Hành vi đầu tư của các doanh nghiệp ở các quốc gia châu Á dưới tác động của hạn chế tài chính - Hướng tiếp cận mô hình hồi quy chuyển tiếp trơn dạng bảng

THS. HỒ THU HOÀI(1) - TS. NGUYỄN THỊ UYÊN UYÊN(1) - TS. TỪ THỊ KIM THOA(1) ((1)Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh()

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở khai thác dữ liệu của 6.622 công ty niêm yết phi tài chính, phi công ích tại 6 thị trường mới nổi và 5 thị trường cận biên châu Á theo phân loại của chỉ số Dow Jones trong giai đoạn 2007 - 2015 bằng cách áp dụng mô hình hồi quy chuyển tiếp trơn dạng bảng (PSTR). Bài nghiên cứu trưng ra bằng chứng cho thấy, có sự hiện diện của tình trạng hạn chế tài chính ở khu vực châu Á và các doanh nghiệp tại những thị trường cận biên lại có nguy cơ phải đối diện với tình trạng hạn chế tài chính nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp ở những thị trường mới nổi, được thể hiện thông qua độ nhạy cảm đầu tư - dòng tiền cao hơn. Đồng thời, tác động của tình trạng hạn chế tài chính đến phương thức tài trợ đầu tư của các doanh nghiệp châu Á là không đồng nhất giữa các doanh nghiệp tại những nhóm thị trường khác nhau. Các doanh nghiệp tại những thị trường mới nổi sử dụng một tỷ trọng nợ dài hạn cao hơn để theo đuổi các mục tiêu đầu tư so với những doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường cận biên.

Từ khóa: châu Á, đầu tư, hạn chế tài chính, phương thức tài trợ, PSTR.

1. Đặt vấn đề

Quyết định đầu tư của các công ty không chỉ phụ thuộc vào khả năng sinh lợi của các cơ hội đầu tư mà còn phụ thuộc vào chi phí sử dụng vốn, chịu ảnh hưởng bởi sự sẵn có của nguồn tài trợ nội bộ và khả năng tiếp cận với các nguồn tài trợ bên ngoài của các công ty. Nếu như khả năng huy động nguồn tài trợ bên ngoài của các công ty bị hạn chế thì việc thực hiện các cơ hội đầu tư chủ yếu sẽ phải dựa vào nguồn tài trợ nội bộ. Từ các bằng chứng thực nghiệm cho thấy, tình trạng bất hoàn hảo thông tin trên thị trường vốn cổ phần và thị trường tín dụng đã dẫn đến sự khác biệt trong chi phí sử dụng vốn của nguồn tài trợ nội bộ và chi phí sử dụng vốn của các nguồn tài trợ bên ngoài. Trong khi đó, thực tế cho thấy, phần lớn các quốc gia trong khu vực kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam đang phải đối diện với trạng thái đóng cũng như tình trạng bất hoàn hảo trên thị trường vốn, để từ đó có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và huy động các nguồn tài trợ từ các thị trường vốn. Nói cách khác là các doanh nghiệp của các quốc gia thuộc khu vực này có thể đang phải đối mặt với tình trạng hạn chế tài chính, để từ đó gây khó khăn cho việc thực hiện các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.

