Hai bang đông dân nhất Australia kêu gọi hạn chế xuất khẩu khí đốt

Lãnh đạo cơ quan năng lượng của hai bang đông dân nhất Australia là New South Wales và Victoria đã lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất khí đốt của nước này cần ưu tiên cung cấp cho thị trường nội địa nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho các năm 2023 và 2024.
Xuất khẩu LNG
 Australia hiện là quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và là đối tác cung cấp LNG chính cho hàng loạt quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan... (Ảnh: The Canberra Times)

Những lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) kêu gọi Chính phủ Australia cần bảo đảm nguồn cung khí đốt trong nước và hạn chế xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) với dự báo khu vực bờ Đông Australia có thể thiếu hụt tới 56 petajoule (tương đương 13 triệu tấn) khí đốt trong năm 2023. Khu vực bờ Đông Australia là nơi tập trung hàng loạt thành phố lớn nhất nước này như Sydney và Canberra.

“Để bảo vệ an ninh năng lượng ở bờ Đông, chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên khởi động Cơ chế An ninh khí đốt nội địa Australia (ADGSM). Chúng tôi cũng kêu gọi mạnh mẽ các nhà xuất khẩu LNG ngay lập tức tăng cung cấp cho thị trường nội địa”, Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb nói.

Cơ chế ADGSM của Australia sẽ không cho phép các nhà sản xuất khí đốt tại nước này được xuất khẩu LNG nếu thị trường nội địa rơi vào tình trạng thiếu hụt khí đốt. Australia hiện là quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và là đối tác cung cấp LNG chính cho hàng loạt quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan... 

Bộ trưởng Tài nguyên Australia ông Madeleine King hiện đang xem xét có nên hạn chế xuất khẩu của các nhà máy LNG đặt tại bờ Đông nước này hay không, các nhà máy này do những tập đoàn năng lượng lớn như Shell Plc, ConocoPhillips và Santos Ltd vận hành.

Trong ngày 12/8 vừa qua, các quan chức phụ trách năng lượng của các bang tại Australia đã thảo luận lần thứ hai với Bộ trưởng Năng lượng Australia ông Chris Bowen về vấn đề nguồn cung khí đốt và các biện pháp cải cách thị trường năng lượng nước này sau cuộc khủng hoảng khí đốt và năng lượng hồi tháng 6.

Tại cuộc họp, các quan chức đã nhất trí tăng cường quyền hạn cho Cơ quan vận hành thị trường năng lượng Australia để bổ sung dự trữ khí đốt tại các kho chứa chưa được lấp đầy trước mùa Đông năm 2023 và yêu cầu cơ quan này xây dựng một kế hoạch chuẩn bị năng lượng vào mỗi mùa Đông để xác định sớm các nguy cơ dẫn đến khủng hoảng năng lượng.

Bà Lily D'Ambrosio, người đứng đầu cơ quan năng lượng bang Victoria, cho biết Australia đang sản xuất dư thừa lượng khí đốt nếu so với nhu cầu trong nước nhưng nước này lại xuất khẩu quá nhiều nên thị trường nội địa rơi vào khủng hoảng.

Trong khi đó, ông Matt Kean, người phụ trách cơ quan năng lượng bang New South Wales, nhấn mạnh điều cần làm hiện nay là ưu tiên khí đốt khai thác tại Australia cho thị trường nội địa thay vì  để cho các công ty xuất khẩu và kiếm lợi nhuận.

Theo giới phân tích, nếu cơ chế ADGSM được Chính phủ Australia kích hoạt, áp lực giá cả sẽ gia tăng đối với những nước nhập khẩu LNG trong khu vực châu Á, đặc biệt là đối với các quốc gia không mua được LNG theo hợp đồng dài hạn với Australia mà phải mua LNG trên thị trường giao ngay.

Phần lớn khí đốt cung cấp cho vùng bờ Đông của Australia là khí đốt được sản xuất bởi các công ty xuất khẩu LNG ra các nước châu Á-Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác. Hiện nhiều quốc gia châu Âu và châu Á đang cạnh tranh quyết liệt để thu gom các lô LNG có sẵn trên thị trường giao ngay nhằm đảm bảo cho nhu cầu năng lượng mùa Đông tới đây.  

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường hàng hoá S&P Global Platts (Anh), chỉ số giá khí đốt cho thị trường Hàn Quốc - Nhật Bản (JKM) hiện đã tăng gần 80% kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2, chỉ số JKM thường được xem là thước đo diễn biến giá khí đốt tại châu Á.

Tường Vy