Chiều 18/12, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban về công tác phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương trên địa bàn các quận, huyện, thị xã năm 2020, và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong năm 2020, các quận, huyện, thị xã vừa tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19 đồng thời tích cực tham mưu giúp UBND và phối hợp với Sở Công Thương triển khai tốt các nhiệm vụ như: đề xuất các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Công Thương giúp doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Triển khai công tác bình ổn thị trường; quản lý an toàn thực phẩm; kết nối cung cầu, các sự kiện kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Tiến hành công tác thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng công trình điện trọng điểm, cấp bách; quản lý năng lượng; Tổ chức các lớp tập huấn thuộc chương trình khuyến công; phát triển các điểm quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố.

Các hoạt động phối hợp giữa các quận huyện và Sở Công Thương Hà Nội đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn Thủ đô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Nhờ sự những giải pháp quyết liệt của Sở Công Thương Hà Nội cùng sự phối hợp của các quận huyện, vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19, kinh tế Thủ đô vẫn đạt được kết quả khả quan trong năm 2020.

Đáng chú ý, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp xây dựng năm 2020 tăng 6,39% so với năm trước, đóng góp 1,43% điểm phần trăm vào mức tăng 3,98% GRDP của Thủ đô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 3.060,7 ngàn tỷ đồng, tăng 7,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 584,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,7%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2020 ước đạt 16 tỷ USD tăng 2,2% so với năm 2019.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tại hội nghị giao ban, đại diện các quận, huyện: Long Biên, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoàng Mai … đã kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa phòng kinh tế các quận, huyện với Sở Công Thương trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương. Đặc biệt là các vấn đề về phát triển cụm công nghiệp, công tác xã hội hóa nguồn vốn trong đầu tư, xây dựng các chợ; quản lý rượu thủ công, công tác quản lý chợ, vấn đề an toàn thực phẩm, phát triển các địa điểm quảng bá sản phẩm OCOP. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác cải tạo và xây dựng chợ hiện đang gặp khó khăn về xác định nguồn gốc đất…

Bà Trần Thị Phương Lan đánh giá, năm 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng về cơ bản các quận huyện đều tăng trưởng kinh tế khá, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành công thương thành phố. Nhờ sự nỗ lực cùng các giải pháp quyết liệt, Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế thành công của cả nước. Hà Nội đã kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, đồng thời đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Bênh cạnh đó, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, bước sang năm 2021 để phấn đấu sẽ về đích hoàn thành xuất sắc các mục tiêu mà ngành Công Thương Hà Nội đề ra, yêu cầu, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương giữa Sở Công Thương Hà Nội với các quận huyện.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần tích cực phối hợp triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; công nghiệp hỗ trợ; khuyến công và làng nghề; UBND các huyện có cụm công nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, quyết liệt, tập trung nguồn lực và sự ưu tiên trong tổ chức thực hiện;

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn, chỉ đạo các Ban quản lý chợ vận động các hộ kinh doanh trong chợ chung tay ký Bản cam kết chống rác thải nhựa; giải tỏa triệt để các chợ cóc, điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

Đặc biệt, các quận, huyện thị xã cần chủ động và phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý vi phạm về ATTP trên địa bàn; đồng thời, tăng cường quản lý các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như: rượu thủ công, bán lẻ xăng dầu- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.