Đã có không một số nghiên cứu quốc tế cung cấp bằng chứng thực nghiệm về sự hiện diện của tình trạng hạn chế tài chính đối với các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia phát triển, như: Mỹ (Fazzari và cộng sự, 1988), Anh (Guariglia, 2008), Ý (Schiantarelli và Sembenelli, 1996), Đức (Elston và Albac, 1995); ở các quốc gia châu Á như Nhật Bản (Hoshi và cộng sự, 1991), Indonesia (Agung, 2000), Hàn Quốc (Laeven, 2002; Koo và Maeng, 2005), Malaysia (Ismail và cộng sự, 2010; Chu và cộng sự, 2015),... Tác động tiêu cực của các bất hoàn hảo thị trường vốn lên đầu tư tư nhân và của tình trạng hạn chế tài chính bên ngoài đến việc thực hiện quyết định đầu tư của các doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển đã trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính. Trong khi đó, theo tìm hiểu của nhóm nghiên cứu, cũng nghiên cứu về chủ đề này cho mẫu lớn các quốc gia châu Á, mà trong đó có cả Việt Nam hiện nay vẫn chưa có tác giả nào nghiên cứu. Đó là những lý do để nhóm nghiên cứu chọn thực hiện nghiên cứu này. Bài nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động không đồng nhất của tình trạng hạn chế tài chính đến hành vi đầu tư thông qua mức đầu tư và phương thức tài trợ đầu tư của các doanh nghiệp tại khu vực châu Á có chu kỳ kinh tế vĩ mô, các điều kiện hạn chế tài chính khác nhau. Điểm khác biệt cũng là điểm mới của nghiên cứu này so với kết quả nghiên cứu của Ameer (2014a) là nhóm tác giả sẽ cung cấp các bằng chứng tổng quát và cập nhật hơn trong việc đánh giá tác động của tình trạng hạn chế tài chính đến hành vi đầu tư của các doanh nghiệp trên quy mô các nhóm thị trường thay vì từng quốc gia trong giai đoạn 2007 - 2015. 

2. Tổng quan các nghiên cứu trước đây về ảnh hưởng của hạn chế tài chính đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp

Trong một thị trường vốn hoàn hảo, tình hình tài chính của doanh nghiệp không hề tác động đến các quyết định đầu tư thực (Modigliani và Miller, 1958). Tuy nhiên, cấu trúc tài chính sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của những doanh nghiệp vận hành trong một thị trường vốn bất hoàn hảo (Ameer, 2014a). Một trong những hệ quả tất yếu của các bất hoàn hảo trên thị trường vốn là tình trạng hạn chế tài chính của doanh nghiệp, biểu hiện qua việc chi phí sử dụng vốn của nguồn tài trợ bên ngoài cao hơn so với chi phí sử dụng vốn của nguồn tài trợ nội bộ.

Khi đối mặt với hạn chế tài chính, việc thiếu hụt nguồn tài trợ sẽ khiến quyết định đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền phát sinh nội bộ. Trong trường hợp doanh nghiệp bị hạn chế tài chính bên trong, dòng tiền nội bộ bị thiếu hụt so với nhu cầu chi tiêu, sau khi trang trải cho nhiều mục đích, hiển nhiên chi tiêu đầu tư sẽ bị giới hạn. Cùng với đó, do thị trường vốn là không hoàn hảo, doanh nghiệp lại phải đối diện thêm với tình trạng hạn chế tài chính bên ngoài. Nếu các cơ hội đầu tư được đánh giá là có tỷ suất sinh lợi cao hơn so với chi phí sử dụng vốn bình quân khi kết hợp nguồn tài trợ bên ngoài với nguồn tài trợ nội bộ, doanh nghiệp có thể lựa chọn gia tăng nguồn tài trợ bên ngoài. Tuy nhiên, lúc này những lợi ích mà các cơ hội đầu tư mang lại cho doanh nghiệp cũng giảm đi đáng kể so với khi chúng được tài trợ hoàn toàn bằng nguồn ngân sách nội bộ do chi phí sử dụng vốn của nguồn tài trợ bên ngoài cao hơn đáng kể. Nghiêm trọng hơn nữa, doanh nghiệp thậm chí không thể tiếp cận đến các nguồn tài trợ bên ngoài và buộc phải từ bỏ các cơ hội đầu tư.

Không chỉ dừng lại ở những mô hình lý thuyết, các tác động của tình trạng hạn chế tài chính đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bắt đầu được nghiên cứu trên cơ sở thực nghiệm kể từ sau công trình của Fazzari và cộng sự (1988), trong đó tình trạng hạn chế tài chính được đo lường thông qua độ nhạy cảm đầu tư - dòng tiền. Theo Fazzari và cộng sự (1988), với sự hiện diện của tình trạng hạn chế tài chính, một sự gia tăng bất thường trong dòng tiền, dù không phản ánh bất kỳ thông tin mới nào về khả năng sinh lợi và các cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, cũng sẽ dẫn đến việc gia tăng chi tiêu đầu tư (Bond và Van Reesen, 2007). Có thể hiểu rằng, khi dòng tiền nội bộ được cải thiện, doanh nghiệp sẽ ngay lập tức theo đuổi những cơ hội đầu tư đã bị trì hoãn từ trước. Chính vì các lý do nêu trên, với những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường vốn bị hạn chế, đầu tư dường như sẽ nhạy cảm quá mức với các biến động trong dòng tiền (Gilchrist và Himmelberg, 1995).

