Hà Giang: 8 giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công

Hoạt động khuyến công dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Hà Giang.

Là một tỉnh biên giới miền núi phía Bắc, thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hà Giang và sự chỉ đạo hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương, hoạt động khuyến công Hà Giang được triển khai thực hiện kịp thời, đúng hướng, hiệu quả và ngày càng có những bước tiến vững chắc. 

Điều đó thể hiện qua việc nguồn kinh phí giành cho hoạt động khuyến công ngày càng ổn định. Tổ chức bộ máy hệ thống khuyến công của tỉnh Hà Giang dần được kiện toàn đi vào hoạt động hiệu quả.

Năm 2022, khuyến công Hà Giang được Bộ Công Thương hỗ trợ giao kinh phí 1,2 tỷ đồng cho 02 đề án nhóm. Hiện tại, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương đã ký hợp đồng với các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và đang triển khai đề án khuyến công quốc gia (KCQG) đảm bảo đúng tiến độ. Dự kiến, tháng 11/2022 Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương – Sở Công Thương Hà Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu các đề án đã hoàn thành.

Cùng với đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang Phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2022 cho 11 đề án khuyến công ở các huyện và thành phố; 01 đề án chi tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 01 nhiệm vụ chi phục vụ công tác khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng.

Nghiệm thu máy đóng trà túi lọc tại hộ kinh doanh theo chương trình khuyến công năm 2022

Cho đến thời điểm này, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương Hà Giang nghiệm thu 5 đề án, một số đề án đang triển khai đúng tiến độ. Dự kiến, tháng 11/2022 sẽ nghiệm thu các đề án đã được hoàn thành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong quá trình triển khai thực hiện.

 Công tác kiểm tra giám sát thực hiện đề án chưa được thường xuyên, do cán bộ biên chế được giao phụ trách công tác khuyến công còn quá mỏng so với khối lượng công việc triển khai, chi phí chi cho công tác quản lý đề án còn hạn chế. Công tác tổng hợp nhu cầu của các cơ sở CNNT trên địa bàn các huyện, thành phố chưa được kịp thời do chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực khuyến công ở cấp huyện.

Mặt khác, trình độ của các cơ sở CNNT trên địa bàn còn hạn chế, nên chất lượng đề án khuyến công còn chưa cao, việc hoàn thiện thủ tục đề án còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới kế hoạch đăng kí đề án KCQG cũng như đề án KCĐP hàng năm.

Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc còn nhiều hạn chế đặc biệt là đối với các đề án triển khai tại các xã vùng sâu, vùng xa khi mùa mưa bão tới làm sạt lở đất gây ách tắc giao thông làm ảnh hướng tới tiến độ triển khai của đề án.

Các ngành nghề tham gia đăng ký vẫn chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bề nổi chưa thực sự đi vào khai thác chiều sâu để tận dụng hết tiềm năng thế mạnh hiện có: Nông lâm sản, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí...

Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công trong thời gian tới, Ngành Công Thương Hà Giang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác khuyến công thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ. Đồng thời bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý và có chính sách đối đãi tạo điều kiện để cán bộ khuyến công yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác với chương trình khuyến công để nâng cao tính hiệu quả trong quá trình thực hiện đề án đem lại những lợi ích đáng kể cho các cơ sở sản xuất CNNT như lồng ghép với chương trình khuyến nông, chương trình xây dựng nông thôn mới...

Ba là, tăng cường công tác quản lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối kết hợp đồng bộ giữa cán bộ khuyến công tỉnh với cán bộ Phòng Kinh tế thành phố, Phòng kinh tế và hạ tầng các huyện trong công tác xây dựng kế hoạch và công tác tổ chức triển khai thực hiện đề án khuyến công.

 Bốn là, tăng cường sự giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố; đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nhằm nâng cao năng lực quản lý và triển khai thực hiện các đề án khuyến công.

Năm là, ưu tiên hỗ trợ đối với ngành sản xuất chế biến sản phẩm có thế mạnh tại địa phương, những sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động.

Sáu là, tiếp tục chú trọng các nội dung hỗ trợ theo nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, tư vấn thiết kế bao bì sản phẩm; hỗ trợ tham gia hội trợ triển lãm. Bảy là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng cải tiến và mở rộng phương thức tuyên truyền (đặc biệt tuyên truyền trên truyền hình, báo, đài, website ngành), tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp khuyến công, đặc biệt là công tác tuyên truyền tại các huyện, thành phố tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT nắm bắt kịp thời chương trình khuyến công hàng năm, tham gia đăng ký hỗ trợ.

Tám là, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công và trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm động viên kịp thời.

Hà Giang là một tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa dài 277,52 km; Phía Bắc giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Diện tích tự nhiên của tỉnh có 791.488,92 ha, toàn tỉnh có 19 dân tộc với dân số trên 792.472 người.

Thăng Long