan trọng để triển khai thực hiện Quy hoạch Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, mục tiêu dài hơn để bảo đảm an ninh năng lượng điện cho đất nước từ nay đến năm 2030 và xa hơn đến 2050.

"Các dự án điện khí trong Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn theo Quy hoạch mà còn là nguồn điện nền để chúng ta có thể huy động khai thác những nguồn năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

bộ trưởng 2
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận cuộc họp.

Đối với các địa phương chưa lựa chọn được chủ đầu tư, Bộ trưởng đề nghị không chậm trễ, cố gắng trong quý II, chậm nhất đến 15/7 phải lựa chọn được nhà đầu tư cho các dự án điện sử dụng khí LNG tại Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Thuận. Ngay sau khi lựa chọn được nhà đầu tư phải yêu cầu Nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai.

Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chủ động khẩn trương rà soát vướng mắc chủ động xử lý theo thẩm quyền, nhất là các vấn đề quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư… để thúc đẩy triển khai các dự án.

Các địa phương báo cáo về Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực về tiến độ các dự án, trong đó có cam kết tiến độ của Chủ đầu tư và xác nhận của chính quyền địa phương để Chính phủ, Bộ có cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với những hành vi gây chậm trễ tiến độ. Kiên quyết xử lý các vi phạm của Chủ đầu tư; trình Chính phủ xử lý hành vi chây ỳ, trì hoãn việc triển khai các dự án. Đôn đốc các Chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục kí kết hợp đồng liên quan, bảo đảm tiến độ dự án và theo quy định pháp luật hiện hành.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, căn cứ pháp luật hiện hành khẩn trương hướng dẫn Chủ đầu tư đàm phán mua bán điện, báo cáo Bộ Công Thương về những vướng mắc để giải quyết. Khẩn trương hoàn thành đàm phán mua bán điện đối với các Chủ đầu tư trong quý II/2024, nhất là dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4. Khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền giao Chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải, đẩy mạnh tiến độ triển khai ngay trong tháng 4/2024. Với các dự án truyền tải đã lựa chọn nhà đầu tư phải tiến hành tiến độ tương tự các dự án nguồn điện, đảm bảo các dự án truyền tải phải đi song hành, thậm chí đi trước các dự án nguồn điện

Với vai trò Chủ đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu EVN khẩn trương triển khai dự án điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2.

Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn khẩn trương hoàn thiện kí kết hợp đồng cung cấp khí với các dự án điện khí. Đẩy nhanh triển khai các dự án điện khí đã được giao làm Chủ đầu tư, sớm đưa các dự án đi vào vận hành.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu trước hết Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án năng lượng trọng điểm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo Trưởng ban, Phó trưởng ban chỉ đạo thường trực về những khó khăn, vướng mắc của các dự án này. Hàng tháng trách nhiệm thu thập thông tin, bám sát chủ đầu, bám sát các địa phương đầu mối Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để có báo cáo hàng tháng. Từ tình hình phản ánh của các dự án hàng tháng, chúng ta sẽ đề xuất có thể giao ban hàng tháng hoặc hàng quý.

"Chúng tôi sẽ đề xuất với Thủ tướng đưa dự án điện khí vào một trong các dự án trọng điểm quốc gia về lĩnh vực năng lượng để Thủ tướng và Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực sẽ giao ban định kỳ và có những cơ chế tháo gỡ thuận lợi nhất", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương tập trung hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án. Đôn đốc, báo cáo các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án để kịp thời giải quyết.

Cục Điều tiết điện lực hướng dẫn giải quyết các vướng mắc của EVN các chủ đầu trong quá trình đàm phán hợp đồng PPA bảo đảm đúng quy định.

Các đơn vị chức năng khác thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao hỗ trợ các địa phương, Chủ đầu tư và các bên liên quan xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của các dự án điện khí LNG...

Dự kiến trong tháng 5/2024, Bộ Công Thương sẽ tổ chức họp giao ban với các Bộ, ngành liên quan, Lãnh đạo các tỉnh/thành phố và các nhà đầu tư để kiểm điểm tiến độ thực hiện theo cam kết, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực theo quy định.

Việt Hằng