Không chỉ dừng lại ở quy mô doanh nghiệp, mối liên hệ giữa tình trạng hạn chế tài chính và hoạt động đầu tư còn khác nhau ở quy mô từng quốc gia, từng thị trường. Tại những quốc gia đang phát triển, tình trạng hạn chế tín dụng do các bất hoàn hảo trên thị trường vốn là một đặc trưng nổi bật. Các bất hoàn hảo trên thị trường tín dụng ngăn cản doanh nghiệp vay mượn ở mức mong muốn để thực hiện các cơ hội đầu tư (Stiglitz và Weiss, 1981). Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, tại những quốc gia có thị trường tài chính kém phát triển, tác động của tình trạng hạn chế tài chính đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp lại càng nghiêm trọng.

Tóm lại, một khi tồn tại tình trạng hạn chế tài chính sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải từ bỏ các cơ hội đầu tư vì không có đủ năng lực tài trợ, khiến cho hoạt động đầu tư nhạy cảm hơn với những biến động trong dòng tiền cũng như chu kỳ kinh tế và bóp méo khuynh hướng đầu tư của doanh nghiệp về phía những cơ hội đầu tư có thời gian thu hồi vốn ngắn, tính thanh khoản cao, tạo ra dòng tiền an toàn. Hơn thế nữa, các tác động này được cho là có sự khác nhau giữa từng doanh nghiệp, từng thị trường và biến thiên theo thời gian. Tính tiêu cực nêu trên khiến cho tác động của tình trạng hạn chế tài chính đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trở nên đáng được quan tâm và tập trung nghiên cứu.

3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

3.1. Dữ liệu

Với mục tiêu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động không đồng nhất của tình trạng hạn chế tài chính đến hành vi đầu tư thể hiện ở mức đầu tư và phương thức tài trợ đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực châu Á, nghiên cứu này sử dụng dữ liệu của 6.622 doanh nghiệp ở 11 quốc gia liên tục trong giai đoạn 2007 - 2015, gồm 37.270 quan sát doanh nghiệp - năm.

Bài nghiên cứu thực hiện phân loại mẫu dữ liệu thành 2 nhóm doanh nghiệp, gồm:

- Nhóm doanh nghiệp hoạt động tại các thị trường cận biên gồm các quốc gia: Bangladesh, Kazakhstan, Pakistan, Sri Lanka, Việt Nam.

- Nhóm doanh nghiệp hoạt động tại các thị trường mới nổi gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan.

So sánh sơ bộ về tỷ trọng, mẫu thị trường cận biên chỉ chiếm 14,23% mẫu toàn bộ. Ngược lại, mẫu thị trường mới nổi chiếm đến 85,77%. Điều này phản ánh một thực tế khách quan là thị trường chứng khoán tại các quốc gia mới nổi đã hình thành từ sớm hơn, với số lượng các doanh nghiệp niêm yết cao hơn và công bố thông tin tài chính đầy đủ hơn đáng kể so với các thị trường cận biên. Dựa vào bằng chứng trực quan về sự tiến bộ của các thị trường mới nổi, bài nghiên cứu kỳ vọng tình trạng hạn chế tài chính ở các thị trường mới nổi sẽ ít nghiêm trọng hơn so với các thị trường cận biên.

3.2. Mô hình nghiên cứu (Bảng 1)

Để trả lời cho câu hỏi có tồn tại hay không sự khác biệt trong mức độ hạn chế tài chính tại những thị trường khác nhau ở châu Á, bài nghiên cứu sử dụng mô hình (1):

FL(s,γ,c) - Hàm chuyển tiếp: Nội dung của hàm này sẽ được trình bày chi tiết ở phần Phương pháp nghiên cứu bên dưới.

