Hà Nội: Một số vụ việc điển hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 7/2023

Trong tháng 7, các lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Dưới đây là một số vụ việc vi phạm điển hình.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong tháng 7 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hà Nội: Một số vụ việc điển hình buôn lậu, gian lận thương mại trong T7/2023
Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra hàng hoá vi phạm

Cụ thể, ngày 14/6/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 Thành phố do Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) chủ trì, phối hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Thái Phù, Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội, phát hiện và tạm giữ 2.735 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ là hàng hoá nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa là 150 triệu đồng.

Lực lượng chức năng đã ban hành xử phạt 90.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu và 7.500.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Ngày 20/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh hộ kinh doanh Shopkiss tại địa chỉ Số 6 ngõ 165 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Kết quả, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 55 triệu đồng về các hành vi: kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 126 sản phẩm hỗ trợ tình dục và thực phẩm bổ sung trị giá gần 182 triệu đồng.

Ngày 23/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Công an huyện Đông Anh, kiểm tra Địa điểm kinh doanh thuộc Công ty Cổ phần kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Nguyễn, phát hiện có 42.025 m2 gạch ốp lát các loại do nước ngoài sản xuất, chưa có hóa đơn và có hóa đơn; không có nhãn phụ; có nhãn phụ không đúng. Tổng giá trị hàng hoá có dấu hiệu vi phạm 5,2 tỷ đồng.

Căn cứ hồ sơ vụ việc Đội Quản lý thị trường số 9 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tới Công an Huyện Đông Anh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/7/2023, Đội QLTT số 11 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hà Đông và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Kim Group) tại địa chỉ lô 01 - CTT04, Luxury Kiến Hưng, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, phát hiện và tạm giữ 6.684 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE, viên uống hỗ trợ giảm cân SBODY Healthy Supplement, viên uống hỗ trợ tăng cân Uweight Dietary Supplement, 01 chiếc máy dán nhãn GPG Gearhead 5GN-10k và nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE.

Toàn bộ số hàng hoá, nguyên liệu, máy móc phục vụ việc sản xuất, đóng gói trên không có  hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm, Đội đã chuyển hồ sơ và tang vật của vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông để tiếp tục xác minh, điều tra theo quy định của pháp luật.

Diệu Hân