Hành vi vứt khẩu trang đã qua sử dụng có thể bị phạt đến 7 triệu đồng

Hành vi vứt rác thải sinh hoạt sinh, khẩu trang y tế bừa bãi ở nơi công cộng, không đúng nơi quy định như vỉa hè, đường phố có thể sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 7 triệu đồng.

Dù luật đã quy định như vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng vứt khẩu trang y tế phòng chống dịch Covid-19 ra nơi công cộng vẫn xuất hiện ở nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội. Thực trạng này khiến không ít người lo lắng.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cao từ khẩu trang đã qua sử dụng

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đang trở nên khó lường, vừa qua, Bộ Y tế đã có khuyến cáo việc sử dụng khẩu trang, đặc biệt là các khẩu trang y tế là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh. Do đó, nhu cầu nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế của người dân tăng cao. Ở nhiều nơi, người dân phải chen chúc, xếp hàng để có thể mua được khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, sau khi sử dụng, thay vì vứt tại thùng rác, một số người đã vứt khẩu trang y tế bừa bãi trên đường phố...

Khẩu trang
Khẩu trang vứt bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, việc khẩu trang y tế sử dụng một lần rồi bị vứt ra đường phố không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn là nguồn phát tán, lây nhiễm nhiều loại bệnh tật, trong đó có dịch Covid-19.

Trả lời báo Thanh niên, bác sĩ Trần Văn Ngọc, nguyên Trưởng khoa Nội phổi Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM cho biết khẩu trang chứa vi khuẩn, virus, nấm phát tán ra môi trường, không khí, nước… và xâm nhập vào người xung quanh.

Khẩu trang
Mà còn có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cao

“Không những là virus Covid-19 mà tất cả những loại vi sinh vật khác như vi khuẩn, nấm… từ người bệnh ho hoặc hắt xì hơi lúc bịt khẩu trang nên khi vứt ra mà không bỏ vào thùng rác sẽ phát tán ra môi trường như trôi theo nước, đi vào đất, bay vào không khí thì mọi người xung quanh sẽ hưởng đủ. Virus Covid-19 sẽ xâm nhập vào tất cả các bề mặt của vật dụng và tồn tại kéo dài trong vòng từ 3 -5 ngày ở nhiệt độ từ 10-20 độ C, nếu bị vứt ra ngoài môi trường thì cơ hội phát tán sẽ cao hơn”, bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.

Khẩu trang
Hình ảnh chiếc khẩu trang vứt trên đường phố rất phổ biến

Theo dự báo của Bộ Y tế, với kịch bản dịch bùng phát và lan rộng ở cấp độ 4, nhu cầu khẩu trang cho 5-10% dân số là 2 chiếc/ngày/người thì nhu cầu sẽ lên tới 9,7-19,4 triệu khẩu trang/ngày. Trước mắt, với 5% dân số thì nhu cầu sử dụng sẽ là khoảng 9,7 triệu khẩu trang/ngày.

Chế tài mạnh cho hành vi vứt khẩu trang bừa bãi

Theo quy định của pháp luật, hành vi vứt rác thải sinh hoạt sinh, khẩu trang y tế bừa bãi ở nơi công cộng, không đúng nơi quy định có thể sẽ bị xử phat hành chính.

Cụ thể, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP có quy định về xử phạt đối với vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Khẩu trang
Cần xử lý mạnh tay với hành vi vứt khẩu trang đã qua xử dụng bừa bãi

Tại khoản 1 Điều 20 nêu rõ hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Dù luật đã quy định như vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng vứt khẩu trang y tế phòng chống dịch Covid-19 ra nơi công cộng vẫn xuất hiện ở nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội. Thực trạng này khiến không ít người lo lắng.

Các chuyên gia môi trường cho rằng việc vứt khẩu trang y tế ra nơi công cộng là hành vi cần phải ngăn chặn, xử lý "mạnh tay," bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, mà còn là mối nguy đối với sức khỏe con người.

Nguyên Vỵ