Bảng 1. Mô tả biến

Biến

Ý nghĩa

Cách tính

Nguồn tham khảo

Kỳ vọng

I

Tổng đầu tư vào tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình

 

Firth và cộng sự (2012)

 

CF

Dòng tiền

 

Cleary (2006), Castro và cộng sự (2015)

+

S

Tổng doanh thu

S(t) = Doanh thu (t)

Hsiao và Tahmiscioglu (1997), Hu và Schiantarelli (1998)

+

D

Tổng nợ dài hạn

 

Whited (1992) và Hennessy (2004)

U

Q

Tỷ số Tobin’s Q

 

Hubbard, 1998

+

K

Giá trị sổ sách ròng của TSCĐ hữu hình đầu kỳ

 

Firth và cộng sự (2012), Ameer (2014a)

 

3.3. Phương pháp nghiên cứu

Xem xét phương trình cấu trúc đơn giản của mô hình PSTR như sau (trường hợp có 1 biến chuyển tiếp và 1 tham số định vị, tương ứng với 2 trạng thái):

4. Kết quả nghiên cứu

Bảng 2. Mô tả thống kê

Nhóm thị trường

Mean

Std

Min

Max

N

Toàn mẫu - 37.270 quan sát doanh nghiệp - năm

I

0.2671

0.8638

-1

30.7707

37270

CF

0.2537

1.3239

-97.889

60.0175

37270

D

0.5974

0.9556

0

19.9557

37270

S

5.2679

9.4373

0

196.753

37270

Q

4.1110

7.2855

0

94.7975

37270

Cận biên - 5.305 quan sát doanh nghiệp - năm

I

0.3188

0.8905

-0.9959

25.5977

5305

CF

0.4655

1.4238

-8.0391

60.0175

5305

D

0.3875

0.8839

0

19.9557

5305

S

7.0439

15.1661

0

196.753

5305

Q

3.5488

7.1469

0

94.7975

5305

Mới nổi - 31.965 quan sát doanh nghiệp - năm

I

0.2585

0.8589

-1

30.7707

31965

CF

0.2186

0.2186

-97.889

33.3884

31965

D

0.6322

0.6322

0

8.04445

31965

S

4.9732

8.0663

0.0010

99.2809

31965

Q

4.2044

7.3041

0.0122

73.7928

31965

Bảng kết quả mô tả thống kê (Bảng 2) cho thấy, không có nhiều khác biệt giữa các biến của nhóm mẫu thị trường mới nổi và nhóm mẫu toàn bộ. Điều này được lý giải là do nhóm mẫu thị trường mới nổi chiếm đến 85,77% số lượng quan sát doanh nghiệp - năm của nhóm mẫu toàn bộ, trong khi nhóm thị trường cận biên chỉ chiếm có 14,23%. Sự khác biệt chủ yếu tồn tại giữa 2 nhóm thị trường cận biên và thị trường mới nổi.

Trước hết, kết quả mô tả thống kê cho thấy doanh thu trung bình và dòng tiền trung bình của các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường cận biên cao hơn doanh thu trung bình và dòng tiền trung bình của các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường mới nổi cũng có xu hướng sử dụng cấu trúc vốn thâm dụng nợ cụ thể là nợ dài hạn nhiều hơn (63,22%) những thị trường cận biên (38,75%). Điều này cho thấy, với các điều kiện thuận lợi hơn, các doanh nghiệp tại những thị trường mới nổi đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn tài trợ tín dụng.

Về biến Q, trung bình của biến Q với mẫu thị trường mới nổi (4,2044) cao hơn nhiều so với mẫu thị trường cận biên (3,5488). Chứng tỏ với năng lực quản trị doanh nghiệp tốt hơn, thông tin tài chính minh bạch hơn của thị trường là lý do khiến nhà đầu tư đánh giá cao giá trị chứng khoán của các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường mới nổi.

