Nga, nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu, vừa thông báo giảm lượng khí đốt cung ứng cho Đức qua hệ thống đường ống Nord Stream 1. Nord Stream 1 hiện là 1 trong 3 đường ống dẫn khí chính từ Nga sang châu Âu. Một số quốc gia châu Âu khác như Pháp và Italy cho biết lượng khí đốt được Nga cung cấp trong thời gian vừa qua thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Đồng thời, nguồn cung khí đốt từ Hoa Kỳ cho châu Âu cũng đang bị suy giảm mạnh khi cơ sở hoá lỏng khí tự nhiên hàng đầu Hoa Kỳ Freeport LNG gặp sự cố, phải ngưng hoạt động đến cuối năm nay. Trước đó, Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ giúp châu Âu giảm dần sự phụ thuộc năng lượng từ Nga.

Trong chiều ngày 21/6 (theo giờ Việt Nam), giá khí đốt giao tương lai trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan) giao dịch quanh mức 124,85 EUR/MWh, tăng tới 43% chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch gần đây. Giá khí đốt TTF được xem là giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch khí đốt tại châu Âu.

Diễn biến giá khí đốt tại châu Âu
 Diễn biến giá khí đốt giao tương lai trên sàn giao dịch TTF trong vòng 1 năm trở lại đây (Nguồn: Tradingeconomics.com)

Dựa trên tình trạng cung – cầu khí đốt tại châu Âu, Goldman Sachs dự báo giá khí đốt tại đây sẽ đạt trung bình 104 EUR/MWh trong quý 3/2022, cao hơn nhiều so với mức dự báo trước đó chỉ ở mức 85 EUR/MWh. Mặc dù mức giá dự báo mới của Goldman Sachs thấp hơn đáng kể so với mức giá trên thị trường trong ngày hôm nay, nhưng mức giá dự báo này vẫn cao hơn tới gần 51% so với hồi đầu năm nay.

Ông Samanta Dart, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường khí đốt của Goldman Sachs, nhấn mạnh diễn biến giá khí tại châu Âu sẽ phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Trong khi đó, hãng tư vấn thị trường Wood Mackenzie (Anh) cảnh báo nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 bị ngưng hoàn toàn thì Liên minh châu Âu sẽ không thể tích luỹ đủ lượng khí đốt cần thiết cho mùa Đông năm nay và lượng dự trữ khí đốt hiện có sẽ cạn kiệt vào tháng 1/2023 – cao điểm tiêu thụ khí đốt.  

Bên cạnh đó, thời gian sửa chữa của cơ sở hoá lỏng khí tự nhiên Freeport LNG tại Hoa Kỳ cũng sẽ tác động đáng kể đến giá khí đốt tại châu Âu. Trước khi xảy ra sự cố, khoảng 68% sản lượng khí LNG của Freeport LNG được xuất khẩu sang khu vực châu Âu. Freeport LNG cho biết thời gian khắc phục sự cố nhà máy sẽ phải mất đến 3 tháng thay vì 3 tuần như các nhận định sơ bộ.

Ngoài ra, các quốc gia châu Âu còn phải cạnh tranh với các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong việc tìm kiếm các nguồn cung khí. Các quốc gia Đông Bắc Á đang tích cực tăng cường lượng khí đốt dự trữ cho mùa Đông tới đây. Việc nhà máy Freeport LNG phải ngưng hoạt động cũng tác động lớn đến nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đức và Áo vừa phải tuyên bố sẽ tăng cường huy động nguồn cung điện từ các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo an ninh năng lượng khi nguồn cung khí đốt tại châu Âu thiếu hụt trầm trọng. Chính phủ Đức cũng đã kêu gọi người dân cắt giảm việc sử dụng điện năng không cần thiết.