Hấp thụ vốn yếu, ngân hàng nào sẽ có ưu thế cạnh tranh tín dụng những tháng cuối năm?

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 8/2023 hiện cách khá xa với mục tiêu tăng trưởng 14% cả năm nay khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn tương đối yếu.

Hấp thụ vốn yếu, đâu sẽ là lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng?

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng
Tín dụng 8 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 5,3% so với đầu năm và 9.3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. (Ngân hàng Nhà nước, MBS Research)

Tính đến cuối tháng 8/2023, tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chỉ tăng 5,3% so với thời điểm đầu năm, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 14% cho cả năm 2023.

Theo nhận định gần đây của MBS Research, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong phần còn lại của năm 2023 nhờ sản xuất và xuất khẩu bắt đầu có tín hiệu phục hồi trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Đồng thời, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, MBS Research cũng lưu ý rằng, nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi trong năm 2023, do đó dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay của các ngân hàng sẽ thấp hơn các dự báo trước đây.

Vậy đâu sẽ là các ngân hàng có ưu thế cạnh tranh tín dụng trong bối cảnh trên?

Theo các chuyên gia phân tích của MBS Research, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa thật sự khởi sắc, các ngân hàng thương mại đều đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. Do đó, những ngân hàng có chất lượng tài sản ít suy giảm hơn trong giai đoạn 6 tháng đầu năm sẽ có dư địa đẩy tín dụng cao hơn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm nay.

Chi phí vốn các ngân hàng
 Diễn biến tăng/giảm Chi phí vốn (CoF) trong nửa đầu năm 2023 của các ngân hàng thương mại niêm yết so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: BCTC các ngân hàng, MBS Research).

Bên cạnh đó, việc Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực, cho phép các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác từ ngày 01/9/2023, sẽ thúc đẩy xu hướng cạnh tranh lãi suất để thúc đẩy tín dụng giữa các ngân hàng nhưng  không làm tăng trưởng đáng kể quy mô tín dụng của toàn ngành. Vì vậy, những ngân hàng có chi phí vốn tốt hơn sẽ có dư địa mạnh tay giảm lãi suất cho vay đầu ra để thu hút khách hàng hơn, theo nhóm phân tích của MBS Research.

Với những yếu tố tổng hợp trên, MBS Research cho rằng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu VCB – sàn HoSE), Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB, mã cổ phiếu ACB – sàn HoSE), và Ngân hàn TMCP Phương Đông (Ngân hàng OCB, mã cổ phiếu OCB – sàn HoSE) sẽ là những ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng cuối năm nay. 

Xem thêm: "Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng sẽ giảm còn 30% từ ngày 1/10" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngân hàng Vietcombank, ACB và OCB có lợi thế gì?

Đối với Ngân hàng Vietcombank, MBS Research dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của ngân hàng này có thể đạt 9,0%, so với mức 2,7% của nửa đầu năm nay, nhờ nhu cầu tín dụng được cải thiện rõ rệt trong những tháng cuối năm.

Đồng thời, NIM của Ngân hàng Vietcombank được kỳ vọng cải thiện trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023 khi lãi suất huy động đã đạt đỉnh trong quý 1/2023 và nhu cầu tín dụng cải thiện trong nửa cuối năm. Từ đó, đưa NIM cả năm 2023 của ngân hàng này lên mức 3,31%, tăng tới 2 điểm phần trăm so với giai đoạn nửa đầu năm 2023. 

Đáng chú ý, trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng lên thì Ngân hàng Vietcombank đang có chất lượng tài sản tốt, giúp ngân hàng này có bộ đệm dự phòng vững chắc. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Vietcombank tính đến cuối quý 2/2023 chỉ ở mức 0,83%; trong khi đó, tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) lên tới 386%. Điều này giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng đối với Ngân hàng Vietcombank trong nửa sau năm 2023, tạo ra dư địa tăng trưởng lợi nhuận cho ngân hàng này trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu ngân hàng Vietcombank
Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng Vietcombank, ACB, và OCB kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đối với Ngân hàng ACB, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 có thể đạt 12,0%, so với mức 4,9% của nửa đầu năm nay. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng ACB hồi phục tốt khi đạt 4,9% vào cuối quý 2/2023, so với mức -0,6% của cuối quý 1/2023.

NIM của ngân hàng này kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. MBS Research dự báo NIM cả năm 2023 của Ngân hàng ACB đạt 4,18%, tăng 5 điểm cơ bản so với nửa đầu năm nay. 

Đặc biệt, chất lượng tài sản của Ngân hàng ACB tiếp tục nằm trong top các ngân hàng khi không có hoạt động cho vay trái phiếu doanh nghiệp và 95% các khoản cho vay bất động sản đều có tài sản đảm bảo. Tính đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng nằm nhóm thấp nhất toàn hệ thống.

Đối với Ngân hàng OCB, MBS Research dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của ngân hàng này sẽ đạt 12,5% với kỳ vọng mảng cho vay khách hàng cá nhân sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm. NIM của ngân hàng này được dự báo sẽ đạt 4,0% trong cả năm nay.

Đồng thời, chi phí dự phòng của Ngân hàng OCB trong năm 2023 có thể giảm 5,6% với kỳ vọng ngân hàng này sẽ giảm tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng dư nợ xuống còn 0,7% trong năm nay (so với mức 0,9% của năm 2022). Điều này sẽ góp phần thúc đẩy lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Ngân hàng OCB có thể tăng 33,9% so với năm 2022.

Quỳnh Trang