Tỷ lệ chi tiêu đầu tư trung bình vào tài sản cố định hữu hình của những doanh nghiệp tại nhóm thị trường mới nổi (0,2585) thấp hơn so với nhóm thị trường cận biên (0,3188). Điều này cho thấy các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường cận biên đã chi tiêu vốn đầu tư nhiều hơn để nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng của thị trường.

Bảng 3. Kết quả mô hình PSTR

 

Toàn mẫu

Cận biên

Mới nổi

Low regime (Small D)

Q (

-0.5029***

-2.3066***

0.0193***

D (

2.8088***

9.7311***

0.0795***

CF (

-2,6816***

-3.6212***

0.2956***

S (

-0.1567***

-0.2918***

0.0347***

Upper regime (Large D)

Q (

1.0812***

4.7389***

-0.0030

D (

-5.4472***

-19.1023

0.0978***

CF (

5.6729

7.4599***

-0.2720***

S (

0.3454***

0.6079***

-0.0268***

 

0.0174***

0.0119***

-0.5562***

c

5.1878

0.7785

5.3492

Adj. R2

0.1377

0.2585

0.1278

N

37270

5305

31965

 

Tiếp theo kết quả hồi quy toàn mẫu và ở nhóm thị trường cận biên, khi mức độ đòn bẩy tài chính thấp (cao), nhóm tác giả tìm thấy mối tương quan âm (dương) giữa đầu tư và cơ hội tăng trưởng. Trong khi ở nhóm thị trường mới nổi, kết quả tìm được hoàn toàn ngược lại. Theo đó, với các công ty hoạt động ở nhóm thị trường mới nổi có mức độ đòn bẩy tài chính thấp hơn hoặc bằng giá trị ngưỡng, cơ hội tăng trưởng và tỷ lệ đầu tư có mối tương quan dương hàm ý rằng, các công ty có nhiều cơ hội tăng trưởng sẽ có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào tài sản cố định hữu hình, vì với đặc thù của các tài sản này sẽ cho phép các công ty dễ dàng thế chấp khi vay nợ nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn tài trợ khi có nhu cầu (Almeida, 2011). Ngoài ra, theo lý thuyết trật tự phân hạng, các công ty sẽ sử dụng các nguồn vốn theo thứ tự ưu tiên, trước hết là lợi nhuận giữ lại thể hiện qua lượng tiền mặt được công ty nắm giữ, kế đến là vay nợ và cuối cùng là tài trợ bằng vốn cổ phần do phát hành mới. Đặc biệt là đối với các công ty phải đối mặt với tình trạng bất cân xứng thông tin, do khó tiếp cận với thị trường vốn bên ngoài nên có thể các công ty hoạt động tại các thị trường mới nổi sẽ không muốn sử dụng tiền mặt dự trữ để tài trợ cho các cơ hội đầu tư hiện tại, đặc biệt là nếu như cơ hội đầu tư này có giá trị thấp. Do đó, nếu công ty không đủ nguồn vốn nội bộ để tài trợ các cơ hội đầu tư hiện tại, công ty sẽ đi vay bên ngoài, nhưng do muốn linh hoạt trong việc đầu tư vào các cơ hội đầu tư trong tương lai, các công ty sẽ đi vay dài hạn thay vì vay ngắn hạn để tránh áp lực phải trả nợ trong thời gian ngắn. Tác động tiêu cực của tình trạng hạn chế tài chính đến hoạt động đầu tư của các công ty có mức độ đòn bẩy tài chính thấp hoạt động tại các thị trường cận biên dường như còn trầm trọng hơn so với các doanh nghiệp hoạt động tại các thị trường mới nổi khi tồn tại mối tương quan âm giữa đầu tư và cơ hội tăng trưởng.

Bài nghiên cứu cũng tìm thấy sự khác biệt trong hệ số hồi quy của biến CF ở cả 2 nhóm thị trường trong trạng thái Lower và Upper. Đối với nhóm thị trường cận biên, nhóm tác giả tìm thấy mối tương quan âm (dương) giữa dòng tiền với đầu tư ở trạng thái Lower (Upper). Ngược lại, nhóm tác giả lại tìm thấy mối tương quan dương (âm) giữa dòng tiền với đầu tư ở trạng thái Lower (Upper) của các công ty hoạt động tại các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, độ lớn của hệ số hồi quy của biến CF (thể hiện độ nhạy cảm dòng tiền - đầu tư) ở thị trường cận biên lớn hơn rất nhiều so với thị trường mới nổi. Với các công ty có mức độ đòn bẩy tài chính cao hoạt động tại các thị trường cận biên, kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động đầu tư của các công ty chủ yếu được tài trợ bằng nguồn tài trợ nội bộ. Hệ số (7,4599) dương và có ý nghĩa rất cao hàm ý rằng, do các bất hoàn hảo của thị trường vốn, chi phí sử dụng vốn của các nguồn tài trợ bên ngoài cao hơn so với chi phí sử dụng vốn của nguồn tài trợ nội bộ, khiến nguồn tài trợ bên ngoài không thể thay thế hoàn hảo cho nguồn tài trợ nội bộ (Bond và cộng sự, 2007). Vì vậy, những công ty có mức độ đòn bẩy tài chính cao, hoạt động đầu tư sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài trợ nội bộ.

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy có tồn tại sự khác biệt trong mức độ hạn chế tài chính ở các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường cận biên và các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường mới nổi, được thể hiện thông qua thước đo độ nhạy cảm đầu tư - dòng tiền. Cụ thể, do mức độ hoàn thiện của thị trường cao hơn, các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường mới nổi ít có nguy cơ phải đối diện với tình trạng hạn chế tài chính hơn so với các doanh nghiệp hoạt động tại những thị trường cận biên. Về phương thức tài trợ cho quyết định đầu tư, các doanh nghiệp châu Á đa phần sử dụng đồng thời cả nguồn tài trợ nội bộ và nguồn tài trợ bên ngoài từ hoạt động vay nợ để thực hiện hoạt động đầu tư. Tại những thị trường mới nổi, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng một tỷ trọng cao hơn trong vay nợ dài hạn để tài trợ cho các quyết định đầu tư. Ngược lại, tại những thị trường cận biên, việc huy động nợ dài hạn để phục vụ cho mục tiêu đầu tư được các doanh nghiệp cân nhắc khá thận trọng khi tỷ trọng nợ dài hạn mà các doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho các quyết định đầu tư là thấp hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agung, J. (2000). Financial constraint, firms' investments and the channels of monetary policy in Indonesia. Applied Economics, 32(13), 1637-1646.
  2. Almeida, H., & Campello, M. (2007). Financial constraints, asset tangibility, and corporate investment. The Review of Financial Studies, 20(5), 1429-1460.
  3. Ameer, R. (2014a). Financial constraints and corporate investment in Asian countries. Journal of Asian Economics, 33, 44-55.
  4. Ameer, R. (2014b). Financial constraints, debt overhang and corporate investment: A panel smooth transition regression approach. Asian Academy of Management Journal of Accounting & Finance, 10(2).
  5. Bernanke, B., & Gertler, M. (1990). Financial fragility and economic performance. The quarterly journal of economics, 105(1), 87-114.
  6. Bond, S., & Meghir, C. (1994). Dynamic investment models and the firm's financial policy. The Review of Economic Studies, 61(2), 197-222.
  7. Campello, M., Graham, J. R., & Harvey, C. R. (2010). The real effects of financial constraints: Evidence from a financial crisis. Journal of financial Economics, 97(3), 470-487.
  8. Castro, F., Kalatzis, A. E., & Martins-Filho, C. (2015). Financing in an emerging economy: Does financial development or financial structure matter?. Emerging Markets Review, 23, 96-123.
  9. Cleary, S. (2006). International corporate investment and the relationships between financial constraint measures. Journal of banking & finance, 30(5), 1559-1580.
  10. Chu, E. Y., Lai, T., & Song, S. I. (2015). Financial Constraints and Corporate Governance in Family Controlled Firms in Malaysia. Available at SSRN 2584301.
  11. Elston, J. A. và Albach, H. (1995), Firm ownership structure and investment: Evidence from Germany Manufacturing, tài liệu chưa xuất bản đã được sự đồng ý của tác giả, IFO Studien Zeitschrift fur Empirische Wirtschaftsforschung.
  12. Fazzari, S., Hubbard, R. G., & Petersen, B. C. (1987). Financing constraints and corporate investment(No. w2387). National Bureau of Economic Research.
  13. Firth, M., Malatesta, P. H., Xin, Q., & Xu, L. (2012). Corporate investment, government control, and financing channels: Evidence from China's Listed Companies. Journal of Corporate Finance, 18(3), 433-450.
  14. Galeotti, M., Schiantarelli, F., & Jaramillo, F. (1994). Investment decisions and the role of debt, liquid assets and cash flow: evidence from Italian panel data. Applied Financial Economics, 4(2), 121-132.
  15. Guariglia, A. (2008). Internal financial constraints, external financial constraints, and investment choice: Evidence from a panel of UK firms. Journal of banking & finance, 32(9), 1795-1809.
  16. Gilchrist, S., & Himmelberg, C. P. (1995). Evidence on the role of cash flow for investment. Journal of monetary Economics, 36(3), 541-572.
  17. Hennessy, C. A. (2004). Tobin's Q, debt overhang, and investment. The Journal of Finance, 59(4), 1717-1742.
  18. Hoshi, T., Kashyap, A., & Scharfstein, D. (1988). Corporate Structure and Investment: Evidence from Japanese Panel Data. MIT Sloan School of Management Working Paper, 2071, 88.
  19. Hsiao, C., & Tahmiscioglu, A. K. (1997). A panel analysis of liquidity constraints and firm investment. Journal of the American Statistical Association, 92(438), 455-465.
  20. Hu, X., & Schiantarelli, F. (1998). Investment and capital market imperfections: A switching regression approach using US firm panel data. Review of Economics and Statistics, 80(3), 466-479.
  21. Hubbard, R. G. (1997). Capital-market imperfections and investment(No. w5996). National Bureau of economic research.
  22. Islam, S. S., & Mozumdar, A. (2007). Financial market development and the importance of internal cash: Evidence from international data. Journal of Banking & Finance, 31(3), 641-658.
  23. Johansen, F. (1994). Investment and financial constraints an empirical analysis of norwegian firms(No. 109). Discussion Papers.
  24. Koo, J., & Maeng, K. (2005). The effect of financial liberalization on firms’ investments in Korea. Journal of Asian Economics, 16(2), 281-297.
  25. Laeven, L. (2002). Financial constraints on investments and credit policy in Korea. Journal of Asian Economics, 13(2), 251-269.
  26. Modigliani Fe Miller, M. (1958). The cost of capital, corporate finance and the theory of investment in “American economic review”. N, 48, 333-391.
  27. Schiantarelli, F. (1996). Financial constraints and investment: methodological issues and international evidence. Oxford Review of Economic Policy, 12(2), 70-89.
  28. Stiglitz, J. E., & Weiss, A. (1981). Credit rationing in markets with imperfect information. The American economic review, 71(3), 393-410.
  29. Whited, T. M. (1992). Debt, liquidity constraints, and corporate investment: Evidence from panel data. The Journal of Finance, 47(4), 1425-1460.

Investment of Asian firms under the impact of financial constraints - A Panel Smooth Transition Regression Model approach

Master. Ho Thu Hoai1

Ph.D Nguyen Thi Uyen Uyen1

Ph.D Tu Thi Kim Thoa1

1University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

This study is conducted with a panel data sample including 6.622 non-financial and non-public listed firms in 6 Asian emerging markets and 5 Asian frontier markets by classification of Dow Jones in the period 2007-2015 using a Panel Smooth Transition Regression Model (PSTR). The study finds out that there is financial constraints in Asia and the investment-cash flows sensitivity reveal that firms in frontier markets are at a higher risk of facing financial constraints than that of firms in emerging markets. In addition, the impacts of financial constraints on the investment level and the financing method of Asian firms vary between firms in different market groups. Speifically, firms in emerging markets use a higher share of long-term debt to pursue investment goals than firms in frontier markets.

Keywords: asia, financial constraints, financing method, investment, PSTR.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]